VNTB – Câu chuyện về khẩu trang y tế mùa dịch Covid-19

VNTB – Câu chuyện về khẩu trang y tế mùa dịch Covid-19

Ngọc Minh

(VNTB) – Có thể nói, từ hồi Việt Nam xuất hiện con virut cúm Tàu, khẩu trang – đặc biệt là khẩu trang y tế đã trở thành ‘vật bất ly thân’ đối với người Việt khi ra đường.

Hàng loạt những vấn đề, câu chuyện về chiếc khẩu trang như người dân tặng khẩu trang như quà ủy lạo; khẩu trang khan hiếm, nhiều người xếp hàng từ 1 giờ sáng để mua khẩu trang y tế… Trong đó, nổi bật hơn hết và cũng được nhiều người ý kiến nhất, đó là câu chuyện về giá cả của hộp khẩu trang y tế.

Hàng loạt ý kiến cho rằng, nhiều người cố tình mua khẩu trang rồi sau đó găm hàng, khi có dịp, là tung ra bán với cái giá ‘trên trời’. Họ phê phán hành động đó là gian thương, đầu cơ trục lợi…. Điều này không sai nhưng có thể chưa hoàn toàn đầy đủ. Bởi nhiều người quên rằng, những người bình thường vô cớ bị ghép vào hai chữ ‘gian thương’ không thể tự sản xuất khẩu trang, phải phụ thuộc vào cái giá mà phía sản xuất đưa ra. Liệu chăng, có hay không việc tăng giá từ những nguồn F0 này?

“Mình cũng từng là người lấy khẩu trang y tế về bán trực tuyến. Một thùng hàng chất lượng khoản mấy triệu, về bán lời khoản 10.000 đến 15.000 đồng một hộp, miễn phí vận chuyển cho khách luôn, mà còn bị nói này nói nọ. Người mua thì họ đâu có biết cái giá mình mua cũng cao chứ có thấp đâu. Họ chỉ thấy mình bán mắc hơn cái giá trước khi dịch là họ chửi mình. Nỗi oan này có ai thấu chăng”, một bạn trẻ bán khẩu trang y tế trực tuyến chia sẻ.

“Lên các trang mạng xã hội, thấy người ta đăng bài viết chửi mấy người bán khẩu trang. Đúng là có người găm hàng bán mắc thật, nhưng cũng có những người bán đàng hoàng, chỉ lời có một ít thôi. Buôn bán phải cho người ta có lời chứ. Giá cả ở xưởng không nói hen, có khi mình còn phải năn nỉ nó bán cho mình. Lời thì không bao nhiêu mà chúng chửi quá trời”, một bạn sinh viên trải lòng.

“Có những cái chỉ người nhập hàng mới biết. Mình nói ra thì người mua không tin. Họ chỉ thắc mắc là sao cái giá cao quá, cũng mua, rồi lên mạng chửi. Riết rồi cũng mệt, mình không bán nữa”, ông An, một người từng bán khẩu trang y tế hồi đầu mùa dịch cúm Tàu, kể.

“Bữa chuẩn bị dịch là 120.000 đồng. Mắc đó, nhưng nếu tình hình như thế này, nhất là có nhiều ca tử vong rồi, thì chắc là sẽ còn lên nữa. Bên sản xuất họ làm giá, giá bao nhiêu họ nói với mình, mình nhập thì nhập, không thì thôi. Giờ chắc là mình không nhập nữa, mắc quá mà, nếu mình bán cao quá thì bên Sở họ lại xuống phê bình…”, một nhân viên bán hàng ở nhà thuốc tây gần bệnh viện Ung bướu TP.HCM chia sẻ.

Như vậy, nếu nói theo lời của nhân viên bán hàng y tế, có vẻ như việc hết khẩu trang y tế nguyên nhân một phần là do cái giá quá cao. Nếu bán giá như cũ ở lô hàng còn tồn, thì khi sang lô mới mà vẫn giữ giá vậy, lỗ là đương nhiên. Còn bán để có lời như lâu nay thì lại dễ bị mấy ông quản lý thị trường xé biên lai xử phạt. Đằng nào cũng thiệt hại, không nhập hàng là giải pháp tình thế phù hợp.

“Nhìn chung trong mùa dịch thì cái giá trăm mấy, với tôi thì cũng có thể chấp nhận được. Tại vì mùa dịch mà, hàng có khi không có. Như hồi trước, đi quá trời cửa hàng thuốc tây, dụng cụ y khoa cũng có đâu. Thành ra để bảo vệ sức khỏe, cái giá đó thì cũng được”, ông Lộc, một người dân nhận xét về giá của một hộp khẩu trang y tế.

Có vẻ như câu chuyện về giá cả của hộp khẩu trang y tế thật nhiều màu sắc, có tối có sáng. Dẫu biết rằng, có lẽ, không phải cơ sở sản xuất nào cũng nằm trong những ‘than phiền’ nói trên, thế nhưng, có những cái tưởng chừng như đã rõ trắng đen nhưng chưa chắc là vậy. Và đâu là cái đúng cái sai, thôi thì tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người vậy…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)