Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chùa Bà Đanh

Mắt Nâu

 

(VNTB) – Nơi nào vắng vẻ ít người thì được ví von  “Vắng như chùa bà Đanh”

 

Người Việt Nam mình, từ người miền bắc cho đến người trung vào tới người miền nam cũng vậy, hễ thấy nơi nào vắng vẻ ít người, là bật miệng nói ví von  “Vắng như chùa bà Đanh”. 

Thực tế, chùa bà Đanh ra sao,  chùa bà Đanh như thế nào? Và bà Đanh là ai? 

Chùa Bà Đanh 

Trước hết, theo tương truyền: bà Đanh là vị thần điều mưa khiển gió, giúp trong vùng mưa thuận gió hòa, cư dân nơi đó làm ăn  sung túc.

Chùa Bà Đanh là một trong bốn chùa Bà nổi tiếng: Bà Ngộ. Bà Nành. Bà Đá. Bà Đanh – Bốn ngôi chùa nguy nga – Riêng chùa bà Đanh  là ngôi cổ tự có lịch sử hàng ngàn năm. Càng về sau chùa Bà Đanh, càng nổi tiếng vì sự u tịch vắng vẻ thâm u của nó, với nhiều thần tích nhuốm màu huyền bí, mà đến  vẫn chưa khám phá hết… Để vẫn lơ lửng với thời gian và với câu cửa miệng quen thuộc của cả 3 miền “Vắng như chùa bà Đanh”.

Chùa bà Đanh thuộc phường Thụy Chương,  huyện Vinh Thuận, Thăng Long. Chùa xây từ thời Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1470-1497). Thời ấy, vua cho xây viện châu lâm và chùa, để dành riêng cho người Chiêm Thành cúng lễ, thờ phượng, đó là chùa bà Đanh, nằm ven hồ Tây 

Cách đó không xa có chùa Trấn Quốc,  ngôi chùa nổi tiếng qua nhiều thế kỷ.

Năm1893, tại khu vực này, Pháp  cho xây nhà in Snây-đe (Schneidere)

Năm 1907, các nhà ái quốc Đông Kinh nghĩa thục, tổ chức tập hợp lên tiếng về việc dân đòi quyền được học, và người Pháp chuyển nhà in đi chỗ khác và xây truờng trung học bảo hộ – Truờng Buởi

Trên 500 năm tồn tại, chùa bà Đanh khá gian truân  từ việc dân dời tượng phật tới chùa Phúc Châu. 2 chùa nhập một, và gọi tên là Phúc Châu, một ngôi chùa lớn, rộng năm mẫu. Đất do dân cúng vào.

Nhưng đất không yên: bốn mẫu bị xung vào hợp tác xã. Sau mất thêm 600m vường cho phương. Chùa chỉ còn một cái sân nhỏ và một cái ao. 

Đất cúng hết, chùa thiếu đất, phải chuyển đất từ sông Tô Lịch về lấp ao hầu có đất cúng phật. Đó là  gian truân của chùa bà Đanh.

Nhưng số phận bà Đanh chưa yên. Tuy nhiên chùa cháy,  những pho tượng quý không bị cháy.

Số phận chùa tuy lênh đênh, nhưng chùa vẫn chăm sóc những pho tuợng quý như: Tuợng Tam Thế, A Di Đà, Di Lặc, Cửu Long, Tuyết Sơn, Hộ Pháp, Thập Điện..vv. Và không gian điện thờ vẫn trang nghiêm, hương khói. Kinh vẫn tụng đều, sân chùa vẫn sạch sẽ và chiếu thiền vẫn tươm tất ngay ngắn … nhưng chùa trở nên vắng. Vắng đến nỗi những vùng lân cận không hề biết có chùa bà Đanh. Họ coi đây chỉ là chùa Châu Lâm, Thuỵ Khê

Chùa bà Đanh và núi Ngọc nằm về phía đông nam xã Ngọc Sơn. Ba mặt nơi đây có sông Đáy bao quanh. Trước tháng 8/1945, khu vực chùa bà Đanh nằm tách xa khu dân cư. Nơi đây cây cối um tùm, vắng người qua lại. Mỗi khi dân làng có việc lên chùa vào buổi tối, phải đốt được và gõ chiêng gõ trống để xua đuổi thú dữ. Vì vậy dân gian truyền miệng câu “Vắng như chùa bà Đanh” là  vậy.

Núi Ngọc là quả núi đá vôi trong hệ thống núi đá, kéo dài từ Hoà Bình theo hương tây bắc Đông nam qua xã Tượng Lĩnh Khả Phong Liên sơn của huyện Kim Bảng. Núi được tách riêng ngăn cách bên kia bằng con sông Đáy.

Núi Ngọc không cao lắm. Cây cối cành ngang cành dọc xum xuê. Trên núi có cây si cổ thụ, tương truyền cây này sống cả trăm tuổi. 

Đứng trên ngọn núi, có cảm giác đang tách biệt  khỏi sự sống ồn ào bên dưới, để du hồn vào sự tĩnh mịch thuần khiết của sông núi cây cối thiên nhiên.  Nối giữa núi Ngọc và chùa bà Đanh, là bãi rộng trồng cây lưu niên. Chủ yếu là vải thiều, nhãn, có mùa có cả ngô lúa, tuỳ thời vụ… hoàn toàn biệt lập với khu dân cư . Một khung cảnh  tuyệt vời, xứng đáng được xem là thắng cảnh của đất Kim Bảng, và  là địa điểm khá hấp dẫn du khách. 

Xã Ngọc Sơn thành lập tháng 3 năm 1976, gồm bốn thôn: Mã Não, Phương Khê, Đanh Xá và Thụy Xuyên. Trước tháng 8/1945, mỗi thôn là 1 đơn vị hành chánh xã, thuộc tổng Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Tháng 4/1986, thị trấn Quế, được thành lập. Một số thôn xóm của Ngọc Sơn được nhập vào thị trấn. Hiện nay Ngọc Sơn nằm ngay trung tâm của huyện lị. Xã nằm trên trục đường giao thông 22 nối quốc lộ 1A, từ Ba Đa lên chợ Dầu, ngược hương Hà Tây (cũ). Đây là đầu mối giao thông của huyện đi các nơi. Phía nam của xã giáp con sông Đáy. Từ đây có thể đi ngược lên mạn Hoà Bình, hoặc đi Ninh Bình Thanh Hoá.

Khách thập phương có thể đi bằng nhiều tuyến đường để đến khu di tích chùa như: Từ thành phố Nam Định lên Phủ Lý, qua cầu Hồng Phú đi men theo đường lộ khoảng 10km là đến nơi. Còn từ Phủ Lý, đi đò ngược con sông Đáy khoảng 7km, là đến trước cửa chùa Bà Đanh.

Về kiến trúc của chùa bà Đanh thì thế này: Trước hết, phía ngoài  tường 2 bên, là 2 cột đồng trụ, được xây nhô hẳn ra ngoài.

Trên nóc tam quan, đôi rồng châu đầu vào nhau. Đối diện cổng,  chính giữa về phía phải, là 2 cửa nhỏ  8 mái, cửa cong hình bán nguyệt. Hàng ngày, khách ra vào đi bằng 2 cửa nhỏ này. Chỉ khi nào có đại lễ, cổng chính giữa mới được mở.

Qua cổng tam quan là vào khu vườn hoa. Bóng mấy cây cau khẳng khiu gầy guộc vườn cao trên nền trời. Mấy gốc cây đại thụ sần sùi ẩn ở góc vườn. Vài thân cây quen thuộc như Mộc, Nhài, Mẫu đơn, làm tăng nét cổ kính cho ngôi chùa.

Trước nhà bái đường là sân lát gạch. Nhà bái đường có 5 gian, 2 đầu bít nóc. Lợp ngói nam, trên bờ nóc có đôi rồng chầu  nguyệt. Hai dãy hành lang 2 bên, mỗi dãy có 3 gian. Khung gỗ lim lợp ngói lam, tường bao quanh phía sau và 2 bên đầu hồi.

