Anh Khoa dịch
(VNTB) – Không như Úc, New Zealand và Singapore, Trung Quốc có vẻ quyết tâm duy trì chính sách zero-covid
16 tháng 10 năm 2021
Nhìn bên ngoài nơi này trông giống như một căn cứ quân đội rộng bằng 45 sân bóng đá với những dãy nhà ba tầng màu xám khắc khổ. Đây là trung tâm cách ly đầu tiên ở Trung Quốc nằm ở ngoại ô phía nam Quảng Châu dành cho những người nhập cảnh. Chẳng bao lâu nữa, khách đến Trung Quốc sẽ được chuyển đến cơ sở cách ly với hơn 5.000 phòng. Trong ít nhất hai tuần, dù được tiêm phòng đầy đủ hay không, du khách sẽ bị cách ly, thức ăn do robot mang đến.
Kể từ đầu đại dịch covid-19, mục tiêu của Trung Quốc là loại bỏ hoàn toàn virus corona ở đại lục. Hồng Kông và Ma Cao cũng có chiến lược tương tự. Nhưng ngay cả khi một số quốc gia khác có chính sách “zero-covid”, như Úc, New Zealand và Singapore, chuyển sang nới lỏng dần thì Trung Quốc vẫn đang tiếp tục chính sách này.
Mục đích của cơ sở trị giá 260 triệu đô la ở Quảng Châu là làm cho vi rút khó xâm nhập vào Trung Quốc bằng cách cách ly người ra khỏi các khu vực đông dân cư. Người nào bay đến Quảng Châu từ bên đại lục sẽ được đưa ngày đến đó thay vì đến các khách sạn bình thường trong ít nhất hai tuần. Ở đó họ bị cách ly và kiểm tra thường xuyên. Ngay cả nhân viên y tế cũng không được rời khỏi cơ sở này. Sau khi làm việc bốn tuần ở đó, nhân viên y tế phải cách ly một tuần và sau khi trở về nhà họ phải cách ly thêm hai tuần.
Chính quyền Trung Quốc xem khu phức hợp này là ví dụ mới nhất về “tốc độ Trung Quốc”: chỉ mất ba tháng để xây dựng. Một trung tâm cách ly chuyên dụng khác (không giống như Quảng Châu, không được xây dựng từ đầu) cũng sẽ sớm mở cửa tại thành phố Đông Quan gần đó. Cơ sở này có 2.000 giường. Các thành phố khác cũng đã được lệnh làm theo. Vào tháng 9, tại một buổi huấn luyện cho nhân viên y tế cơ sở ở Quảng Châu, một quan chức đã cố gắng kích động họ bằng cụm từ nổi tiếng được Mao Trạch Đông sử dụng để mô tả một chiến dịch không ngừng, lâu dài nhằm tiêu diệt kẻ thù bằng các cuộc tấn công du kích. Ông nói, đó sẽ là “cuộc chiến trường kỳ” chống lại virus. Nó chỉ có thể chấm dứt khi căn bệnh này không còn nữa”.
Chính sách không covid của Trung Quốc như không cho hầu hết người nước ngoài nhập cảnh, cách ly thật nghiêm ngặt, sử dụng lượng nhân lực khổng lồ, các ứng dụng theo dõi, phong tỏa chặt những khu vực phát hiện thấy virus và thường xuyên kiểm tra hàng loạt. Một khách du lịch New York đến Trung Quốc gần đây cho biết việc phải nộp ảnh chụp hồ sơ xét nghiệm covid trước khi khởi hành cho tổng lãnh sự quán Trung Quốc là để ngăn chặn bất kỳ vụ giả mạo nào. Hai bức ảnh do một y tá chụp có máu từ cánh tay cô và một que thử đang ở sâu trong mũi cô. Một bức ảnh khác, do nhân viên phòng khám chụp ở cửa ra vào, tay cầm hộ chiếu và giấy chứng nhận xét nghiệm.
