VNTB – Chấm phá đời tôi (14)

VNTB – Chấm phá đời tôi (14)

 

Ngụy Hữu Tâm

 

(VNTB) – Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan. 

 

Tôi viết bài này vào những ngày cuối tháng mười một, đầu tháng mười hai, những ngày đầu đông với thời tiết đặc trưng trong năm của khí hậu Bắc Kỳ, đôi lúc gió bấc mưa phùn, thậm chí mưa rào nữa cơ, biến đổi khí hậu mà.

Trở lại kỷ niệm xưa, sau khi lên làm „Phá phòng“ thì nhiều chuyện để kể lắm, nhưng đầu tiên xin giới thiệu cuốn sách tôi mới cho xuất bản: „Chấm phá đời tôi“, Nhà xuất bản Đồng Dao, Australia (xem hình minh họa: bìa cuốn sách). Bạn đọc nào muốn mua cuốn sách ở dạng PDF, giá 10USD hay 250k VND, ở dạng sách in, giá 19USD hay 500k VND, bạn đọc ở HN sẽ ship tận nhà, nơi khác qua đường bưu điện. Xin liên hệ với tác giả qua VNTB. Ở đây chỉ in ra ít dòng để bạn đọc thử hình dung, cuốn sách sẽ như thế nào:   

 

ĐỌC HỒI KÝ CỦA NGỤY HỮU TÂM

Nguyễn Thế Hùng

Sep, the Second, 2022

Tôi rất thích đọc hồi ký. Tôi đã sưu tầm được khoảng gần trăm cuốn hồi ký, cả ở dạng bản cứng và bản mềm.Tác giả các cuốn ấy thuộc rất nhiều thành phần, có người là tướng lĩnh, lãnh tụ, có người là nhà văn, nhà báo,… và có rất nhiều người bình thường. Họ từ những góc nhìn rất khác nhau, kể về đời mình, tuổi thơ của mình, gia đình mình, và đặc biệt kể về thời đại mình. Chính vì thế hồi ký là một nguồn tài liệu vô giá cho chúng ta cái nhìn đa dạng và khách quan về lịch sử, mặc dù tác giả các tập hồi ký luôn đứng trên góc nhìn chủ quan.

Hơn một năm nay, gần như tuần nào tác giả Ngụy Hữu Tâm cũng gửi một đoạn trong hồi ký của ông cho bạn bè, và người quen biết, theo kiểu truyện dài kỳ đăng báo. Tập hồi ký của ông đến nay đã được hơn 500 trang. Ông viết tựa đề các bài ấy là “Chấm phá đời tôi – Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan”.

Moritzburger là tên ngôi trường ông học bên Đức những năm tháng thiếu thời, ngay sau trận Điện Biên Phủ, khoảng cuối những năm 1950. Nhưng trước đó ông còn đi theo gia đình học ở Tâm Hư, một địa danh bên Tầu, gần phi biên giới phía Bắc Việt. Tôi thấy cái địa danh Tâm Hư rất quyến rũ và bí hiểm. Nó như gợi cho ta một suy tưởng về cái kiếp nhân sinh này, “con người đã đến trái đất từ cái tâm rỗng”. Mà thực vậy Ngụy Hữu Tâm thường đùa mà nói “Tôi đã là ngụy mà còn có tâm”.Gần 500 trang hồi ký của ông không chỉ có những kỷ niệm trong gia đình, trường học, nơi công tác,… mà ta còn gặp ở trong đó bao gương mặt và tên tuổi, vô danh hoặc hữu danh, trong lịch sử đương đại Việt Nam, đặc biệt có rất nhiều người trong giới khoa học.

Trần Ngọc Vương và Phạm Xuân Đại đã rất động viên Ngụy Hữu Tâm viết cuốn hồi ký này. Hai ông bảo, anh Tâm ạ, anh có một vị thế đặc biệt để viết về giới trí thức Việt Nam. Thực vậy, Ngụy Hữu Tâm sinh trưởng trong một gia đình đại trí thức. 

Cha ông là Ngụy Như Kontum, một khoa học gia thành danh từ thời Pháp thuộc, lại là vị hiệu trưởng đầu tiên (và có lẽ lâu năm nhất) của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hơn nữa, suốt cuộc đời, Ngụy Hữu Tâm làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam, ở Viện Vật lý. Hai lợi thế đó cho phép Ngụy Hữu Tâm có cái nhìn so sánh về người trí thức cũ và mới, người trí thức thực dân và trí thức xã hội chủ nghĩa. Mà toàn là những cái nhìn cận cảnh. Những bức ảnh cận cảnh ấy thực sự quý hiếm.

