Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần truy cứu trách nhiệm không chỉ riêng cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về thủy điện ở miền Trung

Đức Minh

(VNTB) – Vào cuối năm 2013, một vụ việc khủng khiếp mà đã hoàn toàn chìm xuồng là cú xả lũ đồng loạt của 15 nhà máy thủy điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ở miền Trung đã “giết sống” đến năm chục mạng người nghèo nơi rốn lũ.

 

Đầu năm 2018, nhà báo Phạm Chí Dũng đã nêu câu hỏi, “Khi nào Vũ Huy Hoàng sẽ bị bắt?” – bài viết đăng trên VOA tiếng Việt (*). Bài viết của tác giả Phạm Chí Dũng có đoạn:

“Không chỉ tiếp tay phát nát kinh tế, tội lỗi của ông Hoàng còn vượt xa những gì mà báo chí nhà nước “đấu tố” khi gián tiếp gây ra thảm cảnh về xã hội.

Vào cuối năm 2013, một vụ việc khủng khiếp mà đã hoàn toàn chìm xuồng là cú xả lũ đồng loạt của 15 nhà máy thủy điện của EVN ở miền Trung đã “giết sống” đến năm chục mạng người nghèo nơi rốn lũ.

Tất cả đều biết cấp trên trực tiếp của các nhà máy thủy điện là EVN, còn thủ trưởng trực tiếp của EVN là Bộ Công thương. Tuy nhiên, sau vụ “giết sống” trên, nhiều phóng viên báo chí quốc doanh đành nuốt nhục vì bị cơ quan tuyên giáo “chặn họng”. Công lý đã trở nên trơ trẽn nhất khi đã không có bất kỳ một quan chức vô cảm và vô trách nhiệm nào phải đối mặt với vành móng ngựa, mặc dù chính vào lúc người dân chết chìm trong nước lũ xả trắng mênh mông, Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng còn bận “công du” ở nước ngoài mà không phải chịu bất kỳ trách nhiệm hay đặc biệt trách nhiệm hình sự nào”. (hết trích).

Giờ là câu chuyện của tháng 10-2020 cũng ở miền Trung.

Nhà báo Hà Phan, kể: từ 4, 5 năm trước, đã có nhiều ý kiến phản đối việc xây dựng cùng lúc 4 thủy điện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, 3 cái ngay vùng lõi và 1 tại khu phục hồi sinh thái, trong số đó có Rào Trăng 3 vừa gặp nạn khiến đoàn 21 cán bộ chiến sĩ phải vào ứng cứu rồi gặp sạt lở gây thương vong.

Năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ ở tỉnh này. Theo đó, trong số 8 thủy điện ưu tiên đầu tư thì 4 thủy điện là Alin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 nằm trong Khu BTTN (Bảo tồn thiên nhiên) Phong Điền.

Ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc Khu BTTN Phong Điền thời điểm 2017, cho biết TL71 dài hơn 50 km nhưng có đến 25 km qua khu bảo tồn!

Tương tự, cả 4 nhà máy thủy điện trên đều nằm trong Khu BTTN Phong Điền, thuộc vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái. Khoảng 200 ha rừng phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thủy điện!

Và rồi sau khi tang thương của mùa bão lũ 2020 đi qua, người ta sẽ cho biết cả 4 thủy điện nói trên đều được phê duyệt đúng quy trình, đúng quy định và đánh giá các tác động môi trường nghiêm túc. Họ cũng sẽ bảo rằng thiên tai thì làm sao lường hết được, mà không làm thủy điện lấy đâu ra đủ điện cho quốc gia?.

Vâng! lý nào họ cũng đúng chỉ có người chết và mất liên lạc, có thể bị đất đá vùi lấp là tại… Trời mà thôi. Còn dưới đồng bằng họ sẽ lý giải rằng không xả lũ sẽ vỡ đập mà xả lũ “đúng quy trình” thì bao nhiêu con người khốn cùng như thế đấy!

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt và những thảm cảnh hôm nay là hậu quả của ngày hôm qua, khi mà “rừng cơ bản bị phá”, sông suối bị thay đổi dòng chảy, xây dựng vô tội vạ, tiêu xài tài nguyên thiên nhiên hoang phí.

Rất nhiều người trong chúng ta cũng có phần lỗi. Nếu không ngăn cản phản đối, thì cũng im lặng đồng lõa với những kẻ tàn phá thiên nhiên và đồng bào đang phải trả cái giá quá đắt.

Giờ chỉ biết nói rằng, xin hãy nhớ dòng điện mà chúng ta đang dùng có chứa máu, nước mắt, sinh mạng của người dân ở miền Trung.

________________

Chú thích:

(*) https://www.voatiengviet.com/a/vu-huy-hoang-bo-cong-thuong/4198132.html

Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng cần xem lại chính mình…

Phan Thanh Hung

VNTB – Phê duyệt nhanh để… né luật

Phan Thanh Hung

VNTB – Người giao sách cho NXB Tự Do bị nhân viên an ninh tra tấn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo