VNTB- Chạp phô thời… internet

Minh Trí

(VNTB) –Gì cũng có. Từ quần áo, đồ lót, đồ chơi, hàng gia dụng, coupon (tạm dịch: phiếu giảm giá) du lịch cho đến đồng hồ, nước hoa, vé giảm giá ăn uống… (và cả những mặt hàng được coi là tế nhị cho chuyện sinh hoạt tình dục!) cũng được cung cấp đa dạng mẫu mã, nhãn hàng.

Thương mại điện tử hay những “chạp phô” thời…internet!. Ảnh minh họa: internet
Lý thuyết viết rằng: Thương mại điện tử, hay còn gọi là e-commerce, e-comm hay EC, là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính.
Diễn nôm: với máy tính hay điện thoại di động có kết mạng internet là người ta có thể tiến hành toàn bộ việc mua, bán bất kỳ loại hàng hóa nào.
Chuyện mua bán này chỉ cần vài cái “nhấp chuột”, kèm theo uy tín của nơi bán, coi như hàng hóa đến tận nhà, hoặc bất kỳ nơi đâu mà “Thượng đế” yêu cầu.
Vì là “chợ điện tử” nên khởi đầu và đang phát triển nhanh nhất, không ai khác: Sài Gòn!.
Chỉ cần… “nhấp chuột”!
Không kể đến loại hình siêu thị có thêm dịch vụ bán hàng trực tuyến, với nhiều bạn trẻ, giới làm việc văn phòng thường chọn những trang web khá quen thuộc như hotdeal, muachung… để “rê chuột” săn hàng.
Gì cũng có. Từ quần áo, đồ lót, đồ chơi, hàng gia dụng, coupon (tạm dịch: phiếu giảm giá) du lịch cho đến đồng hồ, nước hoa, vé giảm giá ăn uống… (và cả những mặt hàng được coi là tế nhị cho chuyện sinh hoạt tình dục!) cũng được cung cấp đa dạng mẫu mã, nhãn hàng.
Người mua chỉ việc ngắm nghía trên màn hình máy tính (hoặc màn hình điện thoại cảm ứng loại 5 – 6 inch, máy tính bảng), cảm giác thích, phù hợp với cái nào thì cứ việc “nhấp chuột” đăng ký thành viên, đặt hàng.
Kỹ tính hơn, “Thượng đế” có thể “chat” (trò chuyện trực tuyến) với bên tư vấn bán hàng để hiểu hơn về những hàng hóa tính mua này. Khi đã ưng bụng, tiếp tục đặt lệnh mua hàng và… rung đùi ngồi chờ. Sẽ có người giao hàng đến tận địa chỉ “Thượng đế” yêu cầu theo khung thời gian đã thỏa thuận.
Gần đây, không cần am tường kiến thức về quản trị mạng, chẳng cần bỏ tiền ra mua tên miền, thuê server, đường truyền; cũng khỏi bận tâm việc băng thông lớn bé ra sao và cũng “quên luôn” bao rối rắm thủ tục hành chính trong chạy vạy xin giấy phép…, người ta vẫn dễ dàng dựa trên chữ tín để giao dịch mua bán qua mạng xã hội.
Xu hướng bán hàng qua “phây” (facebook) nở rộ vì quá đơn giản và dễ quảng cáo. Từ mạng xã hội này, người dùng có thể tham khảo thông tin và đặt mua vô thiên lủng từ cá kho, thịt hộp, thịt tươi, thuốc, mỹ phẩm, quần áo thời trang đến những thứ đắt đỏ như nhà cửa, ô tô…
Khi đã có tài khoản (đăng ký miễn phí) từ facebook, chủ “shop online” (tạm dịch: cửa hàng trực tuyến) trên facebook liên tục gửi “link” (địa chỉ đường dẫn) cho bạn bè mời “like” (thích) để quảng bá rộng rãi thông tin sản phẩm cả shop.
Khách ban đầu là bạn bè, người quen.., sau đó mở rộng ra với nhiều người quan tâm, đặt hàng mua sản phẩm và được giao hàng tận nơi. Ngoài ra còn tận dụng mạng xã hội để kinh doanh nhỏ, từ đồ ăn vặt như chè, thạch, hoa quả, dịch vụ chụp hình…
Tiện lợi, đôi khi cũng không ít… “bực cái mình”!
