Đan Tâm
(VNTB) – Xét đến môi trường chính trị VN từ 1945 đến hiện tại thì sự cần thiết của một tầng lớp chính trị gia trí thức rõ ràng là một ưu tiên cao nhất cho quốc nội và hải ngoại.
Tại quốc nội hiện nay thì các nhà chính trị cộng sản thuộc chế độ toàn trị độc đảng không được công nhận là chính trị gia trí thức vì các lý do sau đây:
1. Họ bị đảng CSVN tẩy não toàn diện để trở thành những con người XHCN tuyệt đối trung thành với chủ thuyết lạc hậu, cực đoan và phong kiến Mác-Lê-Mao-Hồ, vốn đã bị đào thải từ hơn 40 năm trước (1980) ra khỏi nền văn minh nhân loại kể từ đầu thế kỷ 21 này. Hiếm hoi có vài thành phần chóp bu của đảng CSVN thức tỉnh muốn quay về với môi trường chính trị trí thức (dân chủ, tự do, nhân quyền) thì lập tức bị chính cái đảng quái gở này triệt tiêu ngay lập tức, như Nguyễn Mạnh Tường, Phan Khôi, nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, v.v… Ngay sau 1975, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trương Tảng, Trịnh Đình Thảo & Dương Quỳnh Hoa bị cô lập, sau đó 10 năm là Trần Văn Trà, Nguyễn Hộ rồi đến Nguyễn Hà Phan và nạn nhân cuối cùng cuộc đấu đá Nam-Bắc của đảng CSVN là Võ Văn Kiệt.
2. Chính trị gia của đảng CSVN đã không đủ tầm nhìn để hành động kịp thời theo 3 cuộc biến đổi lịch sử của đất nước mà mọi người đã chứng kiến qua 3 mốc điểm sau:
a.) Năm 1975 sau khi kết thúc chiến tranh VN, đảng CSVN cai trị toàn cõi VN và đã làm cho đất nước nghèo đói, người dân phải ăn độn, ngoại giao bị cô lập bên ngoài các nước văn minh tiến bộ, suốt 11 năm từ 1975 đến 1986. Những thất bại trong mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, giá lương tiền của hàng chục triệu người, được điều tiết theo ý chí chủ quan nhưng lại thiếu hiểu biết về quy luật thị trường. Kinh tế đất nước đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát tăng hàng ngày, đồng bằng với đất đai phì nhiêu mà dân thiếu gạo ăn.
b.) Năm 1986, CSVN bị buộc phải thay đổi hay “Đổi Mới” (renovation), sau khi Liên Xô đã đi vào lụn bại và sắp tàn. Nhờ Đổi Mới nông dân (80% dân số) có thể lựa chọn ở trong hợp tác xã hoặc ra ngoài làm ăn cá thể và được làm chủ ruộng đồng của mình nên Việt Nam đã trở thành nước xuất gạo nhất nhì thế giới từ năm 2010. Nhưng công cuộc đổi mới này chẳng có gì là mới vì chính trị thì vẫn độc tài, độc đảng và toàn trị, kinh tế thì hoang tưởng với chính sách “Kinh Tế Thị Trường Định Hướng XHCN” rất hỗn loạn và phi tri thức.
c.) Năm 2000 thì thế giới chuyển biến đi vào thời kỳ toàn cầu hóa kinh tế, trong khi đó CSVN chỉ biết lợi dụng yếu tố nhân công rẻ để chiêu dụ đầu tư quốc tế thay vì hội nhập toàn cầu hóa để kiến tạo một nền kinh tế bền vững (sustainable) cho VN như Singapore, Đại Hàn & Đài Loan đã thực hiện thành công. Tuy yếu tố nhân công rẻ – dưới nhãn quan đầu tư ngoại quốc vào VN có đem lại cho người dân VN thu nhập khá & thoát ách nghèo đói đồng thời tạo một ra một bộ mặt mới cho VN, nhưng bản chất của nền “Kinh Tế Thị Trường Định Hướng XHCN” vẫn không bền vững nên tệ nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, bong bóng nhà đất, chứng khoán, ngân hàng và đầu tư đang trong tình trạng giao động & mất kiểm soát kể từ 5 năm qua (2018-2023 này).
Kể từ năm 2000, Khi có của ăn của để đôi chút, người dân nghĩ đến đi ra ngoài xem thế giới họ sống ra sao. Khi đó, 70 triệu người Việt dù không có đủ tiền mua vé máy bay đi ra nước ngoài nhưng họ có thể du lịch qua “thế giới ảo”Internet. Đó chính là thế giới thông tin World Wide Web và giấc mơ Internet cho Việt Nam. Trước năm 1997, CSVN đã sợ hãi “thông tin trung thực từ Internet vào VN sẽ lật tẩy tuyên truyền 1 chiều kiều tuyên giáo Đảng & kéo người dân ra khỏi tình trạng lạc hậu về tư tường”. Sau khi trì hoãn cả chục năm và cuối cùng vào năm 1997, CSVN cũng đành chấp nhận nối mạng vào Internet, nhưng vẫn tìm cách kiểm duyệt những tri thức độc lập ngoài luồng chủ thuyết Mác Lê Mao Hồ. Internet chính là đòn bẩy cho kinh tế đất nước, là “cái cày” của người dân trong “đồng ruộng” toàn cầu hóa. Đưa Internet đến từng người dân giống như ta đã trả lại ruộng đất cho nông dân thuở trước. Họ tự biết làm thế nào để tạo ra sản phẩm trên “đồng ruộng tri thức” ấy để xuất khẩu loại “gạo” mới.
