VNTB – Chính quyền đô thị: mô hình tam quyền phân lập ở thế chế đơn nguyên?

VNTB – Chính quyền đô thị: mô hình tam quyền phân lập ở thế chế đơn nguyên?

Vân Khanh

(VNTB) – Mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận và phường.

Mục tiêu cao nhất của mô hình này không dừng lại việc loại bỏ bớt quy trình, thủ tục hay tiết giảm kinh phí. Đích đến là để hoạt động dân cử của cơ quan hành pháp, tư pháp nói chung và bộ máy chính quyền hoạt động đạt hiệu quả cao hơn.

Quyền lực của lá phiếu cử tri

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, Đoàn TP.HCM, biện luận như sau:

“Vấn đề đặt ra khi không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) quận, phường thì bên cạnh Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, cử tri có thể “trông cậy” vào cơ quan dân cử nào khác ở địa phương để đại diện quyền lợi cho mình?

Xin trả lời ngay là có. Chỉ khác là, cơ quan dân cử thay vì 4 cấp là Quốc hội, HĐND thành phố, HĐND quận, HĐND phường, thì với mô hình mới sẽ còn 2 cấp, là Quốc hội và HĐND thành phố. Như vậy, đối với cấp quận, phường, khi không có HĐND thì chức trách dân cử, chức trách đại biểu sẽ được HĐND thành phố gánh vác.

Cử tri thay vì phải kiến nghị tuần tự từ cấp HĐND phường lên HĐND quận, rồi HĐND thành phố, giờ đây có thể phản ánh thẳng với HĐND TP.HCM. Đây là điểm lợi đối với cử tri.

Từ đó, đòi hỏi cao hơn đối với HĐND TP.HCM là phải luôn đổi mới, nỗ lực cải tổ hoạt động để đáp ứng kỳ vọng của cử tri. Việc có cần tăng thêm đại biểu HĐND cấp thành phố đối với các đô thị lớn như TP.HCM hay không, cần phải suy nghĩ thêm.

Cơ cấu đại biểu của HĐND thành phố cũng cần tính toán lại để có thể bao quát được hết công việc, nhất là ở những nơi không tổ chức HĐND quận, phường. Ngoài ra, mạng lưới, tần suất tiếp cử tri và những kênh thông tin để cử tri tương tác với HĐND thành phố cũng cần mở ra thêm, tạo điều kiện cho cử tri có thể kết nối, tương tác, phản ánh trực tiếp với HĐND thành phố.

Trong cách thức tiếp xúc cử tri, HĐND TP.HCM nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các đường dây nóng với nguồn nhân lực phù hợp để phân loại rồi chuyển yêu cầu, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Khi kiến nghị của cử tri gặp trắc trở, HĐND thành phố cần giám sát, lên tiếng với UBND quận, phường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri. Với cách làm khoa học này, tin rằng hoạt động của HĐND thành phố và các đại biểu HĐND thành phố sẽ đỡ vất vả và hiệu quả hơn”.

Chính quyền đô thị – những vấn đề cốt lõi

Ông Trương Văn Lắm, cựu Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM – người theo sát đề án chính quyền đô thị từ giai đoạn đầu, phân tích:

“Trước hết cần phải hiểu nội dung tổng thể của Đề án này. Đề án có 3 nội dung cơ bản, cũng là 3 đề án hợp phần. Thứ nhất, TP.HCM đề xuất không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường. Thứ hai, thành lập một số thành phố trực thuộc thành phố trên địa bàn. Thứ ba, đề nghị một số cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố.

Đề án hợp phần quan trong và nổi bật nhất là nội dung không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Điều này phù hợp với Luật sửa đổi tổ chức Chính phủ và Chính quyền địa phương năm 2019. Hai nội dung còn lại: về cơ chế chính sách đặc thù thì đã được chấp thuận trong Nghị quyết 54 của Quốc hội; về tổ chức thành phố trong thành phố thì đang trình Trung ương đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập 3 quận: quận 2, quận 9 và Thủ Đức.