Những nỗ lực như vậy đã đạt được kết quả ấn tượng nếu xét theo quy mô quốc gia và số lượng người nhập cảnh trong những lúc bình thường vào Trung Quốc, Trung Quốc có biên giới với một số trong số 14 nước láng giềng. Đến ngày 10 tháng 10, Trung Quốc số ca tử vong chính thức liên quan đến covid là 4.636. Từ tháng 4 năm ngoái chỉ có 3 người tử vong. Một số tỉnh không có trường hợp tử vong nào kể cả Giang Tô ở ven biển. Tỉnh này có hơn 80 triệu người, gần bằng dân số của Đức, Đức có số người chết chính thức là 94.000 người. Đối với chính phủ Trung Quốc, một đợt bùng phát lớn với hàng chục hoặc, hiếm khi có hàng trăm trường hợp: thì không thấm gì so số liệu thống kê của hầu hết các quốc gia khác.
Nếu thế giới phải đối mặt với một đợt bùng phát tương tự một lần nữa, biết được những gì Trung Quốc làm bây giờ, nhiều quốc gia sẽ chọn cách tiếp cận này. Nhưng cuối cùng họ sẽ phải đối mặt với cùng một câu hỏi: khi nào thì nới lỏng các biện pháp đó? Khi cả thế giới bắt đầu quen với việc coi đó là một căn bệnh đặc hữu — luôn hiện hữu nhưng ở mức độ có thể chấp nhận được — thì Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến dịch khổng lồ nhằm tiêu diệt hoàn toàn căn bệnh này trong bao lâu?
Đây là một câu hỏi quan trọng, không chỉ 1,4 tỷ người Trung Quốc mà toàn thế giới quan tâm. Chỉ xem xét một tác dụng phụ của phương pháp này: lãnh đạo các quốc gia khác trên thế giới không thể gặp mặt trực tiếp Tập Cận Bình. Tập Cận Bình đã cấm người nước ngoài nhập cảnh hoặc đi công tác nước ngoài kể từ tháng 1 năm 2020. Chắc Tập Cận Bình sẽ không tham dự cuộc họp của G20 ở Rome vào cuối tháng 10 này, hoặc hội nghị về biến đổi khí hậu sắp tới của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow. Vào thời điểm mà căng thẳng với Hoa Kỳ ở mức có thể nguy hiểm, Tập Cận Bình vẫn chưa tổ chức hội nghị thượng đỉnh chính thức với Tổng thống Joe Biden. Ngày 6 tháng 10, Trung Quốc đã đồng ý một cuộc họp thượng đỉnh vào cuối năm nay, nhưng chỉ qua video.
Sự lựa chọn khó khăn của Tập Cận Bình
Một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến quyết định của Trung Quốc về thời điểm và cách thức thay đổi chính sách. Những yếu tố đó là cách thức vi rút đột biến, hiệu quả của vắc xin (Trung Quốc không cho phép sử dụng vắc xin nước ngoài), rủi ro đối với nền kinh tế và tâm trạng của công chúng. Đảng Cộng sản đã ca ngợi thành công trong việc tiêu diệt virus corona như một bằng chứng về tính ưu việt của hệ thống chính trị của Trung Quốc. Việc chấp nhận rằng virus đặc hữu sẽ có sự thay đổi lớn về giọng điệu.
Biến thể Delta hiện chiếm ưu thế trên toàn cầu đang khiến chính sách của Trung Quốc khó thực hiện hơn rất nhiều. Biến chủng Delta dễ lây lan hơn gấp hai đến ba lần so với chủng ban đầu được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán. Nhưng những vấn đề như vậy có thể được bù đắp bằng tỷ lệ tiêm chủng cao. Đến ngày 15 tháng 9, có 71% người Trung Quốc đã được chủng ngừa hai mũi và 10% khác đã được chích mũi đầu tiên. Trong khi đó chỉ có 56% người Mỹ và 64% cư dân EU đã tiêm hai mũi vào ngày 11 tháng 10.
Nguồn: The Economist