Đọc hồi ký Ngụy Hữu Tâm, chúng ta có thêm tư liệu về giai đoạn lịch sử cận đại Việt Nam từ góc độ một học sinh, một học giả, nhưng quan trọng hơn, chúng ta hiểu thêm thân phận và đóng góp của nhiều nhân vật trí thức qua những biến cố đó. 

Và có lẽ, phần lớn trong số họ, chìm nổi theo thời cuộc, bị nhào nặn, bị va đập, mà hiếm khi thảnh thơi để mà nói, mà viết về thân phận mình, thân phận dân tộc. Nhưng có nhiều người trong số đó đã dũng cảm nói rằng “tôi hèn”. 

Hồi ký Ngụy Hữu Tâm đã nói thay nhiều người cái cảm thán đó!

 

LỜI TÁC GIẢ

Cha tôi trước khi mất thường được chúng tôi nhắc viết hồi ký „để sau này con cháu còn biết bậc tiền bối của mình hay thế hệ trước nói chung, sống thế nào?“ Cụ lặng thinh không nói, chỉ buồn rầu lắc đầu. 

Nhưng tôi biết trong thâm tâm, Cụ cay đắng lắm. Cho cả một „thế hệ vàng“ trí thức Tây học Việt Nam bị chủ nghĩa cộng sản lừa dối.

Tôi còn nhớ có một lần, chẳng biết vào dịp gì mà tôi nói thẳng với Cụ – tính tôi vốn thế, thẳng quá không hay, dễ mất lòng người khác, nhưng đây là người trong nhà, hơn nữa là đích thân ông bố của chính mình, thì đó là thiếu lễ độ với bậc sinh thành – câu này mà sau đó, và cho đến nay tôi vẫn ân hận: „Các Cụ như con ốc ấy mà, ăn xong thì bọn họ – những người cộng sản nói chung chứ không chỉ Việt Nam, bởi vì có Đức thì cũng vậy thôi – bỏ vỏ ngay thôi!“. Cụ lặng người đi.

Cho đến nay tôi vẫn day dứt. À, bây giờ thì tôi nhớ ra rồi, đó là khi PVĐ ký quyết định cho Cụ về hưu. Các Cụ ngay thẳng thế làm sao biết được lòng dạ lũ lang sói. Cụ đã dày công chuẩn bị đưa NĐT, một trong những học trò giỏi của Cụ, lên thay vì khi đó NĐT đang làm hiệu phó. Thế là ông ta lên thẳng Bộ trưởng Đại học, rồi vào TW ĐCSVN, khi có quyết định Ủy viên Bộ chính trị thì ôi thôi, nào ai ngờ, ra đi trước khi quyết định được công bố.

Sự đời mới nghiệt ngã làm sao!

Còn cá nhân Cụ, Cụ cũng đã quyết định ra đi, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ của người công dân, của người trí thức. 

Tôi đã có kể ở một bài trước. Cụ vẫn nhất quyết vào SG họp dù đang trọng bệnh và các bác sĩ có can ngăn. Từ đó Cụ ra Hà Nội trên băng ca, bất tỉnh và chỉ sống thêm được hai tuần nữa, nhưng được con cháu vây quanh. Chúng tôi cảm nhận được rằng, tuy không nói được nhưng mọi việc xung quanh Cụ vẫn nhận biết.

Cũng may là anh PVT, người bạn sáng giá nhất trong lớp Lý khóa 9 ĐHTHHN chúng tôi đã tổ chức phỏng vấn Cụ trước khi Cụ ra đi một thời gian, và nay tôi vẫn lưu giữ được, tuy cuộn băng chỉ ghi được nửa tiếng và đến nay chất lượng có suy giảm, nhưng dẫu sao vẫn hết sức quý.

Cụ biết, viết hồi ký sẽ đụng chạm rất nhiều người mà ở thời điểm đó – cuối thập niên 80, đầu 90 thế kỷ 20 – hoàn cảnh chưa cho phép, đất nước chưa cởi mở đến thế và nhất là trình độ dân trí còn hết sức mông muội. 

