Lê Tự Do
(VNTB) – Cảnh sát giao thông mặc thường phục: người dân không thể phân biệt đâu là công an thật, đâu là công an giả.
Mới đây, đáng chú ý trong phần tin tức, hôm 21-3, đại diện Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an cho hay, năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc sẽ tập trung xử lý xuyên suốt 5 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Theo đó, CSGT bố trí lực lượng mặc thường phục, tuần tra lưu động, bí mật nắm tình hình để thông báo cho lực lượng công khai kịp thời xử lý người vi phạm sử dụng rượu bia tham gia giao thông.
Thông tin từ báo chí
“Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau; có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân….” (trang thông tin điện tử Công an tỉnh Tiền Giang).
“Chiều 2-11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, đang tạm giữ hình sự đối tượng Lê Thừa Sơn, 48 tuổi, HKTT thôn Trung Tâm, xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để nạn nhân “sập bẫy”, đối tượng thường di chuyển trên xe ô tổ biển số giả (màu xanh) của cơ quan nhà nước, đồng thời “xuất trình” giấy Chứng minh Công an nhân dân giả mang tên Lê Thừa Sơn với cấp hàm đại tá, theo đó đã lừa được 2 nạn nhân để chiếm đoạt số tiền 7 tỷ đồng…” (theo Công an thành phố Đà Nẵng).
“Ngày 26-11, Công an TP.HCM ban hành thông báo về thủ đoạn giả danh lực lượng công an để lừa đảo bằng chiêu thức gọi điện kích hoạt ứng dụng VNeID.
Theo Công an TP.HCM, gần đây xuất hiện thủ đoạn giả danh cơ quan công an gọi điện thoại cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) VNeID giả mạo kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Theo đó, một bộ phận người dân chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan cài đặt app VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử bị các đối tượng gọi điện và gửi đường link qua tin nhắn Zalo, Facebook… yêu cầu truy cập, cài đặt phần mềm “VNeID” giả mạo (có giao diện giống ứng dụng VNeID thật)…” (Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh).
“Cá nhân tôi thì biết công an thường phục không có quyền phạt người dân. Nhưng điều đó không phải ai cũng biết, nhất là đối với những khu vực gọi là vùng quê, càng quê thì càng biết ít hơn. Khi bị thổi dừng xe, xưng danh công an, một số người dân đã khớp rồi. Làm sao có thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả?”, một người dân giấu tên đặt câu hỏi.
Người dân làm sao để nhận biết?
Theo thông tin từ báo chí, trước ý kiến lo ngại việc đối tượng xấu mạo danh cảnh sát giao thông để xử phạt nhằm chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an khẳng định đã có các quy định cụ thể với lực lượng hóa trang tuần tra, kiểm soát.
Trước các băn khoăn, ý kiến trên, Bộ Công an cho hay, Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1-8-2023 của Bộ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Trong đó, Điều 11 đã quy định cụ thể hình thức tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp hóa trang của lực lượng Cảnh sát giao thông, như: các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang; thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang; điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 15 Thông tư 32/2023/TT-BCA, kế hoạch tuần tra, kiểm soát sẽ được Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông phổ biển cho các Tổ viên chứ không phổ biến trực tiếp cho người dân.
Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số/tất cả các hình thức công khai được quy định tại Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA: Đăng Công báo; Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an; Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; Hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân.
Theo đó, mặc dù không thể yêu cầu xem trực tiếp chuyên đề từ CSGT nhưng người dân hoàn toàn có quyền xem kế hoạch tuần tra, kiểm soát, chuyên đề của CSGT thông qua các hình thức công khai nêu trên.
“Điều này nghe thật bất hợp lý. Điểm bất hợp lý thứ nhất, “đã có các quy định cụ thể với lực lượng hóa trang tuần tra, kiểm soát”, đó là quy định đối với lực lượng hóa trang, kiểm soát, trong khi cái người dân thắc mắc là làm sao để phân biệt đâu là công an thật, đâu là công an giả. Ngay cả khi mặc đồng phục, cũng còn khó tin, biết bao nhiêu cảnh báo trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Điểm bất hợp lý thứ hai, chuyên đề được đăng, niêm yết trên công báo rồi trụ sở công an phường gì đó, là người dân, công việc mưu sinh đã chiếm rất nhiều thời gian rồi. Ngay cả những thông báo từ các anh công an khu vực đăng tải trên Zalo, có người xem, cũng có người không có thời gian để xem. Vậy thử hỏi ai rảnh để lên trụ sở công an coi thông báo chuyên đề một cách thường xuyên? Mà nhớ một điều, trụ sở công an chứ không phải quán cà phê. Cứ cho ăn không ngồi rồi đi, ngày nào cũng vác cái mặt mo lên xem thông báo, bà con hàng xóm rồi thậm chí cả mấy ông công an trong phường sẽ nhìn mình bằng ánh mắt gì?
Nồng độ cồn thì còn nhiều điểm bất hợp lý, tôi không đề cập tới. Kiểm soát ma túy thì tốt nhưng việc mật phục như vậy, nó chả ổn tí nào”, một cư dân sống ở TP.HCM chia sẻ những điểm bất hợp lý dưới góc nhìn cá nhân.
Tựu trung lại, có những suy nghĩ để giảm tải thật sự con số tai nạn giao thông là điều tốt. Song, việc hành động cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh để kẻ xấu lợi dụng những điều tốt để biến nó thành công cụ thực hiện cho hành vi phạm pháp của mình.