Tất cả các kèo đều chạm khắc 2 mặt. Các vì kèo được tính từ đông sang tây công phu tỉ mỉ như sau: Tinh hoa nằm trên 6 cây kèo, và  6 kèo này là cấu trúc quan trọng mang nét đặc thù duy nhất,  không nơi nào có.

*Kèo 1: 1 mặt áp và tường dốc, mặt hổ phù, thông hóa long, trúc hóa long. Trên xà trạm quả đào, mai, trúc, nho, và lựu.. 

* Kèo 2: Mặt hổ phù và nghê chầu 2 bên, mai hóa. Trên xà ngang chạm quả đào, quả phật thủ, quả lựu, hoa hồng, cuốn thư và con dơi. 

* Kèo 3: Mặt trước, tứ linh, phía trên là  lưỡng long chầu nguyệt. Xà ngang chạm hoa hồng, cây thông, cuốn thư, kim tiền, đàn sáo. Mặt sau, ở trên tạc tứ linh, xà ngang  trạm trúc, mai, hồng, cuốn thư. 

* Kèo 4: Mặt trước, phía trên chạm tứ linh, tùng, mã, mai, điều. Xà ngang chạm đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, phách. Mặt sau  chạm tứ linh, bầu rượu, cuốn thư. 

* Kèo 5: Mặt trước chạm ngũ phúc, hoa mai, hoa hồng, đàn tranh, bút lông, cái quạt và bầu rượu. Mặt sau chạm ngũ long tranh châu, hoa hồng, hoa lan, mai đá. 

* Kèo 6: một mặt áp vào tường dốc. Mặt kia khắc hổ phù, trúc hóa, hoa hồng, quả đào, quả lựu.

Tất cả những hình chạm khắc vừa kể,  tuyệt nhiên không thấy hình bóng con người. Chỉ toàn là động vật, thực vật, kết hợp nhau thành các đề tài, và thành khuôn mẫu khá hoàn chỉnh.

Ngoài rồng là con vật được sáng tạo bằng tưởng tượng. Các đồ vật, động vật, thực vật khác, là có thực trong cuộc sống, và được lấy từ đời sống thực tế đưa vào nghệ thuật.

Với kết hợp công phu tỉ mỉ và tài tình, từ cây trúc, cây mai. Các nhà nghệ thuật thời ấy, đã tạo ra các con giống rất sinh động, trú ngụ trên các xà nhà của ngôi đền chùa cổ kính này.

Bản thân của mỗi trái cây, mỗi cánh hoa, mỗi con vật, không đứng riêng lẻ, mà kếp hợp nhau, để thành đề tài chung. Nghĩa là những  đơn thể hình thành đa thể. Mà trong cái chung vẫn có cái riêng.  Đấy chính là sự hòa nhập của trời đất, của thiên nhiên chan hòa với cuộc sống, tạo thành sự hoà hợp đồng nhất thể.

Động vật thì có tứ linh (long ly quy phương). Ngũ phúc (5 con dơi). lưỡng long chầu nguyệt (2 rồng chầu mặt trăng mặt trời). Thực vật có tứ bình (mai lan cúc trúc). Bát quả (đào, lựu, nho, phật thủ, na).  Động vật thực vật kết hợp có Mai Điểu (chim và hoa mai). Có Tùng Mã ( cây tùng và con ngựa).

Ngoài ra các đề tài trang trí thì có nhiều nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn nhụy, sáo, phách, ống tiêu hay các đồ vật như quạt, tháp bút, bút lông,  cái khánh, bầu đựng rượu… tạo thành 8 vật quí gọi là bát bảo hay bát bửu. 

Đó là câu chuyện  khá chi tiết về sáu cái kéo của khu bái đường này. Và chính đó là nét riêng biệt độc đáo duy nhất của chùa Bà Đanh, không nơi nào có.

