VNTB – Cây gậy và củ cà rốt

Phương Thảo (VNTB) Chuyến đi của ông Phúc chỉ chính thức được báo chí Mỹ và quốc tế đưa tin vào ngày 31/05/2017 tức ngày có cuộc hội đàm Trump-Phúc mà không rào rào như báo chí trong nước. Cuộc đón tiếp tại sân bay chỉ toàn các quan chức Việt nam ra đón tại một nhà chứa máy bay – hangar – của New York, buổi đón tiếp tại Washington cũng chỉ có Đại sứ Ted Osius và đại diện Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cho thấy sự thiệt thòi của một nước yếu.

Năm 2004, trong chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ với khái niệm “cộng tác”. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2010 đã dẫn đến việc thành lập các cuộc đối thoại về chính trị và an ninh mới – cuộc đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam.
Trong khi đó cuộc gặp riêng với tổng thống Trump trong vòng 15 phút vào ngày 31 tháng 5 năm 2017 đã không đem lại hiệp định song phương hay tuyên bố chung đáng chú ý nào để ông Phúc có thể tự hào mang về như những người tiền nhiệm ngoài việc “ Việt nam đầu tư vào Mỹ” với các đơn hàng của Vietjet có giá trị 4,7 tỷ đô la , FPT, PetroVietnam với 600 triệu, Tập đoàn Phú Cường 2 tỷ, Tập đoàn Tin Thanh 3 tỷ… Tổng cộng tất cả lên đến 15 tỷ đô la.
Với các hợp đồng này, ông Phúc đã không chỉ làm đúng lời hứa trước khi lên đường sang Hoa kỳ mà còn biết nói ra điều Trump muốn nghe: “ nhập khẩu nhiều sản phẩm có giá trị cao nhằm tạo ra việc làm cho người Mỹ” cũng như cho thấy nhà cầm quyền Việt nam cũng biết sợ “cây gậy” đánh thuế vào hàng nhập khẩu mà Trump mang ra đe khi mới nhậm chức. 
Tổng Thống Donal Trump đã hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp tại Nhà Trắng vì đã tạo “ thêm việc làm ở Mỹ” và “ đem lại trang thiết bị tốt cho Việt nam.”
Những lời khen ngợi của Trump rằng “Thủ tướng chính phủ đã làm một việc ngoạn mục ở Việt nam, dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại và các lĩnh vực khác” đã làm cho ông Phúc hồ hởi dù rằng trong một cuộc họp với giới kinh doanh Mỹ thủ tướng đã cố chứng tỏ một cách thiếu khôn ngoan rằng dù cho Mỹ vẫn hưởng lợi nhiều hơn cho dù có nhập siêu từ Việt nam qua phần lợi nhuận 22% mà Việt nam hưởng được khi gia công một đôi giày Nike.
Mỹ đã không trao cho ông Phúc một hiệp định song phương nào để mang về nhà ngoài những tuyên bố chung vẫn rất chung chung và Việt nam tiếp tục “xin” được Mỹ công nhận “ quy chế thị trường” cho Việt nam.
Ông Phúc và đoàn tuỳ tùng chi mạnh tay, trong khi ở nhà cũng trong thời gian đó, hết ông Chủ tịch nước đến bà Chủ tịch Quốc hội đã lên tiếng nhờ Hoàng hậu Hà lan- Đặc phái viên của Liên hiệp quốc “giúp Việt Nam huy động các nguồn lực tài chính và kỹ thuật từ Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác để hỗ trợ Việt Nam xây dựng và ban hành Chiến lược tài chính toàn diện” hòng cứu vãn cho một hệ thống tài chính trong một thị trường không giống ai. 
Tổng thống Trump cũng đã không có một lời nào đề cập đến vấn đề nhân quyền tại Việt nam mà giới đấu tranh đang mong đợi. Cho dù đã có sự lên tiếng của các Nghị sỹ Mỹ về tình trạng nhận quyền tồi tệ tại Việt nam với việc bắt giam lần lượt các bloggers đấu tranh ôn hoà vì môi trường, cho đến những trường hợp bị đàn áp vì tôn giáo. Thay vào đó, theo lời của nhân viên Nhà trắng thì Tổng thống Trump không muốn công khai bàn luận đến các vấn đề này.
Đây là điều không có gì ngạc nhiên khi ai cũng biết rằng Tổng thống Trump không đặt nặng vấn đề về nhân quyền ngay từ khi nhậm chức và đó là một ông Trump luôn ngưỡng mộ những “nhà lãnh đạo mạnh mẽ” như Putin của Nga, Abdel Fattah al-Sisi của Ai cập, Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ , và Rodrigo Duterte của Philippines. 
Điều này thể hiện rõ việc gia tăng đàn áp nhân quyền trong nước trong thời gian qua và không có một tù nhân bất đồng chính kiến nào được thả ra để làm quà chào sân cho người Mỹ để đổi lấy các hiệp định thương mại. 
Giới dân chủ giờ có lẽ phải nhờ đến sự can thiệp, và áp lực mạnh mẽ hơn của cộng đồng Âu châu – một cộng đồng vẫn luôn đề cao các giá trị nhân bản lâu đời và cũng là một thị trường lớn của Việt nam – đối với nhà cầm quyền bên cạnh sự hẫu thuẫn của các Nghị Sỹ Mỹ. 
Còn với Trump, một người chỉ nói chuyện tiền nong, có qua có lại một cách sòng phẳng, để Việt nam có thể được “lại quả” củ cà rốt Mỹ – được tiếp tục cho nhập siêu vào Mỹ, có được “ quy chế thị trường” để tránh bớt phụ thuộc kinh tế quá nhiều vào Trung quốc- Hà nội có thế đưa tặng cho Washington củ cà rốt mà họ lâu nay vẫn luôn muốn có: cảng nước sâu Cam Ranh.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)