Hoài Nguyễn
(VNTB) – Chủ yếu các bị cáo đồng ý tham gia nhằm được những khoản tiền hứa hẹn; và trên thực tế những bị cáo này không tin là họ có thể lật đổ chính quyền với một nhúm thường dân không vũ khí.
Ngày 10-9, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đã ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bà Lê Thị Kim Phi, 62 tuổi, ngụ phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, quy định tại khoản 2, điều 109 Bộ luật hình sự.
Chính quyền nhân dân đồng nghĩa chính quyền cách mạng
Điều 109 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27-11-2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26-06-2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân như sau:
“Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Điều 9 Bộ luật hình sự phân loại tội phạm làm 04 loại gồm tội phạm ít nghiêm trọng; tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Mỗi tội phạm được quy định mức hình phạt phải chịu khác nhau, nhìn vào mức hình phạt cao nhất của mỗi loại tội, ta có thể xác định được tội phạm đó thuộc loại tội phạm nào.
Điều 109 Bộ luật hình sự quy định mức hình phạt cao nhất đối với người phạm tội này là 20 năm tù giam, tù chung thân, tử hình. Do đó, đây là loại tội đặc biệt nghiêm trọng.
Theo cáo buộc ban đầu của Công an tỉnh An Giang thì bà Lê Thị Kim Phi là “đồng phạm”, và bị cáo đầu vụ là ông Đào Minh Quân, quốc tịch Hoa Kỳ.
Việt Nam và Hoa Kỳ chưa ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp nên việc xác lập bị cáo đầu vụ trong vụ án mà bà Lê Thị Kim Phi đang bị cáo buộc, là khó củng cố căn cứ pháp lý tương ứng.
Theo diễn giải, thì mặt khách quan của tội phạm này thể hiện ở hoạt động “thành lập hoặc tham gia tổ chức” nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, lập đổ chính quyền từ trung ương đến địa phương của nước Việt Nam, thể hiện qua các hoạt động thành lập tổ chức biểu hiện qua hành vi của những người đề xướng, lôi kéo, vạch kế hoạch, thành lập tổ chức, lôi kéo người khác vào tổ chức nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân.
Phía buộc tội thường đánh đồng “chính quyền nhân dân” là “chính quyền cách mạng”, khi cho rằng “Tổ chức” ở đây là tổ chức phản cách mạng, nhằm chống chính quyền. Đây là một dạng đồng phạm có tổ chức, các thành viên có mối liên hệ chặt chẽ, hoạt động theo một kế hoạch thống nhất bao gồm các hành vi chuẩn bị thành lập tổ chức, chỉ huy, điều hành các hoạt động,…
Tham gia tổ chức là hành vi gia nhập tổ chức, khi đó người tham gia biết rõ mục đích của tổ chức đó là chống chính quyền nhân dân, khi gia nhập họ tán thành và tích cực hoạt động theo kế hoạch mà tổ chức đề ra.
Như vậy, tội phạm được xem là hoàn thành kể từ khi người phạm tội thực hiện hoạt động thành lập tổ chức, kể cả tổ chức đã được thành lập hoặc chưa; hoặc từ khi tham gia vào tổ chức, kể cả đã thực hiện hoạt động nào hay chưa.
Phạm tội vì tiền hay vì bất đồng chính kiến?
Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân khác tội phản bội Tổ quốc ở chỗ: Tội phản bội Tổ quốc có dấu hiệu câu kết với nước ngoài, còn tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân không có dấu hiệu câu kết với nước ngoài.
Nếu tổ chức hoạt động không có sự bàn bạc, thống nhất với nước ngoài, đơn giản chỉ là nhận viện trợ từ nước ngoài thì sẽ cấu thành tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân cho thấy, người phạm tội có xu hướng móc nối với nước ngoài nhằm nhận sự giúp đỡ về vật chất, phi vật chất của nước ngoài để thực hiện mục đích lật đổ chính quyền nhân dân.
Cần phân biệt hai trường hợp: Nếu người phạm tội chưa liên hệ hoặc đã liên hệ được với nước ngoài nhưng chưa nhận được sự thỏa thuận giúp đỡ, tài trợ nào đã bị phát hiện, thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Nếu đã liên hệ, bàn bạc với nước ngoài, nhận sự giúp đỡ của nước ngoài nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phản bội Tổ quốc.
Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn thực hiện những hành vi phạm tội đó.
Mục đích của người phạm tội là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi thành lập hay tham gia tổ chức nhưng người thực hiện hành vi không có mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì không cấu thành tội phạm này.
Từ cách phân biệt kể trên cho thấy phía Công an tỉnh An Giang cho rằng bà Lê Thị Kim Phi chỉ đơn giản là mong muốn nhận tiền từ tổ chức của ông Đào Minh Quân.
Chứng cứ cho hành vi vi phạm của bà Lê Thị Kim Phi ở đây, rất có thể là lúc bà Kim Phi chấp nhận ghi danh hôm 1-1-2021 vào hồ sơ xin tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, để rồi sau đó bà được giao nhiệm vụ tuyên truyền, khuếch trương thanh thế cho tổ chức này, và cá nhân của ông Đào Minh Quân.
Cẩn trọng khi ghi danh tham gia với mục đích chính là ‘kiếm cơm’
Liên quan đến tổ chức của ông Đào Minh Quân, mới đây, 25-8-2021, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt 10 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với bị cáo Ngô Công Trứ, sinh năm 1988, trú ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
Theo hồ sơ vụ án, thông qua mạng xã hội facebook và kênh youtube “Phố Bosa TV”, từ tháng 2-2020, ông Ngô Công Trứ tham gia “Trưng cầu dân ý” (TCDY) theo lời kêu gọi của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” (CPQGVNLT) do ông Đào Minh Quân chủ xướng với danh xưng “Tổng thống Đệ tam Việt Nam Cộng hòa”.
Được cấp mã hiệu TCDY và cũng là mã công dân “Đệ tam Việt Nam Cộng hòa”, nên từ tháng 6 đến tháng 8-2020, nhiều lần ông Trứ sử dụng điện thoại di động truy cập website của CPQGVNLT để lập hồ sơ, gửi sơ yếu lý lịch, giấy tờ cá nhân, đơn tình nguyện, hình ảnh, video… qua facebook, email để được cấp bí số, kết nạp thành viên CPQGVNLT.
Ông Trứ đã cung cấp thông tin của 8 người thân trong gia đình để đăng ký tham gia và được cấp 8 mã hiệu TCDY…
Trước đó, cũng liên quan tổ chức của ông Đào Minh Quân, ngày 11-3-2021, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Vũ Thị Kim Phượng (51 tuổi), Lê Văn Lạc (55 tuổi, cùng ngụ xã Phước Tín, thị xã Phước Long), Nguyễn Thị Kim Duyên (43 tuổi) và Lê Văn Sang (49 tuổi, cùng ngụ xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập) cùng về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Theo cáo trạng, từ năm 2015 đến 2019, bà Phượng đã lập các tài khoản Facebook, Zalo, Viber và thu thập thông tin của nhiều người thân trong gia đình, bạn bè và những người khác tại nhiều tỉnh, thành phố khác để tham gia “trưng cầu dân ý cho Đào Minh Quân làm tổng thống”.
Các ông, bà Lê Văn Lạc, Nguyễn Thị Duyên và Lê Văn Sang là những đồng phạm, với việc thu thập danh sách 1.595 người đăng ký làm thành viên tham gia trưng cầu dân ý, bầu Đào Minh Quân làm tổng thống.
Bản án tuyên phạt từ bà Phượng 13 năm; ông Lạc 7 năm; bà Duyên 6 năm; ông Sang 5 năm.
Điểm chung của các vụ án liên quan đến tổ chức của ông Đào Minh Quân, là chủ yếu các bị cáo đồng ý tham gia nhằm được những khoản tiền hứa hẹn; và trên thực tế những bị cáo này không tin là họ có thể lật đổ chính quyền với một nhúm thường dân không vũ khí.
Một lưu ý xin được nhấn mạnh, các hãng truyền thông nước ngoài như AP, Reuters đã đưa tin về việc Bộ Công an Việt Nam công bố tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do ông Đào Minh Quân chủ xướng với danh xưng “Tổng thống Đệ tam Việt Nam Cộng hòa”, là tổ chức khủng bố.
Như vậy, hễ bất kỳ người dân nào đang sinh sống ở Việt Nam mà ghi danh tham gia vào tổ chức nói trên, về nguyên tắc là có thể củng cố hồ sơ pháp lý cho đối mặt với điều luật 109 của Bộ luật hình sự.