Nhưng nay đã là thập niên 20 của thế kỷ 21, thế giới và nhất là nước ta đã đi vào thời số hóa và người máy, tôi có điều kiện để nói thẳng lên sự thật.

Và tôi cũng thấy mình có trách nhiệm làm việc đó. Dẫu cho „nói thẳng mất lòng“. Nhưng đành vậy. Hy vọng sẽ mất lòng trước, được lòng sau. Và nhất là cái được cho thế hệ mai sau. 

Khi năm 95 về nước, tôi đã bắt đầu viết báo. Nhưng cũng đã thấy rõ là có rất nhiều hạn chế, phải tự kiểm duyệt, bởi vì làm gì có tự do ngôn luận ở cái thể chế này. Đấy là một chế độ độc tài, phát xít trá hình mà thôi. Mọi người khuyên nên mở fb. Tôi cũng đã có mở nó, nhưng cảm thấy ít hiệu quả nên dừng ngay. Vừa viết báo giấy, vừa viết báo mạng.

Thế nên vào tháng 9 năm vừa qua, khi có dịp kỷ niệm 65 năm bọn chúng tôi đi Đức, tôi có viết ít bài và đều được đăng cả. 

Dịp may hiếm có, nên tôi rất chăm viết. Số bài càng ngày càng gia tăng. Đến nay chắc chắn đã đủ dung lượng cho một cuốn sách. Nay thì tạm đủ cho Tập I của cuốn sách này nên tôi mạnh dạn cho ra sách. Theo mốc thời gian là năm 1976, 32 tuổi sắp tốt nghiệp TS, coi như gần nửa cuộc đời. 

Dung lượng cuốn sách chẳng quan trọng, miễn là tác dụng xã hội của nó. Đó sẽ là một cuốn hồi ký, hay tiểu sử tự biên cũng được, tên gọi có gì là quan trọng, miễn là tác dụng xã hội của nó.

Tết ra, tôi lại gặp sự cố, đổ trọng bệnh, nên tự thấy chẳng còn gì là chắc chắn nữa. Chưa nói tình hình thế giới đầy biến động như vậy. Cuộc chiến Ucraina-Nga nổ ra. Nào ai ngờ. Bao giờ Tập sẽ học Putin để xua quân sang đánh Việt Nam? 

Vậy nên rõ ràng là, sống được thêm ngày nào hay ngày ấy, viết thêm trang nào hay trang ấy. Nhưng như vừa nói, sẽ còn lai rai viết khi còn sống và còn viết được. Biết đâu sẽ còn có Tập II, thậm chí Tập III.

Tôi tạm đánh số chương và thứ tự các bài theo thời gian như vậy. Cũng chẳng quan trọng lắm, miễn để bạn học dễ theo dõi mà thôi. Vì nó ở dạng kể chuyện, hơi lai rai một chút, đôi khi hơi ra ngoài đề nhưng được sao. Miễn bạn đọc không thấy chán.

Chắc chắn còn nhiều lỗi biên tập đây.Mong bạn đọc lượng thứ. Xin cứ coi đây chỉ là một phác thảo, một bản nháp để bạn đọc tạm hình dung ra cuộc đời, ngắn mà dài, của tôi mà thôi.

Nếu được như vậy thì người viết sẽ vui lòng khôn xiết. 

Hà Nội, 15.07.2022 

NGỤY HỮU TÂM

Ngày sinh: 21.6.1944

Quê quán: Hương Trà, Huế

Địa chỉ thường trú: 28 Nguyễn Huy Tự, Hà Nội 

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO

– 10.1951-01.1955: Học phổ thông tại Khu học xá Nam Ninh, thành phố 

Nam Ninh, Trung Quốc.

– 04.1955- 06.1956: Học phổ thông ở Trường phổ thông Việt-Đức, Hà Nội. 

– 09.1956-06.1959: Học phổ thông ở Trường nội trú Maxim-Gorki-Heim, 

thành phố Dresden, CHDC Đức. 

– 09.1959-06.1962: Học nghề ở Trường dạy nghề BBS VEB Kamera- u. 

Kino-Werke, Dresden.

– 09.1964-06.1968: Học Khoa Lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. 

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1968 làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Vật 

lý, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

– 04.1974-12.1977: Nghiên cứu sinh tại ZOS, AdW d. DDR, Berlin-Adlershof, 

Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức.

– 12.1982-12.1983: Thực tập sinh tại Université Paris Sud, Đại học Paris 

XI, Pháp.