Tóm lại, mô hình tổ chức chính quyền đô thị của TP.HCM sẽ thực hiện theo hướng: Cấp chính quyền TP.HCM trực thuộc Trung ương có HĐND và UBND; các huyện (Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ) có HĐND và UBND; thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9, và Thủ Đức sẽ có HĐND và UBND. Còn lại các quận, các phường thuộc quận và các phường thuộc thành phố Thủ Đức không có HĐND, riêng chính quyền cấp xã vẫn duy trì HĐND và UBND.

Lý giải về việc TP.Thủ Đức có quy mô lớn, ông Trương Văn Lắm, cho biết thêm rằng nơi đây tương đối độc lập về hạ tầng so với khu trung tâm, nên TP.HCM xác định có thể thành lập đô thị có tính chất toàn vẹn chứ không chỉ dừng lại là bộ phận của đô thị như các quận khác.

Bóng dáng của “tam quyền phân lập”?

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đề án tổ chức chình quyền đô thị đã được TP ấp ủ từ năm 2007, sau đó điều chỉnh bổ sung năm 2013; do cơ sở pháp lý thời điểm đó chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai.

Hiện nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013, luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và đặc biệt là luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc để TP.HCM thực hiện thí điểm đề án.

Chi tiết về đề án chính quyền đô thị TP.HCM hiện chưa công khai, song loáng thoáng về mặt quản trị cho thấy có chiều hướng phân lập quyền lực độc lập giữa 3 cơ quan lập pháp – hành pháp – tư pháp.

Hướng phân lập như trên còn được biết đến với tên gọi “tam quyền phân lập”,  hiểu theo nghĩa phân chia quyền lực đã được biết đến từ lâu nhờ sự xuất hiện của các bản hiến pháp của nhà nước tư bản, trong đó nổi bật là Hiến pháp Hoa Kỳ.

Các quy định trong những bản hiến pháp tạo cơ sở thừa nhận sự tồn tại độc lập, kiềm chế lẫn nhau giữa 3 cơ quan: lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tổ chức song song với nhau, và qua đó kiểm tra, giám sát hoạt động lẫn nhau.

Theo thể chế này, không một cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của quốc gia. Khái niệm này lần đầu được đưa ra bởi nhà nghiên cứu chính trị người Pháp tên Charles de Secondat, Nam tước de Montesquieu. Khái niệm tam quyền phân lập sau này được mở rộng cho cơ chế điều hành đất nước, với nhiều hơn hay ít hơn ba nhánh cầm quyền.

Câu hỏi đặt ra: vậy thì chính quyền đô thị TP.HCM dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản, liên quan gì chuyện “tam quyền phân lập”?

“Đúng là thoạt nhìn không liên quan gì. Song hãy lưu ý việc thay đổi cách thức vận hành HĐND từ mô hình chính quyền đô thị, với cam kết là quyền lợi của cử tri sẽ được bảo đảm tốt nhất vì giảm bớt tầng nấc trung gian.

Ở Việt Nam, nguyên tắc xây dựng chủ quyền nhân dân được chú trọng nhất, và Quốc hội theo lý thuyết là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất tại Việt Nam. Vấn đề ở chỗ ban bệ của những cơ quan nhà nước cao nhất nằm hoàn toàn bên ngoài quyền quyết định của người dân Việt Nam, và kể cả thẩm quyền của Quốc hội.

Giờ đây, trong phạm vi hẹp của TP.HCM, khi thực thi chính quyền đô thị, quyền quyết định của người dân TP.HCM có trọng lượng hơn hẳn, và điều đó khá gần với câu chuyện giám sát quyền lực phân lập giữa ba nhánh hành pháp – lập pháp – tư pháp” – luật sư T.T., chia sẻ quan điểm cá nhân.

Vẫn theo luật sư T.T., Hiện nay, tổ chức bộ máy nhà nước tại Việt Nam, về bản chất vẫn bảo đảm tính tập quyền xã hội chủ nghĩa, song trên thực tế đã vận dụng những hạt nhân hợp lý của thuyết phân quyền, nghĩa là nhấn mạnh đến khía cạnh phân công quyền lực: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Đây là bước phát triển trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)