Việt Nam Thời Báo

VNTB- ‘Chấm dứt mua lại ngân hàng giá 0 đồng’: Có truy lại trách nhiệm Nguyễn Văn Bình?

Minh Quân
(VNTB) – Từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền cho tới nay, ông Nguyễn Văn Bình vẫn chưa bị truy cứu bất cứ trách nhiệm nào về rất nhiều hậu quả lớn gây ra từ thời ông Bình còn là thống đốc Ngân hàng nhà nước. Không những thế, ông Nguyễn Văn Bình còn lọt vào Bộ Chính trị đảng và trở thành Trưởng ban Kinh tế trung ương.
Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình (trái) cùng Thủ tướng Phúc và Ban Tổ chức trung ương.

Ngân hàng nhà nước, vào thời thống đốc mới là ông Lê Minh Hưng – con trai cựu bộ trưởng công an Lê Minh Hương – sau khi chỉ đạo “cấm đảo nợ” trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, lại vừa có thêm một động thái mới về xử lý tín dụng: Chấm dứt mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng.
Thông tin trên được Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa ra, theo kết luận được thống nhất tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 11/4, với nội dung thảo luận về dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Theo đó, các ngân hàng yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng, sau đó có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.
Có thể cho rằng chỉ đạo trên là một cách “tất toán” đối với di sản của “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” cùng chiến dịch Ngân hàng nhà nước thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình vung tiền mua lại giá 0 đồng dành cho 3 ngân hàng thương mại đương nhiên phá sản là Xây Dựng, Đại Dương và Dầu Khí Toàn cầu.
Cho tới nay, tiền ở đâu để Thống đốc Bình mua lại 3 ngân hàng trên vẫn là một nghi ngờ rất lớn. Nhiều dư luận cho rằng ông Nguyễn Văn Bình đã tham mưu cho thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng để dùng tiền ngân sách – tức tiền đóng thuế của dân – nhằm “hô hấp nhân tạo” cho những ngân hàng thực ra đã chết.
Những quan hệ đen tối
Trong thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được coi như tiến bước vào chu kỳ phá sản từ năm 2014. Ngân hàng Xây Dựng có số lỗ lũy kế trước khi bị mua lại với giá 0 đồng là hơn 18.000 tỷ đồng. Vào tháng Bảy năm 2014, ba quan chức cao cấp của ngân hàng này đã bị khởi tố và bị bắt giam. Ở Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP), số lỗ lũy kế cũng lên đến hơn 12.000 tỷ đồng. Chưa kể Ngân hàng Đại Dương của “tư sản đỏ” Hà Văn Thắm đã bị bắt…
Đến năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng.
Chính vào thời gian đó, bất chấp lối tuyên truyền một chiều về chiến dịch mua lại ngân hàng thương mại với giá 0 đồng của Ngân hàng nhà nước và được giới tuyên giáo trung ương nhiệt tình hỗ trợ, một tờ báo trong nước vẫn nhận định: “Rất khó nhận diện ngân hàng 0 đồng bởi nhiều ngân hàng không công bố số liệu và cũng chưa hẳn công bố chính xác.” Xét về mặt quy mô, hiện nay vẫn còn khoảng 11 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ nhỏ hơn 5.000 tỷ đồng. Bề ngoài có thể “hào nhoáng,” nhưng ẩn sâu trong đó là câu chuyện sở hữu chéo dẫn đến vốn ảo, cho vay “sân sau” với nền tảng nợ xấu lớn. Với bài học của ngân hàng mang vỏ bọc đẹp đẽ Ocean Bank, sẽ không ngạc nhiên khi một ngày đẹp trời nào đó có thêm một ngân hàng được đặt trong tình huống mua lại với giá 0 đồng tương tự”.
Năm 2015, việc Ngân hàng nhà nước quyết định mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng đã khiến nảy sinh mối nghi ngờ rất lớn về những quan hệ đen tối nào đó giữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình với các ngân hàng được không cho phá sản, để sau này nhiều người lại muốn “hồi tố” về động cơ thật sự của ông Nguyễn Văn Bình.
Nhưng từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền cho tới nay, ông Nguyễn Văn Bình vẫn chưa bị truy cứu bất cứ trách nhiệm nào về rất nhiều hậu quả lớn gây ra từ thời ông Bình còn là thống đốc Ngân hàng nhà nước. Không những thế, ông Nguyễn Văn Bình còn lọt vào Bộ Chính trị đảng và trở thành Trưởng ban Kinh tế trung ương.
Những câu hỏi còn lại
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng thông điệp về chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng chỉ là vấn đề câu chữ: “Vậy, nói là chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng nhưng nếu thực hiện mua bắt buộc thì vẫn phải là mua 0 đồng. Còn nếu không mua với giá 0 đồng thì phải điều chỉnh lại là Ngân hàng nhà nước chỉ đứng ra tiếp quản hay nhận chuyển giao, chứ không mua bắt buộc. Ngay khi dùng ngôn từ này thì về thực chất, các cổ đông hiện hữu của tổ chức tín dụng cũng mất quyền cổ đông”.

Liệu có thể hiểu việc “chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng” là sự thể hiện “quyết tâm” của Chính phủ sẽ không dùng tiền ngân sách để đắp vá cho những ngân hàng phá sản? Nếu đúng thế, văn bản của Ngân hàng nhà nước cần phải nói rõ ra điều đó, chứ không thể úp mở câu chữ mà có thể bị một lực lượng tài phiệt nào đó lợi dụng và biến tiền đóng thuế của dân thành “bò lạc”. 

Tin bài liên quan:

VNTB- Bộ Chính trị lấy đâu ra tiền trả nợ cho “con tàu đắm”?

Phan Thanh Hung

VNTB- Cứu một kẻ để hại muôn dân!

Phan Thanh Hung

VNTB- Thất bại của Quốc hội trước sân bay Long Thành

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.