– 09.1988-02.1995: Chuyên gia giáo dục tại Đại học Constantine và Đại 

học Tiaret, Algérie.

– 02.1995-03.2005: Về lại Viện Vật lý, sau đó nghỉ hưu ở đây năm 2005.

Có ít nhiều lợi thế và năng khiếu ngoại ngữ nên đã hành nghề hướng dẫn 

viên du lịch và dịch thuật (chủ yếu tiếng Đức); viết sách, báo và tham gia 

hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, nhất là sau khi đã nghỉ hưu.

Trở lại phần điểm báo Đức. Tờ Spiegel số 42, ra ngày 15.10. trên trang bìa là tranh Tập đưa nhóm tay trỏ đỡ quả địa cầu với trả lời chú: Sein Wille geschehe. Was Alleinherrscher Xi Jinping vorhat – Hãy để mọi việc xẩy như ý chí ông ta. Nhà độc tài Tập Cận Bình muốn gì. Bên trong là 8 trang giới thiệu kỹ cuộc đời ông ta.     Phương Tây nhìn cái gì cũng rất sắc. Tàu làm gì cũng kỹ lắm, đào tạo Tập bài bản, nhưng y cũng gặp may nữa. Đời là vậy. 

Nhưng cũng còn có bài „Xi will den Rest der Welt abhängig machen-Tập muốn làm cho cả phần còn lại của thế giới phải phụ thuộc mình“ rất đáng phổ biến, nên tôi xin dịch, bởi lẽ, phương Tây xa Trung Quốc đến thế mà còn nhận ra điều đó, huống chi Việt Nam 4000 năm là chư hầu của Tàu: 

„Tập muốn làm cho cả phần còn lại của thế giới phải phụ thuộc mình“

Nhà Trung Hoa học Kevin Rudd, nguyên Thủ tướng Australia, hiểu Trung Quốc hơn bất cứ chính trị gia phương Tây nào. Ông coi Chủ tịch Tập Cận Bình là một nhà tư tưởng và nhắc Đức phải xét lại quan điểm của họ trước Bắc Kinh. 

Spiegel: Ông Rudd, theo dự đoán, tại Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ sắp bắt đầu, Tập Cận Bình sẽ được bầu làm nhà cầm quyền suốt đời. Đồng thời từ nhiều năm nay, nền kinh tế Trung Quốc rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất. Tập thật sự mạnh tới đâu?  

Rudd: Có 3 yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Đầu tiên là cách ly corona. Chẳng ai biết nó sẽ kéo dài bao lâu nữa và liệu Tập sẽ muốn ra khỏi bẫy zero corona như thế nào. Hai là nhân khẩu học. Xã hội Trung Quốc ghét phụ nữ tới mức phụ nữ Trung Quốc từ chối đẻ con. Sau Nam Hàn, Trung Quốc có tỷ lệ sinh nở thấp nhất thế giới – dân số Trung Quốc giảm. Ba là hệ tư tưởng. Từ Đại hội lần thứ 19 của ĐCSTQ vào năm 2017 Tập càng ngày càng đẩy chính sách kinh tế của ông theo hướng cánh tả Mác-xít. Tập nghi ngờ khu vực tư nhân bởi lẽ nó trở nên quá mạnh so với Đảng. Tập đã lập ra những ủy ban của Đảng mà chúng giám sát việc bổ nhiệm nhân sự ở các hãng tư nhân. Những vụ điều tra chống tham nhũng không thể tránh được, sẽ được điều hành sao cho chúng lại có thể dùng để chống lại các doanh nghiệp. Tổng hợp tất cả những cái ấy lại đã dẫn đến sự giảm sút đầu tư. Và bởi vì khu vực tư nhân tạo nên gần đến 2/3 sản phẩm quốc nội, nên điều đó đóng một vai trò cực lớn.    

Spiegel: Tập đặt tư tưởng lên trên phúc lợi ư?  

Rudd: Phần lớn các nhà quan sát sẽ nhìn vào các quyết định nhân sự ở Đại hội Đảng. Nhưng tôi lại quan tâm đến một câu hỏi khác: Báo cáo của Tập sẽ ảnh hưởng thế nào về mặt tư tưởng đến Đại hội Đảng? Liệu ông ta có điều chỉnh phương hướng kinh tế của ông ta hay không và ôm ấp nền kinh tế tư nhân? Hay ông vẫn tiếp tục hành động như từ trước đến nay? Liệu Trung Quốc có trở lại con đường tăng trưởng cũ của mình hay không phụ thuộc vào cái đó. Đấy là thời điểm quyết định cho những năm và những thập niên tới.  

