Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chế Bồng Nga

Truyện ngắn Trần Thế Kỷ (VNTB)Đi về miền trung nước Việt, thỉnh thoảng khách du lại bắt gặp một tháp Chàm cổ kính nằm hiu hắt bên đường. Đó là chứng tích về đất nước Chiêm Thành xưa kia từng có thời thịnh trị. Một trong những người có công viết nên những trang sử chói lọi cho dân tộc Chiêm chính là Chế Bồng Nga. Là một tài năng quân sự, ông ta đã biến quân đội Chiêm thành một quân đội thiện chiến. Trong thời kỳ ông ta trị vì, các nước lân bang đều kiêng nể Chiêm Thành dù quốc gia này đất không rộng, người không đông.

Chăm-Pa giờ chỉ còn là phế tích hoang tàn.

Ngày đó tôi là một viên tướng thân cận của Chế Bồng Nga, từng sát cánh bên vị vua này trong nhiều trận đánh lớn. Một trong các trận thắng lẫy lừng xảy ra vào năm 1377. Lần ấy đoàn quân Đại Việt do đích thân vua Trần Duệ Tông chỉ huy hăm hở kéo đến kinh đô Đồ Bàn. Chế Bồng Nga bèn cho người trá hàng nói rằng vua Chiêm đã bỏ thành chạy trốn, để lại thành không. Duệ Tông tưởng thật, hạ lệnh tiến binh vào thành. Khi họ gần tới Đồ Bàn thì bị quân Chiêm phục sẵn đổ ra vây đánh. Quân Việt thua to. Duệ Tông chết tại trận tiền. Tự tay tôi đã chặt đầu ông ta rồi đem nó bêu trên một cây cọc nhọn cho muôn dân đều thấy.

Sau chiến thắng đó, đoàn quân oai hùng của chúng tôi còn nhiều phen làm quân dân Đại Việt phải thất điên bát đảo. Quân Chiêm vào ra nước Việt như chốn không người. Mấy lần chúng tôi vào đánh Thăng Long là mấy lần vua tôi nước Việt tháo chạy kinh hoàng. Nhục nhã thay cho một đất nước luôn vỗ ngực tự hào đã ba lần đại thắng giặc Nguyên Mông!

Tuy nhiên, sau mỗi lần thắng lợi trở về, tôi lại cảm thấy có điều không ổn. Đó là việc đưa dân tộc vào vòng chinh chiến liên miên của Chế Bồng Nga. Điều này khiến đất nước mất đi nền tảng của sự phát triển. Sự đi lên của một dân tộc phải dựa vào sự phát triển kinh tế và văn hóa chứ không dựa vào của cải chiếm đoạt được trong những trận binh đao. Chiêm Thành nào phải là sào huyệt của quân giặc cướp. Dù là chiến tướng nhưng tôi vẫn luôn cho rằng chiến tranh chỉ có thể là lựa chọn cuối cùng. Nó lại càng không thể là lẽ sống!

Đáng tiếc là sau những chiến thắng liên tục, Chế Bồng Nga càng tỏ ra là một kẻ hiếu chiến. Ông ta là một nhà quân sự lớn nhưng không biết nhìn xa. Ông ta quên đi thực tế rằng dân tộc Chiêm đang sống trong một lãnh thổ chật hẹp, đất đai không phì nhiêu. Nền kinh tế Chiêm Thành đang tụt hậu so với các nước trong khu vực. Ông ta cũng quên rằng Đại Việt là một dân tộc lớn. Họ có thể suy yếu nhất thời nhưng về lâu về dài đó vẫn là một đối thủ nguy hiểm. Dân tộc Việt có những con người kiệt xuất đến Trung Hoa còn phải kiêng nể. Gây thù chuốc oán với một dân tộc như thế là điều dai dột. Thay vào đó nên thực thi một đường lối ngoại giao khôn khéo không chỉ đối với Đại Việt mà còn với cả các nước lân bang. Để người ta yêu mình hơn là để người ta ghét mình.