Trên 6 hệ thống vì kèo nhà bái đường, ngoài 2 kèo đầu hồi, mặt trong đặt sát đầu tượng dốc, nên chỉ chạm khắc 1 bên. Bốn cột kèo phía trong được khắc cả 2 mặt. Các mảnh chạm khắc được các tay khắc nghệ thuật dân gian kết hợp 2 phương pháp: khắc chìm và chạm nổi… Các đường nét khắc và chạm trổ  mềm mại uyển chuyển, cân đối và kỹ thuật vững vàng hợp lý. Mọi đường nét linh hoạt, có hồn. Tất cả các mảng chạm ở các kèo làm tăng giá trị cho khu nhà bái đường.  

Nhà trung đường nằm nối dài với nhà bái đường,  có 5 gian. Hai gian đầu bít đốc, cũng lợp ngói nam. Đằng trước là hệ thống cửa của bức màn, chấn song được tiện khá dày dặn và chắc chắn. Toàn bộ hệ  thống các vì kèo ở đây thuộc dạng biến thể của loại kèo giả dạng, các trụ, ruờng cả thảy đều đơn giản, chủ yếu là vuông cạnh, không chạm khắc tỉ mỉ như nơi nhà bái đường, nhưng sự sắp xếp khá chu đáo tạo thành một bộ khung chắc và  khỏe.

Bước qua nhà thương điện, có ba gian, hai bên xây tượng, phía trước là hệ thống cửa gỗ lim. Chu vi thương điện hẹp hơn trung đường và bái đường nhưng  được xây cao vượt lên. Có lẽ vì vậy gọi là Thương điện.

Khu thương đường của chùa bà Đanh, có nhiều tượng thờ: tượng Tam thế, tượng Ngọc Hoàng, thái thương lão quân và tượng chúa bà Đanh.

Có thể coi pho  tượng bà Đanh là  trung tâm của chùa. tượng tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng (chứ không phải tòa sen). Khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết chứ không mang nét siêu thoát, hay thần bí như những tượng khác. Nhất là sự hài hòa giữa khuôn mặt và cái ngai, tạo nên nét hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc cho ngôi chùa bà Đanh.

Các dãy hành lang trước chùa đi từ khu bái đường qua khu thượng điện, tất cả là khung gỗ lim và lợp ngói nam, ngói nam là một loại ngói quí và tốt. Các cầu nối nhau, có mái như nhà nên khi trời mưa gió, khách hành hương không bị ướt. Và người trong chùa cũng thuận lợi làm việc công quả hay trong sinh hoạt.

Chùa bà Đanh, một tổng thể bao gồm nhiều công trình với gần 40 gian (không kể hệ thống nhà cầu), xen kẽ đan nhau, hỗ trợ nhau. Theo dân địa phương thì ngôi chùa có từ lâu đời và đã được tu sửa nhiều lần. Các công trình hôm nay đều được dựng nên từ thế kỷ 19 trở lại đây.

Các kiến trúc từ tam quan, hành lang, nhà bái đường, thương điện… đều được xây theo lối đăng đối nhau qua một trục chính và độ cao nâng dần dần từ ngoài vào trong, nghĩa là ngoài thấp, trong cao dần. Và chạm khắc mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền hoàn toàn mang sắc thái dân tộc.

Con đường từ Phủ Lý về huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) chưa đầy 15 cây số. Vuợt qua cầu treo Cấm Sơn. Lữ khách như lạc vào không gian khác hẳn: Bên kia sông là chóp mái nhà thờ cao vút với phố thị ồn ào đông đúc. Bên này là  ngôi chùa u tịch, nép mình ngay cái khúc uốn luợn quanh co của dòng sông Đáy trong khung cảnh làng quê thanh bình êm ả. 

Ngay ngoài là bảng hiệu Bảo Sơn Tự,  Bảo Sơn Tự là tên chữ của chùa bà Đanh. Khung cảnh vắng lặng đến mức nghe được tiếng động của chiếc lá khô rơi trước sân chùa. Nghe cả tiếng thở của côn trùng… Bên trong chánh điện tiếng phật tử lâm râm tụng niệm. Họ là những người dân của làng Đanh Xá. Mỗi chiều, sau việc đồng áng, họ đến chùa tụng kinh niệm phật.  Cách tụng niệm ở đây cũng thì thầm nho nhỏ, khe khẽ như muốn giữ đúng cái tên hiệu của chốn thiền môn này.

