VNTB – Chỉ ‘nới ra’ một chút

VNTB – Chỉ ‘nới ra’ một chút

Mai Lan

 

(VNTB) – Giờ chỉ cần 1 báo giá trong mua sắm thiết bị y tế thay vì 3

 

Ông Phan Văn Báu, Giám đốc bệnh viện Nhân dân 115 cho rằng, quy định mới đây tuy đã tháo gỡ được khó khăn khi chỉ cần 1 báo giá, nhưng liệu công ty có báo giá sát với giá nhập khẩu hay không?. Ông Báu đặt vấn đề, cách lấy báo giá như thế nào để sau này không bị quy kết về giá, giá nhập về công ty có quyền được lời bao nhiêu phần trăm?

Ngoài ra, trong việc sửa chữa trang thiết bị y tế lớn, giá trị cao bị hư hỏng, phải có trong kế hoạch trung hạn 5 năm. Sau đó phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền thông qua hội đồng theo quy định của luật Đầu tư công và nghị định hướng dẫn luật. Việc này có bị vướng luật hay không, Nghị quyết 30 vừa ban hành chưa thấy đề cập.

“Còn về xác định giá trang thiết bị y tế, nên chăng cần có cơ quan chủ trì định mức giá. Vì sau này thanh tra, kiểm toán đều xoáy vào giá nhập khẩu, hỏi tại sao lại đắt mấy lần, rồi xác định tình trạng có mua bán lòng vòng không, bệnh viện làm sao biết được” – ông Châu Văn Đính, Giám đốc bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho rằng, việc sửa chữa phải theo theo luật Đấu thầu và các thông tư, nghị định. Cần có sự phối hợp các bên để sửa quy định này, vì phải lập báo cáo, đề xuất sửa chữa trang thiết bị y tế.

Ngoài ra thì hiện các công ty niêm yết giá chỉ có giá máy, còn linh kiện chưa có. Vậy giá nhập khẩu như thế nào, báo giá ra sao, vì sau này phải kiểm tra, quyết toán, gây khó khăn cho bệnh viện.

Người đứng đầu Hội Dược học TP.HCM cho rằng, “Để giải quyết vấn đề tận gốc, cần sự tham gia trách nhiệm hơn nữa của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư. Vì đây là vấn đề kinh tế y tế chứ không chỉ là chuyên môn y tế. Một mình ngành y không thể đủ khả năng khi xây dựng luật Đấu thầu, các nghị định, thông tư về mua sắm trong khi trang thiết bị y tế, thuốc có rất nhiều đặc thù. Trong sửa đổi luật Đấu thầu sắp tới, nên có một quy định riêng cho thuốc và trang thiết bị y tế.

Chính phủ có thể thành lập Trung tâm tiếp liệu quốc gia, bổ sung thành phần các chuyên gia đến từ kiểm toán, thanh tra, công an để bảo đảm mua sắm đúng luật.

Tôi nghĩ, đã đến lúc xem lại có nhất thiết cái gì cũng phải phải đấu thầu. Hãy giao quyền tự chủ rõ ràng cho đơn vị với gói định suất trên số lượng và quy mô bệnh tật của bệnh nhân ở các bệnh viện công lập để tự kiểm soát thất thoát khi mua sắm trang thiết bị như ở các bệnh viện tư nhân.

Nếu chưa dám làm đại trà, lựa chọn một số đơn vị để thí điểm cũng là một cách” – dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, đề xuất.

Tính đến hiện tại dẫu cao ngạo nói gì đi nữa, dù “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần tuyên bố và được tân Chủ tịch nước đắc ý nhắc lại, thì có lẽ Đảng vẫn phải nhìn nhận một cách nghiêm túc những bất cập về cơ chế kéo dài trong lĩnh vực y tế để hạn chế những hệ lụy tiêu cực của nó kéo dài tới đây.

Từ năm 2021, khi dịch Covid diễn ra, tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, máy móc, hóa chất, sinh phẩm y tế đã xuất hiện ở các cơ sở chữa bệnh công lập từ trung ương đến địa phương. Lãnh đạo các bệnh viện đã liên tục kiến nghị, đề đạt để giải quyết tình trạng này nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền khắc phục. Tình thế đến nay ngày càng trở nên trầm trọng.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ mong muốn được đặt lên bàn Tổng bí thư và tân Chủ tịch nước lúc này: “Vì sao cũng những bệnh viện công đó, cũng các bác sỹ đó mà họ vẫn tiếp cận đầy đủ vật tư y tế trước đây? Thậm chí, trong dịch bệnh, họ là những người ở tuyến đầu.

Vì sao cũng vẫn là những con người đó lại để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trên diện rộng?

Lỗi ở thể chế, hay chỉ đơn giản từ cái tâm, lòng tham của con người?”


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)