VNTB – Chống tham nhũng trong bộ máy công quyền bằng rao giảng đạo đức?!

VNTB – Chống tham nhũng trong bộ máy công quyền bằng rao giảng đạo đức?!
 

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Lấy đạo đức làm đầu (điều không thực tế) thì chỉ trích tham nhũng và đưa ra giải pháp chống tham nhũng rất dễ!

 

Lấy đạo đức làm đầu (điều không thực tế) thì chỉ trích tham nhũng và đưa ra giải pháp chống tham nhũng rất dễ. Tuy nhiên, kết quả như đang xảy ra, cho thấy phải nhìn thấu bản chất (vì mình) để nhắm vào hành động chứ không phải lời nói của con người.

Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tổ chức vào năm ngoái 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đợt này quyết định phải chống tham nhũng, tiêu cực; tiêu cực là tập trung vào chống sự suy thoái về phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, đó là cái quan trọng, là gốc.

Lãng phí chỉ là một khía cạnh, tiêu cực nhiều lắm. Đạo đức không trong sáng, lành mạnh sinh ra tham ô, đi ăn cắp vặt, rồi dần dần ăn cắp lớn, rồi cấu kết với nhau để làm hại ngân khố của Nhà nước, hủy hoại đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của dân. Cái đó rất lớn”.

Theo người đứng đầu Đảng, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng thì có nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản, trực tiếp, là gốc, chính là do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Và trong các hình thái tham nhũng, có tham nhũng quyền lực, đây chính là cái gốc “đẻ” ra tham nhũng kinh tế.

Thực tế thời gian qua cho thấy, những người tham nhũng kinh tế thường là những người nắm giữ quyền lực; và theo ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì quyền lực càng lớn mà thiếu đạo đức thì tham nhũng càng lớn.

Nhìn nhận trên của ông Nguyễn Phú Trọng là có lý, vì trước khi cán bộ thực hiện hành vi tham nhũng kinh tế thì họ phải chạy vạy, phải tham nhũng quyền lực. Mà tham nhũng quyền lực – nói theo cách lập luận lâu nay của ông Nguyễn Phú Trọng, bắt đầu từ gốc là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Với cách hiểu đó cho thấy nếu nói theo ‘văn phong’ và ‘khẩu khí’ của Tổng bí thư, thì bản thân các cán bộ đó có tâm không chính, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, và khi đã suy thoái về tư tưởng chính trị rồi thì tìm mọi cách để leo lên quyền lực, mua quyền lực, “chạy” quyền lực. Họ củng cố địa vị quyền lực, vị trí quyền lực từ nhỏ đến to và dần dần trượt dài theo “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bị lợi ích vật chất cám dỗ…

Câu hỏi lớn nhất đặt ra ở đây là những cán bộ được cho là suy thoái về tư tưởng, về đạo đức cộng sản ấy đã chạy vạy đến cụ thể cửa quan quyền bề trên nào để giúp họ củng cố quyền lực? Bề trên ấy, lẽ ra cần đáng trị hơn nhiều so với việc ‘đổ thừa’ về chuyện cán bộ kém đạo đức. Nôm na là nhà dột từ nóc.

Vậy thì xem ra hoàn toàn có lý trước cảnh báo tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đang là những biểu hiện tiêu cực, thường gắn liền với nhau, gây khó khăn cho con đường đi lên của đất nước. Trong đó, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là căn nguyên dẫn đến tham nhũng và ngược lại, tham nhũng sẽ làm cho suy thoái ngày càng trầm trọng hơn, nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Ðảng và chế độ.

Bởi như nhìn nhận ở trên, cán bộ sở dĩ hư hỏng – nói theo cách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là vì đạo đức bị suy thoái. Vậy thì ở đây trách nhiệm tổ chức cán bộ của Bộ Chính trị cần phải xem xét lại toàn bộ, vì trên thực tế đúng là tham nhũng quyền lực đã đưa đến nhiều nhóm lợi ích trong cùng một đảng chính trị.

Những nhóm lợi ích này chỉ có một điểm chung là sẵn sàng ‘nịnh nọt’ mỗi Tổng bí thư, đến độ nhiều quan chức lúc hầu tòa khi ‘nói lời cuối’ trước lúc hội đồng xét xử nghị án, họ đều cúi đầu ‘rớt’ nước mắt xin lỗi ‘bác Tổng bí thư’…

Thay lời kết, người viết cho rằng với vụ việc vừa được khởi tố tại Cục Lãnh sự, và cơ quan điều tra khởi tố từ Cục trưởng, Cục phó, Chánh văn phòng cho tới nhân viên, nó cho thấy tính chất nghiêm trọng của câu chuyện. Ở đây, không chỉ là việc nhận hối lộ của vài cá nhân mà đã có dấu hiệu khá rõ của một vụ tham nhũng tập thể, tham nhũng có tổ chức – yếu tố tăng nặng cho hành vi của mỗi cá nhân.

Và nếu vẫn cho rằng đó là lỗi của đạo đức, thì cách tốt nhất là hãy xem lại cách hiểu lâu nay về cái gọi là ‘đạo đức người cộng sản’. Bởi không quá lời chút nào khi thử nhìn lại công cuộc phòng, chống Covid-19 của chính phủ được thực hiện rất bài bản, phối hợp đều tay: Từ Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin truyền thông, đến Bộ Y tế; các địa phương, Bộ Ngoại giao tất cả một lòng vì đồng bào ruột thịt. Tất cả như có một bàn tay vô hình làm nên tất cả. Mọi sự tài tình đó chính là Đảng ta chỉ còn gì nữa mà cứ bàn tới bàn lui chuyện đạo đức…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)