Tôn Trọng Dân (VNTB) Xuất phát từ và đứng trên một nền móng lý luận do 27 vị (đều là cây đa cây đề trong ‘làng’ Dân chủ) thiết lập hoặc ngầm ẩn tàng định hướng song vẫn không có gì tiến triển sau 30 năm (như Lâm Yến, Khải Minh đã bõ công khảo sát, nhận định trong Bất đồng chính kiến Việt Nam-Ly khai từ bên trên và Đối lập từ bên dưới), thế nhưng do đâu cô Phạm Đoan Trang lại có thể nhận thức: phải thay đổi cách đấu tranh [1], lại có thể nhận ra xu hướng khác nhau giữa dân chủ vì người dân và dân chủ vì ‘màu cờ sắc áo’ [2]? ; cũng thế do đâu tờ Việt Nam Thời Báo của anh Phạm Chí Dũng và cụ Bùi Minh Quốc lại có thể đăng bài của tác giả Liên Sơn [3] phân tích cái sai.cái yếu của ‘làng’ Dân chủ để rồi bị ‘giới dân chủ hải ngoại + quốc nội’ cùng hè nhau dập pháo/ném lựu tơi bời [4]?
“Định hướng” – không, không bao giờ là tư duy dân chủ
Trong cái tiến trình vận động đa đoan tìm dân chủ cho Việt Nam ấy, tại hải ngoại, Vũ Ánh và Vũ Quý Hạo Nhiên cũng phải ra đi khỏi Báo Người Việt do “sự cố Sơn Hào” [5]. Cali còn có những Etcetera–Nguyễn Quang Trường bình thản về Việt Nam thực mục sở thị cuộc sống người dân [6] bất chấp những lời doạ đe.riết róng, có cô hoạ sĩ Huỳnh Thủy Châu với tác phẩm nghệ thuật Two Flags/Hai Lá Cờ Đỏ-Vàng dạng chiếc mền khâu vá (quilt) [7], có anh James Du [8] chịu “đắng cay” của xô xát.tạm giữ khi phản biểu tình của những kẻ cờ Vàng một chiều [9], có nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ từng vạch mặt dân chủ của Việt Tân [10]…, Rõ ràng, “anh thư-hào kiệt” thời nào cũng có, đấy là chỉ mới liệt kê một số nhà đấu tranh dân chủ có lý lẽ, lập luận, không hồ đồ, hoặc cực đoan 1 chiều vì lợi ích riêng của họ hoặc ai đó (có bài viết, tỏ chính kiến hẳn hoi, đường hoàng, không “ném đá” dưới dạng còm kiếc lèm bèm.nấc cụt). Họ, bị “cộng đồng” (?) phán xử bằng thái độ: không Vàng ắt Đỏ, không Trắng tất là..Đen. Chỉ có thể là 1 màu.
“Dân chủ” là tôn trọng ý kiến khác biệt, và, cũng còn cả một ý nghĩa khác không thể nhập nhòa: tư duy có định hướng một chiều không thể và không bao giờ là tư duy Dân chủ.
Nguyễn Gia Kiểng (sinh 1942) cũng không khác gì một Lê Xuân Nhuận (sinh 1930), một Chu Sơn [11], một Vũ Ngự Chiêu (sinh 1942), hoặc Lữ Phương [12], Ngô Nhân Dụng–Đỗ Quý Toàn (sinh 1939)..: tất cả họ đều dạn dày kinh nghiệm, chắt lọc suy tư qua từng dòng viết. Trong đó có nước mắt, có rất nhiều đêm không ngủ, có tư biện, có chối bỏ, có đối chiếu, có tự huỷ, có tiếc nuối, có máu.. có đủ. Họ có từ tả sang hữu, trừ cực tả và cực hữu. Có người đã trong trại cải tạo; có kẻ suốt 60 năm, hoặc, ít nhất không dưới 40 năm, nghiền ngẫm lẽ sống mà từ đó, những lý lẽ đã kết tủa thành lý luận. Tôi khâm phục những gì họ suy tư, thể hiện, trình bày, không phải chỉ mới vài năm, vài tháng, hoặc chỉ mới vài ngày chợt tỉnh thức, bật dậy, xuống đường ồn ã. Các ông đủ hiểu lịch sử đất nước, đủ trải để có thể hằn học nhưng họ đã vượt lên chính mình, nói lên điều mong muốn của những người đi trước, hoặc, những người giống hoặc, khác họ: Nguyễn Mạnh Tường (1909 ̶ 1997), Hoàng Minh Chính (1920 ̶ 2008), Võ Văn Kiệt (1922 ̶ 2008), Nguyễn Minh Cần (sinh 1928), Trần Độ (1923 ̶ 2002), Nguyễn Hộ (1916 ̶ 2009), Bùi Tín (sinh 1927), Vũ Thư Hiên (sinh 1933), Trần Đĩnh (sinh 1930), Lê Hiếu Đằng (1944 ̶ 2014), Nguyễn Khắc Mai (sinh 1933), Duyên Anh (1935 ̶ 1997), Vũ Ánh (1941-2014), Nhật Tiến (sinh 1936) v.v..
