VNTB – Cần truy cứu ‘trách nhiệm công vụ’ ông Vũ Đức Đam

VNTB – Cần truy cứu ‘trách nhiệm công vụ’ ông Vũ Đức Đam

 

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Công vụ tắc trách đó của ông Vũ Đức Đam là “Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia”.

 

Một số ý kiến đến từ người dân cho rằng, để TP.HCM xảy ra dịch đến mức nghiêm trọng như hiện tại, lỗi đến từ chính quyền thành phố, từ ông cựu chủ tịch Nguyễn Thành Phong. Dù đúng là có thể lây lan từ nguồn từ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, song, lỗi vẫn là do chính quyền thành phố. Điều đó có đúng hoàn toàn?

Lẽ dĩ nhiên, thoạt nghe qua, cộng thêm vào đó là những gì đã và đang xảy ra hiện tại, lỗi đúng là đến từ chính quyền thành phố. Tuy nhiên, suy cho cùng, chính quyền thành phố thời ông Phong còn làm chủ tịch, cũng khó lòng có thể quản hết mọi thứ. Nhất là với một Hội thánh nằm trong hẻm ở đường Nguyễn Văn Công, Gò Vấp. Ngay cả chính quyền phường còn không nhớ để quản, để xảy ra dịch, nói chi đến chính quyền thành phố với nhiều cái để lo.

Ghi nhận một điều, có lẽ, nhận ra mối nguy hiểm từ sau 30-4, rồi sau đó là rủi ro lớn đến từ cuộc bầu cử toàn dân, chính quyền thành phố đã có nhiều động thái chú ý hơn để phòng dịch. Từ việc chia nhỏ điểm bầu cử ra, hạn chế người dân đông cho đến chú trọng công tác khử khuẩn trước khi cử tri bước vào sân, chuẩn bị tham gia bầu cử.

Song, đó cũng chỉ là phòng dịch. Nhưng quan trọng hơn hết, chính quyền TP.HCM dầu sao đi chăng nữa, trước đây, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong chống dịch quy mô sâu rộng, nhất là đối với dịch lớn như vậy.

Riêng ông Vũ Đức Đam thì khác: Từng giữ vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, những đợt bùng dịch lớn (ca số 17 và ca số 34); ở Đà Nẵng, ở Hải Dương, ở Bắc Giang… có thể nói, trách nhiệm và vai trò của ông Đam là rất lớn. Những đóng góp của ông Đam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ở những nơi ấy là đáng ghi nhận.

Nhưng đối với đợt dịch ở TP.HCM thì không. Là một người kinh nghiệm, từng chắc nịch tuyên bố 10 ngày dập dịch, ông có thể dư sức nhìn ra được rủi ro của ngày 30-4 cũng như bầu cử toàn dân, nhất là khi đó Campuchia đang rối ren bùng dịch. Thay vì tìm cách ngăn chặn trước, đằng này lại không. Để rồi, khi bùng dịch, lại đổ thừa rằng, do dân đi du lịch, đi chơi hay đi về quê…

Ghi nhận từ clip, ông Vũ Đức Đam đã tiếp xúc với F0, tức ông là F1, dù chưa xác minh rõ ràng nhưng cũng nằm trong diện nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm. Thay vì đi cách ly, ông lại đi vòng vòng các tỉnh thành.

Cũng tương tự, là người kinh nghiệm về dịch, ông dư sức hiểu tác hại như thế nào, ảnh hưởng ra sao nếu đem F0 hay F1 cách ly tập trung quá nhiều. Đằng này, vẫn để diễn ra, hậu quả người dân gánh chịu. Rồi bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Hai hành vi trên, xem ra, đang đi ngược lại với hai khoản trong Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007:

“2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm”.

Cộng thêm vào đó, không hạn chế người đi lại trong đợt 30-4 rồi không quyết liệt góp ý dời bầu cử để hạn chế rủi ro, nếu người không biết gì về dịch, có thể chấp nhận. Đằng này với tư cách là một trưởng ban thì…

Và rồi, bây giờ, lại bất chấp tất cả ý kiến từ người dân đến chuyên gia về vấn đề xét nghiệm diện rộng, không góp một ý kiến nào về việc nên dừng xét nghiệm. Nếu đổ lỗi do chính quyền thành phố, vậy chẳng lẽ TP.HCM ‘bắt tay’ Đồng Nai xúi giục Bình Dương (một địa phương đã mở cửa cho dân đi lại) cùng nhau đóng cửa xét nghiệm từ nay đến 30-9-2021?

Nếu nói không lo hết được cho dân nghèo, dân khó khăn, là lỗi đến từ chính quyền thành phố, có thể chấp nhận được. Dù biết rằng, có muốn, có lẽ cũng lực bất tòng tâm khi không chỉ là áp lực về dịch. Thế nhưng, luận công luận tội về những gì đã, đang diễn ra, tin rằng, có lẽ, mọi quyết định không hẳn toàn bộ đến từ chính quyền thành phố.

Dư luận đổ thừa thì ít nhiều có rồi đó, không biết ai sẽ đứng ra nhận công sau khi dịch ổn thôi…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)