VNTB – Cao trào nhân bản quốc tế – Lược sử

VNTB – Cao trào nhân bản quốc tế – Lược sử

TS Phạm Đình Bá

 

(VNTB) – Chiến thắng cuối cùng có thể ở trong tầm tay của người đấu tranh trong xã hội dân sự hiện nay tại Việt Nam

 

Cao trào nhân quyền quốc tế hình thành trong chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và phương Tây vào những năm ở thập kỉ 1960. Chiến tranh lạnh đã nâng cao tầm quan trọng của các nỗ lực của công dân nhằm thúc đẩy quyền con người. Những người tham gia vào phong trào đòi nhân quyền trong thời kỳ đó đã chấp nhận rủi ro đáng kể và phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng về hành động đấu tranh của họ. Các nhà hoạt động nhân quyền ở cả hai phía của bức màn sắt nhận thức được rằng việc họ kêu gọi sự chú ý đến các hành vi lạm dụng quyền làm người của chính phủ của họ có ảnh hưởng khá lớn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về trái tim và khối óc của từng cá nhân. Nhưng trong ngữ cảnh nầy, họ phải chịu nhiều nguy hiểm vì chính phủ của nước họ tích cực đàn áp các hoạt động chống đối trong nước. Mặt khác, các đối thủ của các chính phủ nầy cũng có khi đứng về phía họ và lên tiếng bảo vệ họ, tuy rằng những sự việc nầy cũng không có hiệu quả bao nhiêu trên hành vi đàn áp của các chính phủ trong nước họ.

Các tổ chức nhân quyền hàng đầu hoạt động trên toàn cầu, Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ra đời ở các giai đoạn khác nhau của thời kỳ chiến tranh lạnh. Những nỗ lực của các tổ chức nầy và những nỗ lực của các nhà hoạt động nhân quyền trong các nước thuộc khối Liên Xô không chỉ bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chiến tranh lạnh; ngoài ra chúng còn có tác động đến cách mà chiến tranh lạnh diễn ra và cuối cùng làm sao cuộc chiến tranh nầy đã kết thúc.

Vào mùa thu năm 1965, người dân Moscow phát hiện ra rằng hai nhà văn nổi tiếng, Andrei Sinyavsky và Yuli Daniel, đã bị bắt bởi nhà nước Xô viết. Sinyavsky là một nhà phê bình văn học. Daniel là một dịch giả. Theo nhà chức trách, Sinyavsky lấy tên giả là Abram Tertz và Daniel mạo danh là Nikolay Arzhak, những nhà văn có tác phẩm được xuất bản ở nước ngoài dưới những bút danh đó.

Nhiều người Nga lần đầu tiên biết về vụ bắt giữ Sinyavsky và Daniel từ các chương trình phát thanh của phương Tây về Liên Xô. Các chương trình phát sóng đã giúp kích thích những gì có lẽ là cuộc biểu tình nhân quyền đầu tiên kể từ khi chế độ Xô viết ra đời gần nửa thế kỷ trước.

Cuộc biểu tình nầy diễn ra vào ngày 5 tháng 12 năm 1965 tại Quảng trường Pushkin ở Mátxcơva. Ngày nầy rõ ràng đã được chọn vì ngày 5 tháng 12 là Ngày Hiến pháp ở Liên Xô. Các tờ truyền đơn đã được lưu hành bày tỏ lo ngại rằng Sinyavsky và Daniel sẽ bị xét xử bí mật khi hiến pháp Liên Xô bảo đảm quyền của họ phải được xét xử công khai. Vị trí của cuộc biểu tình ở Quảng trường Pushkin đã được chọn vì Pushkin là một trong những nhân vật văn học được tôn kính nhất của Nga.

Không rõ có bao nhiêu người tập hợp để tham gia cuộc biểu tình. Ludmilla Alexeyeva, ở độ tuổi 80 khi tác giả là người đứng đầu các nhà hoạt động nhân quyền Nga, đã chỉ ra rằng Vladimir Bukovsky, một nhà phê bình nổi tiếng về sự đàn áp tâm thần của Liên Xô, “ước tính rằng khoảng hai trăm người tụ tập vào thời gian đã định, nhưng tôi đã ở đó và có vẻ như số lượng người biểu tình ít hơn nhiều. Tuy nhiên, các đặc vụ KGB mặc thường phục và dân quân tình nguyện đã được cử đến nên rất khó để phân biệt ai là ai. . . . Hai mươi người đã bị đẩy vào xe thùng và bị giam giữ. Những người bị bắt, hầu hết là học sinh, được thả sau vài giờ. Họ đã bị trục xuất khỏi các học viện của họ”.

