VNTB – Chấm phá đời tôi (08)

VNTB – Chấm phá đời tôi (08)

 

Ngụy Hữu Tâm

 

Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan. 

 

Tôi viết bài này vào những ngày từ cuối tháng chín đến đầu tháng mười. Bắt đầu từ ngày 29/09 là ngày chúng tôi lên đường đi CHDC Đức từ ga Hàng Cỏ trước đây đúng 66 năm, và cũng là lúc tôi viết cuốn Hồi ký này cho dù khi đó chỉ có ý định viết dăm bài mà thôi, nào ai ngờ bạo bệnh ập đến sau Tết nguyên đán là tôi thay đổi hoàn toàn dự định ban đầu. 

Từ lâu Nhóm MaMo do TQT điều hành đã lên kế hoạch ngày này sẽ làm bù năm ngoái do covid không tổ chức được như ý, bởi lẽ ra phải rất hoành tráng vì năm giữa chẵn, 65 năm mà. Còn năm nay 66 năm làm bù cho năm ngoái cũng không thể hy vọng gì nhiều.

Đúng thế, có NNT với vợ đi chơi cả năm từ Đức, Thụy Sĩ về lại Việt Nam, từ SG bay ra, NXH cũng đưa vợ từ SG ra nhưng chỉ đến một mình, Lệ Thu toán 3 cũ cũng từ thành phố ven sông Mosel bay về, nàng già đi nhiều nhưng tôi vẫn nhận ra và khi tôi chào phải đáp lẽ dù chưa chắc đã nhớ ra tôi và nào ai bắt buộc nàng phải nhớ. Nàng bảo ở bên này sông trong khi T Hoàng ở bên kia sông và 2 người đều mở nhà hàng Việt Nam, tôi vốn có đến thăm T Hoàng do Vũ Gôn đưa đến vào dịp 2001 khi tôi sang đại học CAU Kiel do GS Endruweit mời. „Việt kiều yêu nước“ ở Đức về tôi chỉ thấy nàng, người tôi chờ đợi là VV Sơn đáng tiếc không về. Và còn nhiều người khác nữa, số người từ SG ra và từ Đức trở về chắc chắn chẳng bằng mọi năm. 

Dẫu sao  may mắn là cơn bão Nori đổ bộ đất liền Miền Trung không nặng nề như dự báo nên cuộc vui của chúng tôi ít bị ảnh hưởng. Hẹn 9h30 mà tôi tới từ 9h00, sớm cả nửa tiếng và cũng lác đác gần chục người tới. Mọi năm nhiều người đến sớm cả tiếng vì còn phải chuẩn bị tiết mục văn nghệ. Năm nay không có nhưng mọi người đến sớm và đúng 9h30 có lẽ là kết quả của ‚hậu covid’, đi chơi bù cho 3 năm đại dịch cúm Tàu.

Cá nhân tôi đến sớm vì 2 lý do. Một là định xuống nói chuyện với cậu em NHC vì chỉ ít ngày nữa nó đã trở lại Munich, nhưng nó đi đâu từ sớm rồi, chắc cũng phải tranh thủ thời gian cuối. Hai là muốn bán ít cuốn sách, nhưng để lát nữa kể sau, bao nhiêu kinh nghiệm với chuyện bán sách rồi mà không lấy đó làm bài học cay đắng?

Thế là 9h30 cũng có gần đủ số người đến, là ~50-70, phía DAAD, vì tổ chức ở ngôi nhà to đẹp của cơ quan này trong trường đại học BKHN mà. Có trưởng đại diện người Đức – mà hôm trước vừa gặp ở Viện Gớt HN nhân dịp seminar kiêm họp mặt cựu sinh viên DAAD tại đấy – và bà phó người Việt cho ông, ông còn mang theo cả  chồng sách to đùng song ngữ Đức-Việt, giới thiệu các bạn trẻ người Việt thành công vì có học bổng DAAD (mà bản nhân tôi cũng là một minh chứng, ơn Trời! Dù khi đi thì tôi đã…57 tuổi!) Vèo cái sách hết ngay, của cho là của được mà, ông cha ta vốn bảo thế, trong khi sách tôi cứ ở trên bàn, vì là đồ bán.

Thế là bắt đầu buổi họp. TQT lên phát biểu, có nhắc đến các bạn cũ trong năm qua đã ra đi (trong Nam gần chục mà bài trước tôi có nhắc một bạn) mà không kể tên vì toàn trong  Nam (do vùng thiêng nước độc chăng?). Ngoài Bắc không có ai cả, đến tôi u ác thế mà cũng đã vượt qua. T có nêu trong số 350 người thời đó, nay vẫn còn 300, quá nhiều, hệ thống y tế nước ta quá tốt, hay có lẽ đúng hơn: chúng tôi là tầng lớp thượng lưu vốn được xã hội ưu đãi!

Rồi ngay kế đó có ông bạn quý LĐD lên „cướp lời“. May quá, ông ngắn gọn khoe đã được Tổng thống Đức Horst Köhler tặng huân chương vì đã làm đề tài học tập mô hình kinh tế Đức (Ebert thì phải, kinh tế là điểm yếu của tôi, thế cho nên mới có tăng trưởng thần tốc vậy chăng? Ơn Đảng&Bác!). Nực cười nhất là ít phút sau ông lại lên, bảo các bạn hỏi, Đức có cho tiền không, thì ông phản bác ngay, nói làm gì có, chỉ duy nhất huy chương và tấm bằng kèm theo. Ông bạn cứ tưởng chúng tôi ngù ngờ cả, lừa nhau mãi sao được? Người Đức nổi tiếng thực dụng-pragmatique cơ mà?