Có phải những Lữ Phương, Tống văn Công, Mai Thái Lĩnh, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Đông Duy . . . đang tìm kiếm bến đỗ cho chính kiến của họ, hay, không cần? Nếu có những bến bờ ấy, đến lượt mình, có thể họ sẽ lại truyền cảm hứng cho Thục Quyên, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn văn Hải–Điếu cày, Trúc Hồ, Nguyễn Quang Duy… những người trẻ hơn, hay không? Và từ họ-Quý vị tráng niên còn trong độ tuổi trên dưới 55 này lại lan toả sức hấp dẫn đến những người trẻ hơn khác: Nguyễn Chánh, Nguyễn thị Từ Huy [13], James Du, Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Chí Đức, Vũ Quý Hạo Nhiên.. rồi đến những người có chính kiến trẻ hơn nữa: Phạm Đoan Trang, Trinity Hồng Thuận, Nguyễn Thục Vy, Hà Thuỷ Nguyên,…
Dẫu, ai cũng có những chính kiến riêng, có thể rất khác biệt, song một trong vài điều gặp nhau giữa họ mà tôi có thể thấy, đó là: không tán trợ những giải pháp bằng máu. Đã cùng ngán máu, không cao giọng rao giảng, họ cần nắm tay nhau, không cần kích xúc và lấy màu cờ nào đó để chống cộng và rồi chống con người. Điểm chung nữa giữa Họ: trọng lý không thuần cảm.
Người trọng lý sớm muộn rồi sẽ nhận ra chân lý. Trọng nghĩa khí sớm muộn sẽ nhận ra việc nghĩa khí. Họ, dù khác biệt nhau, nhưng, có tư cách, ít nhất như tôi có thể nhận ra qua văn phong, chính kiến, và từ đó nhìn thấy niềm tin mà họ xác tín, sống cho nó, trọn vẹn. Không móc máy.xỉa xói.vẹo vọ, lấy đó làm niềm vui thông thái của mình. Họ đúng, trong niềm tin của mình. Niềm tin đó có phù hợp với sự phát triển của đất nước hay không, lại là một vấn đề khác.
Trong số họ, rất ít không muốn thay đổi, có vài người đang loay hoay với “đổi” hay là “thay”, những người còn lại chỉ muốn “thay” quyết không chỉ là “đổi”. Muốn thay những cái cũ kỹ.hầm hè.lưu manh của hoang dã.mông muội.vô trí bằng cái khoan hoà.hiểu biết.trọng luật của người văn minh. Từ những chọn lựa, Họ sẽ đứng về phía những cuộc biểu tình kích xúc, hay ở phía cạnh tranh với chế độ toàn trị, hoặc ôm ấp chuyên chế ? ̶ đó cũng là chuyện mà người dân Việt hải ngoại, dù ở Đức, Hungary, Nga, Czech, Slovakia, Anh, Canada, Úc, hay tại Pháp, Hoa Kỳ … cùng đang đồng mộng đi tìm hình hài cho một Việt Nam tương lai. Dù thế nào chăng nữa, loại tư duy/thể chế đứng trên-xoa đầu người dân, lẽ nào không phải là ‘kẻ nên bước xuống’ đối với bất kỳ ai có lương tri, dù còn trong đảng, hay đã ra khỏi đảng, dù đứng xa hay đứng gần đảng-của-chỉ-giai-cấp-ưu-việt?
Giữa những con người này, Lữ Phương, Châu Xuân Nguyễn, Mai Thái Lĩnh, Phạm thị Hoài, Tống Văn Công hay Nguyễn Gia Kiểng-Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, hay Đỗ Hoàng Điềm-Việt Tân … : Ai đang hội đủ tư cách, khả năng và uy tín để mời gọi, dung chứa, đãi ngộ các vị Ngô Nhân Dụng, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sỹ Phu, Lê Xuân Khoa, Nguyễn Hưng Quốc, Lê Xuân Nhuận, Nguyễn Quang Duy … làm ‘cố vấn’ cho mình nhằm kiến tạo một/vài chính đảng, tiến tới liên kết trong một/nhiều mặt trận với các hình thức hoạt động.sách lược công khai/bí mật nhằm đứng ngoài ‘quốc hội gật’, cạnh tranh công khai với đảng cộng sản, thu hút được niềm tin từ phía người dân, trở nên uy tín với các ‘sản phẩm phục vụ’ người dân tốt hơn nhiều so với chế độ hiện hành? Hay là, họ vẫn bảo dưỡng.bảo trì.duy tu.. tư thế ‘đấu tranh’ oanh liệt như hàng chục năm qua đã từng?
Những điểm yếu trong ‘tinh thần dân chủ’ hiện nay
Tinh thần Dân chủ không hề bỏ cuộc, vì, Xã hội Công dân – nền tảng của nó, là xu thế. Chỉ có những “phong trào” thời trang tự mệnh/tự ngộ “Dân chủ” mới chới với tuột tay khỏi những cơn mơ trồi sụt. Tôi đồng thuận với cách nghĩ của bạn trẻ Huỳnh Thục Vy: “Là một người trẻ, chưa từng chịu tù đày, nhưng tôi tin rằng những người dấn thân cho tự do và nhân phẩm hiện nay cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra những lựa chọn cá nhân vì tác động của nó đến phong trào chung” [14]. 7 hạn chế lớn của bất đồng chính kiến ở Việt Nam do tác giả Lâm Yến trích khảo sát và phân tích nghiên cứu của Gs. Abuza [15] giúp tôi củng cố thêm các suy ngẫm riêng về tiến trình Dân chủ, và càng thú vị hơn khi xem tác giả Như Hà (có ký cạnh tên mình: Liên Minh Dân Tộc Việt Nam) từ Hà Nội góp bổ sung thêm các hạn chế của những “bất đồng chính kiến Việt Nam“, trong đó chỉ ra: “căn bệnh hình thức chỉ giỏi tìm tòi bới móc người khác theo cảm tính để thoả mãn tính hiếu kỳ vô bổ (…) a dua chạy theo số đông, háo danh (…) để đi tìm nguyên nhân cho sự kiện đó chưa thành hay thất bại vì lợi ích chung họ thường bỏ qua hay chỉ làm một cách chiếu lệ” [16]. Đúng. Còn quá nhiều việc để làm, hẳn nhọc.cực hơn những việc Bói.Mò.Móc.Mỉa.Xỉa.Phán gấp vạn triệu lần.