Sau buổi kinh chiều, cùng với phật tử làng Đanh Xá. Sư bà trụ trì Thích Đàm Đam mời khách đường xa ăn trầu uống nước và mở lời: “Tôi tu chùa này trên 30 năm. trước còn sư thầy Thích Đàm Nê. Năm 1987 sư thầy viên tịch. – Từ nhiều đời qua, chùa lúc nào cũng chỉ độc 1 người trụ trì, lại ở giữa khu rừng hoang vắng. Có lẽ đó là 1 trong những lý do để có  câu “Vắng như chùa bà đanh”.

Có người làng Đanh Xá, gần như ngày nào cũng đến chùa làm công quả và giúp sư bà hương khói, người này cho biết thêm: “Ông nội tôi kể rằng ngày xưa nơi đây toàn là từng rậm. Ba mặt tiếp giáp sông,  bên kia là ngọn núi Ngọc linh thiêng. Rừng có nhiều thú dữ. Đêm đêm cọp về tận cổng chùa cào cửa. Có lẽ vì thế ít ai dám lui tới cổng chùa.

Nhưng vì thương sư thầy ở 1 mình giữa rừng, nên dân làng Đanh vẫn đốt được rủ nhau tới viếng chùa. Giúp chùa tu bổ và chống thú dữ.

Do cảnh chùa u tịch quanh năm quạnh quẽ, nên người làng đến viếng chùa cũng không ồn ào. Họ nói năng nhẹ nhàng, càng tạo sự lặng lẽ. Gần đây, có khá nhiều phật tử tìm đến  vãn cảnh chùa trong những ngày lễ lớn, nhưng hầu như mọi người rất tôn trọng không khí trầm lặng  nơi này.

Sư bà Thích Đàm Đam cho biết, thật ra chùa còn gọi là đền – Chánh điện thờ phật, phía sau lúc nào cũng cửa đóng then cài, phù thờ đạo mẫu và tứ pháp – Đó là tín nguỡng dân gian phổ biến nơi vùng đồng bắng Bắc bộ từ thế kỷ thứ 7. Trong phủ thờ có tượng bà chúa Đanh, tượng truyền bà chúa Đanh là  nữ thần trông coi việc điều mưa khiển gió. Nhờ bà mà vùng đất không bị thiên tai, mất mùa, đời sống người dân ở đây  sung túc ấm no. 

Tượng bà chúa Đanh có từ đời vua Lê Hy Tông (1675-1705), do dân làng làm từ thân gỗ mít ngàn năm tuổi, rồi lập đền thờ gọi là đền bà Đanh.  Về sau dân làng thỉnh tượng Phật về thờ – Dần dà đền trở thành chùa bà Đanh – Chùa được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994. Qua 2008, tỉnh Hà Nam đầu tư  28 tỉ đồng VN để tu bổ chùa và làm con đường băng xuyên qua rừng cây đại, cây hoàng lan cổ thụ, vào tận cổng chùa.

Sư bà Thích Đàm Đam cho biết “Cứ 10 người đến vãn cảnh, thì 9 người hỏi đúng chỉ 1 câu “Vì sao lại vắng như chùa bà Đanh?”. Dù cũng có lúc chùa bà Đanh đông nghẹt người. Nhưng “Vắng như chùa bà Đanh” đã trở thành một thành ngữ mất rồi. Ai thấy chỗ nào vắng cũng nói ngay “Vắng như chùa bà Đanh”. Câu cửa miệng của cả ba miền.

Trong tượng lai, biết đâu có lúc người ta sẽ đổi thành “Đông như chùa bà Đanh” thì sao. Chuyện đời không biết được – Vị sư bà trụ trì cho biết, nay tuổi đã cao, bà vẫn chưa tìm được ai nối tiếp việc nhang khói, chăm sóc chùa mai sau. Có khi đó là số phận đã tạo nên sự nổi tiếng cho ngôi chùa to lớn, đẹp đẽ nhưng cũng đầy gian truân lênh đênh lận đận. Nhất là nét đẹp ở đây, do từ các pho tượng rất mỹ thuật và nghệ thuật tạo nên. 