Sau đó là có anh bạn trẻ vừa sang Đức thực tập vào kho lưu trữ lôi ra được rất nhiều cuốn phim về bọn tôi, học ra sao, đi nghỉ đông trượt tuyết ra sao. Có đoạn đưa ảnh Trương Bình Tâm lên, mong anh còn sống, dù chẳng hy vọng mạnh khỏe trong SG, có bạn nào trong đó biết mà đưa tin thì hay quá! Anh vốn ốm hàng chục năm trong Vũng Tàu mà!

Rồi ca nhạc, các bài hát Đức, mãi cũng nhàm! 

Hơi buồn là tất cả tiếng đồng hồ dùng máy tính chiếu lên màn hình trên tường nên nhờ anh bạn TTC chỉ chiếu một tấm ảnh quảng cáo sách mà anh không làm, từ nay cạch mặt luôn! Đã là bạn bè, nhất là từ nhiều năm thì thế thì quá tệ! Ghen ăn tức ở chăng? Vào dịp lễ như thế này?               

Nói chuyện bán sách, mang đi 28 cuốn, vừa đến nơi gặp LHV là người vẽ bìa tặng một rồi có bạn V cũng đòi tặng nên nể phải làm thế. Còn thì ngồi mãi cả buổi chỉ bán được 4 cuốn, hai cho 2 bạn C và N toán 5 và 6 Maxim, một cho NNK toán 4, và một cho một cho một cô cháu đang học Mỹ thuật ở Berlin về nước chơi mà còn ghé đây mà lại còn quan tâm đến các cô, chú, và mua sách nữa, hết sức đáng nể, và lại còn xin cả số điện thoại và địa chỉ mail để sau này liên hệ nữa cơ.

Chỉ đáng nói là tất cả các bạn toán 9 đều tránh dù tôi đã có nhắc đích danh, thật sự không ngờ! Đành chấp nhận thật sự là như vậy thôi!     

Ngày 30/09 ghé NXB Mỹ thuật chỗ QV để thanh toán tiền in sách thì QV chỉ nhận số tiền anh ứng trước, còn tiền cho BA làm mi trang thì còn để lại, anh bảo anh nói chuyện với bạn đó không lại không tế nhị, bạn đó tưởng bọn mình gây sức ép nhằm trả rẻ, đúng thôi! Vấn đề đề tế nhị mà.      

Ngày 01/10 có cuộc hội thảo, sinh hoạt học thuật của Trung tâm Minh Triết: „Về cội nguồn người Việt và những vấn đề của khoa học nhân văn Việt Nam“ của nhà nghiên cứu lịch sử cổ đại Việt Nam Hà Văn Thùy. Anh là diễn giả nổi tiếng, có nhiều báo cao vì đã nghiên cứu lịch sử cổ đại Việt Nam từ lâu, nhưng rất nhiều ý kiến của anh gây tranh cãi. Ở bài này, tôi đồng ý với anh là còn phải bàn nhiều về các công trình của các nhà khoa học Việt Nam, và càng thấy đúng hơn nữa, khi anh nói nghiên cứu của chúng ta quá hời hợt, cho dù anh nhắc đến tên 2 nhà cổ sinh học Việt Nam, một người là bạn tôi NLC và một người là thầy của anh này, ông chú họ tôi, GS NĐ Khoa, là người được đào tạo bài bản tại Liên Xô về trường ĐHTHHN từ năm 1963, được trường ĐHTH Moscow trao bằng TS, nhưng các kết quả mới chỉ là những bước đầu của nước ta trong lĩnh vực này. Câu hay nhất, „last not least“, của bài mà tôi xin trích dẫn là: „“Phần lớn tác giả trong và ngoài nước không hiểu thông tin này vì vậy, sách của ông (Khoa) hầu như không được trích dẫn“. Và „Công việc trước mắt của trí thức Việt là đoạn tuyệt với khoa học nhân văn sai lầm của quá khứ, từ bỏ mặc cảm học trò-nô lệ, xây dựng nền khoa học nhân văn phương Đông độc lập, tự chủ“.   

Cùng ngày hôm ấy còn có cuộc triển lãm „Khúc vọng xưa“ của họa sĩ Nguyễn Đình Huống. Ông này hơn tôi 8 tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh hơn tôi rất nhiều, thế nhưng các bức tranh của ông ít gây ấn tượng cho tôi, bởi vì theo nhận xét của cá nhân tôi là ít sáng tạo, gây cho tôi cảm tưởng trùng lặp, hay thậm chí na ná những họa sĩ khác. Sau hỏi thêm ra mới biết, ông tự học chứ không phải theo trường lớp nào, duy nhất chỉ học ít giờ với GS HS Trần Huy Oánh mà thôi. Nhưng may là ông có tham gia hoạt động nhiều cho Hội Mỹ thuật Việt Nam, xin được phép không bàn thêm. Sau về kể lại cho QV thì anh bảo: „Ông này tuy không theo hệ chính quy của trường Đại học Mỹ thuật, nhưng cũng có theo học các thày nghiêm chỉnh đấy. Hơn nữa trước đây cũng vẽ đẹp vì có tài. Chỉ có bây giờ về già mới đổ đốn thế. Tôi nhớ là bức vẽ sớm nhất ở triển lãm này cũng đề 1980, còn các bức tranh khác, sớm hơn, chắc bán hết rồi. Các nghệ sĩ luôn nghèo là vậy, không chỉ ở Việt Nam ta!        

