VNTB – Chợ của người Việt

VNTB – Chợ của người Việt

Diệp Chi

(VNTB) – Chợ là nơi công cộng để đông người đến mua bán vào những ngày hoặc những buổi nhất định, là nơi tụ họp giữa người mua và người bán để trao đổi hàng hoá, thực phẩm hàng ngày theo từng buổi hoặc từng phiên nhất định (chợ phiên)…

Theo xã hội phát triển, siêu thị hay cửa hàng tiện lợi ra đời, phục vụ cho đời sống của người dân. Thế nhưng, có thể nói, chợ là một thói quen văn hóa lâu đời của người Việt, nên dù có ra đời bao nhiêu thứ đi chăng nữa, chợ vẫn tồn tại.

Nếu nói theo kiểu của tác giả một bài viết: “Ở Việt Nam, ở đâu có đường là ở đó có chợ”, cá nhân tôi cho rằng là hơi khiên cưỡng. Bởi theo như tôi thấy, ở đâu có người dân sinh sống một cách tương đối thì ở đó có chợ. Chợ ra đời vừa giúp cho con người nơi đó mưu sinh vừa giúp cho người dân không phải đi mua xa, nhất là đối với khu đò giang cách trở.

Nói tiếng là chợ, nhưng đó có thể chỉ là những quang gánh hay những quầy hàng nhỏ bày bán hai bên đường. Đối với một số đứa trẻ vùng thôn quê ấy, đó còn là những kỷ niệm đong đầy.

“Mình nhớ hồi còn nhỏ, mình hay theo mẹ ra chợ, phụ bán rau lắm. Hồi đó còn bé tí, biết gì đâu, cũng ngồi xuống rồi cũng rao phụ mẹ. Lúc nào buồn quá, mình xin mẹ chạy một vòng vô chợ chơi. Cô dì chú bác trong chợ, đâu ai xa lạ, hàng xóm láng giềng không à. Họ thường cho mình cái bánh nè, cục kẹo nè. Bây giờ lớn lên, học xa nhà, nhiều khi nhìn qua cửa sổ ban đêm, nhớ quê, nhớ chợ quá chừng luôn”, Ngọc, một sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn TP.HCM chia sẻ.

“Còn mình thì sinh ra và lớn lên ở thành phố, chợ quê mình cũng biết nhưng không nhiều kỷ niệm. Chủ yếu mình gắn với chợ Gò Vấp nhiều hơn. Mình nhớ lúc nhỏ, má đi chợ, mình hay đòi đi theo lắm. Vô chợ thì đông; lúc nào trời mưa, đường ướt đi dính sình tùm lum nhưng mình thấy thích lắm. Cái không khí trong chợ nó vui vui sao á”, bạn Minh, một sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn TP.HCM chia sẻ.

Chợ là thế. Mỗi khi nhắc đến chợ, ắt hẳn mỗi người sẽ có một cảm xúc khác nhau. Kỷ niệm có, không có cảm xúc gì cũng có, thậm chí không thích cũng có. Như lời tác giả nói trên, chợ là nguyên nhân của “thói quen tùy tiện bạ đâu mua đó của người Việt”. Tôi không biết tác giả bài viết đó có phải là người Việt Nam không? Có từng sống ở Việt Nam không? Gia đình có từng đi chợ bao giờ chưa? Hay chăng tác giả bài viết đã giàu lên, coi chợ như “con hủi” hay sao mà có thể viết được như vậy?

Các bà nội trợ khi đi chợ, họ lựa kỹ càng một món hàng. Bởi họ cũng không muốn người nhà mình ăn trúng như món đồ không tươi, hay bị hỏng. Cho nên tôi không hiểu thế nào là thói quen bạ đâu mua đó? Mà cái thói quen này, theo tác giả, là của người Việt. Vậy là cả người đang ở Việt Nam cũng như Việt kiều?

Có thể nói chợ tựa như một nét văn hóa của người Việt. Mỗi dân tộc có một phong tục riêng, mỗi đất nước có một lối sống riêng. Không thể lấy văn hóa phương Tây đi so sánh với văn hóa phương Đông một cách không đầy đủ. Như thế, chẳng phải tội cho chợ quá sao chứ?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)