Dù chùa vắng, nhưng giữ được giá trị qua thiện cảm của thiện nam tín nữ đến lễ chùa – Âu đó cũng là cái lênh đênh ba chìm bảy nổi cùa bà Đanh mà ra như thế. 

Chùa bà Đanh cũng như nhiều chùa khác ở miền bắc VN. Trên điện thờ, phong phú với nhiều tượng phật và tượng bồ tát. Đây là nét tiêu biểu cho các chùa theo phái đại thừa. Trong chùa không chỉ có tượng Phật, mà còn có tượng của đạo giáo như: Thái thương Lão quân, Nam tào Bắc đẩu, và các tượng Tam phủ, Tứ phủ của tín ngưỡng dân gian. Thờ tứ pháp tại chùa bà Đanh, là sản phẩm tôn giáo hoàn toàn mang tính chất địa phương. Căn cứ vào ngọc phả và truyền thuyết vẫn truyền tụng trong  dân gian, thì tiểu sử nhân vật được thờ như thế này  

Man Nương

Và  câu chuyện nhân gian truyền tụng có nhiều người biết như sau:

Vào thế kỷ thứ 2 ở Mãn Xá, huyện Siêu Loại, Thuận Thành, Bắc Ninh. Có gia đình ông Tu Định, hay làm việc thiện, nhưng khó khăn về đường con cái. Về sau, vì sự thành kính, chăm cúng lễ, nên hạ sinh được người con gái, đặt tên là Man Nương. Man Nương là khuê nữ ôn hòa, không muốn lập gia đình, chỉ ưa thích hàng ngày niệm phật cầu kinh. 

Năm 18 tuổi, khi nghe tin có vị cao tăng tên là Khâu Đà La, tu tại chùa Linh Quang, thuộc đất Tiên Du. Cô xin cha mẹ cho tới chùa học đạo. Khâu Đà La vốn tâm hiền, thâu nhận Man Nương. Gặp khi tiết hạ, các nơi tập trung về ăn chay, học pháp. Man Nương lo việc cơm nước sớm chiều.

Vào 1 đêm, sư phụ khó ở trong mình, gọi Man Nương đến lo thuốc thang. Vì cả ngày làm việc, Man Nương quá mệt, cô ngủ quên ngay trước cửa phòng mà không biết. Duới ánh trăng, Khâu Đà La không thấy, vô tình buớc qua nguỡng cửa có Man Nương nằm ngủ quên ở đấy. Từ đó Man Nương có thai. . “Man Nương xấu hổ  bỏ về nhà. 14 tháng sau,  sinh ra một khối đá.

Man Nương đem khối đá ấy đến chùa Linh Quang gửi nhà sư. Sư phụ không từ chối, cầm lấy khối đá đó rồi cho Man Nương trở về chùa Phúc Nghiêm tu như cũ – Một ngày kia, Khâu Đa La đem khối đá ấy đến 1 gốc cây đa lớn khấn rằng “Kẻ tu hành vốn vô tâm, sao lại chịu nỗi oan này”. Khâu Đà La vừa nói dứt, cây đa nứt ra 1 chỗ. Nhà sư bỏ khối đá vào vết nứt. Vết nứt biến mất.

Hơn 10 năm sau, tự nhiên có trận gió lớn đổ cây đa và dạt ra sông. Cây đa trôi tới đất Cổ Châu thì dừng. Thuyền bè qua lại vô ý đụng phải đều mang tai vạ. Các cao tăng, lực sỹ trong làng được phái tới để kéo cây đi, nhưng không nổi. Man Nương đến tắm ở đoạn sông ấy. Thấy cây gỗ cứ rập rình như con nhìn thấy mẹ. Man Nương ném giải yếm, thân cây trôi vào ngay. Vì thế Man Nương được phong làm hậu thần của chùa. Thơ rằng: “Nàng vừa tới đó 1 khi/ Giải lưỡng kéo thử cây thì lên ngay/ Trên ban ra chiếu vân mây/ Phong cho tín nữ chùa đây hậu thần”

– Vào buổi trưa, sư thầy tụng kinh xong đi nghỉ. Đang mơ hồ, thì thấy 1 vị thiên thần, và 4 người, bước đến trước mặt lạy tạ nói rằng “Chúng tôi là Tứ pháp đã có 8 chữ son ở trong thân cây gỗ. Xin hãy đem tạc thành tượng để thờ. Khâu Đà La, thoát khỏi lụy trần, 1 hôm cho gọi Man Nương đến, truyền cho câu thần chú cầu mưa, rất hiệu nghiệm. 