Trở lại kỷ niệm xưa ở ZOS với lễ trao bằng TS. Buổi lễ đã được kể ở bài trước với những bức ảnh tôi và bạn Menzel mặc áo thụng, đầu đội mũ hình trụ. Cũng nên nhắc lại bữa trưa ăn mừng những người mới được phong TS mà bạn TS Voigt nói nửa đùa nửa thật: „Ihr seid die jüngsten Doktoren der Welt-các bạn là những TS trẻ nhất thế giới“. Chỉ có điều, chúng tôi chẳng do các mẹ đẻ ra mà do các ông bố, vì tiếng Đức có từ rất hay là Doktorvater-cha TS mà dịch ra tiếng Việt phải là thày hướng dẫn luận án TS chúng tôi tổ chức được bữa ăn đậm chất Việt với nem rán, bánh phồng tôm mà lúc đó đang lạ miệng với người Đức…và nhiều thứ gia vị mà các gia đình trong nước vẫn gửi đều cho chúng tôi. Rất thuận lợi cho tôi là khi hồi đó có rất đông nghiên cứu sinh Việt Nam đang làm bằng TS ở VHLKH CHDC Đức tại Berlin, mà ở đây xin kể ra các bạn VXQ, BTA, LQM, TBC…mà nhân đây tôi xin gửi lời cám ơn chân thành. Ở buổi liên hoan này tôi nhớ nhất là tôi bị bịt mắt để tìm cái gì đó trong một cái ống mà các bạn đã nhốt một con mèo vào trong, chắc là muốn lặp lại thí nghiệm con mèo chết của Schrödinger làm tôi sợ hét hồn vì quên mất chuyện ấy. Và bắt tôi phải ngửi một dung môi benzen hay tholuen hay một chất khác nào đó mà tôi không còn nhớ kỹ, chỉ biết nó rất khó chịu mà TS Mory hay chêm vào khi ngửi thấy mùi này: „Stinkt wie die Pest!-thối như dịch hạch hay thối inh lên“. Dĩ nhiên ăn mừng các TS mới chào đời là vui như Tết rồi!          

Trở lại phần điểm báo Đức. Tờ GEO vốn có những bài rất dài, kỳ tháng 8 này chuyên về cảm xúc con người, nhưng đặc biệt nhất là nỗi nhớ nhà hay luyến tiếc quá khứ, mà bây giờ tiến trình lịch sử diễn ra quá nhanh nên chúng ta chẳng theo kịp nên đành quay về lại nó. Có nhiều bài nhưng bài tôi cho là rất hay là bài về những kỷ niệm ở nước cộng hòa của Liên Xô cũ là Gruzia với thành phố Gori, quê hương tên độc tài Stalin mà di chứng y để lại cho nhân loại chắc chắn còn nặng nề hơn cả tên độc tài phát xít Đức Hitler. Tiêu đề rất ấn tượng: Gestern darf nicht morgen werden-Ngày hôm qua không được phép trở thành ngày mai. Người Nga đang lũ lượt di tản đổ đến Tiflis để tránh chiến tranh và quân dịch ghé thăm và du lịch Gori, nhưng người dân Tiflis nói riêng và Gruzia nói chung cố quên quá khứ đau buồn với thời Liên Xô để hướng sang phương Tây và nền dân chủ đáng mong ước.

Trong tờ này còn có một bài rất dài nói về phản ứng nhiệt hạch và Trung tâm điện nhiệt hạch Iter tại Cadarache gần thành phố Aix-en-Provence ở Pháp. Ở châu Âu đang gặp khủng hoảng năng lượng với việc cắt đứt đường khí đốt từ Nga sang mà, nên họ phải quay lại với điện hạt nhân, đưa vào hoạt động trở lại những nhà máy vốn đã bị ngừng hoạt động. Tôi cũng đã dịch một bài giới thiệu chính nhà máy này và bài đã đăng trên tờ „Vật lý ngày nay“ mới ít tháng nay. Tờ báo này song song là báo giấy cũng là báo mạng nên có bạn đọc nào quan tâm xin mất chút ít thời gian tìm đọc lại hộ. Tôi không dịch bài này còn vì một lý do khác. Đó là tờ Spiegel số 32 cũng có một bài rất hay về các nhà máy điện nhiệt hạch, nhưng do các công ty tư nhân xây nên có nguyên lý và cơ cấu rất khác biệt, tôi thấy hết sức hay nhưng ở bài này, tôi đã chuẩn bị một bài dịch rất hay và dài về mỹ thuật rồi, nên xin đành khất bạn đọc mà để dành nó cho bài sau vậy, mong nhận được sự thông cảm.     

Cũng còn nhiều bài đáng đọc trên 2 tờ Spiegel số 30 và 31.  Tờ trước có chủ đề nước Đức, vùng nghỉ mát là đảo Bantic Sylt rất nổi tiếng (vì đắt đỏ, và thật sự đã trở thành nơi nghỉ chỉ dành riêng cho giới giàu sang, quyền quý). Chính số tiền quá lớn đổ vào hòn đảo đã làm hỏng nó. Bài học quý giá cho nhiều hòn đảo của Việt Nam ta mà trước hết là đảo Phú Quốc. Ở số này, vì trọng tâm là nghỉ hè nên còn nhắc đến các nơi nghỉ ven biển khác nữa, như ở Tây Ban Nha – bị hỏa hoạn, và Sansibar, châu Phi.

Cũng còn có bài về mặt năng lượng, Bộ trưởng kinh tế Đức Robert Habeck phải mò đến châu Phi, nước Algérie xa xôi và vốn bị rơi vào quên lãng-Trung tâm khí đốt Hassi R’Mei mãi tít sâu bên trong sa mạc Sahara, và những nước Trung Đông nhỏ bé nhưng giàu có như Kuwait vì dầu mỏ và khí đốt, để tìm mua nguồn năng lượng mà bây giờ trở nên vô cùng đắt đỏ. 

