Tâm An
(VNTB) – Ngày mai chủ nhật 5/4/2015, người Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc đạp xe “vì một Hà Nội xanh”.
Bạn thấy gì qua những lần người dân Hà Nội xuống đường lên tiếng phản đối việc chặt cây xanh, bảo vệ môi trường sống? Họ rủ nhau, hẹn nhau đi diễu hành như một cuộc picnic cuối tuần. Và những hoạt động diễn ra cứ y như họ đang tổ chức một ngày lễ hội vui tươi, đầy màu sắc…
Những bạn trẻ vui vẻ cầm trên tay, giơ cao trên đầu những thông điệp phản đối việc chặt cây, kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường. Họ cùng nhau hô to khẩu hiệu: “Tôi yêu cây”, “Cây yêu tôi”, “Tôi là cây”, “Phản đối chặt cây”… Họ đi diễu hành để nói lên quan điểm của mình và gây ý thức xã hội về việc bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường.
Có bạn đeo trên mình tấm bảng “Tôi là cây”, đứng vào ngay chỗ một cây xanh đã bị đốn hạ, chỉ còn trơ cái gốc. Có bạn hóa trang mình thành một cây xanh di động, và thu hút rất nhiều người đến cùng chụp hình với “cây xanh” ấy. Có bạn cầm tấm bảng “Tree hugs”, khuyến khích mọi người hãy ôm cây, biểu lộ tình yêu của mình với cây xanh…
Một nhóm bạn trẻ đi đeo nơ cho cây, dán lên những cây xanh khỏe mạnh các thông điệp như: “Tôi còn khỏe, xin đừng giết tôi!”, “Sao nỡ chặt chúng tôi?”, “Vì một Hà Nội xanh”, “Please don’t kill me!”, “Chặt cây là hủy hoại môi trường sống”… Một nhóm khác cùng nhau đàn hát những bài hát vui tươi, trẻ trung, những bài hát chế về Hà Nội và cây xanh. Những giọng hát, tiếng cười vang lên vui vẻ và tràn đầy hào hứng…
Lễ hội Chủ nhật 5/4 !
Cuộc tuần hành vì cây xanh không chỉ toàn là những người trẻ, nó là một lễ hội quy tụ đủ mọi lứa tuổi: những em bé tuổi còn nằm nôi được bố mẹ đẩy xe, bồng bế đi; những em bé tung tăng diễu hành cùng mọi người, trên tay cầm những bức tranh các em vẽ về cây xanh, đầy tự hào khi giới thiệu chúng với mọi người và chung tay với cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường; những người lớn tuổi chậm rãi tản bộ đi theo đoàn người, cùng hô vang những khẩu hiệu, để góp phần trách nhiệm vì một màu xanh của Hà Nội…
Những bộ trang phục, quần áo, nón mũ màu xanh, những chiếc áo in thông điệp xanh bảo vệ cây, bảo vệ môi trường… xuất hiện khiến cho những cư dân Hà Nội trở nên có chung một đồng phục, thể hiện việc chung một lòng một hướng vì màu xanh Hà Nội. Họ tham gia vào một cuộc tuần hành, một cuộc chạy bộ vì cây xanh. Vào ngày chủ nhật 5/4/2015 tới đây, họ sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc đạp xe “vì một Hà Nội xanh”.
Khác với những cuộc xuống đường trước đây để biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền biển đảo, việc người dân Hà Nội xuống đường để phản đối việc chặt cây không hề mang lại sự sợ hãi sẽ bị chụp mũ chính trị và không bị chính quyền đàn áp. Chính vì thế, người dân Hà Nội rất tích cực tham gia và tham gia một cách có ý thức. Họ nhắc nhở, khuyến cáo nhau bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, tuân thủ luật giao thông, lịch sự, hòa nhã với những người tham gia giao thông khác và tránh những va chạm với lực lượng thi hành nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự…
Những hoạt động ấy diễn ra một cách đa dạng và sinh động như trong một dịp lễ hội. Mỗi người tùy sở thích và khả năng của mình đều tham gia góp phần vào nó một cách tích cực. Và nó đã mang lại những hiệu quả tích cực: chính quyền Hà Nội phải ngưng việc chặt cây lại, người dân Hà Nội ngày càng ý thức hơn về quyền thể hiện ý kiến của mình và ý thức tham gia bảo vệ cây xanh, môi trường sống của họ.