Buồn thay, tất cả những lời khuyên chí tình của những người có lòng với giang san đều bị Chế Bồng Nga gạt bỏ ngoài tai. Ông ta chỉ là con người của chiến tranh. Hòa bình là một từ rất xa lạ với vị vua này. Cuối cùng thì cái ngày định mệnh cũng đã tới với dân tộc Chiêm. Nó mở ra một chương đầy đen tối cho dân tộc này.

Đó là vào đầu năm 1390. Lần ấy quân Chiêm với hơn một trăm chiến thuyền hùng hổ kéo vào nước Việt. Quân đối phương do Trần Khát Chân chỉ huy cũng dàn trận sẵn sàng. Hai bên Việt, Chiêm đợi giờ quyết chiến.

Sáng 24 tháng giêng, tôi khuyên Chế Bồng Nga nên hết sức cảnh giác vì đêm trước tôi mơ thấy một trận cuồng phong làm sập cả một tòa tháp Chiêm. Tôi cho như thế là điềm gở:

– Việc binh tối kỵ khinh địch. Quân Đại Việt mấy phen thua ta nên lần này ắt có phòng bị. Xin ngài chớ xem thường.

Đáp lại lời khuyên của tôi chỉ là một tràng cười ngạo mạn của Chế Bồng Nga. Trước mặt mọi người, ông ta vạch quần đái vọt qua mạn thuyền:

– Việc gì phải lo lắng bọn khiếp nhược kia. Chúng hơn gì bãi nước đái của ta!

Chiều hôm ấy đức vua dùng bữa cơm chiều. Món vua thích nhất là món đùi dê hầm nhừ. Nhưng tên đầu bếp không hiểu ý nên làm hơi tái ( hắn ta thay cho tay đầu bếp trước không may chết đuối). Chỉ có thế mà đức vua nổi giận cầm cái đùi dê quất mạnh vào đầu hắn rồi sai lính đánh đúng hai mươi hèo ( Sử Việt sau này có sách ghi rằng đó là món giò heo. Điều này không đúng vì Chế Bồng Nga không hề thích món này).

Trận đòn đau đã biến tên đầu bếp thành kẻ phản quốc. Đang đêm, với cái đít sưng tấy, hắn lẻn qua sông vào trại quân Việt và tiết lộ nhiều bí mật về Chế Bồng Nga. Hắn cam đoan sẽ chỉ điểm chiếc thuyền có vua Chiêm cho quân Việt bắn. Trần Khát Chân cho dàn trận lại, tập trung ở hàng đầu nhiều cung thủ giỏi.

Sáng sớm hôm sau, sau một hồi trống ra quân, một loạt cung tên của quân Đại Việt đã giết chết vị vua của nước Chiêm.

Quân Việt đổ ra đánh. Quân Chiêm, thấy vua chết, bỏ chạy tán loạn. Quân Chiêm đại bại, chết vô vàn vô số, máu nhuộm đỏ nước sông. Bản thân tôi bị đâm mấy nhát vào đùi vào bụng, cố nhảy xuống sông bơi được một đoạn thì chết.

Riêng xác Chế Bồng Nga thì bị quân Việt chặt đầu đem về dâng triều đình.Trông thấy thủ cấp của người đã bao phen khiến mình mất ăn mất ngủ, vua quan Đại Việt vui mừng khôn xiết. Sử Việt còn ghi rỏ những lời hân hoan của vua Thuận Tông: “Ta với Bồng Nga cầm cự đã lâu, giờ mới được gặp nhau. Khác gì Hán Cao Tổ thẩy đầu Hạng Võ. Thiên hạ yên rồi!”

Sau trận thua lịch sử này đất nước Chiêm Thành rơi vào cảnh lụn bại, suy vong. Ngày nay nếu đêm đêm có ai nghe thấy tiếng gió thổi ai oán trên các ngọn tháp Chàm nằm chơ vơ bên những nẻo đường Trung Việt, thì xin hiểu đó chính là tiếng thở than của những vong hồn Chiêm chúng tôi xưa kia.

Tin bài liên quan:

VNTB – Truyện ngắn: Chuyện buồn thời “Cô vi”

Phan Thanh Hung

VNTB – Truyện ngắn: Những hồn ma ở Kharkov

Trương Thế Tử

VNTB – Hitler đào thoát

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.