VNTB – “Chế Tài Mềm” của LHQ Đối Với VN qua các Phiên Kiểm Định

VNTB – “Chế Tài Mềm” của LHQ Đối Với VN qua các Phiên Kiểm Định

Quang Nguyên

 

Trong buổi Hội Luận: Các Định Chế Nhân Quyền và Các Biện Pháp Chế Tài tổ chức ngày thứ Sáu 14 tháng 8 tại  Washington D.C. Cô Michelle Nguyễn đã giới thiệu về các cơ chế đặc biệt của LHQ, và tóm tắt về một số phiên kiểm định mà Việt Nam vừa phải trải qua trong vòng chưa đến 2 năm gần đây.

Michelle Nguyễn  là một người ủng hộ quyền tự do tôn giáo. Cô bắt đầu tham gia các công tác hỗ trợ phong trào nhân quyền ở Việt Nam từ năm 2011.


Cô là người đồng sáng lập và điều phối viên của Liên Minh Chống Tra Tấn Việt Nam (VN-CAT), một tổ chức xã hội dân sự chuyên vận động để xóa bỏ mọi hình thức tra tấn.


Từ năm 2019, VN-CAT phối hợp với BPSOS để thực hiện Đề Án Dân Quyền Việt Nam trong nỗ lực phổ biến kiến thức pháp luật đến với người dân Việt Nam, nâng cao nhận thức của họ về quyền công dân được pháp luật và Hiến Pháp bảo đảm, cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho một số trường hợp tiêu biểu để tiến hành các thủ tục pháp lý theo luật định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.

Chúng tôi xin gửi đến độc giả nguyên văn bài nói chuyện của cô Michelle Nguyễn

______________

Xin kính chào tất cả quý vị đang tham dự buổi hội luận hay theo dõi qua Facebook livestream.

Tôi là Michelle Nguyen, điều phối viên phụ trách quốc tế vận của Liên Minh Chống Tra Tấn Việt Nam.

Xin cám ơn các đồng diễn giả đã giới thiệu về các cơ chế đặc biệt của LHQ. Tiếp theo, tôi xin trình bày tóm tắt về một số phiên kiểm định mà Việt Nam vừa phải trải qua trong vòng chưa đến 2 năm gần đây, những kết quả gì đã thu được qua các phiên kiểm định đó, và điều quan trọng hơn nữa là chúng ta có thể khai dụng các kết quả đó bằng cách nào để thúc đẩy cải thiện nhân quyền ở Việt Nam hoặc hoặc vận động cho việc áp dụng những công cụ chế tài đang có sẵn.

Vì những quyền lợi về kinh tế, thương mại, địa chính trị và dưới sức ép của cộng đồng các quốc gia dân chủ phát triển, Việt Nam đã buộc phải bước vào sân chơi quốc tế. Do vậy, chính phủ Việt Nam đã phải ký kết và Quốc Hội thông qua 7 trong số 10 Công Ước của LHQ. Một khi đã ký thì Việt Nam phải chịu ràng buộc bởi các điều khoản của Công Ước và trải qua những phiên kiểm điểm định kỳ về việc thực thi các công ước đó. Chính nhờ cơ chế này mà chỉ trong vòng 21 tháng, Việt Nam đã phải liên tiếp trải qua 4 phiên kiểm điểm.

Ngày 14-15 tháng 11 năm 2018, Việt Nam trải qua phiên kiểm định thực thi Công Ước Chống Tra Tấn. Phái đoàn Việt Nam dẫn đầu là Thứ trưởng Công an Lê Quý Vượng, đã phải lúng túng trước một loạt những câu hỏi kèm theo bằng chứng rõ ràng, đầy đủ cụ thể được tổng kết từ những bản báo cáo của các tổ chức nhân quyền và xã hội dân sự. Sau hai ngày kiểm điểm, Ủy Ban Chống Tra Tấn công bố Bản Nhận Xét Kết Luận với một loạt khuyến nghị cho phía Việt Nam và yêu cầu Việt Nam phải gửi bản phúc trình cập nhật sau 12 tháng.