Cuộc biểu tình về vụ khởi tố Sinyavsky và Daniel vào năm 1965 là khởi đầu cho sự nổi lên của phong trào nhân quyền ở các nước thuộc khối Xô Viết. Tuy nhiên, đó không phải là sự khởi đầu của sự bất đồng chính kiến. Các nhà văn như Solzhenitsyn đã xuất bản các bài tường thuật về cuộc đàn áp quyền con người ở Liên Xô. Những nhà văn khác, như Boris Pasternak và Joseph Brodsky, đã xuất bản ở nước ngoài các sách và tài liệu về vi phạm quyền con người ở Liên Xô. Và tất nhiên, đã có những cuộc nổi dậy từ nhiều năm trước đó chống lại sự áp bức của Liên Xô ở Đông Đức, Ba Lan và đáng chú ý nhất là ở Hungary vào năm 1956.

Tuy nhiên, cuộc biểu tình tháng 12 năm 1965 đặc biệt ở chỗ nó là một cuộc tụ họp hòa bình tập trung vào quyền hiến định – quyền công dân phải được xét xử trong một phiên tòa công khai. Cuộc biểu tình nầy đã truyền cảm hứng cho người dân Liên Xô về việc họ tham gia vào các nỗ lực có hệ thống để ghi lại các vụ vi phạm nhân quyền và phổ biến thông tin đó ra quốc tế.

Một đặc điểm khác của cuộc biểu tình ở Quảng trường Pushkin là nó trông giống với các cuộc biểu tình đang diễn ra vào thời điểm đó ở các nước phương Tây, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Đầu những năm 1960 là thời điểm chứng kiến rất nhiều cuộc biểu tình ôn hòa trên đường phố Hoa Kỳ chống lại sự phân biệt chủng tộc. Vào giữa thập kỷ, cũng có nhiều cuộc biểu tình phản đối sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến ở Việt Nam.

Liên Xô đưa tin và truyền thông cho dân họ về các cuộc biểu tình đó ở Hoa Kỳ và về các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở châu Âu. Nhưng các nhà chức trách ở Moscow đã ngỡ ngàng khi khoảng hai trăm công dân của họ sử dụng cùng một phương thức phản đối công khai như vậy về vấn đề quyền làm người trong Liên bang Xô viết.

Cuộc biểu tình ở Quảng trường Pushkin dường như đã đạt được mục đích của nó. Tin tức quốc tế đưa tin về cuộc biểu tình đã kêu gọi sự chú ý đến câu hỏi liệu phiên tòa xét xử Sinyavsky và Daniel có được công khai hay không. Điều đó có thể đã đóng góp một phần vào quyết định bởi nhà nước Xô Viết để xử những nhà hoạt động nhân quyền một cách công khai. Các phiên tòa đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông phương Tây và nhờ vào các chương trình phát thanh của phương Tây, người dân Liên Xô cũng được nghe về quá trình tố tụng. Daniel nhận bản án 5 năm tù và Sinyavsky bị kết án 7 năm.

Bài học từ lược sử – Bây giờ là thời gian của cuộc cạnh tranh hệ thống giữa các nước dân chủ và các nước độc tài toàn trị, đặc biệt là đảng cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Thời điểm nầy có những tương tự với thời điểm đầu của cuộc chiến tranh lạnh. Xã hội dân sự và những người đấu tranh cho quyền làm người ở Việt Nam có thể cũng có cơ hội và gánh chịu những nguy hiểm như những người đấu tranh cho nhân quyền đầu tiên hơn 55 năm về trươc.

Đảng cộng sản của Nguyễn Phú Trọng có thể ngỡ rằng bọn chúng đã chiến thắng toàn diện. Nhưng lịch sử xung đột giữa cộng sản và đấu tranh cho cao trào nhân bản lại trải qua một chu trình mới. Những trang đấu tranh kế tiếp sẽ có thể chỉ ra rằng Trọng và đồng bọn của hắn có thể thắng vài trận nhỏ, nhưng chiến thắng cuối cùng có thể ở trong tầm tay của người đấu tranh trong xã hội dân sự hiện nay tại Việt Nam. Trong cuộc chiến nầy, những người đấu tranh là biểu tượng anh dũng của Trần Hưng Đạo! Ngược lại, Trọng và bè lũ của hắn chỉ là những hình nộm của Lê Chiêu Thống và đồng đảng!

Tài liệu: Neier A. The international human rights movement. Princeton University Press; 2020 Apr 20.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)