Kế sau việc chặt cây ở Hà Nội, dân chúng lại lên tiếng về việc san lấp sông làm dự án ở Đồng Nai. Tuy nhiên, có thể so sánh và thấy được việc phản đối lấp sông ở Đồng Nai chỉ mới trên lĩnh vực truyền thông, báo chí, cộng đồng mạng, ký thỉnh nguyện thư… chứ chưa có những “hoạt động ngoại khóa” sôi nổi như ở đất thủ đô.
Chính quyền cần “vượt qua sợ hãi”
Phải xem những hoạt động xuống đường, tuần hành của người dân Hà Nội phản đối việc chặt cây hay việc đình công của giới công nhân phản đối điều luật Bảo hiểm Xã hội mới là những điều bình thường, của một xã hội công dân (xã hội dân sự) đang trên đà lớn mạnh. Chính quyền cũng đã nhận thức được điều đó, họ phải thừa nhận sức mạnh và những đòi hỏi chính đáng từ phía người dân và điều chỉnh những chính sách, điều luật sao cho phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Vấn đề khó khăn chính là những hoạt động xã hội dân sự ấy cần phải được tổ chức một cách chuyên nghiệp, lập kế hoạch cụ thể. Chính quyền phải tôn trọng và tạo điều kiện để các hội nhóm xã hội dân sự thể hiện vai trò của mình, hoạt động một cách tích cực và hiệu quả. Muốn như vậy, chính quyền phải vượt qua nỗi sợ hãi những “lễ hội”, những cuộc tuần hành, không chụp mũ chính trị, phản động này nọ… Về phía các hội nhóm xã hội dân sự, họ cũng phải tôn trọng mục đích và tiêu chí hoạt động riêng của mình, và chỉ hướng theo mục đích chính yếu đó. Ví dụ: Nhóm hoạt động vì cây xanh, môi trường thì chỉ phản đối việc chặt cây, tránh những cực đoan quá khích, bao đồng hay lệch hướng mục tiêu nhóm nhắm đến.
Những vận động nhằm cứu sông Đồng Nai dường như mới chỉ nằm ở mức lý luận, truyền thông chứ chưa có hoạt động thực tiễn. Ở đây, vai trò của các nhóm xã hội dân sự còn hơi yếu kém và thiếu chuyên nghiệp (so với Hà Nội). Vì thế, họ không có những ngày “lễ hội” vui tươi, tràn đầy màu sắc như ở Hà Nội. Tuy cũng có phần thắng lợi khi nhà đầu tư dự án tự ý đề nghị tạm dừng việc lấp sông, nhưng hiệu quả tác động vẫn yếu. Một Facebooker đang dự định sẽ tổ chức cho khoảng 10 gia đình cùng nhau thi vẽ tranh với chủ đề “cứu sông Đồng Nai” vì không có điều kiện tổ chức ở một quy mô lớn hơn.
Còn đối với những cuộc đình công của công nhân Công ty PouYuen, vẫn có những sự đàn áp, bắt bớ, điều đó cho thấy nguy cơ bùng phát bạo động rất cao và khó kiểm soát. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã không thể đáp ứng và giải quyết được những bức xúc của giới công nhân. Nhà nước cần phải tôn trọng và chấp nhận cho công nhân có một công đoàn độc lập để nói lên tiếng nói của họ, thể hiện đúng đắn nhu cầu, ý chí và nguyện vọng của họ.
Dân tộc ra rất ưa chuộng lễ hội. Tuy nhiên, lễ hội ấy là một lễ hội vui vẻ, hòa bình hay náo loạn, mất trật tự là một điều đáng bàn.
Hãy để những hoạt động xã hội dân sự là những ngày “lễ hội” dễ thương!