3 tháng sau, vào ngày 22/1/2019 Việt Nam lại phải trải qua phiên Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR) lần thứ 3 và tại phiên kiểm định này Việt Nam đã nhận được tổng cộng 428 khuyến nghị trong nhiều lĩnh vực từ tự do internet, báo chí độc lập tới luật công đoàn, từ quyền hội họp tới biểu tình, …

Chỉ 2 tháng sau đó, từ ngày 11-12 tháng 3, 2019 Việt Nam lại phải trải qua phiên Kiểm Định Thực Thi Công Ước các Quyền về Dân Sự và Chính Trị mà họ đã “trốn” suốt 17 năm. Một lần nữa, phái đoàn Việt Nam, mà kỳ này được dẫn đầu bởi Thứ Trưởng bộ Tư Pháp Nguyễn Khánh Ngọc, đã phải lúng túng và trả lời quanh co, không liên quan trực tiếp tới những câu hỏi cụ thể do Ủy Ban Nhân Quyền đặt ra. Ủy Ban công bố bản Nhận Xét Kết Luận gồm 52 mục quan ngại và khuyến nghị. Ngoài ra Ủy Ban cũng yêu cầu 2 năm sau Việt Nam phải nộp báo cáo tiếp theo về việc thực thi các khuyến nghị của Ủy ban trong ba vấn đề: Án tử hình, tự do biểu đạt và người bảo vệ nhân quyền

Đầu năm nay, Việt Nam đã phải gửi báo cáo quốc gia về việc thực thi Công Ước về Quyền Trẻ Em. Và từ tháng 2 thì các tổ chức nhân quyền và XHDS đã bắt đầu nộp báo cáo cho LHQ để chuẩn bị cho phiên kiểm định lẽ ra được thực hiện hồi tháng 6 nhưng vì lý do dịch bệnh đã được dời lại đến tháng 10 năm nay, như các bạn NextGen vừa trình bày.

Như vậy chúng ta có thể thấy chỉ trong chưa đầy hai năm mà Việt Nam đã nhận được rất nhiều chất vấn và khuyến nghị từ các chuyên gia của Ủy Ban Nhân Quyền và Ủy Ban Chống Tra Tấn LHQ. Gần đây, Việt Nam cũng có một số tiến bộ nhỏ. Chẳng hạn như các vụ án liên quan đến công an bạo hành hay những cái chết trong khi bị giam giữ được đưa ra xét xử sớm hơn so với trước. Tuy nhiên do luật Việt Nam không có điều khoản cụ thể về tội tra tấn cho nên thủ phạm vẫn được xử bằng những khung tội nhẹ hơn. 

Số vụ việc chết trong đồn công an có vẻ như ít xảy ra hơn những năm trước đây và nếu có thì mức độ bao che che giấu cũng ít lộ liễu như trước. Chúng ta không nghe nói tới những cái chết được biện giải bằng các lý do vô lý đến mức trắng trợn như “treo cổ bằng dây buộc giày” hay “tự cắt cổ bằng dao rọc giấy”, …. Một tiến bộ đáng kể là vào ngày 26/9/2019 Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết Định số 1252/QĐ-Ttg Phê Duyệt Kế Hoạch Tăng Cường Thực Thi Hiệu Quả Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân Quyền LHQ. Trong đó có một số chỉ thị đáng chú ý như:

  • nội luật hóa các quy định của Công ước ICCPR vào pháp luật trong nước, 
  • hình sự hóa hành vi tra tấn, 
  • loại bỏ quy định miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi tra tấn, 
  • loại bỏ quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội liên quan đến tra tấn, ….

Đó xem như là một bước tiến bộ trên lý thuyết. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta đều có thể thấy rằng tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đang xấu đi rất nhiều với các vụ bắt bớ tràn lan và những bản án nặng nề. 

Như vậy, điều đó có nghĩa là những phiên kiểm định và các khuyến nghị của LHQ là không có tác dụng gì hay sao? Câu trả lời tùy thuộc vào chính chúng ta. Nếu chúng ta để lãng phí đi những thành quả vừa đạt được thì chúng ta không tạo thêm được một bước tiến nào nữa mà thậm chí tình trạng sẽ còn bị thụt lùi. Còn trái lại, nếu chúng ta đem những điều đã gặt hái, tích tụ được để biến thành cơ hội một cách linh hoạt và nhanh nhạy thì có nhiều cánh cửa cơ hội mà chúng ta có thể mở ra.

Sau đây tôi xin điểm qua 5 trong số nhiều công cụ chế tài hiện đang có sẵn trong hệ thống pháp luật của nước Mỹ mà chúng ta có thể khai dụng ngay lập tức.

1) CPC: Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế lập phúc trình thường niên và đề nghị đưa vào danh sách “Các Quốc Gia cần Quan Tâm Đặc Biệt” chiếu theo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.

 Các biện pháp chế tài bao gồm nhiều hình thức từ nhẹ tới nặng như cảnh cáo, cắt viện trợ, không bán hàng hóa và kỹ thuật, không cho vay tiền, thậm chí có thể dùng quyền phủ quyết các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho vay.

