Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Hành động can thiệp nhân đạo với những biện pháp phi quân sự như kinh tế, chính trị, và ngoại giao vẫn đang được thực thi ở cuộc chiến Nga – Ukraine.
Các quan điểm ủng hộ quyền can thiệp nhân đạo (Humanitarian intervention) cho rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, và can thiệp nhân đạo là hành động cần thiết để bảo vệ quyền con người hiệu quả.
Ngược lại, các quan điểm không ủng hộ cho rằng hành động can thiệp nhân đạo vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và nhân quyền, mặc dù nó được tiến hành với mục đích bảo vệ nhân quyền. Hơn thế, trong bối cảnh thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có tiềm lực mạnh về quân sự sẵn sàng lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào nội bộ quốc gia khác, và gia tăng tầm ảnh hưởng của mình.
Việt Nam luôn có cách hiểu riêng cho lợi ích của Đảng
Quan điểm của Việt Nam về can thiệp nhân đạo và trách nhiệm bảo vệ? Câu trả lời là dường như hiện tại, chưa có một ‘văn bản công khai chính thức’ nào thể hiện rõ ràng quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam phản đối hay ủng hộ vấn đề đơn phương can thiệp nhân đạo và trách nhiệm bảo vệ.
Mặc dù vậy, các tuyên bố của Nhà nước có thể cho thấy quan điểm của Việt Nam về hai vấn đề này.
Đối với vấn đề nhân quyền, Việt Nam cho rằng quyền dân tộc và chủ quyền quốc gia là tối cao và bất khả xâm phạm, quyền con người muốn được hiện thực hóa thì trước hết phải tôn trọng quyền dân tộc và chủ quyền quốc gia.
Mặt khác, quan điểm của Việt Nam là việc bảo đảm quyền con người thuộc trách nhiệm của mỗi quốc gia. Điều này đã được quy định rõ trong các văn bản pháp lý quốc tế. Các cơ chế hợp tác để bảo vệ quyền này dù có nhưng cũng không thể nào thay thế được các cơ chế của chính quốc gia đó.
Trong thực tế, trước các báo cáo về nhân quyền tại Việt Nam hàng năm của chính phủ Anh, Mỹ, Việt Nam cùng với một số nước như Cuba, Trung Quốc tích cực lên tiếng phản đối. Bên cạnh đó, trước các xung đột quốc tế diễn ra trong thời gian gần đây, các cơ quan ngôn luận của Đảng và Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng phản đối, với mẫu câu có kết cấu quen thuộc rằng “Dù với bất cứ lý do nào, việc dùng sức mạnh quân sự tiến công là sự xâm phạm một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Ðây là điều không thể chấp nhận được vì tạo tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế. Ðiều đó không phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia”.
Việt Nam không chấp nhận hành động can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia khác dưới lý do nhân quyền và tỏ ra lo ngại rằng nhân quyền sẽ là một cái cớ để các quốc gia mưu đồ xâm lược quốc gia khác như kiểu chiến tranh mà Putin nhân danh ủng hộ sự độc lập của vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại miền đông Ukraine để tấn công luôn cả đất nước Ukraine.
Nga nhân danh bảo hộ quyền tự trị để xâm lược?
Theo đó, “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng có “Tổng thống” là ông Denis Pushilin, được bầu vào năm 2018 sau khi lãnh đạo trước đó là ông Alexander Zakharchenko thiệt mạng trong một vụ nổ tại quán cà phê ở Donetsk. Ông Leonid Pasechnik là “Tổng thống” của “Cộng hòa Nhân dân Lugansk” tự xưng.
Ngày 21-2-2022, ông Pushilin và ông Pasechnik đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai vùng Donetsk và Lugansk là cộng hòa độc lập, với lý do là nhằm ngăn chặn nguy cơ dân thường thiệt mạng, trong đó có công dân Nga đang sống tại các vùng này.
Vậy là nhân danh can thiệp nhân đạo, Tổng thống Putin triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia để nghe ý kiến của các quan chức cấp cao về việc này và sau đó ký sắc lệnh chính thức “công nhận độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk”.
Putin gọi đây là quyết định cần thiết, đã bị trì hoãn từ lâu và tuyên bố tự tin rằng “công dân Nga và toàn bộ các lực lượng yêu nước” ủng hộ quyết định của ông ta. Vậy là cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraine cũng bắt đầu…
Trong chiều ngược lại, các tiêu chí để xem xét xem liệu một cuộc can thiệp quan sự có thể được gọi là “can thiệp nhân đạo” hay không là khá đa dạng, bao gồm: Tình trạng, mức độ vi phạm nhân quyền của quốc gia bị can thiệp; Quy mô của các chiến dịch quân sự thuộc hoạt động can thiệp; Mục tiêu của các hoạt động quân sự can thiệp như hướng vào việc ngăn chặn thảm họa nhân đạo, bảo vệ nhân mạng hơn là việc xâm chiếm lãnh thổ và mở rộng ảnh hưởng của quốc gia tiến hành can thiệp;
Lực lượng quân sự tham gia can thiệp nhân đạo thuộc nhiều quốc gia khác nhau, mang tính đa phương, hay là quân đội của một quốc gia nhất định; Có nhận được sự ủng hộ của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đa phương hay không; Can thiệp vũ lực có phải là biện pháp bắt buộc cuối cùng sau khi những biện pháp phi quân sự khác đã tỏ ra không có hiệu lực hay không…
Với những gì đang diễn ra, cũng như can thiệp nhân đạo, trách nhiệm bảo vệ đang đặt ra các câu hỏi về tính hiệu quả, và đặc biệt là nguy cơ lạm dụng nguyên tắc này vào giải quyết xung đột quốc tế.