Spiegel: Tại sao Tập lại thực hiện bước ngoặt này kể từ năm 2017? 

Rudd: Tôi đã học hầu như hết tất cả các bài viết về mặt tư tưởng của Tập. Kết luận mà tôi rút ra được là, ông là nhà Mác-xít Lê-nin-nít sâu sắc chứ không hời hợt     

Spiegel: Một con tin thật sự? 

Rudd: Khi có lãnh tụ một ĐCS nói như: chúng ta phải tìm trở lại niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, chúng ta phải trung thành với sứ mệnh của chúng ta – thì đó không phải là những lời nói suông. 

Spiegel: Cụ thể thì điều đó là gì?  

Rudd: Tập bảo, Trung Quốc phải hành xử với sự mất cân bằng mà nó đã hình thành từ 35 năm qua. Và cái đó có nghĩa rằng, bây giờ Đảng sự ủy nhiệm để can thiệp trực tiếp hơn nhiều vào nền kinh tế và vào xã hội. Tập đã quan tâm đến, điều gì đã xảy ra với ĐCS Liên Xô. Ông đã viết quá nhiều về sự suy thoái tư tưởng mà ông cho rằng ở đấy trước hết xảy ra dưới thời Mikhai Gócbasốp. Và ông tin chắc chắn rằng khu vực tư nhân, nếu nó không bị giữ lại thì cuối cùng sẽ kiểm soát đất nước. Từ năm 2017 tôi đã nói chuyện với nhiều doanh nhân mà họ cảm thấy rằng, gió đã đổi chiều.               

Spiegel: Quyền lực của Tập có bị đe dọa chăng? 

Rudd: Tôi chẳng thấy ai có thể thách thức ông ấy. Những tài năng Machiavelli của ông ta là bất thường. Việc củng cố quyền lực của ông ta vào những năm giữa 2012 và 2017 y như từ giáo trình. Từng bước ông ta đã thanh lọc Đảng. Nhưng nếu nền kinh tế yếu đi mãi thì mối liên kết giữa Đảng và dân sẽ vỡ. Tuy nhiên Tập đã tạo ra được một nhà nước giám sát gần như hoàn hảo mà nó gây rất nhiều khó khăn cho bất cứ sự chống đối nào. Ông cứ thử tưởng tượng xem, sẽ ra sao nếu như Lenin, Stalin, Mao, Honecker và phe lũ có sẵn ngay những kỹ thuật giám sát ấy? Thật đáng sợ.         

Spiegel: Tập và tên độc tài Nga Putin hứa hẹn với nhau tình hữu nghị vô biên. Liệu đang thiết lập một trục giữa Bắc Kinh và Moscow?  

Rudd: Trước hết mối liên hệ giữa 2 nước được ấn định bởi 2 cái: đầu tiên là qua việc có một vụ xung đột biên giới từ hàng thập niên nay do Gocsbasov và Đặng Tiểu Bình gây ra năm 1989. Thứ 2 là qua việc Nga hướng vào Trung Quốc sau cuộc xung đột Ucraina và vụ sáp nhập Crim năm 2014. Sau đó về cơ bản thì Putin và Tập đã phát triển một mối liên hệ gần như môi với răng – cá nhân, chính trị và chiến lược.    

Spiegel: Nhưng những tuần qua Trung Quốc cẩn thận lánh xa cuộc chiến của Putin ở Ucraina.  

