VNTB – Chờ – chờ và… chờ

VNTB – Chờ – chờ và… chờ

Nguyễn Nam

(VNTB) – Giảm thuế xăng dầu: Đừng chần chừ nữa!

Thuốc men cho trị bệnh cũng vậy, không thể cứ chờ đợi các quan trên ‘đá qua – chuyền lại’ suốt thời gian dài.

Giá xăng dầu tăng cao đang bắt đầu thiết lập mặt bằng giá mới với hàng loạt mặt hàng. Người dân, doanh nghiệp đang rất ngóng chờ chính phủ xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về việc giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được Bộ Tài chính đề xuất mới đây.

Nhưng ngoài thuế bảo vệ môi trường, giá xăng còn chịu hàng loạt loại thuế khác, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

Giá xăng thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 20.000 đồng/lít, giá xăng bán lẻ sau khi cộng tất cả chi phí, thuế thì lên tới hơn 30.000 đồng/lít. Có ý kiến rằng đừng chỉ nhìn một chiều rằng khi giảm thuế thì nguồn thu giảm.

Cần nhìn theo hướng lâu dài hơn là khi nền kinh tế được tiếp sức thông qua việc giảm chi phí đầu vào, các ngành sản xuất khởi sắc, tiêu dùng gia tăng thì nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng với hàng hóa… hoàn toàn có thể bù đắp được hụt thu, thậm chí có lợi hơn. Mặt khác, giảm giá xăng dầu giúp giảm giá các mặt hàng liên quan khác, từ đó có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm.

Tương tự về yêu cầu hãy gấp gáp giải quyết lên, đừng chần chờ nữa là chuyện thuốc men trong danh mục bảo hiểm y tế.

Ngày 14-6, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành công văn số 1576/BHXH-CSYT gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh) về việc bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Công văn viết rằng qua công tác theo dõi của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và phản ánh của người bệnh, tại một số cơ sở khám chữa bệnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã xảy ra tình trạng không cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh, nhất là các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Công văn số 1576/BHXH-CSYT đưa ra hướng giải quyết tình trạng trên là đề nghị theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tham gia có hiệu quả vào quá trình lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc tại các Hội đồng đấu thầu nhằm lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cung ứng thuốc đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu điều trị theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Mang văn bản 1576 nói trên của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để trao đổi với một số bác sĩ ở bệnh viện công lập, câu trả lời chung là việc đấu thầu rất khó chứ không như cách mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam viết trong văn bản.

Đơn cử với mặt hàng thuốc gây mê vô cùng khó mua vì đây là thuốc thuộc diện phải kiểm soát, không phải nhiều nơi dùng. Theo quy định giá rẻ thì mua nhưng bên bán lại không chào giá rẻ. Ngoài ra, quy định là khi đã mua thuốc thì phải dùng hết ít nhất 80% loại thuốc đã mua. Nhưng đối với nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm thì các bệnh viện khó mà lường trước việc có đủ bệnh nhân để dùng hết thuốc hay không, do đó cũng không dám đấu thầu.

Ở bệnh viện chuyên về lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch, bệnh nhân bảo hiểm y tế phải tự đi mua từ những sợi chỉ, băng gạc, dây truyền, dụng cụ… mang vào bệnh viện để bác sĩ thực hiện ca mổ.

Trước đó, một bệnh viện tỉnh tại Hậu Giang cũng phản ánh thiếu nhiều loại thuốc như kháng sinh, thuốc an thần, thuốc chống đông, thuốc điều trị các bệnh tiểu đường, huyết áp, viêm gan, ung thư, dạ dày…

Gần đây nhất tại TP.HCM, sau hơn nửa năm gián đoạn vì thiếu thuốc phóng xạ, ngày 9-6 vừa qua, máy chụp PET/CT tại bệnh viện Ung bướu mới có thể hoạt động trở lại. Hệ thống PET/CT ngưng hoạt động từ cuối năm ngoái vì lý do doanh nghiệp cung cấp thuốc phóng xạ 18F-FDG bị gián đoạn sản xuất do vướng các thủ tục giấy tờ…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)