Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chính phủ chấp nhận mua 30 triệu liều vắc xin AZD1222 của VNVC

Ngọc Lan

(VNTB) – Miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc việc sử dụng vắc xin cho AstraZeneca và Công ty VNVC.

 

Ngày 19/6/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP về việc mua vắc xin phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Luật Đấu thầu đối với việc mua vắc xin phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC).

Cụ thể, Chính phủ chấp nhận mua 30 triệu liều vắc xin AZD1222 mà VNVC đã mua của AZ; chấp nhận giá mua vắc xin theo nguyên tắc phi lợi nhuận như báo cáo của Bộ Y tế; thanh toán chi phí vận chuyển vắc xin về Việt Nam theo hóa đơn, chứng từ thực tế AZ cung cấp cho VNVC theo hợp đồng giữa AZ và VNVC và các khoản phí bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm hợp đồng…

Đồng thời, Chính phủ cũng đồng ý điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc sử dụng vắc xin cho AstraZenaca và VNVC; và việc VNVC có thể giao hàng không đúng tiến độ.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày ký.

Tại tọa đàm trực tuyến “Mở rộng nguồn tiếp cận vắc xin và trách nhiệm của nhà nước” do trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) tổ chức ngày 19-6, trước yêu cầu mở rộng nguồn, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam) lưu ý nhà nước cần có vai trò điều tiết dẫn dắt, bởi nguy cơ có thể mua phải hàng giả, kém chất lượng hoặc hàng hết hạn sử dụng.

“Bộ Y tế phải có quy định hết sức chặt chẽ khi nhập vắc xin về. Nghị định 104/2016 có quy định trách nhiệm bồi thường của nhà nước khi người dân tiêm vắc xin bị thiệt hại, rủi ro” – ông Nghĩa nói.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng người dân trông đợi việc nhà nước tổ chức tiêm vắc xin theo quy trình hết sức chặt chẽ. Không thể để người dân tiêm vắc xin giả, hết hạn. Không thể tiêm cho người dân với quy trình sai và không an toàn, và nếu xảy ra hậu quả bất lợi thì người dân có quyền yêu cầu bồi thường nhà nước.

“Những vấn đề pháp lý như vậy chưa từng đặt ra với quy mô 75 triệu người. Đây là ví dụ đặc biệt để thấy rằng đáng ra cần có luật về tình trạng khẩn cấp để một mặt cho Nhà nước quyền can thiệp, mặt khác vẫn bảo vệ quyền tự do dân sự và sinh mạng cho người dân. Đó là hai vấn đề cần phải đặt ra” – ông Nghĩa nói.

Điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc việc sử dụng vắc xin cho AstraZeneca và Công ty VNVC” – Trích Điều 1.3, Nghị quyết 61/NQ-CP, “Về mua vắc xin phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam”.

Luật sư Trần Thành nói rằng điều khoản miễn trừ khiếu nại được ghi là “hoặc việc sử dụng vắc xin cho AstraZeneca và Công ty VNVC”, mang đến cảm giác bất an cho người chích nếu như người ấy từng được tiếp cận tin tức cập nhật về loại vắc xin này.

“Bài báo AstraZeneca: Một người ở Việt Nam đã chết, Anh cũng phải thay đổi khuyến nghị, trên BBC ngày 7-5, viết rằng ngày 7-5, Anh quốc nói hầu hết người lớn dưới 40 tuổi sẽ được tiêm vaccine thay thế cho loại Oxford-AstraZeneca. Cơ quan quản lý an toàn thuốc của Vương quốc Anh ngày 7-5 cho biết đã có 242 trường hợp đông máu và 49 trường hợp tử vong, sau khi 28,5 triệu liều vaccine này được sử dụng.

Vậy thì các khuyến cáo này nếu Việt Nam không tuân thủ, thì đúng là yêu cầu miễn trừ khiếu nại như Điều 1.3 của Nghị định 61/NQ-0P là cần thiết. Và như vậy, rất cần sự bình tĩnh nếu như người dân Việt Nam có quyền chọn lựa vắc xin chích” – luật sư Trần Thành diễn giải.

Hiện nay Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân được phép tham gia mua vắc xin.

Để mở rộng nguồn vắc xin cho mục tiêu khoảng 150 triệu liều tiêm cho khoảng 70% dân số Việt Nam từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang cạnh tranh mua vắc xin, thay vì chờ đợi vào số tiền quyên góp, nhà nước cần thiết phải bỏ ngân sách ra để đàm phán các hãng dược mua sòng phẳng, theo giá thị trường. Ngoài vắc xin Astrazeneca thì mở rộng đàm phán các hãng Pfizer, Moderna, Sputnik V… Đồng thời tranh thủ quan hệ với các quốc gia kiếm nguồn vắc xin mà họ chưa dùng tới.

Đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể đàm phán mua vắc xin, thì nhà nước cần dẫn dắt để có thể thuận lợi ký hợp đồng 3 bên tăng nguồn vắc xin.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cạnh tranh chính trị trong chính đảng phái chính trị nhìn từ dịch virus Vũ Hán

Phan Thanh Hung

VNTB- Chính quyền địa phương và chính phủ

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng CSVN: những nguy cơ nội tại ( bài 8)*

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.