Có thể nói, dạo một vòng trên gu-gồ (google), dễ thấy chuyện mua bán qua mạng internet từ giới sinh viên đang rộ lên rất mạnh. Với sự trợ giúp đắc lực của dịch vụ mạng xã hội như facebook, những “ông/bà chủ” sinh viên chỉ với laptop (chuyện xài wifi thì cứ “vô tư” vì sân trường đại học nào cũng phủ sóng wifi miễn phí!), tốn chút ít tiền “nhập hàng” về (thời gian sau đủ tin tưởng, sẽ được nhận gối đầu đơn hàng, kiểu như một cửa hàng “con”, chi nhánh từ cửa hàng “mẹ” nào đó!), chụp ảnh hoặc tìm hình có sẵn trên mạng, đăng lên rồi mời bạn bè vào xem, lựa chọn.
Có những sinh viên hùn hạp nhau lập hẳn ra một hội mua bán trên facebook. Ai bán gì hoặc cần mua gì có thể vào đó thảo luận, hình thành nên một cái chợ qua mạng. Rồi cứ theo phong trào, người này thấy ý tưởng của người kia hay, mình có thể… bắt chước, kéo theo đó là loạt những trang cá nhân bán hàng qua mạng. Vô hình trung tạo thành một góc phố thương mại đậm chất “anh hai Sài Gòn”, ngỡ rằng rất ảo nhưng lại quá thật này.
Sài Gòn chạp phô này vẫn còn không ít sạn, như mặt hàng được giao không được đẹp như lời rao chào quảng cáo, những món đồ đã đặt hàng song không được giao vì lý do hết hàng (mà trên web vẫn ghi còn hàng cũng như số lượng người mua vẫn tăng lên mỗi giờ trên bộ đếm tự động của trang web!).
Đáng nói hơn hết có những trang web “hàng Trương Ba, da Hàng Thịt”, khách hàng không nhận được đúng loại sản phẩm theo đúng cái mình đã đặt, bực mình gửi khiếu nại đến người quản lý trang web thì lại thêm “bệnh tức” vì chuyện… “hò hẹn” tới lui.
Tuy nhiên, những “con sâu” kể trên cũng… chưa nhiều! Hầu hết ở các trang mua bán đều uy tín, nhất là những trang do sinh viên đứng ra “làm chủ”.
Tiệp tạp hóa “online”: làm mới “chạp phô”
Mấy nhà sưu khảo bảo hồi đó, những cửa hiệu tạp hóa mà mấy ông “Ba Tàu” kêu là “điếm” đã trở thành một nhu cầu trong việc mua sắm của người dân. Theo thời gian, chữ “điếm” mất đi phụ âm đầu, dân khẩn hoang chỉ giữ âm tiết cuối và đọc trại đi là “tiệm”.
Giải thích giản đơn hơn nói rằng, người Nam bộ vốn “làm biếng” trong câu chữ, đọc sao thấy tiện, thấy nhanh là được… (!). Cũng theo ký ức những bậc lão niên, những tiệm chạp phô (“chạp phô” là đọc theo âm Quảng của người Hoa, nếu đọc theo âm Hán Việt là tạp hoá) bấy giờ thôi thì bán đủ thứ tả pín lù. Từ cây kim, cọng chỉ đến cây cải tùa xại, củ xá bấu. Nếu rủng rỉnh tiền đã có phong bánh ngọt, thẻ đường phèn ăn cho mát miệng.
Vậy là người dân chẳng đi đâu cho xa, cứ đầu tháng ra tiệm chạp phô ở đầu đường, góc phố mua một lần là đủ xài. Theo thời gian, ở những tiệm chạp phô ấy có bán cả rượu chát, xà bông Cô Ba, vải vóc, gấm nhiễu, nước hoa… Tiền, hàng hóa đã luân chuyển, xoay vòng và nó như một mắc xích để cho các lưu dân sống nương tựa vào nhau. Nhưng điều cốt lõi nhất vẫn cần một chữ tín.
Giờ thì chuyện “shop online” cũng giống như người ta “làm mới” mô hình chạp phô của mấy “chú Ba” thuở nào. Từ những của hàng trên mạng nhỏ lẻ của một cá nhân hay một nhóm người dần dần trở nên “sầm uất” hơn với sự ra đời của các cửa hàng khác.

Nếu như ngày xưa, những “nhà thương”, những cây cầu, những con sông, những tiệp tạp hóa ở hẻm xóm… góp phần tạo nên một hồn vía của Sài Gòn; thì ngày nay mua bán qua mạng đã “chung tay” cùng với những góc phố khác xây dựng nên một bản sắc, văn hoá mua bán của Sài Gòn thời mà nói vui: Nếu Tam Tạng Trần Huyền Trân đời nhà Đường bên Trung Hoa biết gu-gồ, chắc hẳn đã lên đó để tha hồ tải Kinh văn về…

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)