(VNTB) – Người dân càng tin rằng chương trình chấn hưng văn hoá này chỉ là được lập ra để tìm cách giải ngân làm giàu cho quan chức chứ sẽ không có kết quả gì tốt đẹp.
Vậy là cuối cùng, ngày 27/11, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua nghị quyết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Con số chốt lại là 122.250 tỷ đồng trong 5 năm tới. Sau đó giai đoạn 2031 – 2035 dự kiến sẽ chi thêm 134.000 tỷ đồng nữa, tuy nhiên trước mắt chỉ thông qua 122.250 tỷ, có lẽ vì đối mặt với nhiều áp lực từ dư luận xã hội. (1)
Năm ngoái, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) từng đưa ra con số là 350.000 tỷ đồng để chấn hưng văn hóa Việt Nam. Theo đó, bộ này báo cáo đề xuất chủ trương là năm 2025 cần 2.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 cần 180.000 tỷ đồng và giai đoạn 2031–2035 là 168.000 tỷ đồng để đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. (2)
Nhưng dư luận trong nước đã phản ứng kịch liệt trước con số vô lý này. Cho nên tới tháng 6 năm nay ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng VHTT&DL đã đưa ra đề xuất “giảm giá” cho chương trình chấn hưng này từ 350 ngàn tỷ xuống còn 256 ngàn tỷ (2025-2030 là 122.250 tỷ, 2031-2035 là 134.000 tỷ). Tức là giảm khoảng 94 ngàn tỷ so với con số ban đầu. (3)
Điều này cho thấy hai vấn đề, một là con số ban đầu đã bị làm khống với mưu đồ bất minh, hai là con số sau đó là được cố gắng lập ra để được thông qua, rồi sau đó tìm cách xin thêm. Chứ không có lý do gì mà lại được giảm giá mạnh như vậy, cải cách văn hoá chứ đâu phải chợ hoa ngày 30 tết đâu mà giảm mạnh theo kiểu bán đổ bán tháo.
Nhưng cuối cùng, Quốc hội chỉ duyệt phân nửa. Có thể hiểu rằng Quốc hội cũng không dám tin tưởng cho toàn bộ 10 năm thực hiện chương trình. Duyệt 5 năm đầu, còn 5 năm sau thì đợi nhiệm kỳ Quốc hội sau giải quyết. Đối với Quốc hội thì đây là một nước đi hợp lý trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Nhưng quyết định này cũng cho thấy Quốc hội cũng không chắc chắn về tính hiệu quả của dự án.
Trước mắt, ngay trong năm 2025, chương trình này sẽ cần số tiền là 400 tỷ đồng để thực hiện “chấn hưng văn hoá”. Nhưng chưa biết chi cho vấn đề gì. Hồi tháng 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định từng đặt câu hỏi rằng “Làm sao tiêu được 400 tỷ đồng này? Tôi thấy không thể tiêu được đồng nào. Nếu bố trí được đã là rất khó khăn, thì làm sao tiêu được 400 tỷ này trong 2025, cả vốn Trung ương và vốn địa phương. Tôi đồng ý bố trí vốn năm 2025, nhưng bố trí được không và có tiêu được không? Quy định phải khả thi chứ nói cho vui, nói cho hay thì dễ lắm”. (4)
Hiện tại đã là cuối tháng 11, chương trình mới được thông qua. Vậy thì làm sao có thể làm hết các thủ tục rườm rà chỉ trong vài tháng để triển khai số tiền 400 tỷ trong năm 2025. Còn nếu cố gắng thông qua nhanh, thì có khi lại làm ẩu, làm sai mục tiêu dự án, hoang phí ngân sách, thậm chí là tạo điều kiện cho tham nhũng.
Ngân sách quốc gia như dòng sông đã cạn, quan chức thì tìm mọi cách để tham nhũng. Người dân càng có lý do để tin rằng chương trình chấn hưng văn hoá này chỉ là được lập ra để tìm cách giải ngân làm giàu cho quan chức chứ sẽ không có kết quả gì tốt đẹp.
Nói chi xa, nửa thế kỷ qua Việt Nam luôn hô hào xây dựng “con người xã hội chủ nghĩa” với “nền giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng cuối cùng thì con người tha hóa, văn hóa suy đồi, bạo lực từ ngôn ngữ tới hành động, từ trên mạng xã hội tới ngoài đời, từ trường học tới gia đình… Chính cộng sản đã phá nát văn hoá Việt Nam với cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa”, rồi bây giờ lại muốn chi tiền để chấn hưng thì chấn hưng ra sao khi mà vẫn quyết tâm đi theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”… Muốn đổi mới, muốn chấn hưng mà vẫn ngựa quen đường cũ, không bỏ được con đường xã hội chủ nghĩa thì ai dám tin là sẽ chấn hưng thành công?
______________________
Tham khảo: