VNTB – Chính phủ lúng túng trong quản trị tài chính?

VNTB – Chính phủ lúng túng trong quản trị tài chính?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Gói hỗ trợ có quy mô rất “khủng” nhưng giải ngân lại rất thấp, không mang lại kết quả như mong đợi

 

Rất có thể yêu cầu của “định hướng xã hội chủ nghĩa” khiến cho việc quản trị ngân sách quốc gia, xét về lý thuyết là khó tìm được một hình mẫu thích hợp tương tự để “học hỏi”.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, doanh số cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, sau 3 tháng thực hiện đạt gần 4.100 tỷ đồng, với gần 550 khách hàng và số tiền lãi đã hỗ trợ khoảng 1,02 tỷ đồng. Từng được ví như chiếc “phao cứu sinh” giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid, thế nhưng, sau gần 3 tháng triển khai, kết quả rất thất vọng.

Ngày 20-5-2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước thiết kế gói hỗ trợ lãi suất này cho năm 2022 là 16.035 tỷ đồng và năm 2023 là 23.965 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng mới hỗ trợ lãi suất được 1,02 tỷ đồng trên tổng số 16.035 tỷ đồng lãi suất của năm 2022, có thể coi như vừa mới bắt đầu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) – ông Phạm Ngọc Hưng thông tin, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa qua mùa dịch đã rời bỏ thị trường. Doanh nghiệp chỉ cần 3-5 tỷ là “sống lại” được nhưng bất lực. Họ không tiếp cận được nguồn vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, bởi họ không có tài sản thế chấp; thủ tục yêu cầu báo cáo tài chính cần 2 hoặc 3 năm liền có lãi, nhưng mùa dịch thì không thể làm ăn có lãi; và họ cũng không thể chứng minh dòng tiền khi thị trường bấp bênh như hiện tại.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 93,9% số doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid; 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động và 96,2% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, phải chứng minh hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi mới được hưởng chính sách ưu đãi gần như là bất khả thi, ít khách hàng đáp ứng được.

Thế nhưng ở chiều ngược lại thì cũng khó trách ngân hàng. Bởi tổ chức tín dụng phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh nếu không sẽ bị hình sự hóa. Không chỉ ngân hàng nhà nước, kể cả mất vốn của bản thân ngân hàng tư nhân thì cũng có thể bị hình sự hóa.

Theo chia sẻ của giám đốc một số chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM, thì gói hỗ trợ lãi suất từ thời điểm 2009 – 2010, hồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đến nay vẫn còn ngân hàng chưa quyết toán được. Thậm chí, có ngân hàng quyết toán rồi, kiểm toán lại vào bóc tách ra. Bởi vậy, nhiều ngân hàng không muốn “sống dở chết dở”, thay vào đó muốn cấp tín dụng an toàn ở thời điểm này.

Trong hoàn cảnh hiện nay khi hạn mức tín dụng đang cạn, trong nhu cầu về vốn tăng cao, lãi suất cho vay tăng, các ngân hàng sẽ khó mặn mà với gói hỗ trợ này. Họ sẽ ưu tiên cho vay những khách hàng thương mại với lãi suất cao để kiếm lợi nhuận trước.

Không những thế, thủ tục từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… của gói hỗ trợ lãi suất 2% này khá phức tạp, phải qua nhiều khâu, nhiều bộ, ngành quản lý.

“Việt Nam không biết phải học hỏi kinh nghiệm từ hình mẫu nào trong xử lý các vấn đề như trên, vì ngoài Việt Nam ra thì đến nay chưa thấy quốc gia nào tuyên bố đeo đuổi nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trước mắt, nếu vẫn giữ quy định như hiện tại về chuyện triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, sẽ giống như “đầu voi đuôi chuột”. Gói hỗ trợ có quy mô rất “khủng” nhưng giải ngân lại rất thấp, không mang lại kết quả như mong đợi” – một giám đốc tài chính nhận xét như vậy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)