Hoàng Mai
(VNTB) – Xin lỗi mà khó nói hơn cả cảm ơn ư?
Tôi nhớ, cái thời còn ngồi trên ghế nhà trường những năm cấp 2, một giáo viên dạy Văn đã hỏi tôi: “Theo em, cái khó nói thường gặp nhất là cái gì”? Và tôi đã trả lời, lời cảm ơn hay chăng?
“Đúng là với một số người không có cái thói quen cảm ơn. Tuy nhiên lời khó nói nhất, trên quan điểm cá nhân của cô, đó chính là lời xin lỗi”.
Tôi tròn mắt. Xin lỗi mà khó nói hơn cả cảm ơn ư?
“Xin lỗi, theo cô nghĩ, là điều khó nói. Bởi sự thật vốn dĩ dễ dẫn đến mích lòng. Có một số trường hợp, rõ ràng là họ sai rõ ràng ra đấy. Nhưng vì lòng tự tôn, vì cái tôi của họ quá lớn hay vì họ đang ở vai trò này nọ, nên dù sai, vẫn cãi chày cãi cối, nhất quyết không nói lời xin lỗi. Hoặc chăng, nếu vì sức ép công luận quá nhiều, họ xin lỗi nhưng không thật tâm, không thay đổi, lời xin lỗi đó cũng chỉ là chót lưỡi đầu môi mà thôi”.
Bài học đó cứ theo tôi lớn lên theo năm tháng.
Cho đến một ngày, xảy ra lùm xùm vụ truyền giáo Phục Hưng với đầy đủ ý kiến: bênh vực có, phản biện có và vô tình, lại đọc được một bài báo, chợt nhớ lại lời của cô khi xưa.
Bài viết với tựa đề: “Vợ chồng doanh nhân lây nhiễm nCoV ‘mong được thông cảm’” được đăng trên một tờ báo điện tử. Theo bài viết, hai vợ chồng là doanh nhân làm ăn tại Bình Dương, về Hà Tĩnh xét nghiệm dương tính, được Bộ Y tế công bố trưa 5/6.
“Bệnh nhân 8425” nhìn nhận “sai khi hai vợ chồng là nguồn lây nCoV cho nhiều người”, song “đây là điều không ai mong muốn, cái sai này cũng tạo ra hậu quả lớn cho bản thân” (trích dẫn từ bài viết).
“Cũng hiểu và thông cảm cho cô chú ở Bình Dương. Biết rằng một điều đúng là cô chú cũng chỉ là nạn nhân của con vi-rút đến từ Vũ Hán. Mình nghĩ, cũng không ai muốn bị nhiễm bệnh bao giờ. Và hành động chia sẻ với báo chí, nói tiếng xin lỗi cộng đồng là một điều hay.
Thật sự không phải ai cũng có thể làm được. Cứ như vụ gì đó ở quận Gò Vấp, có kết quả, truy nguyên nhân, rõ mười mươi như vậy. Mà còn chống đối, rồi cái gì mà bây giờ như cá nằm tên thớt, bị kết cái án nào cũng phải chấp nhận, không nói được gì cả. Tất cả quá rõ ràng như vậy thôi, oan ức gì nữa?”, bà Uyên, một cư dân sinh sống ở quận Bình Thạnh, giáp ranh với quận Gò Vấp (TP.HCM) chia sẻ.
“Thật ra, cần gì là doanh nhân hay người có chức sắc như bà Loan mới có thể nói lời xin lỗi. Như mình thấy, có vô số người chỉ biết ký tên thôi đó, mà mỗi khi họ làm sai cái gì, họ thường xin lỗi người khác và chủ động sửa chữa sai lầm.
Lúc trước, mình cứ nghĩ, người không biết chữ họ còn như vậy thì với những người học càng cao, chắc là tất cả những người đó càng làm tốt hơn thế nữa. Tuy nhiên, thông qua các ca nhiễm Covid-19 có liên quan đến Hội thánh này, hai chữ tất cả của mình xem ra phải coi lại rồi, đúng là cái gì cũng có ngoại lệ” – ông An, một ‘shipper’ sinh sống ở Bình Chánh, nói.
Ngay cả với vấn đề nhìn nhận lỗi, nhìn nhận hành động sai lầm (hay thiếu sót) trong phòng, chống dịch Covid-19, mà bà Loan (hoặc cô Tường Vi) vẫn không chấp nhận. (tham khảo thêm https://vietnamthoibao.org/vntb-luan-ban-ve-phap-ly-cua-toi-danh-lay-truyen-dich-benh)
Nói theo kiểu của phim ảnh, liệu có khi nào họ bị chính tòa án lương tâm dằn vặt hay không? Bởi dù gián tiếp hay trực tiếp, họ cũng đang “góp phần” tạo thêm gánh nặng cho những người nghèo khó mưu sinh nói riêng cũng như nhiều người dân khác (không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh) nói chung.
Thế mới thấy, lời xin lỗi thật lòng, coi vậy, đúng là khó nói…