Hơn 30 năm qua, nhờ vào Internet, dù bị hạn chế, nước Việt Nam đã phát triển mạnh hơn bao giờ hết với nhịp độ tăng trưởng 7-8% năm cho tới thời kỳ dịch Vũ Hán 2019 lan ra toàn cầu.
Ba sự kiện trên đều xảy ra cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Bây giờ nhân loại đã sang thế kỷ 21 được hơn hai thập kỷ với nhiều kỳ vọng thay đổi nhưng nước CSVN vẫn chưa có một thành tựu IT nào đáng kể trên “đồng ruộng trí thức” ấy để xuất khẩu. Đó chính là vì suốt 3 thời kỳ a,b,c nói trên thành phần chính trị gia T.Ư. của đảng CSVN không hề có một người nào là chính trị gia trí thức.
Cách đây 30-40 năm, những nhà lãnh đạo Singapore, Hàn Quốc hay Đài Loan đã quan niệm IT và Internet là cách thức phát triển cho họ nên không ngạc nhiên thấy đất nước người ta đã “hóa rồng” từ lâu. Thiết nghĩ, chính khách thời nay cần có hiểu biết về xu hướng công nghệ, có tầm nhìn xa vài thập kỷ và đặt lợi ích của cả dân tộc lên trên lợi ích của đảng phái, bằng không IT Việt Nam mãi mãi dừng lại trong các bài phát biểu chung chung của các chính trị gia thiếu tri thức của CSVN. Vì vậy chính sách “Đổi Mới” có từ gần nửa thế kỷ qua vẫn còn nguyên giá trị: đất nước đang cần sự đổi mới về công nghệ trong tư duy lãnh đạo CSVN.
Thế giới đã đi rất xa về công nghệ. Việt Nam cũng đã có nhiều tiến bộ với hạ tầng Internet thuộc loại tốt trong khu vực, người dùng cũng nhạy bén, mới đây ChatGPT (AI chatbot) đã được người dân trong nước rầm rộ dùng thử, dù VN chưa chính thức có dịch vụ này. Hơn một nửa dân số có tài khoản mạng xã hội, nên Internet đã phủ sóng ngang như lưới điện về nông thôn, nhưng lợi thế nầy không được các lãnh đạo trung ương của CSVN biết cách tận dụng cho kinh tế bền vững. Ngược lại, họ chỉ tạo ra các cơ chế phá hoại như Lực lượng 47, Dư Luận Viên, An Ninh Mạng của bộ Quốc Phòng và của bộ Công An, … Để có ngành IT thành mũi nhọn thì chiến lược phát triển lâu dài mới có thể thành công.
Trong công nghệ, sao chép, bắt chước, đi tắt đón đầu mà lãnh đạo CSVN hay rêu rao thì cũng chỉ là những giải pháp vá víu và lạc hậu trong thời đại Internet đang minh bạch hóa thông tin toàn cầu. Cổ nhân đã dạy “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Thời đại toàn cầu hóa thì chất xám quyết định quốc gia nào sẽ tiến lên và ai là người tụt hậu. Nếu không có chính sách ưu đãi nhân tài và tạo điều kiện để hiền tài phát triển thì nguyên khí sẽ bay đi. Chuyện muôn thuở “đất lành chim đậu”, một quy luật tự nhiên của dòng chảy chất xám từ quê ra tỉnh, từ miền núi xuống đồng bằng, từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác.
CSVN chỉ đầu tư cho chính trị gia “hồng hơn chuyên” thì làm sao có được hiền tài (chính trị gia trí thức). Tại VN ngày nay, nền tảng công nghệ đã tốt, thế hệ trẻ kiến thức không kém ai, đất nước cũng ổn định, nhưng rõ ràng thiếu cái gì đó mà IT xứ này chưa có sản phẩm nào nổi tiếng, chưa cần nói đến AI hay ChatGPT. Hay là môi trường phát triển có gì đó không ổn? Người có trình độ nhìn vào sẽ tự thấy mình cần “hòa nhập cho giống” hay lắc đầu bỏ đi, cả hai giải pháp đều hỏng, để rồi nước mình mãi đi sau, về sau. Bế tắc chính yếu là đảng CSVN không hề có bất cứ chính trị gia trí thức nào trong suốt quá trình cướp quyền cai trị ½ nước VN trước 1975 và toàn cõi VN từ 1975 đến nay.