Tờ sau lấy chủ đề là Afghanistan, cũng là quá khứ tuy rất gần đây, mới đúng có một năm, nhưng là hết sức u sầu cho nước Đức, lần đầu tiên trở lại tham gia những vấn đề quân sự quốc tế, nhưng lại thất bại cay đắng: Elf Tage in Kabul-Mười một ngày ở Kabul. Một năm sau: binh lính, các chuyên gia an ninh, chính trị gia và những nhà ngoại giao kể về việc họ đã trải nghiệm chuyến trốn chạy  của người Đức ra khỏi thành phố Kabul như thế nào. Quân Taliban tiến đánh thủ đô nhanh như vũ bão. Thành phố trở nên cái bẫy cho hàng ngàn người dân Afghanistan, nhưng thậm chí lại cũng chính cho cả những người đang trụ trì ở Sứ quán Đức, đáng tiếc thay. Thế mà ở Berlin người ta giả bộ chẳng biết gì. Nhưng ngay sau đó là phi vụ giải cứu. Cứ như Sài Gòn trước đây gần nửa thế kỷ.

Còn có bài đáng quan tâm về chính trị nước Mỹ: Thống đốc Bang Florida Ron DeSantis được coi như là ngôi sao mới của Đảng Cộng hòa và thậm chí có thể thành công với việc loại bỏ Donald Trump ra khỏi chính trường. Điểm đặc biệt ở ông này là ông tiến hành mọi việc một cách có hệ thống hơn Trump rất nhiều. Và về thế giới mạng với nhà thiết kế nữ Nam Hàn Kim Ji-yoon thu phục được hàng triệu người giới trẻ Nam Hàn và châu Á qua việc bán trang phục số. Nhất là nữ giới vì họ có thể hưởng thụ ở thế giới ảo những quyền tự do, mà ở một xã hội bảo thủ như Nam Hàn, họ không thể tìm ở đâu ra được. 

Xin ở hai trường hợp ngoại lệ, giới thiệu bài: „Đọc Triết học ở Việt Nam: Cảnh giác về Nietzsche, Wittgenstein và Marx”

Cá nhân tôi trong chuyến về Việt Nam hồi tháng Tám vừa qua đã nhận thấy sự quan tâm cao độ đến triết học và tư tưởng của giới trí thức, nhất là trong giới trẻ.

Ngay cả ở thành phần chuyên môn, những nhân vật khoa bảng trong các lĩnh vực khoa học và xã hội nhân văn cũng tham gia những buổi nói chuyện về các đề tài triết học.

Trong các lần nói chuyện triết học khắp ba miền, khán giả tham dự vào câu chuyện triết học rất hào hứng. Ví dụ, ở Hà Nội hôm 19/8 tôi nói về đề tài “Có phải vũ trụ là một cấu trúc số?” do Câu lạc bộ Truyền Thông Số tổ chức. Số người tham dự hết số ghế ngồi. Phần thảo luận sôi nổi. 

Nhân sĩ Bắc Hà có vẻ rất lý thú về đề tài đó và triết học nói chung. Hay ở Đại học Hoa Sen, Thư Hiên Dịch Trường, Câu lạc bộ Cà Phê Thứ Bảy, hay Chùa Giác Ngộ ở TP Hồ Chí Minh, các đề tài triết học về khoa học và lịch sử đều được đón nhận nồng nhiệt. Các buổi nói chuyện đều có số người tham dự chật hết phòng…

Và: “Cái bắt tay diệt vong”

“Không ai xứng đáng làm Tổng Bí Thư hơn anh, tôi nguyện đem hết sức mình và vận dụng mọi cơ chế có thể để anh tiếp tục sự nghiệp lãnh tụ” – Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói với Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 6, năm 2020.

Lúc bấy giờ, dịch giã hoành hành cả thế giới. Tại Việt Nam, may mắn hơn, Covid-19 chưa càn quét tới. Phạm Minh Chính tạm gác thú vui mê đắm của mình là nhòm ngó “nhà trắng”, để tập trung toàn bộ quyền lực của Trưởng ban Tổ chức Trung ương, biến cơn thèm thuồng thành bữa tiệc có thật, tự sắp xếp cho mình cái ghế, mà dưới mắt Chính là ngon nhất: Thủ tướng. Và rồi Chính đã làm nên được cái việc mà sau đó được báo chí nhà nước tung hô: phương án nhân sự độc đáo, đặc sắc nhất của đại hội 13…     

Tạp chí ‚ART’ số tháng 8/2022 có bài quá hay về triển lãm Venice-Biennale, xin giới thiệu cùng bạn đọc

„Lịch sử nghệ thuật đi theo hình răng cưa“

Tác phẩm vĩ đại nhất của triển lãm Venice-Biennale này có thể tìm thấy ở toà lâu đài của Doge-Thị trưởng thành phố cộng hòa, tiếng Latin: ở tư cách là người nghệ sĩ thời sự đầu tiên, Anselm Kiefer thiết kế cả một phòng – và sáng tạo nên một tổ hợp mà nó viết tiếp lịch sử cho đến tận thời đại chúng ta. Chúng tôi gặp họa sĩ ở Barjac để phỏng vấn  

Toà lâu đài của Doge hay Palazzo Ducale, cùng với Nhà thờ lớn Markus ở bên cạnh, là điểm hấp dẫn khách du lịch quan trọng nhất của Venice, là cái bắt buộc cho mỗi khách du lịch để hiểu nước cộng hòa biển và ý nghĩa lịch sử của nó. Từ thế kỷ 9. là biểu tượng quyền lực của nước cộng hòa thành phố, toà lâu đài của Doge tạo nên một bloc hình chữ nhật với sân rộng bên trong, nhiều hàng hiên rộng ở ngoài và những căn phòng thẳng hào phóng cho phép nhìn tới tận Quảng trường Markus, nhưng cũng cả đến đầm phá, tức Địa Trung Hải, quê hương của hạm đội thương thuyền và chiến thuyền Venice.

