VNTB – Chính quyền TP.HCM cam kết gì khi thu phí hạ tầng cảng biển?

VNTB  – Chính quyền TP.HCM cam kết gì khi thu phí hạ tầng cảng biển?

Hàn Lam

(VNTB) – Sau 12 ngày triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, TP.HCM đã thu về 90 tỷ đồng.

 

Theo Cảng vụ đường thủy nội địa, từ ngày 1/4 đến ngày 12/4, đơn vị đã thu với số tiền là 90 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022, thành phố thu 3.036 tỷ đồng, bình quân 8,32 tỷ đồng/ngày. Như vậy, số tiền phí ngày đầu tiên gần bằng bình quân số thu mỗi ngày dự kiến trong đề án thu phí.

Tiền thu về dùng để làm gì?

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được dùng để đầu tư mới, tái đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông cảng biển.

Dự kiến các dự án kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển có tổng mức đầu tư khoảng 93.247 tỷ đồng giai đoạn 2020 – 2030.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM, mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển ở TP.HCM cụ thể như sau. Nhóm hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TPHCM, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TPHCM, áp dụng mức thu là 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft.

Riêng những mặt hàng nhập khẩu phục vụ trực tiếp an ninh quốc phòng; hàng xuất nhập khẩu phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh… thuộc diện miễn thu phí.

Việc có thêm nguồn thu từ phía cửa khẩu cảng biển rất quan trọng. Ông Bùi Hoà An, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng: “Thực tế nguồn thu chỉ chiếm khoảng 17% trên tổng kinh phí dự kiến xây dựng các công trình giao thông, nhưng trong bối cảnh ngân sách thành phố gặp nhiều khó khăn như hiện nay, khoản thu góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố”.

Hãy cùng giám sát coi “nói có đúng như làm”

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ước tính ngân sách thu phí cảng biển sau 5 năm khoảng 15.000 tỷ đồng sẽ bổ sung vào đầu tư cho 14 dự án hạ tầng giao thông, cụ thể như sau:

Tại khu vực quanh cảng Cát Lái, đường Nguyễn Thị Định sẽ được mở rộng 8 làn xe đoạn từ Mỹ Thuỷ đến phà Cát Lái, kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung hoàn chỉnh nút giao vòng xoay Mỹ Thuỷ với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.

Đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu cũng được mở rộng lên 30m, vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố cũng xây thêm tuyến đường mới từ cảng Cát Lái đến Phú Hữu, dài 1,6km, rộng 30m, tổng mức đầu tư gần 950 tỷ đồng.

Thành phố ưu tiên vốn đầu tư hai đoạn Vành đai 2 qua thành phố Thủ Đức, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,5km, và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,8km, với tổng kinh phí hơn 17.000 tỷ đồng. Các dự án này khi hoàn thành tạo trục mới nối các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ.

Tại khu cảng Sài Gòn (quận 4) sẽ đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 để giảm ùn tắc nút giao Huỳnh Tấn Phát – Lưu Trọng Lư và Nguyễn Văn Linh; mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh…

Ngoài ra sẽ nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp, nạo vét tuyến đường thủy nội địa, đầu tư xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa để tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ…

Đáng chú ý, đánh giá về mức phí hiện tại, Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhận định, mức phí cảng biển áp dụng tại TP.HCM chỉ bằng 50% so với mức phí cảng biển ở Hải Phòng.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)