Rudd: Kế hoạch của Putin là giữ chức vụ cho đến năm 2036. Theo đánh giá của tôi, Tập muốn lãnh đạo cho đến Đại hội Đảng lần thứ 23 vào năm 2037, khi đó ông sẽ 84 tuổi. Nếu như vậy chúng ta nhìn vào 15 năm sắp đến, thì hiện tôi chẳng thấy bất cứ cái gì có thể cản trở mối liên hệ này. Và chính là từ những nguyên nhân cấu trúc: từ giác độ của Bắc Kinh thì Nga là một yếu tố gây rối đáng kể quyết định để lái Mỹ ra khỏi một số khu vực của thế giới ngoài Thái Bình Dương – dù ở Syria, Libya hay ở Ucraina. Hơn nữa Nga được cần tới ở tư cách là nguồn hàng hóa và nguyên liệu mà Trung Quốc cần. Và, có lẽ một giác độ mang tính quyết định từ Tập: bây giờ trong mối quan hệ đối tác thì Nga đóng vai trò là đàn em. Chúng ta nên để ý đến sự thay đổi cơ bản ở mối liên hệ giữa 2 nước. Trước đây khoảng 350 năm Pie đại đế xuất hiện ở vùng viễn đông của Nga, tiếp đó thì những vùng rộng lớn của Trung Quốc bị Nga sáp nhập, sau đó Liên Xô đứng đầu phong trào cộng sản. Có vẻ như Putin chấp nhận vai trò đàn em, cũng chẳng còn lại cho ông ta nhiều cái gì khác bởi lẽ ông ta cần lối vào thị trường Trung Quốc và tư bản của Bắc Kinh. Tập thích cái ấy.        

Spiegel: Hiện đang hình thành một trật tự thế giới mới mà ở đó Trung Quốc và Hoa Kỳ đối diện nhau ở phía này hay phía kia và những nước còn lại phải chọn bên?

Rudd: Còn sớm để công bố một cuộc chiến tranh lạnh 2.0 mới. Bởi lẽ khác với ở cuộc chiến tranh lạnh vào thế kỷ trước giữa Liên Xô và Mỹ thì ngày nay giữa Mỹ và Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ về mặt kinh tế. Các thị trường tài chính giữa 2 cường quốc có tỷ trọng 5 ngàn tỷ USD. Đang hình thành 2 nhóm nước: nhóm mà ở đó đa phương, tự do phổ quát, xã hội cởi mở là quan trọng, và nhóm như Trung Quốc và Nga đặt mối quan tâm vào các quốc gia dân tộc cũng như khu vực ảnh hưởng và hướng tới việc loại bỏ những nguyên tắc mà chúng vốn được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc.         

Spiegel: Ông biết cả Putin lẫn Tập và luôn gặp lại riêng cả 2 nhà lãnh đạo này. Mối quan hệ giữa 2 người đàn ông này ra sao? 

Rudd: Không phải tranh cãi gì rằng sự lãnh đạo của Tập là quan trọng cho Trung Quốc. Về mặt tư tưởng, cá nhân lẫn chính trị, Tập đã lo sao cho Trung Quốc thay đổi tận gốc rễ cả bên trong lẫn ngoài. Hệt như Putin, ông ta tự coi bản thân mình là một người vĩ đại của lịch sử… (Bỏ đoạn nói về mặt quan hệ với Đức) …       

Spiegel: Cuộc chiến tranh của Putin ở Ucraina có tác động lên cuộc xung đột ở Đài Loan chăng?

Rudd: Tôi không tin điều ấy. Ở vấn đề Đài Loan thì Trung Quốc giữ đúng theo lịch trình của mình. Vào những năm cuối 2020 và đầu những năm 2030, khi Trung Quốc cảm thấy họ đã được chuẩn bị kỹ hơn về mặt quân sự, tài chính và kinh tế, thì từ giác độ của Tập, nguy cơ một cuộc xâm lược sẽ nhỏ hơn là ngày hôm nay. Tôi không tin rằng, cuộc chiến tranh của Putin ở Ucraina có làm thay đổi cơ bản gì ở điều ấy.        

Spiegel: Hoa Kỳ gửi tên lửa và máy bay không người lái cho Ucraina, xe tăng đến từ Ba Lan, CH Séc và Slovenia, từ Đức dẫu sao cũng có xe tăng phòng không và các hệ thống đại bác tới. Liệu ông có nghĩ rằng, việc phương Tây giúp Ucraina có tác động răn đe cho Bắc Kinh chăng? 

Rudd: Cái làm cho cả Tàu lẫn Nga kinh ngạc là tình đoàn kết lớn lao mà châu Âu dành cho Ucraina. Tuy nhiên Trung Quốc không nghĩ rằng cái ấy tự động đúng cho Đài Loan. Chúng ta không được phép quên rằng, vấn đề xoay quanh 2 khu vực hoàn toàn khác nhau của thế giới. Ucraina được cung cấp đường bộ qua Ba Lan, trái lại phải cung ứng cho Đài Loan qua đường không hay đường biển. Tôi tin rằng, cuộc chơi với Đài Loan chỉ ngã ngũ khi Bắc Kinh được thuyết phục rằng, người ta chỉ có thể chiếm hòn đào bằng lực lượng quân sự áp đảo, phần nào bất ngờ.  