Ngày hôm nay toà lâu đài của Doge là một viện bảo tàng về lịch sử thành phố để tôn vinh quyền lực thương mại thế giới quan trọng nhất của thế giới phương Tây, vào thời hoàng kim của nó. Và bây giờ thì chính cái phòng có lẽ nổi tiếng nhất của biểu tượng này lại là dấu hiệu cho một ngành hội họa hiện đại có lẽ gây bối rối cho dòng khách du lịch nhưng lại cũng đầy huy hoàng và đáng trọng, mà nó lấy quá khứ làm đề tài nhưng vẫn không phải là của ngày hôm qua. Làm sao mà một ngành hội họa mô tả và cũng tra hỏi lịch sử văn minh nhân loại lại có thể có hình hài mà không chìm sâu xuống những bề mặt nông cạn của sự minh họa? Mà không mang tính kể chuyện và kể lại các sự kiện như tranh cổ động?  Ở sala dello scrutinio (phòng bỏ phiếu, tiếng Ý) rộng lớn, trang trí lộng lẫy, vốn là phòng bầu cử khi xưa, địa điểm tụ họp của những đấng bề trên thành phố để cho những quyết định quan trọng, trong số đó cũng có việc bầu Dogen của thành phố, với một tổ hợp những bức tranh đồ sộ, Anselm Kiefer cho chúng ta một câu trả lời đầy thuyết phục cho những câu hỏi này.

Mỗi bức tranh (cao đến 8,40m và rộng đến 15m) thật sự là một cuộc chiến về vật liệu, chứa hàng tấn những lớp màu sơn, chì, kẽm, vàng lá, và cũng cả rơm và vải vóc, cũng như những đồ vật mang tính biểu tượng, xe đẩy hàng và xe đạp chở hàng và các motiv chủ đạo của họa sĩ: một cái thang dẫn lên một bầu trời bằng vàng, những tàu ngầm ở kích cỡ đồ chơi, tĩnh vật phong cảnh. Giữa đó, cứ như đã được dán vào hội họa, một lăng mộ bằng chì của những thánh cốt được cho là của Thánh Markus, lá cờ sư tử đỏ của Venice và một đoàn diễu hành những bộ complé đàn ông màu tối – có lẽ là một phép ẩn dụ cho nobilità-giới quyền quý, tiếng Latin của thành phố. Trước đây 3 năm, Gabriella Belli, giám đốc Quỹ các viện bảo tàng thành phố, đã mời Kiefer vẽ mới lại các bức tường của sala dello scrutinio trong đủ 6 tháng. Gần đây nhất, sau vụ hỏa hoạn khủng khiếp năm 1577, căn phòng to lớn này được Xưởng họa Tintorettos và Jacopo Palma con trang trí bằng các bức tranh vẽ các sự kiện lịch sử.

Vậy Kiefer, sinh năm 1945 ở Donaueschingen, lớn lên ở gần Rastatt, đã sống rất lâu ở Odenwald và từ 1992 ở Pháp, là nghệ sĩ đang còn sống đầu tiên đơn độc được đến ngụ tại một căn phòng mang tính trung tâm của toà lâu đài của Doge. Ông đã thành công với việc, kết nối lịch sử, tính thời sự, Venice-Hommage-tưởng niệm, cách giải thích lịch sử mang tính bi quan của cá nhân với những mảnh ghép triết học hư vô. Như vậy là ông đã kết hợp tính khách quan phù hợp thời gian và tính trừu tượng với nhau và thống nhất hội họa và nghệ thuật điêu khắc vào một chu trình. Khi ấy ông từ chối mọi sự minh họa tầm thường cho sự phát sinh và chấm dứt của quyền lực Venice mà nó đào bới thẳng đứng qua lịch sử của thành phố đầm phá – nhằm phục vụ một sự hiểu lịch sử đồng thời mà nó chẳng bao giờ tách biệt quá khứ và hiện tại.          

„Một bức tranh phải luôn được phá hủy trở lại“

Chì nóng chảy ăn vào màu sơn, nhưng chúng ta nhìn thấy gì? Đấy là một hiện tượng phát sáng của thời tiết trên đầm phá, một hiện tượng ánh sáng thần bí? Hay chúng ta nghĩ nhiều hơn đến một vụ nổ trên đồng cỏ ở Donbass. Trong tác phẩm của Kiefer thì vẻ đẹp và bạo lực, lịch sử và sự liên kết thời sự chuyển giao nhau         

Cái gì hôm nay là thời sự thì đã luôn là thời sự. Đang có và luôn đã có chiến tranh. Ngay từ đầu thì cái đó đã song hành với tôi“

Kiefer chỉ trở nên cụ thể đến thế ở một chỗ: năm 1577 một trái của toà lâu đài của Doge cháy trụi, cả cái sala dello scrutinio sau đó cũng phải trang bị mới lại. Bên trên đó thì ông để cho lá cờ của Venice bay, bên dưới thì ông để cho những hình bóng đi đi lại lại qua đầm phá

“Bức tranh là một cuộc đối kháng“

Những tác phẩm của ông trong toà lâu đài của Doge ở thành phố Venice đã gây ấn tượng mạnh cho chúng tôi tới mức, chúng tôi nhất quyết phải gặp cho được Anselm Kiefer. Lẽ ra những các bức tranh này vốn được vẽ ở xưởng vẽ của ông ở Paris mà cái xưởng vẽ này lớn tới mức người ta có thể đơn giản xây lại cái sala dello scrutinio vĩ đại vào trong đó. Thế nhưng nghệ sĩ lại mời chúng tôi đến Barjac, nơi mà trên khu đất của xưởng tơ cũ kỹ La Ribaute (xem hình) ông vừa mới khởi công cho cho cái viện của ông. Sau một ngày oi nóng, ngay giữa bề bộn của công việc xây dựng với cần trục và cần cẩu, trong vòng cung tầng hầm mát mẻ, chúng tôi hàn huyên dưới xưởng vẽ cũ của ông về ngành hội họa lịch sử ngày hôm nay, về sự giải phóng khỏi ràng buộc vào kiệt tác – và về sự hoàn toàn vắng bóng của nỗi sợ những nhiệm vụ lớn lao.