Đồng hành cùng những điều mà Bùi Công Dụng [17], Dương Hoàng Dung [18], Trần Văn Trạng [19], Thục Quyên [20], Thuận Văn [21], Hà Thủy Nguyên [22], Định Nguyên [23], Trần Tiên Long [24], Lâm Yến-Khải Minh [25], Kính Hoà [26], Nguyễn Chánh [27], Thục Vy, Như Hà … và rất rất nhiều người yêu dân chủ khác nữa đã trải bày; từ tư thế một net-people lên tiếng, tôi mong muốn nhìn thấy một Hấp lực vẫy gọi từ một/những quảng trường-diễn đàn thực sự đa chiều, rộng mở cho tiến trình vận động thiết lập một Xã hội Công dân tại Việt Nam. Đối với các hạn chế của tiến trình này, nhận ra 8 điểm chính, tôi mạo muội xếp thành 2 nhóm, và gọi đích danh chúng là điểm yếu, như sau:
Nhóm 4 điểm yếu liên quan đến thái độ cảm tính:
thích và chỉ khoái âm thanh du dương êm tai, thuận ý, rất căm thù những gì không vượt được “bộ lọc” này (điển hình là chửi Tổ Quốc Ăn Năn, chửi Bên Thắng cuộc, chửi Đèn cù … Các soạn phẩm này, bị phía cộng sản chửi, nguyền rủa là quá đúng-dễ hiểu, nhưng không dễ hiểu khi đọc thấy những bài, ý kiến mai mỉa.xỉa xóc.ớn óc hận thù lại vang lên từ phía Quý vị chống cộng và dân chủ đang đồng sàng cùng nhau. Tôi thiên về ý cho rằng, Quý vị nào xăng xái làm điều này, thực tâm chỉ “gato” [28] với các tác gia có các “tác phẩm” nói trên, không gì khác); một số không ít Quý vị tự mệnh ‘dân chủ’ có một dòng máu khoái chửi và nền văn hoá chửi (toàn loạt bài gồm 8 phần đã có quá đủ ví dụ); một số không ít có kiểu tư duy ngạo mạn: rất thích từ cõi trên xem thường và xoa đầu những người phản tỉnh (mà đây lại là lực lượng duy nhất hiểu Cộng rõ nhất để giải hoặc cộng sản); và điểm yếu cuối cùng trong nhóm Cảm quan này, là: Không tự nhìn ra được mình đang ở vị trí nào trong cõi gian trần ô trược nên mãi khát khao.hào sảng phán phê mọi thứ, mà thực chất chỉ là cuồng vọng địa vị, hoặc hồn nhiên hơn, là: vô chính phủ.
Nhóm 4 điểm yếu thứ Hai liên quan đến diện mạo của lương tri:
lẫn lộn giữa chống cộng và đấu tranh vì dân chủ (sự khác biệt giữa 2 ý thức này, tôi đã mạn phép bày ra tại phần 7. từ nhân dân đến Công Dân); hầu như Quý vị tự mệnh dân chủ chẳng có sản phẩm nào “trình làng” cho quốc dân cùng nghiêng ngó, theo đuổi (đây là yếu tố cực kỳ quan trọng nếu, thực sự có tấm lòng đấu tranh vì yêu dân yêu nước); điểm yếu thứ 3, lại quan trọng hơn nữa: chớ hề nhìn ra được trận địa để tìm cách đấu tranh có hiệu quả; điểm yếu cuối cùng, cực kỳ tối quan trọng: không biết và cũng không thèm màng “Luật chơi” (‘chơi’ trong hòa bình, an ninh, trọng luật, chống khủng bố ..) thời hiện đại.đương đại mà loài người cùng liên thông am hiểu. Dẫn chứng liên quan các điểm yếu ở cả 2 nhóm này, tôi nêu ra đã khá đủ trong loạt bài gồm 8 phần của mình, nên xin không cần dẫn thêm khiến phần 8 kết thúc bị dông dài, loãng ý.
Chú thích:
[1] xem Xã hội dân sự ở Việt Nam: Đang nổi lên nhưng cần… gần dân hơn của Phạm Đoan Trang, 04/08/2014
[2] xem Chuyện thông điệp ở cuộc tuần hành vì cây xanh của Phạm Đoan Trang, Monday, April 13, 2015
[3] xem Nói chút về “mộng mị dân chủ” của Liên Sơn trên Việt Nam Thời Báo của “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”
[4] xem Phản biện “mộng mị Liên Sơn”… của tác gia Phan Châu Thành, hoặc Tản Mạn về Nhận Định “MỘNG MỊ DÂN CHỦ”, và Đôi lời về bài viết của tác giả Liên Sơn.
