Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chống ngập ở thành phố Hồ Chí Minh là ‘bơm nước’?

Chống ngập

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Phân viện kinh tế Miền Nam xác định mức giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP.HCM là 3.668 đồng/m2/tháng.

Vì sao có mức giá được tính chính xác đến từ con số lẻ cho từng mét vuông bề mặt trên đơn vị tháng? Phải chăng rồi đây sẽ có ‘BOT chống ngập’ theo chủ trương xã hội hóa, và mọi người dân sắp tới đây buộc phải ‘nộp đủ’ khi đi trên đường, theo kiểu như nhìn đồng hồ cây số trên xe mà móc hầu bao cống nạp?

Theo tin tức được công khai ở mức giới hạn của một họp báo, thì số tiền ‘thu giá’ nói trên là dựa trên cách giải thích của một doanh nghiệp vào Sài Gòn làm ăn qua đề cử khi ấy là ‘quan to’ Đinh La Thăng. Theo đó, từ tháng 9-2017, hệ thống máy bơm ‘khủng’ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh – Sài Gòn được lắp đặt và vận hành thử nghiệm với công suất 27.000 – 96.000 m3/giờ, có hệ thống lọc rác.

Trải qua nhiều trận mưa, công nghệ máy bơm này được báo chí đăng là ít nhiều chống ngập có hiệu quả bước đầu, với việc rút ngắn thời gian chịu cảnh ngập lụt từ vài tiếng, xuống còn chừng tiếng đồng hồ là… ‘giảm đáng kể’.

chống ngập

Chủ nhân của hệ thống bơm ‘khủng’ là Công ty Quang Trung cho biết ‘siêu máy bơm’ được đầu tư gần 90 tỷ đồng. Sau khi thử nghiệm thành công, tháng 4-2018, Công ty Quang Trung và Trung tâm chống ngập TP.HCM ký hợp đồng thuê máy bơm trong thời gian 7 năm, lưu vực chống ngập rộng 75 ha. Đến giữa năm 2019, nhà chức trách Sài Gòn tạm chốt được giá thuê là hơn 14,2 tỷ đồng/năm. Kinh phí thanh toán trích từ nguồn vốn duy tu thoát nước.

Sau khi thông tin về khả năng sẽ có ‘thu giá’ trong chuyện ‘BOT chống ngập’ từ ‘thầy dùi’ Phân viện kinh tế Miền Nam, xem ra chỉ cần trình độ của một học trò tú tài thôi cũng thấy phép tính giá dịch vụ ‘bổ đồng’ theo mét vuông bề mặt là không hợp lý.

Mỗi điểm ngập có những nguyên nhân khác nhau, không thể tính toán trên diện tích mét vuông, rồi áp dụng chung cho cả đô thị. Thứ nữa, tác nhân gây ngập không phải người dân, thì sao lại buộc người dân phải chịu?.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói rằng từ khi hàng loạt dự án, cao ốc mọc lên khắp nơi ở Sài Gòn, thì giờ đây thành phố này vừa mưa là đã ngập. “Nguyên nhân chính gây ngập là do phát triển thiếu bền vững, đô thị hóa tràn lan, nhà cao ‘cắm’ vô tội vạ, bê tông hóa toàn thành phố gây ngập là hệ quả của việc buông lỏng quản lý trong cấp phép quy hoạch, xây dựng” – KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Như vậy lỗi ở đây hoàn toàn thuộc về nhà chức trách. Lỗi ngập lụt không phải từ dân. Và chẳng có cái lý nào buộc dân, lại phải chịu một thứ BOT vô lý như “phí chống ngập”.

“Chống ngập là dịch vụ công. Người dân đã phải đóng thuế và nhà nước có trách nhiệm đảm bảo họ được sống ở nơi không có ngập lụt. Nay vì lỗi do chính quyền, do doanh nghiệp, người dân tự nhiên phải chịu ngập rồi còn phải trả tiền chống ngập nữa thì quá vô lý” – KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Người dân quê mùa có cách hiểu đơn giản hơn nhiều lắm: nước chảy chỗ trũng.

Bơm nước ngập trên mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh ra sông Sài Gòn sát bên đó, để rồi nước sông Sài Gòn với nguyên tắc ‘bình thông nhau’ có độ chênh với hệ thống cống, đến lượt mình, nước sông Sài Gòn ‘bất ngờ đầy’ sẽ chảy ngược trở lại hệ thống cống giống như những lúc triều cường.

Nay nếu ‘BOT chống ngập’ có nghĩa cả Sài Gòn ở đâu cũng đầy máy bơm. Khi ấy, nước sẽ dội ngược từ hệ thống cống vào các đường cống bên trong từng nhà dân…

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam sẽ còn tốn rất nhiều tiền bạc cho nhập khẩu vắc xin phòng Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Lo lắng việc ‘thổi ống đo nồng độ cồn’ thời dịch corona

Phan Thanh Hung

VNTB – Bảy yêu cầu cho toa thuốc kinh tế ngắn hạn thời dịch Covid-19

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.