VNTB – Chính sách ba không Việt Nam: liệu còn hữu dụng?

Bình Sơn (VNTB) Về mặt đối ngoại hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì chính sách “ba không”, trong đó không liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không để căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không dựa vào nước này để chống nước kia. Chính sách này thu hút nhiều ý kiến bàn luận, trong thời điểm Trung Quốc đang trỗi dậy ở Biển Đông, đặc biệt sự xuất hiện của dàn khoan HD-981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014.

Trong một bài viết ngày 29.1 trên The Diplomat, tác giả Nhung Bùi, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự tái cử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là cơ hội để các nhà lãnh đạo từ bỏ nguyên tắc “không đồng minh” trong chính sách đối ngoại của mình. Bởi theo bà, ông Trọng là người ở một vị thế tốt hơn so với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lý do nằm ở “sự thận trọng” (ít thẳng thắn) về vấn đề Trung Quốc của người đứng đầu ĐCSVN. Ông Tổng bí thư cũng có khả năng “thuyết phục Trung Quốc tốt hơn” về việc, ngay cả khi Việt Nam giảm nhẹ nguyên tắc đối ngoại của mình, thì Hà Nội cũng không đi đến thành lập một liên minh nào nhằm chống lại Trung Quốc.
Đó là chưa kể, Bắc Kinh thậm chí nhìn thấy cơ hội qua việc Hà Nội nới lỏng hay từ bỏ chính sách đối ngoại này, khi trong nhưng năm gần đây, bên trong Trung Quốc có quan điểm kêu gọi theo đuổi liên minh bên ngoài và tìm kiếm đối tác an ninh khu vực. Và một liên minh Việt – Trung theo bà Nhung Bùi là hiện hữu.
Đáp lại, học giả Ngô Di Lan, một nghiên cứu sinh tại Đại học Brandeis, nơi ông tập trung vào chính sách đối ngoại Mỹ và quan hệ Mỹ – Trung, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh đã phản bác luận điểm này ngay trên trang The Diplomat. Và cho rằng, việc từ bỏ chính sách không đồng minh mà tránh khiêu khích Trung Quốc là “không thực tế, mạo hiểm”.
Con đường trung đạo mà bà Nhung Bùi chỉ ra qua nhân vật “đối thoại Trung Quốc” là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về mặt lý thuyết là đúng, nhưng không thể. 
Ông Lan cho hay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hề ngây thơ về mối quan hệ ấm dần lên giữa Việt – Mỹ so với Việt – Trung, nhất là khi Tổng thống Obama đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng và nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí vào Việt Nam. Bắc Kinh cũng không ảo tưởng rằng, Việt Nam mua tàu ngầm lớp kilo từ Nga là nhằm đối trượng với Hải quân Mỹ. Do đó, đòi hỏi từ bỏ chính sách đối ngoại hiện nay để tạo cơ hội cho sự ra đời của liên minh Trung – Việt là “mơ mộng”, chừng nào tranh chấp Biển Đông vẫn còn, ông Lan khẳng định.
Thứ nữa, theo ông, đặt trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng có vị thế “thuyết phục Trung Quốc” tốt hơn, và Hà Nội nới lỏng chính sách đối ngoại của mình, mở đường cho một liên minh trong tương lai, thì điều này vẫn sẽ vấp hai vấn đề. 
Đầu tiên là, ông Trọng có thể làm tốt hơn so với ông Dũng, nhưng không có nghĩa là nó giúp ông thuyết phục thành công Trung Quốc. Hai là, chủ nghĩa dân tộc (chống Trung Quốc) tại Việt Nam đang phát triển, do đó, ngay cả là người đứng đầu ĐCSVN cũng không thể đơn phương áp đặt ý chí của mình, do cấu trúc thể chế Việt Nam. 
Ngay cả khi từ bỏ chính sách đối ngoại không liên kết đó, và tránh được sự khiêu khích với Bắc Kinh thì đó vẫn chưa phải là bước đi tốt cho Việt Nam. Bởi lẽ, theo ông Lan, đặt trong giả định Việt – Mỹ liên minh, thì Mỹ vẫn e dè về một cuộc xung đột bên ngoài gây tốn kém, như nước này từng bác bỏ một đề xuất hiệp ước phòng thủ chung với các quốc gia vùng vịnh vào năm 2015. Đối với “liên minh Nhật – Việt” thì lại càng khó hơn, khi Tokyo có quá đủ “lịch sử xung đột” với Bắc Kinh, và Nhật sẽ không làm căng thẳng với Trung Quốc với khả năng quân sự của mình. 
Trái lại, chính đối sách không liên kết mới thực sự mang lại cho Việt Nam sự linh hoạt về mặt ngoại giao. Tranh chấp Biển Đông giúp Việt Nam được hưởng lợi, khi đảm bảo không nghiêng quá sâu về phía nào (Mỹ, Trung Quốc) – một cách quản lý “rủi ro” hữu hiệu, ngay cả trong mối quan hệ tay ba “Mỹ – Việt – Trung”.
Nhận định của ông Ngô Di Lan có phần ăn khớp với nhận xét của Tướng Lê Văn Cương trong lần trả lời đài RFA về liên minh Mỹ – Việt, trong đó nhấn mạnh rằng, Việt Nam không liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc, nhưng sẽ “cùng tạo một sức mạnh như thế khi cần thiết thì ứng phó với hành động của Trung Quốc. […] Việt Nam cần sức mạnh của Mỹ để răn đe mọi thế lực ngoại bang muốn xâm lược Việt Nam.”

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)