VNTB – Chỉ thị 16 tăng cường: than vãn cũng có ai nghe đâu!

VNTB – Chỉ thị 16 tăng cường: than vãn cũng có ai nghe đâu!

Thúy An

(VNTB) – “Than vãn gì nữa! Ai nấy đều mệt mỏi sức chịu đựng bị bào mòn, có than đâu làm dịch COVID biến mất”.

 

Những ngày trước khi TP.HCM chuẩn bị bước vào mốc 0 giờ ngày 9-7-2021, thành phố sẽ thực hiện chỉ thị 16 của chính phủ để phòng chống dịch Covid-19, nhiều người dân lo lắng, đổ xô đi mua đồ ăn, chuẩn bị thuốc men, mặc dù chính quyền có thông báo sẽ đầy đủ hàng hóa cho người dân, đừng lo lắng.

Báo chí cũng viết rằng, đây không phải là lần đầu tiên thành phố chịu chỉ thị 16, ở những đợt dịch trước, cũng đã từng có.

Nói là một lẽ, tuy nhiên, trước tình hình thực tế khi đó, mỗi ngày đều có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng; mỗi lần tầm soát, dù ở cộng đồng hay trong môi trường bệnh viện, cũng đều có ca nhiễm; kèm theo đó, chỉ thị 16 khuyến khích người dân nên ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, thì tâm lý lo lắng của nhiều người, tự mua đồ ăn trữ sẵn cũng là điều dễ hiểu.

Thời gian vàng 2 tuần lễ trôi qua, mặc dù tình hình có vẻ sáng sủa, song, vẫn chưa hẳn là triệt để.

Những địa điểm giăng dây, phong tỏa liên tục xuất hiện mới ở nhiều nơi. Số ca trong cộng đồng mỗi ngày duy trì đến mức 4 chữ số. Tưởng rằng sẽ có sự chuẩn bị vắc-xin tương đối đầy đủ để chích cho phần đông người dân thì lại không. Đó là chưa kể đến việc Sở y tế lại tạm gác sức khỏe người dân qua một bên, chấp nhận cho tập đoàn Vingroup mượn vắc-xin để họ ưu tiên chích cho nhân viên của họ. Dù chỉ là con số nhỉnh hơn 5.000 thêm vài đơn vị, nhưng với 5.000 liều đó, thành phố đã có thể chích cho tối thiểu là 5.000 người dân nghèo.

Một bài báo đăng trên báo Thanh Niên, viết, “…Khi nhận được thông tin phải tiếp tục giãn cách và áp dụng nhiều biện pháp tăng cường, nghiêm ngặt hơn nhưng nhiều bạn trẻ không còn than vãn, thay vào đó các bạn thấy mình thật sự may mắn vì còn được ở nhà.

Chính vì thế, các bạn trân quý khoảng thời gian này vì trong dịch bệnh căng thẳng và nguy hiểm này mà bản thân, gia đình vẫn được an toàn ở nhà, nên các bạn kêu gọi mọi người hãy cùng nhau trân quý nếu ta còn được ở nhà, hãy chịu khó một thời gian nữa, cùng đồng lòng ở yên một chỗ để chung tay phòng chống dịch bệnh….”.

Có các ý kiến như sau:

“Điều báo nói là không sai, các nhân vật báo ghi nhận là không sai nhưng mình thấy ở các nhân vật trong bài báo có nhiều điểm tuyên truyền quen quen, nói bình dân là gật đầu chào hỏi luôn đó.

Từ việc thực thi chỉ thị 16 tăng cường để tận dụng thời gian này quyết liệt hơn chống dịch cho đến việc ở nhà may mắn hơn là ở khu cách ly, thở bằng không khí hơn là thở bằng máy thở.

Thật ra những điều đó, mình khẳng định lại, quan điểm của mình là không sai. Tuy nhiên, nếu nói như vậy không là chưa đủ. Với những người mưu sinh, kiếm miếng ăn hằng ngày thì sao?

Nói thiệt, với họ, dù ở nhà hay ở khu cách ly, cũng đều khốn đốn như nhau. Thôi thì tạm gác điều đó qua một bên đi, với những người đi cấp cứu hay đến lịch khám thì sao?

Có rối rắm đi chăng nữa, thì thôi cứ cho là trong thành phố cũng còn dễ, vậy thì dân tỉnh khác đi tái khám thì sao? Cái tờ giấy gọi là giấy xét nghiệm âm tính làm khổ biết bao người, các chuyên gia y tế cũng lên tiếng nó không có giá trị gì, tốn kém chi phí cho người dân, đó là chưa kể rủi ro khi xếp hàng chờ tầm soát nữa, báo chí viết, người dân than vãn, có nghe mà sửa không?”.

Vì sao nhiều người không còn than vãn trước chỉ thị 16 tăng cường, theo tôi thấy, đơn giản, giờ có than cũng được gì đâu? Than cũng đâu cải thiện được tình hình. Như Bà Rịa Vũng Tàu á, than cũng có tác động được gì không? Nói nôm na dễ hiểu, “sống chung với lũ” á.

Than cũng không hiệu quả, thôi thì mình tìm cách sống trong hoàn cảnh khó khăn. Chứ ở nhà không thì lấy gì mà ăn? Trước lúc giãn cách, một số người cũng nói, không trông chờ vào hỗ trợ, chỉ cần cho người ta làm, người ta mưu sinh là được rồi. Hy vọng sẽ không thêm gánh nặng khó khăn lên vai người dân”.

“Than vãn gì nữa ! Ai nấy đều mệt mỏi sức chịu đựng bị bào mòn, có than đâu làm dịch COVID biến mất”…

Biết rằng ngành y tế cùng nhiều người trong lực lượng đã mệt mỏi trước đợt dịch này. Ngay cả bản thân người dân, họ cũng sợ bệnh; cũng sợ vô khu cách ly, bệnh viện dã chiến, cho nên dù không biết rõ đúng hay sai, chỉ thị đưa xuống, họ sẵn sàng cùng chung tay với chính quyền chống dịch. Tuy nhiên, cũng xin đừng đặt thêm áp lực lên đôi vai của nhiều người khó khăn nữa.

Nếu như quá khó khăn, ăn uống không ổn, một số người còn bị rời khỏi chỗ trọ, tinh thần lo lắng, tất yếu sức khỏe sẽ suy giảm, khi đó, chẳng phải thêm gánh nặng cho ngành y tế hay sao?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)