Quang Thành
(VNTB) – Trường hợp Cam-bốt là một bằng chứng tạo niềm tin cho người hoạt động nhân quyền Việt Nam, về nhân quyền trong EVFTA là có thật, bao gồm chế tài hiệu quả nếu xảy ra vi phạm.
“Lịch sử cho thấy sự cô lập không làm thay đổi một quốc gia. Đó là lý do tại sao Nghị viện EU đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp định thương mại này với Việt Nam. Với nó, chúng tôi tăng cường vai trò của EU tại Việt Nam và khu vực, đảm bảo rằng tiếng nói của chúng tôi có trọng lượng hơn trước. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các vấn đề mà chúng tôi bất đồng quan điểm, chẳng hạn như vai trò của tự do báo chí hoặc tự do chính trị. Chúng tôi đồng thời cũng mở rộng sự tham gia cho xã hội dân sự. Công việc của chúng tôi từ giờ trở đi là đảm bảo các thỏa thuận được thực thi trong thực tế.”
Lời phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Bernd Lange sau khi nghị viện EU thông qua hiệp định tự do thương mại giữa EU và Việt Nam vào hôm 12/2.
Nghị viên EU Winkler, ủng hộ thông qua EVFTA tuyên bố: phía đối lập cáo buộc Liên Âu nhắm mắt làm ngơ về quyền con người, quyền lao động và bảo vệ môi trường. Tôi đã nói rõ: trong mọi trường hợp, ôi nói rõ: trong mọi trường hợp, chúng ta sẽ không để cho họ muốn làm gì thì làm mà không bị trừng phạt. Thay vào đó, chúng ta sẽ tham gia vào việc giám sát việc thực thi đúng và hiệu quả theo như cam kết trong các cuộc đàm phán và chúng ta có thể đình chỉ thỏa thuận nếu vi phạm nhân quyền xảy ra.”
Phải sử dụng hai tuyên bố của Nghị viên EU để cho thấy rằng, phía Liên Âu cũng trấn an những lo ngại ‘trọng thương mại, khinh nhân quyền’ có thể diễn ra hậu đình chỉ thoả thuận EVFTA.
Cùng lúc đó, Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố ‘Chương trình hành động quốc gia’ liên quan đến thực thi hiệu quả EVFTA, trong buổi gặp với phái đoàn EU ngay sau khi Hiệp định được phê chuẩn.
Thế nhưng, các lợi ích chính trị – kinh tế xen kẽ giữa hai đối tác có thể khiến nghi ngại về nhân quyền có thể lại trỗi dậy. Chừng nào EU còn chưa cho thấy một ví dụ hiện hữu liên quan đến bảo tồn giá trị cốt lõi nhân quyền.
Cam-bốt (Cambodia) sẽ là một trong nhiều chứng tỏ như thế đối với EU, nơi lợi ích địa chính trị và thương mại yếu hơn so với Việt Nam, nhưng Liên Âu liên tục nhún nhường về vấn đề nhân quyền.
Tuy nhiên mới đây, Liên Âu đã có thái độ mạnh mẽ hơn trước thách thức của chính quyền HunSen khi EU đang đắn đo quyết định liệu có nên chấm dứt chế độ ưu đãi thương mại đặc biệt cho Cam-bốt vì các quan ngại về nhân quyền hay không. Cụ thể, Liên Âu quyết định sẽ đình chỉ một phần các ưu đãi thương mại mà Phnôm-pênh được hưởng vì vi phạm quyền con người có hệ thống, Ủy ban Liên Âu cho biết hôm thứ Tư.
“Cam-bốt sẽ mất khoảng 20 phần trăm các quyền ưu đãi mà họ được hưởng theo thoả thuận “Tất cả trừ vũ khí” (EBA) mà EU dành cho 48 quốc gia nghèo nhất thế giới. Tỷ lệ này tương đương với một tỷ euro (1,1 tỷ Mỹ kim) xuất khẩu của Cam-bốt sang EU.”
Và nếu không có gì thay đổi, thì ngày 12-08, quyết định này sẽ có hiệu lực.
Đây là hệ quả mà chính phủ của Thủ tướng Hun Sen gánh chịu sau khi ‘thoải mái’ đàn áp đối lập, các nhóm xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông trong ba năm qua.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Âu Josep Borrell nói trong một tuyên bố. “Để các ưu đãi thương mại được phục hồi, chính quyền Cam-bốt cần thực hiện các biện pháp cần thiết.”
Dù chính quyền Hun Sen vẫn dựa lưng Trung Quốc để tuyên bố cứng rắn sẽ ‘không khuất phục’. Tuy nhiên, thời gian sẽ cho Hun Sen câu trả lời chính xác về ‘tầm nhìn’ này. Điều đáng nói, thái độ thách thức của Hun Sen là hệ quả phát sinh từ câu chuyện trước đó, khi EU nhiều lần ‘đe doạ’ theo hướng giơ cao đánh khẽ.
Trường hợp Cam-bốt là một bằng chứng tạo niềm tin cho người hoạt động nhân quyền Việt Nam, về nhân quyền trong EVFTA là có thật, bao gồm chế tài hiệu quả nếu xảy ra vi phạm.
Bên cạnh cam kết mạnh mẽ của EU trong giám sát thi hành EVFTA nói chung và cam kết nhân quyền nói riêng trong Hiệp định. Thì bản thân mỗi tổ chức xã hội dân sự cần tiếp tục nỗ lực hoạt động, trên cơ sở ôn hoà, phản biện và nhân quyền chủ động để cùng Liên Âu, Chính phủ Việt Nam thúc đẩy nhân quyền Việt Nam bước sang một trang mới.