Anh Văn (VNTB) Rõ ràng, sự chuyển bớt “chỉ đạo” này vẫn không cần thiết. Một chính phủ kiến tạo là một chính phủ ra quyết sách và buộc cấp dưới tuân theo, chứ không phải một chính phủ nhắc nhở và đốc thúc từng cm một như hiện nay.
Ai bận rộn nhất chính trường Việt Nam nếu không phải là ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc? Khi ông đi thăm địa phương liên tục, và sự xuất hiện dày đặc hàng chữ “Thủ tướng chỉ đạo” trên mặt báo.
Riêng trong tuần này, ông đã xuất hiện 2 chỉ đạo bao gồm: Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ bé lớp 5 bị hiếp dâm ở Cà Mau; Thủ tướng chỉ đạo kỷ luật, miễn nhiệm vụ bổ nhiệm ‘thừa’ 23 cán bộ ở Thái Nguyên.
Ông Phúc liên tục ra “chỉ đạo – yêu cầu” đối với cấp dưới. Ảnh: chụp màn hình Vneconomy |
Như vậy có thể thấy, từ việc “điều tra” cho đến “kỷ luật” đều xuất hiện sự “chỉ đạo” của Ngài Thủ tướng. Và sự chỉ đạo này, đúng như quan điểm của PGS. TS Phạm Quý Thọ trên BBC Việt Ngữ, là “những ‘chỉ đạo’ của thủ tướng đã và đang gây ấn tượng và thu hút được sự chú ý của công luận và người dân.” Tuy nhiên, nếu cứ “chỉ đạo” liên tục này liệu có cần thiết hay không? Bởi qua đó, nó cho thấy rất nhiều vấn đề nằm trong bộ máy nhà nước hiện tại, đó là sự thiếu đồng bộ từ chủ trương – chính sách cấp trung ương và sự thực hành tại địa phương; là vấn đề trên bảo – dưới không nghe,…
Dù có tạo ra một sự “khác biệt” so với người tiền nhiệm là ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng chừng đó không đủ để tạo ra một sự thay đổi căn bản trong thể chế nhà nước để đi tới một Chính phủ vì dân hành động mà Ngài Thủ tướng hướng tới. Bởi, bản thân điều đó phải chứa đựng sự “giải trình và chịu trách nhiệm chính trị”, nhưng ở đây, Ngài Thủ tướng mới chỉ cho thấy sự “yêu cầu giải trình”, mà chưa cho thấy sự “tự giải trình và chịu trách nhiệm” ở cấp dưới. Điều này cực kỳ quan trọng, nó thể hiện sự nghiêm túc và một quyết tâm rộng hơn liên quan đến cải cách thể chế nhà nước, bởi một con én chưa bao giờ sẽ làm nên mùa xuân, nhất là mùa xuân đó gạt bỏ các yếu tố liên quan đến sự trì trệ, quan liêu và tham nhũng.
Ngài Thủ tướng có thể quyết tâm hơn, thông qua việc hiện thực hóa “Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” ban hành từ năm 2012. Theo đó, gắn trách nhiệm chức trách với cán bộ lãnh đạo, điều này bao hàm việc, bất kỳ “lãnh đạo” nào để xảy ra sai phạm đều sẽ đi đến kỷ luật và mất chức. Chính yếu tố đánh vào cái “ghế” của lãnh đạo sẽ tạo động lực cho khả năng làm việc cho cấp cơ sở. Và việc hiện thực hóa điều này chính là một “chỉ đạo lớn”, mang tính toàn diện hơn, sâu rộng hơn, khiến mỗi cán bộ cơ sở sẽ tự điều chỉnh, chỉ đạo mình trong công vụ phục dịch người dân.
Câu chuyện của Ngài Thủ tướng về bản chất không khác gì câu chuyện của ông Phó chủ tịch Quận 1 Đoàn Ngọc Hải. Sự tuyên bố “về vườn” khi không làm tốt nhiệm vụ dọn dẹp vỉa hè khiến ông Phó năng xuống đường hơn, nhưng vì chỉ mình ông quyết tâm nên sau khi ông không ra đường nữa, thì chuyện lấn chiếm lại vỉa hè lại bắt đầu tái phát. Câu chuyện vỉa hè không thể giải quyết triệt để bởi sự xuống đường, mà phải gắn nó với cái ghế của các Chủ tịch phường. Tương tự, một Thủ tướng không thể suốt ngài “chỉ đạo”, bởi nó tính nhất thời và tạm gọi là “làm màu, vuốt ve dân”, một Chính phủ cần tính điều hành liên bộ, một cách thức điều hành thống nhất từ trên xuống, và mang tính vĩ mô – nhưng sự vĩ mô đó phải thể hiện lập trường cứng rắn để đảm bảo cơ sở phải tuân theo. Bởi nếu không cẩn trọng trong cách điều hành một Chính phủ, thì từ Chính phủ kiến tạo sẽ dễ dàng chuyển sang Thủ tướng chỉ đạo – đơn độc và không hiệu quả về mặt lâu dài, trong khi những vấn đề như tham nhũng, quan liêu cần một tiến trình lâu dài và duy ý chí hơn thế.
Và có lẽ nhận biết được sự “chỉ đạo” quá nhiều của mình mà gần đây, Ngài Thủ tướng đã giảm bớt tần suất, thay vào đó là ngài Phó thủ tướng lên tiếng “chỉ đạo”. Ví dụ trong tuần này, Ngài Phó thủ tướng đã chỉ đạo với các nội dung như sau: Phó thủ tướng chỉ đạo không tùy tiện cấm ca khúc xưa; Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ thiếu nữ bị cắt tai; Phó Thủ tướng chỉ đạo vụ BOT Bến Thủy; Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vụ tai nạn khiến 4 người tử vong ở Hà Giang.
Rõ ràng, sự chuyển bớt “chỉ đạo” này vẫn không cần thiết. Một chính phủ kiến tạo là một chính phủ ra quyết sách và buộc cấp dưới tuân theo, chứ không phải một chính phủ nhắc nhở và đốc thúc từng cm một như hiện nay.
Ông Lý Quang Diệu từng nhấn mạnh: “Một chính phủ được yêu mến và mang tính đại diện là một chính phủ mà sau mỗi giai đoạn 5 năm, các chính sách của chính phủ đó đều phát huy hiệu quả, và giành được sự ủng hộ của dân chúng”. Và Ngài Thủ tướng có thể được yêu mến bởi dân chúng nếu như tạo được sự “tuân thủ” luật pháp ở cấp dưới gắn liền với “cái ghế” thay vì chỉ đạo.