Chú rằng: “Bảy mươi công đức mãn kỳ/Gặp khi sư phụ hạc qui gần ngày/ Sẵn xưa thần tích trong tay/ Với thần chú ấy trao ngay cho nàng.”

Từ đó khi gặp khô hạn. Man Nương lễ phật niệm chú – Thì mưa thuận gió hoà. Lúa má tươi tốt. Mùa màng bội thu – Man Nương mất tại chùa Phúc Nghiêm,  thọ 80 tuổi. Từ đó, đến 8 tháng 4, dân Cổ Châu và các nơi tổ chức lễ bái tổ.

Thờ thần ở chùa bà Đanh

Việc thờ thần ở chùa bà Đanh, còn gắn liền với 1 truyền thuyết gọi là truyền thuyết địa phương được  kể lại:  trước đây vùng này luôn bị mưa to gió lớn, nên làm ăn sinh sống khó khăn, mùa màng thất thu, thiếu đói kéo dài. Vào 1 ngày, cả làng xôn xao chuyện thánh nhân báo mộng qua 1 cụ già. Cụ bảo: Có  người con gái trẻ, xinh đẹp, dáng đoan trang, khuôn mặt phúc hậu với vầng trán và đôi mắt thông minh, cô truyền: “Ta được thần cho về đây trông nom và chỉ bảo cho dân làng làm ăn sinh sống”.

Dân làng họp bàn, và lập chùa thờ. Các bô lão, chọn khu rừng đầu làng làm nơi dựng chùa. Đó là một vạt rừng rậm có nhiều cây cổ thụ, sát bờ sông là một hòn núi nhỏ nhô ra mặt nước. Trong rừng rộn rã tiếng chim, quang cảnh u nhã, tịch mịch thần tiên.

Ngôi chùa lúc đầu được dựng bằng tranh, tre nứa đơn sơ. Đến năm Vĩnh Trị đời Lê Hy Tông (1676-1680), khu rừng được khai quang để xây chùa  khang trang hơn. Khu vực này cấm dân làm nhà, nên cảnh chùa càng trang nghiêm vắng vẻ.  được  ít lâu,  cây mít cổ thụ ở quanh chùa bỗng bị gió to quật đổ, tróc gốc. Dân làng đẵn gỗ, tìm thợ giỏi về tạc tượng thờ trong chùa.

Một hôm, có  khách thập phương tìm đến chùa nói rằng mình làm nghề tạc tượng và được báo mộng đến nơi này. 

Người khách tả hình dáng và dung mạo người con gái báo mộng thì giống hệt như vị thần đã báo mộng cho cụ già trong làng. Năm ấy gặp mùa mưa lũ, nước sông dâng cao. Khi tạc tượng gần xong, dưới bến nước trước chùa có có 1 vật lạ nửa nổi nửa chìm, không chịu trôi theo dòng nước. Cứ đẩy ra nó lại trôi trở lại, mấy lần như vậy. Thấy chuyện lạ, dân làng vớt lên, thì hóa ra trong bọc có cái ngai bằng gỗ. Bèn rước ngay vào chùa.

Thật lạ lùng, pho tượng cùng lúc được tạc xong. người ta đem đặt pho tượng vào thì vừa khít cái ngai. Từ đó trong vùng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tiếng đồn thánh bà Bảo Sơn Linh linh ứng, truyền lan, khách thập phương kéo về lễ rất đông, những người làm nghề sông nước xuôi ngược qua đoạn sông này gặp mùa lũ, đều lên chùa thắp hương cầu mong yên ổn.

