Hàn Giang
Chị Thúy Hạnh ngồi tọa kháng với khẩu hiệu “Cứ đánh vào mặt tôi nếu muốn, nhưng hãy trả biển và quyền làm Người cho dân”.
Anh Lê Hoàng với khẩu hiệu “Hèn nhát cũng là một lựa chọn! Formosa hãy cút xéo!”
Chị Thảo Tesera với khẩu hiệu “Dù bị bắt bớ, đánh đập. Mẹ vẫn sẽ xuống đường vì Biển đã chết!”
(VNTB) – “Việc chính quyền cứ liên tiếp ngăn cản, đàn áp người dân khi họ xuống đường vì môi trường, vì yêu nước cho thấy được một điều rằng: chế độ này là một chế độ mất lòng dân. Họ sử dụng đến bạo lực để đàn áp người yêu nước, việc làm ấy chỉ chứng tỏ họ ngày càng thất bại khi sử dụng đến bạo lực. Và điều đó chỉ khiến cho tinh thần yêu nước, lên tiếng chống bạo tàn của người dân ngày càng dâng cao hơn.”
Bất chấp bị trấn áp, bị bắt bớ và cả bị hành hung thô bạo như hai cuộc tuần hành vào các ngày 1/5 và 8/5/2016 vừa qua, người dân Việt Nam một lần nữa quyết tâm xuống đường tuần hành vì môi trường trong phạm vi toàn quốc vào ngày 15/5/2016 tới đây. Song hành đó, lời kêu gọi ngồi tọa kháng bất kể nơi đâu. Một vài cá nhân đã thực hiện việc ngồi tọa kháng và đưa khẩu hiệu có nội dung chấp nhận để lực lượng trấn áp từ chính quyền đánh vào mặt nhưng với điều kiện “hãy trả biển và quyền làm Người cho dân”. Qua đó chứng minh, nếu chính quyền đẩy bức xúc của người dâng cao thì nhu cầu đòi hỏi tự do dân chủ, nhân quyền cũng rất cấp thiết…
Càng bị đàn áp càng xuống đường tuần hành
Nguyên văn câu khẩu hiệu mà một số cá nhân ngồi tọa kháng ghi ở băng rôn là: “Cứ đánh vào mặt tôi nếu muốn, nhưng hãy trả biển và quyền làm Người cho dân” hay “Hèn nhát cũng là một lựa chọn! Formosa hãy cút xéo!” hoặc khẩu hiệu “Dù bị bắt bớ, đánh đập. Mẹ vẫn sẽ xuống đường vì Biển đã chết!”. Đây là những thông điệp mới, có ý nghĩa và thể hiện một quyết tâm không khuất phục cường quyền, người dân sẽ đem những khẩu hiệu này đến cuộc tuần hành vì môi trường vào ngày 15/5.
Tại Hà Nội. Anh Kiên, một công dân sinh sống ở khu vực Hà Nội cho biết hôm ngày 8/5 vừa qua, anh có dự định đi tuần hành nhưng còn chưa kịp đi đã bị công an phường bắt giữ. Trao đổi với Việt Nam Thời Báo (VNTB), anh Kiên khẳng định ngày 15/5 mình sẽ tiếp tục tuần hành cùng mọi người. Anh Kiên nói:
“Ngày 15/5, tôi tiếp tục đi tuần hành để nói lên tiếng nói của mình với Chính phủ trong việc chậm trễ xử lý thảm họa biển chết ở miền Trung. Hôm ngày 8/5 tôi chưa biểu tình thì bị bắt về công an phường La Khê- Hà Đông. Họ bắt giữ trái phép tôi”. Anh Kiên nói, để đi tuần hành vì môi trường cho dù mình có bị bắt bớ, đánh đập cũng không sợ.
Không riêng gì anh Kiên, VNTB còn ghi nhận có rất nhiều cá nhân từ khắp mọi nơi đã thông qua trang facebook cá nhân, hoặc trực tiếp với VNTB thể hiện quyết tâm xuống đường hoặc làm việc gì đó để đồng hành cùng người dân tuần hành vì môi trường vào ngày 15/5. Đơn cử như chia sẻ của chị Hương, một cư dân sinh sống ở Hải Phòng. Đáp lời kêu gọi cả nước tuần hành vì môi trường, chị Hương đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng hòa mình cùng dòng người đang sôi sục hướng về miền Trung và gửi thông điệp:
“Tôi có yêu cầu Chính phủ phải công khai minh bạch và khắc phục hậu quả biển chết cho người dân. Tôi vẫn đi (đi tuần hành ngày 15/5) bởi vì chúng ta tuần hành ôn hòa và nói lên tiếng nói bất công để dân chủ, công bằng xã hội.”
Hoặc một chia sẻ của một bạn trẻ ở Sài Gòn tên Tuấn. Ngày 8/5 vừa qua, anh Tuấn có đi tuần hành cùng người dân ở khu vực Sài Gòn và anh Tuấn cho biết mình cũng bị lực lượng bảo vệ an ninh trật tự đánh đập. Dù vậy, ngày 15/5 tới anh Tuấn cho biết mình vẫn sẽ tiếp tục tuần hành. Anh Tuấn chia sẻ:
“Ngày 15/5 sắp tới, tôi sẽ vẫn tiếp tục xuống đường cùng mọi người. Tôi chỉ muốn xuống đường để lên tiếng, đấu tranh, yêu cầu chính quyền Việt Nam có một biện pháp thiết thực hơn, nhằm ngăn chặn triệt để hành vi xả thải ra môi trường của nhà máy Formosa ra vùng biển của Việt Nam”
Thông điệp tuần hành mà anh Tuấn đưa ra là:
“Tôi muốn người dân Việt Nam cùng con cháu đời sau được sống, hít thở trong một môi trường trong lành và mong muốn mỗi người dân Việt Nam đều phải sống có trách nhiệm với Đất Nước của mình.”