ART: Sử gia Đức Herfried Münkler đã khắc họa khái niệm xã hội hậu anh hùng cho một xã hội đã từng anh hùng và bây giờ sâu sắc từ chối tất cả mọi thứ mang tính anh hùng và anh hùng ca. Có lẽ đấy là lý do vì sao lâu nay nghệ thuật của ông lại khêu gợi sự tò mò và kích thích người xem Đức đến thế. Nhưng bây giờ cái xã hội này lại nhìn vào người Ucraina với sự kinh ngạc và kính phục, xem họ bảo vệ đất nước của họ một cách anh hùng. Liệu tính anh hùng ca còn có một cơ may nữa hay không? 

Anselm Kiefer:  Dulce et decorum est pro patria mori…Ngọt ngào và vinh quang là chết cho Tổ Quốc  (tiếng Latin) Hàng triệu người đã hy sinh cho tổ quốc họ dưới khẩu hiệu này. Đấy là tính anh hùng ca. Tổng thống Ucraina Zelensky có lẽ cũng có ít nhiều tính anh hùng ca và qua đó hoàn toàn đi trên con đường lầm lạc. Ông ấy đang hủy hoại chính dân tộc mình. Trong lịch sử thì tính anh hùng ca lại mang tính phá hoại. 

ART: Từ lâu rồi, lịch sử đóng một vai trò quan trọng trong tác phẩm của ông, ở đấy chủ đề xoay quanh những nguyên tắc lâu bền với thời gian, mang tính vĩnh cửu. Ông không đưa vào đó tính thời sự?     

Anselm Kiefer: Nó tự động vào thôi. Tôi là một người luôn sống ở thì hiện tại. Tôi đọc nhật báo, tôi quan tâm đến cái gì đang ở đây. Vì thế dĩ nhiên nó không thể ở ngoài được. Không thể lấy tính thời sự ra khỏi sự vật được.             

ART: Thế nhưng khi ông lại chủ ý đưa tính thời sự vào, như với xe đẩy hàng và xe đạp chở hàng đang chạy trên bầu trời Venice, thì nó mang một nét khôi hài chứ?

Anselm Kiefer: Châm biếm thì đúng hơn! Người ta hoàn toàn không thể nắm bắt tính man rợ của thế giới khác được. Tôi thậm chí còn tin rằng, một người nghệ sĩ còn phải trắng trợn nữa kia. Đấy là bản chất của người nghệ sĩ. Những chiếc xe đẩy hàng, cái đó gây thích thú cho tôi. Rõ ràng, đấy là chỉ dấu cho sự toàn cầu hóa. Những người Venice cũng chính là những người toàn cầu hóa với những khu dân cư khắp nơi. Đấy là điểm dao cắt giữa Đông và Tây, Nam và Bắc. Vì vậy tôi cũng đã treo nhãn mác với tên của các Doge.          

ART: Ông cũng cho tầu ngầm chiến tranh thế giới chạy trên những cái phá. 

Anselm Kiefer: Vâng, Venice vốn là cường quốc biển – và tôi đã từng khẳng định rằng họ cũng đã có tầu ngầm. (cười) 

ART: Có những mối liên hệ cụ thể tới những bức tranh bị khuất treo trên tường?

Anselm Kiefer: Chỉ chấm phá, đây đó. Cờ sư tử của Venice chẳng hạn cũng xuất hiện! Ở đấy tôi đã chần chừ, liệu nó có quá trực diện chăng. Nhưng khi ấy thì những người Venice đã phản kháng, tôi phải giữ nguyên như vậy. (cười)  

Tr 3.                 

ART: Ở Venice người ta thêm nhiều vàng lá vào chì.

Anselm Kiefer: Loạt tranh này ủ dột, nhưng cũng có một nét sáng láng.            

ART: Ở sala dello scrutinio ông đã tìm thấy một hình thái hết sức cổ điển của môn hội họa lịch sử mà lịch sử đã tuyên thệ nhờ vào các trận chiến lịch sử và có mục đích là gây ra niềm tự hào. Vậy ông có gọi những bức tranh của mình là tranh lịch sử chăng?

Anselm Kiefer: Không, không theo nghĩa của Tintoretto ở đây – cà cũng chẳng theo nghĩa của Defregger, David hay Meissonier. Họ đã mô tả những sự kiện cụ thể. Bởi vậy đối với tôi thì tôi sẽ từ chối khái niệm đó.    

ART: Dẫu sao thì trên những bức tranh của ông vẫn mô tả lịch sử.

Anselm Kiefer: Đúng, nhưng ở tôi, vấn đề không chỉ xoay quanh lịch sử của loài người, mà cũng chứa cả địa chất và lịch sử vũ trụ và tất cả 3 phép tính thời gian.   

ART: Và lịch sử nghệ thuật?

Anselm Kiefer: Chúng luôn đan xen lẫn nhau, tôi không tách chúng ra. Nhưng có một sự khác biệt: tiến hóa, nghĩa là sự phát triển của cuộc sống đi tuyến tính lên trên, lịch sử nghệ thuật trái lại chạy theo hình răng cưa, luôn cho phép trở lại những cái cũ xưa, đến cả những bức tranh trong hang ở Lascaux.     

ART: Nghệ thuật của ông là một cái hố thẳng đứng qua thời gian mà ở đấy tất cả chồng lên nhau?

