VNTB – Chính quyền dung dưỡng chuyện cho vay cắt cổ

VNTB – Chính quyền dung dưỡng chuyện cho vay cắt cổ

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Trên thực tế chuyện cho vay cắt cổ cũng đến từ các công ty tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép

 

Tỉ lệ khách hàng vay tiêu dùng không trả nợ ngày càng cao và có hiện tượng rủ nhau “bùng nợ” công ty tài chính khiến nợ xấu tăng, lãi suất vay khó giảm.

Đoạn nhận xét có phần đổ thừa ở trên được trích từ một văn bản của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gửi Ngân hàng Nhà nước về sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TT của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đen, đồng thời kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ thị trường tài chính tiêu dùng.

“Một số khách hàng vin vào những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần. Tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp” – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có nhận xét như vậy.

Theo tính toán của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến cuối năm 2022, thống kê cho thấy nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng 23,09% so với cuối năm trước và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

Và trước thực tế đó, vẫn theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đã buộc các công ty tài chính phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế đã ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh và hệ quả là lãi suất cho vay tiêu dùng điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp tới người đi vay.

“Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty tài chính, nhất là việc thu hồi nợ, bán nợ, thuê tư vấn dịch vụ pháp lý… nhằm uốn nắn kịp thời. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan công an lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với những công ty biểu hiện vi phạm. Tuyên truyền để khách hàng không đánh đồng công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép với công ty cho vay tiền qua app, cho vay trực tuyến, tín dụng đen núp bóng…” – văn bản của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra đề xuất.

Cá nhân người viết bài này cho rằng các nội dung kể trên là thiếu sòng phẳng, vì trên thực tế chuyện cho vay cắt cổ cũng đến từ các công ty tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Đơn cử, ở nhóm các dịch vụ tài chính tiện ích thì F88 là doanh nghiệp hoạt động chính trong mảng cho vay cầm cố tài sản mà nhiều người vẫn gọi là cầm đồ.

Trang chủ của công ty này niêm yết 2 hình thức cho vay cầm cố là cầm cố đăng ký xe máy và cầm cố đăng ký ô tô.  F88 cho biết, công ty áp dụng lãi suất cho vay 1,1%/tháng cho cả hai hình thức cho vay cầm cố này, tức hơn 13%/năm theo cách tính dư nợ giảm dần. Mức lãi suất này đã tuân thủ theo khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, không vượt quá 20%/năm.

Tuy nhiên, khi thực hiện vay vốn tại F88, người vay tiền cần phải trả thêm các khoản phí khác bên cạnh lãi suất như phí thẩm định điều kiện cho vay, phí quản lý tài sản cầm cố,…và tổng các loại phí này cao hơn nhiều lãi suất cho vay.

Những người lao động thu nhập thấp đang gặp khó khăn tài chính mới tìm đến các cửa hàng cầm đồ. Chính vì vậy, cách tính chi phí vay của F88 dù có thể đáp ứng được nhu cầu cần tiền ngay lập tức của người tiêu dùng, nhưng cũng tạo ra áp lực cho người vay khi phải chịu chi phí rất đắt đỏ, gấp 4 – 5 lần lãi suất vay ngân hàng ở cùng kỳ hạn.

Một vụ việc cụ thể mà nạn nhân chấp nhận để báo chí đăng công khai: Vào đầu tháng 12-2022, do mẹ bị ốm phải nằm viện cấp cứu, bà Nguyễn Vũ Phường V (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã đến chi nhánh công ty F88 trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây (TP Thủ Đức) cầm xe máy hiệu Honda air blade. Lúc này, nhân viên công ty quan sát chiếc xe và định giá có thể cầm với số tiền cao nhất là 22.431.274 đồng. Tuy nhiên, nhân viên F88 chỉ cầm cà vẹt xe và yêu cầu bà V làm các thủ tục cần thiết.

Theo giấy thoả thuận giữa bà V và F88 thì bà V bắt đầu thanh toán lần đầu tiền cả lãi lẫn gốc từ ngày 15-1-2023 với số tiền là 2.884.000 đồng và nợ gốc còn lại là 21.275.816 đồng.

Và như thế, từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 11 bà V phải đóng tổng số tiền cả gốc lẫn lãi đều là 2.884.000 đồng và số tiền nợ gốc ở tháng 11 giảm xuống còn 2.962.885 đồng. Riêng tháng thứ 12, bà V cần phải đóng cả gốc lẫn lãi là 3.182.057 đồng, lúc này tiền nợ gốc sẽ còn 0 đồng. Như vậy tổng 12 tháng bà V cần phải đóng cả gốc lẫn lãi là 34.906.057 đồng đối với 22.431.274 đồng tiền đã vay.

Theo gia đình của bà V, từ tháng thứ 2 bà V không đủ tiền để trả thì bên F88 yêu cầu nộp phạt 54.000 đồng/ ngày. “Bên F88 liên tục gọi điện hối đóng tiền, 1 ngày gọi gần trăm cuộc. Mặc dù cháu V và chị gái tôi ở nhà riêng nhưng khi cả hai không nghe máy thì bên F88 gọi vào điện thoại bàn gia đình tôi để đòi tiền. Ngày nào cũng gọi mấy chục cuộc”, người nhà của bà V nói thêm.

Như vậy, khoan bàn chuyện lãi suất cho vay vi phạm cụ thể như thế nào, chi riêng hành vi đòi nợ dạng khủng bố các loại của bên công ty tài chính đã là dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Thế nhưng thời gian rất dài, và cả đến tận hiện tại, việc xử lý từ nhà chức trách vẫn còn rề rà đến mức người dân có quyền ngờ vực ‘chuyện phải quấy’ của những công ty tài chính này với cấp nào đó ‘bề trên’.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)