Truyền thuyết bà Đanh, có vài nét gần gũi với truyền thuyết Man Nương. Một đằng là cây gỗ trôi sông. Một đàng là cái ngai trôi sông. Và cả hai vị thần hai bên đều là nữ thần nông nghiệp. Thêm vào đó trong truyền thuyết bà Đanh, là bóng dáng của tục thờ thần sông nước của dân vùng ven sông Đáy. 

Câu chuyện là gắn bó với vị thần được thờ, của người địa phương. Và thực chất là muốn lấy thần nông nghiệp làm căn bản, lấy thiên nhiên tạo nên thời tiết thuận hoà, trợ giúp việc sản xuất cho nhà nông. Điều này nằm trong tứ pháp được thờ ở các làng quê miền bắc. Hệ thống tứ pháp phù hợp với tư tưởng cổ đại của nhà nông từ Thuận Thành, Bắc Ninh lan truyền đi nhiều nơi. Và những truyền thuyết cũng cho thấy dân Việt nặng tình với nông nghiệp, mà các hiện tượng thần Phật, thánh thần là niềm tin phù trợ cho tâm linh đời sống con người. – Và cứ  thế thành lệ  bao đời không thay đổi. 

– Ngày nay, ra sống ở nước ngoài, trôi theo đời sống mới, ít quan tâm những việc ngày xưa, không có nghĩa là những tục lệ xưa thay đổi. Các tục các lệ tuy có giảm đi, nhưng tư tưởng người xưa gần như vẫn thế.

– Để hàng năm, vào tháng 2 Âm lịch, lễ hội chùa bà Đanh, lại tổ chức tri ân thánh bà Pháp Vũ, một vị thần trong tứ pháp (pháp vân, pháp vũ, pháp lôi, pháp điện). Đấy là những thần phù trợ cho việc  nông nghiệp được tốt tươi, đời sống được no đủ. Đồng thời cũng tôn vinh, cảm tạ ân đức các vị thần đã phù trợ cho dân trong vùng, mà nhà chùa đã chọn ngày lành, xin phép huyện Kim Bảng để hành lễ. Sau khi có phép, mới thông báo rộng rãi ra dân chúng – Lễ hội thường diễn ra trong ba ngày. Có năm thì lấy ngày mùng 9-10-11 tháng 2 Âm lịch. Có năm thì 15-16-17 tháng 2 âm lịch. Có năm thì 20,21,22 tháng 2 âm lịch, làm ngày lễ hội.

Sau năm 1930, chính sự xoay chiều. Chùa bà Đanh cũng xoay theo dòng chính sự

Nhắc lại câu nói cửa miệng của dân gian “vắng như chùa bà Đanh”, để ít nhiều, chúng ta cảm nhận 1 điều:  Khi câu nói hoặc suy nghĩ nào đó, đã trở thành thói quen hay trở thành ấn tượng trong đầu, thì rất khó thay đổi đi,  dù thực tế lúc đầu và lúc sau đã khác không còn như cũ. Đó chính là tính bảo thủ nói chung và  bảo thủ  rất VN, của  người VN, dù   sinh sống ở bất cứ nơi nào. 

Và một điều chẳng hiểu vì sao Việt Nam mình có rất nhiều địa danh mang tên các Bà. 

Xin tạm liệt kê, sẽ sưu tầm thêm và bổ túc vào địa danh mang tên các bà hầu phong phú và đủ hơn :

Bà Hom, bà Quẹo,  Bà Chiểu, Bà Bầu (đường Da Bà bầu), Bà Chúa Xứ, Bà Thiên Hậu, Bà Tây vương Mẫu, Bà Lê Sơn Thánh Mẫu, Bà Trưng, Bà Triệu, Bà Đen, Bà Liễu Hạnh, Bà Rá, Bà Rịa, Bà Chằng, Bà Điểm, Bà Hạt, Bà Rằn, Bà Rí,  Bà Nành, Bà Ngộ, Bà Đá, Bà Đanh. Tạm thời là 23 bà.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Học viên Quân sự West Point

Phan Thanh Hung

VNTB – Nha Trang và bác sỹ Yersin

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.