Anselm Kiefer: Đúng, các bức tranh của tôi hình thành ở trường hợp biên 1969, thế nhưng chúng sẽ chẳng bao giờ xong. Lớp này chồng lên lớp kia. Tôi thích nói về những nhân khoan, khi người ta khoan qua những bức tranh của tôi thì người ta sẽ thấy các lớp.    

ART: Như ở từ Đức đẹp „lịch sử“. Việc xếp lớp này tuy nhiên cũng vẫn có cái gì đó đầy tính phá hoại. Ở những bức tranh cho toà lâu đài của Doge ông đã cho ném những thùng sơn từ độ cao 10m xuống tấm voan ở dưới để chúng vỡ tung ra. Ông đã đổ chì lỏng lên đấy để nó cháy vào sơn. Qua hành động bạo lực này thì người ta sẽ nhận được hành động bạo lực của lịch sử vào bức tranh, ở tư cách là sức mạnh?

Anselm Kiefer: Đúng, cái ấy có cái gì đó của tính hung hăng. Nhưng một bức tranh là một cuộc đối kháng. Một bức tranh luôn phải lại bị phá đi, nếu không sẽ chẳng ra gì hết.  

ART: Cuối cùng ông đụng tới nhà quý tộc và triết gia Ý Andrea Emo, người được coi là nhà siêu hình của thuyết hư vô, điều đó đã giúp ích cho ông?

Anselm Kiefer: Đúng, trước đây 6 năm tôi đã phát hiện ra ông ấy cho riêng tôi. Khi đó tôi đã nghĩ: ông ấy viết chính như thế, ông ấy triết lý như thế, hệt như tôi vẽ, như cách thức hành động của tôi. Tức là, khi tôi bắt đầu với một bức tranh mới thì tôi biết rằng nó đã lại bị phá hủy rồi. Đấy không phải là niên đại học, sáng tạo và phá hủy luôn xảy ra đồng thời. Ở đây thì Emo đã vượt xa hơn Heidegger. Đối với ông ấy thì bên trong sự tồn tại đã ẩn chứa cái hư vô. Không có cái hư vô thì cũng chẳng có sự tồn tại. Đối với tôi thì việc sự thất bại thuộc về đấy là sự giải phóng. Tôi chẳng còn tin vào chef-d’œuvre, kiệt tác, nữa. Chính ra tôi luôn thất vọng rằng cái đó chẳng bao giờ muốn cho tôi thành công. Hôm nay thì cái đó trôi qua rồi.

ART: Ông cũng tiếp nhận Emo cho tiêu đề của công trình cho Venice, đó là đoạn trích: „Questi scriti, quando verranno bruciati, daranno finalmente un po’ di luce“, dịch ra là: „Nếu những dòng chữ này cháy thì cuối cùng, chúng sẽ cho một chút ánh sáng“.

Anselm Kiefer: Đúng thế, tôi thấy điều ấy tuyệt vời.  

ART: Nghe có vẻ như ông muốn đốt những bức tranh đi, như ở một chỗ khác ông nói rằng chẳng có gì có thể ngăn ông sau cuộc triển lãm nhấn chìm chúng trên đầm phá. Đấy không phải là lời nghiêm túc của ông, hay?

Anselm Kiefer: Tôi luôn hết sức nghiêm túc và đồng thời cũng lại không. Emo cũng bảo rằng chỉ có kẻ hủy tranh mới là một nghệ sĩ tài. Tôi cũng không biết, liệu sau Venice có ai muốn mua tác phẩm không. Nếu không thì sau cuộc triển lãm thì tất cả mọi thứ lại về với tôi, và tôi tiếp tục làm ở đấy. Tôi sẽ lĩnh hội toàn khối, như nó bây giờ đang đứng ở đây, ở tư cách là một trạng thái nhất thời .                

ART: Ông bảo, tác phẩm nghệ thuật là một chiến trường của các ý tưởng và của lịch sử, bên cạnh thi ca, bài thơ.   

Anselm Kiefer: Bài thơ là cái duy nhất mà đối với tôi, nó có tính thực tế. Đối với tôi, cá nhân tôi, thì hai cái trên là một sự hão huyền. Trái lại, đối với tôi thì thực tế là một bài thơ mà nó chính xác đứng đấy sau khi đã được hoàn thiện. 

ART: Điều thú vị là, ông thừa nhận cho thi ca nhiều tính thực tế và sự tinh thông hơn là chính ngành hội họa của ông, mà nó vẫn chỉ dừng lại ở một quá trình, nghĩa là mơ hồ và tạm thời. 

Anselm Kiefer: Ở tôi thì đúng thế, lẽ ra tôi sẽ chẳng nói điều ấy ở Manet. Chẳng hạn bức tranh măng tây của ông! Cái ấy đã hoàn thiện, khi ấy sẽ chẳng có ai muốn vẽ tiếp nữa. Tôi sẽ hiểu cái đó ở tư cách là điều mâu thuẫn với lý thuyết của tôi. (cười)            

ART: Điều ấy có nghĩa rằng, giả sử nếu như ông thấy ở sala dello scrutinio những kiệt tác thật sự thì ông cũng đã không treo thêm chúng vào.  

Anselm Kiefer: Thì sự thách thức lẽ ra đã lớn hơn.        

ART: Cuộc triển lãm có đóng góp gì cho việc, đối mặt với lịch sử nghệ thuật sẽ dễ hơn cho ông?

Anselm Kiefer: Tôi bị bắt buộc phải đối mặt với lịch sử Venice, và tôi cũng đã quan tâm đến Tintoretto. Nhưng tôi đã không quan niệm cái đó ở tư cách là cuộc đua tranh, mà như là một sự thách thức. Một „défi“, như người ta nói bằng tiếng Pháp. Khi người ta bị đặt trước một sự thách thức như thế, thì người ta cũng sẽ tiếp tục đi lên.