Spiegel: Phải hình dung một sự răn đe đáng tin cậy thế nào về vấn đề Đài Loan?   

Rudd: Mỹ, Đài Loan và các đối tác của họ phải bắt đầu từ nhiều điểm. Hãy giả thiết rằng giả thuyết của tôi là đúng, rằng Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực chiếm Đài Loan vào những năm 2030 thì Tập sẽ phải chuẩn bị chu đáo cho việc ấy – cũng để trang bị đày đủ nhằm chống lại những hệ quả của những cấm vận đầy kịch tính mà phương Tây sẽ ban hành chống Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ dùng những năm 2020 còn lại để không còn phụ thuộc vào hệ thống tài chính mà đồng Đôla áp đảo. Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế của họ phải làm tất cả để bảo vệ cho tính bất khả xâm phạm của hệ thống tài chính toàn cầu. Về mặt quân sự, Hoa Kỳ và Đài Loan phải nâng cao không chỉ phạm vi các chi tiêu của họ cho vũ khí, mà cũng cả chất lượng của chúng theo một cách sao cho nó gây khó rất nhiều cho việc chiếm hòn đảo bằng một cuộc tấn công bất ngờ. Thêm vào đó là Trung Quốc muốn đến năm 2035 độc lập về mặt công nghệ, trước hết ở vi chip. Hoa Kỳ, Đài Loan và những nước liên kết với họ phải phản ứng trước việc đó bằng những hạn chế (chuyển giao) công nghệ.                  

Spiegel: Điều ấy đủ ngăn Bắc Kinh tấn công Đài Loan chăng?

Rudd: Cuối cùng có 2 thể chế để dựa vào đấy mà ngăn Bắc Kinh – nếu như Tập coi là có hoàn cảnh chính trị để tấn công Đài Loan – ấy là Giải phóng quân và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Họ phải nói với Tập: „Đồng chí Chủ tịch, về mặt quân sự và kinh tế thì việc tấn công Đài Loan gây quá nhiều nguy  hại“. Đấy là mục tiêu của sự răn đe.   

Spiegel: Liệu có thể hình dung một cuộc chiến tranh chống lại Đài Loan sẽ như thế nào? 

Rudd: Chiến lược đầu tiên là phong tỏa Đài Loan để bóp nghẹt hòn đảo về mặt kinh tế. Chiến lược thứ hai là tấn công mạnh về không gian mạng để hủy diệt Đài Loan về mặt kinh tế và quân sự. Hiện tại Đài Loan đang chuẩn bị để chống lại một cuộc tấn công như thế Thứ ba là Bắc Kinh có thể tấn công bằng chiến thuật „da báo“, nghĩa là đánh chiếm những hòn đảo nhỏ phía trước Đài Loan. Qua đó người ta muốn cho Đài Loan thấy rằng Hoa kỳ sẽ chẳng đi vào một cuộc chiến tranh chỉ vì một hòn đảo nhỏ. Cái đó sẽ làm yếu sự quyết tâm. Kịch bản thứ tư là cái mà trước đây chúng ta vẫn gọi là „million man swim“: tấn công hoàn toàn bằng xe lội nước với số lượng lớn binh lính. Đấy sẽ là của tấn công bằng xe lội nước lớn nhất kể từ cuộc đổ bộ D-Day của Quân Đồng minh vào châu Âu.     

Spiegel: Ông có tin rằng Hoa Kỳ sẽ luôn luôn bảo vệ Đài Loan chăng. Sẽ ra sao, nếu một Tổng thống Mỹ tương lai bảo: „Một cuộc chiến tranh với Trung Quốc là quá tốn tiền và có quá nhiều nguy cơ – kệ nó?“   

Rudd: Là có thể, nhưng tôi cho là ít khả năng xảy ra. Nếu Mỹ không bảo vệ Đài Loan bằng quân sự thì theo tính toán của chính Mỹ, độ tin cậy của các đồng minh thân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác ở châu Á vào chính họ sẽ bị sứt mẻ. Điều ấy cũng đúng cho châu Âu. Tính toán làm cho một sự can thiệp là có nhiều khả năng hơn không can thiệp. 

Spiegel: Ông Rudd, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

 

Hình minh họa: Bìa sách “Chấm phá đời tôi”


 



CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)