Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Chống tham nhũng không phải là việc hô khẩu hiệu như một thứ cổ động chính trị nhằm ‘lên dây cót’ cho yêu cầu liêm chính của bộ máy nhà nước cầm quyền.
Công trình nghiên cứu khoa học chống tham nhũng của Tổng bí thư?
Chống tham nhũng (anti-corruption) là một chủ đề lớn trong quản trị (governance), và được nghiên cứu như một ngành khoa học.
Theo cách hiểu đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản mang tính mệnh lệnh hành chính về việc đưa sách về chống tham nhũng của Tổng bí thư vào dạy trong trường đại học, là một yêu cầu thiếu thuyết phục về mặt khách quan khoa học. Qua đó còn cho thấy ở Việt Nam vẫn chưa có được môi trường khuyến khích tự do học thuật, bởi khi đã là sách do Tổng bí thư viết, sẽ chẳng có một giảng viên nào lại dám để sinh viên phản biện về những nội dung ở cuốn sách dạng ‘thái sơn bắc đẩu’ trong tuyên truyền ấy của Tổng bí thư.
Một so sánh liên tưởng rằng nếu cuốn sách về chống tham nhũng của Tổng bí thư được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là “kim chỉ nam” đến mức là giáo trình để giảng dạy cho sinh viên, vậy thì một nội dung hội thảo khoa học hồi cuối tháng 3 năm nay của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ), xem ra chỉ là “kiếm cớ để xài ngân sách”, vì mọi chuyện liên quan vầy đã có sách về chống tham nhũng của Tổng bí thư lo hết rồi mà (!?).
Chống tham nhũng vẫn còn loay hoay kế sách
Cuộc hội thảo này có tên “Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng”, trong khuôn khổ Đề tài khoa học độc lập cấp Quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”. Đề tài do ông Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, làm chủ nhiệm.
Hội thảo nêu trên không có sự hiện diện của tác giả sách chống tham nhũng vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa vào làm giáo trình bậc đại học, và như vậy xem ra tác giả của giáo trình này sẽ rất khó để nắm bắt về những điểm yếu ở đảng mà ông đang đồng thời là Tổng bí thư.
Tại hội thảo, theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Văn, thì đến nay cần làm rõ những vấn đề lý thuyết về khung lý thuyết chung của kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; về các đặc trưng lý thuyết của kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong thể chế chính trị Việt Nam.
Vẫn theo ông Nguyễn Quốc Văn, việc thống nhất nhận thức khi tiếp cận phạm vi kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện trong trong cả hai khu vực công và khu vực tư… tiếp tục là điều có những cách hiểu đa chiều lập luận trong thể chế chính trị một đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Lịch làm việc của hội thảo được tổ chức gồm 2 phiên, phiên thứ nhất với nội dung “Tiếp cận khung lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng” do ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ nhiệm Đề tài; ông Đặng Minh Tuấn, Trưởng Khoa Luật Hiến pháp và Luật hành chính, trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, và ông Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập tạp chí Thanh tra đồng chủ trì.
Phiên thứ hai “Tiếp cận chính sách và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng” do ông Nguyễn Quốc Văn; ông Vũ Công Giao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người, quyền công dân, trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, và ông Đào Trung Kiên đồng chủ trì.
Quyền độc lập quản trị?
Ý kiến chung nhất ở cả hai phiên hội thảo, đó là các cơ quan chuyên trách cần được độc lập nhiều hơn. Khi phát hiện trường hợp nghi vấn về tham nhũng, các cơ quan này có quyền chủ động kiểm tra, thanh tra, điều tra… để phát hiện, xử lý mà không cần xin ý kiến của tổ chức, cá nhân nào, bao gồm cả những lãnh đạo cao nhất của đảng như Bí thư tỉnh, Tổng bí thư ở cấp trung ương.
Vấn đề cán bộ, viên chức liêm chính là yếu tố tiên quyết trong thể chế chính trị một đảng cầm quyền khi luận bàn về việc phòng, chống tham nhũng.
Theo một số ý kiến ghi nhận tại hội thảo nói trên, việc kiểm soát quyền lực ở Việt Nam không được thực hiện dựa trên cơ chế “cân bằng và kiểm soát” lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước.
Thay vào đó, kiểm soát quyền lực sẽ được thực hiện với 2 cơ chế: tự kiểm soát, tức là trông đợi vào khả năng người nắm giữ quyền lực tự giác tuân thủ các quy định của đảng và pháp luật của Nhà nước; và các phản ứng kiểm tra, giám sát bởi các đơn vị chức năng nhằm bảo đảm sự nhất quán của cả hệ thống quyền lực nhà nước trong hoạch định và thực thi chính sách công.
Và từ nhận xét trên cho thấy ngay cả sự tự giác của tác giả sách về phòng chống tham nhũng cũng chưa tuân thủ – đơn cử việc ông sẵn sàng vi phạm quy định của điều lệ đảng rằng không liên tiếp quá hai nhiệm kỳ là Tổng bí thư, vậy thì làm sao có thể yêu cầu liêm chính ở cả bộ máy công quyền.
1 comment
Tham nhũng tại VN như bệnh ung thư mãn tính đã di căn toàn diện hết thuốc chữa, thế mà bác tổng lại dùng cách đốt lò để điều trị, đốt từng tế bào ung thư, cái này gọi là “nhiệt lý trị liệu” đây mà!