Cát Tường
(VNTB) – Một vụ chạy án vừa bị bắt quả tang ở ngay quê hương của đương kim Chủ tịch nước.
Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa bắt quả tang Phó chánh án Tòa án nhân dân thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long – thẩm phán Nguyễn Thị Tuyết Sương đang nhận hối lộ ngay tại trụ sở làm việc. Sau khi bắt bà Sương, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã di lý bà về khám xét nơi ở. Việc khám xét diễn ra đến gần đầu giờ chiều hôm 3-10-2023.
Tình tiết khá đơn giản: trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thụ lý giải quyết vụ án dân sự, thẩm phán Nguyễn Thị Tuyết Sương đã có hành vi kéo dài thời hạn giải quyết, gây khó khăn cho đương sự, đòi nguyên đơn phải đưa số tiền 50 triệu đồng để bồi dưỡng cho hội đồng xét xử thì mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Sáng 3-10, khi bà Sương nhận 40 triệu đồng của đương sự tại phòng làm việc thì bị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bắt quả tang.
Nôm na theo cách dân dã, chạy án ở đây là nếu nguyên đơn muốn thắng phiên sơ thẩm thì cần chung dằn cọc trước 40 triệu đồng, khi án tuyên xong sẽ nhận thêm 10 triệu nữa.
Tháng 11 năm ngoái, việc chạy án còn ở cấp cao hơn: Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Theo đó một nữ bị can đã phải chung tiền tại một khách sạn cho thẩm phán Châu Văn Mỹ số tiền là 100 triệu đồng.
Phía cơ quan tư pháp đưa các tin tức trên ở dạng định hướng đây là hành vi nhận hối lộ, trong khi đó đúng hơn phải là “chạy án”.
Pháp luật không có quy định về khái niệm “nhận chạy án” là gì, tuy nhiên có thể hiểu chạy án là việc dùng mọi thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội. Lúc này, lợi dụng tâm lý lo sợ của người phạm tội hoặc người thân của họ, nhiều đối tượng đã “gợi ý” việc chạy án.
Theo đó, nhận chạy án là hành vi các đối tượng nhận tiền của người phạm tội tìm cách, dùng thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội. Hầu hết các đối tượng này thường có quyền hạn, địa vị, mối quan hệ rộng, … trong các cơ quan, nhà nước; đặc biệt là ở ngành tư pháp như tòa án, viện kiểm sát. Từ đó, lợi dụng quyền hạn, các mối quan hệ, sự tín nhiệm của mình thông qua trực tiếp hoặc trung gian thực hiện các hành vi nhằm “đổi trắng thay đen” giúp người có tội thoát được hưởng án nhẹ hơn so với hành vi phạm tội đó.
Cách diễn giải ngôn từ luật pháp xã hội chủ nghĩa ở đây thì với các hành vi đó, người phạm tội này đã xâm phạm đến các chuẩn mực đúng đắn, quy trình hoạt động, trách nhiệm làm việc trong cơ quan tổ chức.
Chạy án ở cấp tòa án, viện kiểm sát thường cho kết quả đúng như thỏa thuận với bên chung chi tiền bạc.
Một dẫn chứng khi không chịu chạy án hình sự: trong vụ án Phan Sinh Thành ở tỉnh Quảng Bình, tháng 6-2023, thỏa thuận ban đầu là chung chi 2,7 tỷ đồng, nhưng sau đó phía cán bộ phụ trách vụ án đòi thêm 660 triệu đồng, và khi người nhà bị cáo không đáp ứng, Viện kiểm sát tỉnh này đã nâng mức truy tố từ Khoản 1 lên Khoản 2 đối với tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Trong giới thầy cãi về án ly hôn – tức án dân sự, có tranh chấp tài sản, ở Sài Gòn có một nữ luật sư nay cũng đã cao niên, từng rất nổi tiếng là có thể bà bảo vệ thân chủ thất bại ở án này ở các tòa địa phương, nhưng khi phúc thẩm, gần như bà luôn ‘cãi’ thắng nhờ vào những mối quan hệ ở cấp cao hơn chốn pháp đình này.
Dĩ nhiên với nữ luật sư trên, bà hiểu chuyện phải quấy với các hội đồng xét xử, vì tựu trung lại thì số bạc tiêu tốn ấy cũng do thân chủ đảm nhận, bà chỉ làm… dịch vụ pháp lý trung gian mà thôi.