Cũng như anh Kiên, chị Hương, Anh Tuấn nói mình không sợ bắt bớ, đánh đập khi tham gia tuần hành. Lời anh Tuấn:
“Tôi chấp nhận bị đánh, bị bắt. Cứ làm bất cứ điều gì nếu họ (chính quyền) muốn, chỉ mong hãy trả lại biển và quyền được tự do, bày tỏ tinh thần “yêu nước” cho người dân Việt Nam.”
Dự kiến địa điểm diễn ra cuộc tuần hành ngày 15/5, ở Hà Nội là khu vực Nhà Hát lớn và ở Sài Gòn là Công viên Quách Thị Trang, tọa kháng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Cũng nhiều khả năng ở Sài Gòn có thêm địa điểm tuần hành là khu phố Tây, nơi có rất đông người nước ngoài sinh sống lẫn dân cư đông, lực lượng trấn áp không dễ trấn án người dân khi người dân đang tuần hành.
Tuần hành bằng lương tâm. Thấy bản chất của chế độ
Dù mỗi người dân tuần hành ngày 15/5 hay trước đó là ngày 8/5 và ngày 1/5 có những ý kiến cá nhân nhưng VNTB ghi nhận phần lớn có chung mục đích vì môi trường, bức xúc vấn nạn cá chết hàng loạt ở miền Trung hơn một tháng qua mà chính quyền vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân lẫn nêu rõ ai là hung thủ? Chưa rõ ràng minh bạch thông tin. Tất cả đều hiểu môi trường rất quan trọng đến cuộc sống nên người dân buộc phải thể hiện thái độ quyết liệt, căng thẳng với chính quyền. Theo ý kiến anh Kiên thì:
“Mọi người đều chịu tác động của môi trường. Môi trường ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những người sống trong môi trong đó. Tôi và con cháu tôi sau này cần môi trường sạch để sống.”
“Môi trường ô nhiễm sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Các nguồn dinh dưỡng hải sản từ biển sẽ không còn để đáp ứng được cuộc sống con người.”, chia sẻ của chị Hương.”
Không chỉ lo lắng cho cuộc sống của bản thân mà còn phải lo lắng cho bao thế hệ bị đe dọa bởi môi trường đang bị những kẻ chạy đua lợi nhuận vật chất bách hại, chính quyền lại chưa thể hiện năng lực làm những việc yên lòng dân. Người dân tuần hành để lên tiếng, đánh động mạnh sự quan tâm của dư luận trong và người nước thì bị Chính quyền để lực lượng mang danh bảo vệ an ninh trật tự trấn áp, bắt bớ và đánh đập. Chưa dừng, các báo đài lẫn các đại diện chính quyền lại có những phát ngôn khi cho rằng có các tổ chức phản động đã kêu gọi, kích động, lôi kéo người dân tuần hành, gây rối an ninh trật tự.
Chị Hương phản biện lại phát ngôn này. Chị Hương nói:
“Không. Tôi đi tuần hành vì lương tâm con người. Nếu có điều đó xảy ra, thì cơ quan an ninh phải có trách nhiệm giải quyết, và bảo vệ an toàn cho người dân biểu tình ôn hòa.”
Và ý kiến của anh Kiên. Anh Kiên nói mình đi tuần hành là do lương tâm lôi kéo chứ không có tiền bạc gì cả. Anh Kiên nói:
“Khi bị bắt vào đồn, lực lượng an ninh cũng hỏi tôi câu đó. Lý do tôi xuống đường là do lương tâm tôi lôi kéo. Họ có lập biên bản này nọ nhưng tôi không hợp tác với họ. Tôi đi tuần hành ôn hòa. Hoàn toàn không có chuyện đi tuần hành được tiền như đã có thông tin đồn đoán. Hoàn toàn không có chuyện gây rối trật tự công cộng.”
Và vì vậy, việc chính quyền cứ mặc nhiên để lực lượng an ninh trật tự và công an liên tiếp đàn áp người dân tuần hành vì bảo vệ quyền lợi chính đáng chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề gì mà còn làm cho bức xúc của người dân tăng thêm như ý kiến của anh Kiên:
“Họ (chính quyền) không tôn trọng người dân. Họ đẩy người dân xa họ hơn. Làm cho dân càng mạnh mẽ khi thể hiện tiếng nói của mình.”
Và bức xúc xã hội khiến nhu cần đòi hỏi tự do dân quyền, nhân quyền của người dân tiến thêm một bước cấp thiết. Chị Hương chia sẻ:
“Họ (chính quyền) cố tình gây sức ép với người phản biện dân chủ để giữ lại những gì họ đã bóc lột của người dân hàng bao nhiêu năm qua. Chỉ khi nào bóc lột chạm đáy thì xã hội mới dân chủ, và người dân mới tự do nói lên chính kiến của chính mình”
Và sau cùng là ý kiến của anh Tuấn:
“Việc chính quyền cứ liên tiếp ngăn cản, đàn áp người dân khi họ xuống đường vì môi trường, vì yêu nước cho thấy được một điều rằng: chế độ này là một chế độ mất lòng dân. Họ sử dụng đến bạo lực để đàn áp người yêu nước, việc làm ấy chỉ chứng tỏ họ ngày càng thất bại khi sử dụng đến bạo lực. Và điều đó chỉ khiến cho tinh thần yêu nước, lên tiếng chống bạo tàn của người dân ngày càng dâng cao hơn.”, anh Tuấn khẳng định.