ART: Những đề tài trọng điểm của VENEDIG-BIENNALE hiện nay là bản sắc, giới tính và những cộng đồng thiểu số bị đưa ra ngoài lề. Nhiều cái hay, nhưng cũng có vài bức tranh vẽ ẩu đáng kể. Cuộc chiến tranh ở Ucraina vượt lên trên tất cả và cũng nhìn các tác phẩm khác với con mắt khác, quay ngược ý nghĩa. Chính ở chuỗi tác phẩm của ông xảy ra như thế với chúng tôi: nó đề cập tới một đề tài lịch sử, thế nhưng tính thời sự của nó lại đánh tới như là một cú đập búa. Ông có lần nói, lịch sử loài người là lịch sử của cái ác. Liệu tính liên tục của ông có nằm ở đấy không?      

Anselm Kiefer: Cái mà ngày hôm nay là thời sự thì cũng đã luôn là thời sự. Có chiến tranh và luôn đã có. Chỉ có khi nó ở xa thì chúng ta không bị nó đụng chạm mạnh như thế. Cái đó đi theo tôi  ngay từ đầu: chẳng hạn tôi luôn bảo rằng ở Đức sau 1945 không có giờ không. Chính ra trước môn nghệ thuật, tôi đã từng theo học luật, nhưng sau 1945 chẳng hề có một luật gia nào bị kết án. Cố vấn quan trọng nhất của Konrad Adenauer (Thủ tướng đầu tiên của CHLB) là Hans Globke, người có tham gia soạn những đạo luật chủng tộc Nürnberg. Và tôi luôn nói, đấy là một ao bùn và đôi khi lại có bọt khí bay lên. Cái bây giờ đang xảy ra ở Ucraina chẳng đáng ngạc nhiên, mà hãy trở về 1991 sau khi Liên Xô tan rã, người Mỹ bảo, họ đã thắng. Điều tức cười, bởi lẽ trong các cường quốc hạt nhân không có chiến thắng. Vậy là cái đó đã được chuẩn bị. Nhưng đấy không phải là nguyên nhân tại sao tôi vẽ như tôi đã vẽ cho Venice. Mà đấy là những cái gì đó mà trên nguyên tắc nó đã có ở tôi. Đối với ông cái đó có thể là thời sự, với tôi lại không.          

 ART: Cả những đồng niên người Đức của ông là Georg Baselitz và Gehard Richter cũng luôn lấy lại những đề tài lịch sử, cho dù theo cách đặc biệt của họ. Đấy là đề tài yêu thích Đức hay nó do dấu ấn của thế hệ này qua chiến tranh và thời hậu chiến.     

Anselm Kiefer: Ở những người khác chắc chắn rất khác với những bức tranh của tôi. Thế nhưng nước Đức chưa được giải thoát. Những gì xảy ra trong chiến tranh và ở Đế Quốc Thứ Ba không phải chỉ lỗi riêng của Hitler mà chính y đã được nhân dân Đức nói chung chấp nhận. Nếu giả sử người ta đã tống tất cả những tên đồng lõa quan trọng của y vào sa mạc, thì người ta đã không thể xây dựng lại đất nước như ngày nay. Thế hệ chúng tôi đã trải nghiệm hết sức mạnh mẽ mâu thuẫn này.            

ART: Điều đó có nghĩa rằng, thế hệ nghệ sĩ các ông giúp giải thoát, còn những người trẻ hơn không thể làm việc ấy?

Anselm Kiefer: Những người trẻ hơn không liên can trực tiếp như thế. Tôi cũng muốn tự giải thoát chính mình trước đã. Đấy là điểm khởi đầu. Đối với những người trẻ hơn không tồn tại nhu cầu cấp bách này, bởi vì chính họ không tự cùng trải nghiệm những ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh và chủ nghĩa Quốc xã.

Đáng tiếc là ngày hôm nay có sự lãng quên lịch sử ghê gớm. Ngay cả khi qua mạng người ta có nhiều khả năng hơn để tiếp nhận thông tin về lịch sử, thì ở đấy lại có quá nhiều thông tin đến mức cuối cùng thì chẳng còn gì nữa.     

ART: Khi người ta đứng trước một nhiệm vụ nặng nề như thế, ở tư cách là nghệ sĩ đang còn sống đầu tiên được làm việc cho Louvre, cho Pantheon của thành phố Paris hay bây giờ cho Palazzo Ducale, cũng sẽ có một thời điểm của sự kính nể, đầu tiên người ta đông cứng người lại đã?   

Anselm Kiefer: Trước ai?         

ART: Trước sự vĩ đại của nhiệm vụ, trước địa điểm?  

Anselm Kiefer: Nếu đông cứng người thì thật dở. Không, không tôi xông trận hệt như một con bò mộng! (cười)       

ART: Ở đây có một điểm quy chiếu văn học thứ hai cạnh Emo là Goethe. Ông có mang theo Faust II khi ông đến thăm Venice trống vắng vào dịp hè đại dịch 2021 để chuẩn bị. Lẽ ra với chính bản thân ông, Faust hay Mephisto là gần gũi hơn?     

Anselm Kiefer: Úi chao, tôi ư? Lạy Chúa tôi, ông đặt những câu hỏi gì hóc búa vậy!        

ART: Sao, kẻ theo thuyết hư vô là Emo đứng về phía Mephisto, vị thần luôn phủ định,   nhiều hơn. Thế nhưng để làm ra một cái gì đó như ông, người ta phải là Faust.

Anselm Kiefer: Là cả hai! Cái khôi hài là trong vở kịch có cả hai, Mephisto và Faust. Thật ra thì đấy chỉ là một nhân vật. 

Hình minh họa:  Tác giả Anselm Kiefer đứng trước tác phẩm của mình

Dịch từ ART số tháng 8/2022


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)