[5] xem Ðại diện báo Người Việt gặp gỡ cộng đồng của Hà Giang
[6] xem Hãy để thời gian trả lời bằng sự thật của Etcetera Nguyễn, 4.2015 báo Nhân Dân
[7] xem Nói Chuyện Với Họa Sĩ Huỳnh Thủy Châu (IV) của Vũ Hoàng Lân, trên trang nhà của Lún Ghẻ, 2009
[8] xem James Du và hành trình của một lá cờ của xichloviet, 13.11.2011
[9] tháng 1.2009, sau khi mua lại tác phẩm “Hai Lá Cờ” và được tác giả Huỳnh Thủy Châu đồng ý với tên đổi thành “Xóa Bỏ Hận Thù”, James Du đã quấn quanh mình “Xóa Bỏ Hận Thù” để đòi “Tự Do Biểu Lộ Tư Tưởng/Ngôn Luận” trước phòng tranh triển lãm F.O.B. II (Santa Ana, California) có chủ đề ‘Nghệ Thuật Lên Tiếng/Art speak‘
[10] xem Trần Khải Thanh Thủy – Cây muốn lặng, gió chẳng ngừng, 2014
[11] Chu Sơn là anh thanh niên “Tết Mậu Thân 1968 tôi bị mắc kẹt tại Huế trong tư cách là một sinh viên sĩ quan trừ bị (Thủ Đức) đi phép. Tôi trở lại quân trường sau khi quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hoà hoàn tất cuộc tái chiếm thành phố Huế. Tôi đã viết về vụ ‘tắm máu Mậu Thân‘ trong cuốn sách tự xuất bản năm 2011 : Nước – Lửa và Sóng”.
[13] xem bài “Bông sen cho dư luận viên” của Nguyễn Thị Từ Huy trên blog RFA, Fri, 12/19/2014 – 15:43
[14] xem Bàn về trách nhiệm và lựa chọn cá nhân của Huỳnh Thục Vy 19/4/2015
[15] năm 2001 GsTs. Zachary Abuza (1920 ̶ 2013), một trong những học giả hàng đầu chuyên phân tích về Khủng bố tại Đông Nam Á, từng có nghiên cứu hiếm hoi về phong trào bất đồng chính kiến ở Việt Nam trong quyển sách Renovating Politics in Contemporary Vietnam.
[16] xem quan điểm của Như Hà qua bài Nhìn lại “7 hạn chế của bất đồng chính kiến Việt Nam”, Hà Nội 15.02.2009
[17] xem quan điểm của Bùi Công Dụng qua bài Ý KIẾN CHÂN THÀNH CỦA MỘT LƯƠNG DÂN
[18] xem quan điểm của Dương Hoàng Dung qua bài MỘNG MỊ-ẢO TƯỞNG-THỰC TẾ
[19] xem quan điểm của Trần Văn Trạng qua bài Đối thoại hay lại chiêu hồi
[20] xem quan điểm của Thục Quyên qua bài HÃY BẢO VỆ VIỆT NAM HÔM NAY CHO MAI SAU
[21] xem quan điểm của Thuận Văn qua bài Chủ nghĩa chống cộng lưu manh
[22] xem quan điểm của Hà Thủy Nguyên qua bài Quyền lực của phe trung lập
[24] xem quan điểm của Trần Tiên Long qua bài Câu Hỏi Cho Người Công Giáo Việt Nam Chống Cộng
[25] xem quan điểm của Lâm Yến, Khải Minh qua bài Bất đồng chính kiến Việt Nam Ly khai từ bên trên và Đối lập từ bên dưới
[26] xem quan điểm của Kính Hoà qua bài Lịch sử và tính chính trị của blog tiếng Việt
[27] xem quan điểm của Nguyễn Chánh qua bài Cách nhìn cá nhân, câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh và John F. Kennedy
[28] từ “gato” [gatô] có âm gần gũi họ hàng với từ “galăng” của Pháp (galant: lịch thiệp/phong nhã, “nịnh đầm”), nhưng hàm nghĩa hoàn toàn trào phúng: đó là từ viết tắt các âm đầu của Ghen.Ăn.Tức.Ở – một cách sáng tạo từ thông minh của giới trẻ “quốc nội” Việt vài năm trở lại đây.
* “Tòa soạn VNTB chúng tôi đặt thêm tiểu tựa, hoặc chỉnh sửa tiểu tựa đã có sự thống nhất với tác giả.”
* Bài viết phản ánh quan điểm và cách viết của tác giả Tôn Trọng Dân.