VNTB – Cẩn trọng trước khi hưởng ứng kêu gọi kích hoạt lại Công luật 93-559

VNTB – Cẩn trọng trước khi hưởng ứng kêu gọi kích hoạt lại Công luật 93-559

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Một tổ chức có tên “Ban vận động Tuyên ngôn hòa bình” vừa có email gửi đến nhiều cá nhân kêu gọi hưởng ứng “công cuộc Vận động Quốc tế nhằm Quang Phục Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa”.

 

Đây là vấn đề mang tính nhạy cảm chính trị, đặc biệt là trong bối cảnh đang diễn ra xung đột giữa Israel – Hamas, và tai tiếng “Hồ sơ Predator” của Hà Nội.

Trong email gửi ngày 12-10-2023 từ địa chỉ bên gửi được cho là từ một nhà sư ở trong nước, có đoạn viết mang tính kêu gọi như sau:

“Ngày 30 tháng 12 năm 1974, sau các cuộc tấn công không ngừng của lực lượng cộng sản Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội Mỹ và Hành pháp hành Mỹ đã thông qua Đạo luật Công luật 93-559, Mục 34 (b) 4 và 5, nhằm triệu tập lại Hội nghị, buộc các bên tham chiến ngừng tấn công và cố gắng ổn định tình hình bất an địa chánh trị trong khu vực.

Ngày 19 tháng 4 năm 1975, Cộng hòa Pháp, thông qua các nhà ngoại giao của mình, đã đề nghị với Ngoại trưởng của Tổng thống Richard Nixon, ông Henry Kissinger, rằng Hội nghị nên được triệu tập lại do tình hình bất an ngày càng gia tăng trong khu vực và những vi phạm các quyền được cấp trong Đạo luật cuối cùng.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn xâm lược lãnh thổ và cưỡng ép quyền tự quyết về chánh trị của người dân Việt Nam Cộng hòa, vi phạm Hiệp định và những cam kết của họ với cộng đồng quốc tế. Kể từ ngày đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sáp nhập lãnh thổ của nước Việt Nam Cộng hòa để hình thành nên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như ngày nay.

Năm 1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cưỡng chiếm quần đảo Trường Sa, nơi mà cho đến lúc đó vẫn thuộc về nhân dân Việt Nam Cộng hoà.

Từ đó đến nay, người dân miền Nam Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội bày tỏ quan điểm và sự lựa chọn của mình đối với các nhà lãnh đạo cũng như hệ thống chính trị của họ, tất cả đều vi phạm các quyền mà Mục 4 và 5 của Hiệp định đã trao cho người dân miền Nam Việt Nam.

Vì vậy, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, kêu gọi Cơ quan Hành pháp Huê Kỳ thực thi hoặc kích hoạt lại Công luật 93-559 và triệu tập lại Hội nghị Quốc tế Paris về Việt Nam, với sự hỗ trợ của các đồng minh, nhằm ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tình trạng bất ổn hiện nay ở Đông Nam Á Châu” (dừng trích).

Ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch tổ chức “Ủy ban trợ giúp thuyền nhân Việt Nam” (BPSOS) tại Mỹ, có phân tích như sau:

“Đoạn 34 của luật này gồm 2 điểm (a) và (b), cùng bắt đầu với cụm từ “Congress finds that”, nghĩa là “Quốc Hội xét thấy rằng”. Đây là thuật ngữ báo hiệu quan điểm của Quốc Hội. Điểm (b) nhắc đến Hiệp định Paris.

Đại ý, Quốc Hội xét thấy cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt ở Nam Việt Nam và Campuchia không lợi ích cho các bên liên quan và cho nền hoà bình ở Đông Dương và trên thế giới; để giảm bớt nỗi thống khổ cho người dân Đông Dương và đem lại nền hoà bình thực sự tại khu vực này, Quốc Hội hối thúc và yêu cầu Tổng Thống và Ngoại Trưởng thực hiện 5 điều.

Điều thứ 5 là tái triệu tập Hiệp định Paris nhằm bảo đảm việc thực thi đầy đủ.

“Hối thúc và yêu cầu” (urges and requests) mang tính khuyến cáo, chứ không ràng buộc. Xem nguyên bản: https://www.govinfo.gov/content/pkg/STATUTE-88/pdf/STATUTE-88-Pg1795.pdf.

Để so sánh, chúng ta hãy xem Đoạn 3 của cùng đạo luật. Đoạn 3 này cũng có 2 điểm. Điểm (a) khẳng định là cho năm 1975 Hành Pháp không được phép dùng ngân sách ngoại viện để cung cấp phân bón nông nghiệp cho Nam Việt Nam. Điểm (b) khẳng định rằng cho những năm sau đó, Hành Pháp không được chi cho Nam Việt Nam quá 1/3 tổng ngân sách về viện trợ phân bón nông nghiệp cho các quốc gia trên thế giới. Đây là ngôn ngữ mang tính ràng buộc của luật pháp.

Ở đây tôi không bàn đến việc nên hoặc không nên tái hợp Hiệp định Paris và cũng không thẩm định triển vọng tái hợp cao hay thấp, mà chỉ giải thích rằng PL 93-559 không cung cấp căn bản pháp lý cho việc tái hợp ấy” (dừng trích).

Với tư cách một luật sư, người viết bài này cho rằng nếu ai đó ở Việt Nam quyết định hưởng ứng lời kêu gọi kích hoạt lại Công luật 93-559 qua hình thức “đồng ký tên” vào bản danh sách “Bản Kiến Nghị (tiếng Việt) gởi TT, J.BiDen” như email (nêu ở phần đầu bài viết này) đưa ra, hãy hết sức cẩn trọng vì đây có thể là chứng cứ pháp lý để Bộ Công an của Việt Nam quy chụp hình sự vào các “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều luật số 109) – “Tội phá hoại chính sách đại đoàn kết” (điều luật số 116) – “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (điều luật số 117).

Có thể dẫn chứng: thời gian qua hầu hết những người dân đang sống ở Việt Nam đã tham gia “trưng cầu dân ý” – “bầu Đào Minh Quân làm Tổng thống đệ tam Việt Nam cộng hòa” đều bị vướng vòng lao lý với chứng cứ từ bảng danh sách “ghi danh” được gửi – truyền qua các email từ tổ chức này.

“Quyền tự do biểu đạt chính trị, niềm tin tôn giáo” ở Việt Nam, xin lưu ý, đó vẫn buộc trong khuôn khổ của một đơn nguyên chính trị, và mức độ độc tài – chuyên chế – bảo thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam ra sao, đến mức độ nào thì có lẽ ai cũng rõ.

Tham khảo

https://vietnamthoibao.org/vntb-ho-so-hiep-dinh-paris-1973-co-gia-tri-hoi-to/

https://vietnamthoibao.org/vntb-ho-so-predator-co-lien-quan-den-mot-so-nha-bao-doc-lap-o-viet-nam/

https://vietnamthoibao.org/vntb-them-mot-nan-nhan-cua-to-chuc-dao-minh-quan/


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)