 2) IRFA (Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế): các quan chức có trách nhiệm về các vụ đàn áp tôn giáo sẽ bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ vĩnh viễn, bao gồm cả thân nhân trực thuộc (vợ, chồng, con) của họ.

3) Luật Magnitsky Toàn Cầu: Áp dụng cho mọi hình thức vi phạm nhân quyền chứ không chỉ giới hạn ở vi phạm tự do tôn giáo. Những kẻ vi phạm sẽ bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ và đóng băng tài sản.

4) Sắc lệnh Hành Pháp số 13818 về đóng băng tài sản của những kẻ liên quan đến vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng nặng nề, do TT Trump ban hành ngày 21 tháng 12 năm 2017. Sắc lệnh này hạ thấp và nới rộng tiêu chuẩn để bị chế tài: mức độ vi phạm chỉ cần là nặng nề chứ không cần phải là nghiêm trọng. Ngoài ra, và nạn nhân có thể là bất kỳ ai chứ không chỉ là người bảo vệ nhân quyền hay tố giác tham nhũng như trong Luật Magnitsky. Sắc lệnh này cũng nới rộng đối tượng bị chế tài để bao gồm các thành phần đồng loã, kể cả các công ty, các cá nhân ngoài chính quyền, và cả công dân Hoa Kỳ nữa. 

5) Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người, được TT Clinton ban hành năm 2000 và từ đó đến nay được các TT Bush, Obama, và Trump gia hạn. Theo luật này thì mỗi năm Ngoại Trưởng Mỹ có trách nhiệm đệ trình lên quốc hội danh sách các quốc gia cần giám sát đặc biệt. Các quốc gia bị xếp Hạng 3 sẽ bị cắt viện trợ, ngoại trừ viện trợ nhân đạo hay liên quan đến mậu dịch, và các quan chức hữu trách bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ vĩnh viễn. Việt Nam đã bị xếp Hạng “-2” (Đang bị theo dõi) liên tiếp trong hai năm 2019 và 2020 và hiện đang mấp mé Hạng “3”.

Chúng ta đã biết chắc chắn là các công cụ chế tài bằng luật pháp đã có sẵn. Và chúng ta cũng đã được nghe các vị diễn giả trong 4 buổi hội luận trước bày tỏ sự ủng hộ cho nhân quyền và quyết tâm muốn áp dụng các công cụ chế tài. Như vậy thì phần chúng ta, chúng ta có thể làm gì để góp phần thúc đẩy tiến trình đó?

Đối với người trong nước, điều đầu tiên là chúng tôi mong quý vị đừng bao giờ làm bất cứ điều gì để có thể gây bất lợi cho mình hay tạo cớ cho nhà nước cáo buộc những tội danh hình sự. Ngược lại, quý vị cần tích cực hơn trong vai trò giám sát nhà nướcchủ động sử dụng luật trong nước để yêu cầu chính phủ Việt Nam phải tôn trọng Hiến Pháp và pháp luật. 

Điều thứ hai là hãy học cách thu thập bằng chứng để làm cơ sở báo cáo với quốc tế. Chúng tôi có những mẫu thu thập thông tin và mẫu báo cáo với một cơ chế đặc biệt của LHQ. Mùa hè năm nay, tổ chức “Safeguard Defenders” (Bảo vệ An toàn) dự định sẽ phổ biến cẩm nang bằng tiếng Việt hướng dẫn các tổ chức xã hội dân sự áp dụng luật chế tài Magnitsky toàn cầu. 

Đối với quý vị đang ở nước ngoài, chúng tôi mong quý vị hãy tiếp tay trong khả năng của mỗi người. Công cuộc dân chủ hóa Việt Nam và quốc tế vận là con đường dài nhiều gian nan trở ngại và cần sự chung tay góp sức của mọi người con nước Việt. Từ hỗ trợ việc thông dịch các tài liệu đến tham gia kết nghĩa với các cộng đồng yếu thế trong nước để giúp họ tăng năng lực, từ tham gia vận động hành lang đến giúp lan tải thông tin đến đại chúng đều là những việc mà bất cứ ai có tấm lòng với đất nước đều có thể làm được.

Chúng tôi mong mỏi rằng sau khi theo dõi những buổi hội luận trong chương trình Vận Động cho Việt Nam, quý vị sẽ không cảm thấy mình chỉ là khán giả mà một vài trong số quý vị có thể bắt tay ngay vào việc để giúp đem lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.

Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe. 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Thiên Hoàng 4 years

    Cuối cùng cũng chỉ là quan ngại!