(VNTB) – Mãi mơ về quá khứ, thấm nhuần những lời nhồi sọ dối trá, ảo tưởng về tương lai vươn mình… làm cho người dân bị “lờn thuốc” trước các tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay
Các doanh nghiệp Việt Nam đang nín thở chờ đợi mức thuế chính thức mà chính quyền Trump đặt ra cho Việt Nam. Có thể nói nền kinh tế đang bước vào cơn khủng hoảng lớn nhất từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao tới bây giờ. Nếu mức thuế 46% được áp dụng thì chẳng khác nào một lệnh cấm vận kinh tế, thậm chí chưa cần tới 46%, Mỹ chỉ cần tăng thêm 10% so với mức thuế cũ là các doanh nghiệp Việt Nam đã ngộp thở rồi.
Doanh nghiệp ngộp thở thì người lao động cũng khó thở theo. Trong công bố mới nhất từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thì số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 4/2025 đã tăng đột biến. Theo đó, trung tâm này đã nhận 7.300 hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 2.300 hồ sơ so với tháng 3. Trong 7.300 hồ sơ thì có 6.200 người được phê duyệt với số tiền chi trả là hơn 223 tỷ đồng. Nhóm người thất nghiệp nhiều nhất là trong độ tuổi 25-34 tuổi.
Đây chỉ là riêng tại Hà Nội, và chỉ tính những người có hợp đồng lao động. Còn những người lao động không có hợp đồng bị mất việc trong tháng 4 thì khó lòng kiểm kê được. Nhấn mạnh rằng đó là con số trong tháng 4, chứ chưa tính tháng 5. Cứ ra đường nhìn vào các hàng quán đóng cửa, treo bảng sang nhượng mặt bằng thì có thể mường tượng nền kinh tế đang khủng hoảng cỡ nào.
Không chỉ công nhân, người lao động ở các thành phố lớn bị thất nghiệp, mà nông dân cũng liên tục thất mùa, chưa kể một lượng lớn cán bộ quan chức về hưu non trong đợt tinh gọn lần này. Bối cảnh kinh tế, việc làm ảm đạm như vậy nhưng người dân Việt Nam dường như chưa có cảm nhận về những khó khăn trước mắt. Những tiếng than vãn chỉ ở mức nhỏ lẻ, âm thầm chịu đựng chứ chưa có những phản ứng mạnh mẽ.
Thứ nhất là vì các biện pháp trấn áp của chế độ công an trị, khi mà ai lên tiếng là cũng bị tấn công tinh thần, đe dọa từ mạng xã hội tới ngoài đời thật.
Thứ hai là nhờ “tiền trong dân còn nhiều”, theo cách nói của các quan chức cộng sản gần đây. Tức là người dân vẫn còn tiết kiệm, xoay sở được trong ngắn và trung hạn.
Thứ ba là do các chính sách tuyên truyền, ru ngủ của CSVN rằng “thà nghèo mà bình yên”, đồng thời kích động lòng tự hào, tự tôn theo hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan… để người dân chìm đắm trong các chiến thắng cách đây mấy chục năm mà quên đi cái đói trước mắt.
Nhà cầm quyền khiến cho người dân cứ mãi mơ về quá khứ, thấm nhuần những lời nhồi sọ dối trá, rồi ảo tưởng về tương lai vươn mình, cùng với đó là đã trải qua quá nhiều trắc trở trong thời gian gần đây như dịch bệnh, mất mùa, nạn lừa đảo, hàng giả… Dần dần những thứ đó tích tụ lại, làm cho người dân bị “lờn thuốc”, không còn nhạy cảm trước các tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Phải hiểu rằng với thực trạng Việt Nam bây giờ mà có khủng hoảng sẽ vô cùng nặng nề hơn so với những lần trước. Trước đây, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ ít chịu tác động bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trên thế giới. Cùng với đó là nhờ bước vào thời kỳ dân số vàng, lạm phát nhỏ, giá cả thị trường biến động ít, người lao động có thể sống với mức thu nhập thấp. Còn bây giờ thì bắt đầu già hoá dân số, kèm theo nhiều bệnh tật, thu nhập không tăng, thậm chí không có thu nhập do thất mùa, thất nghiệp, mà giá cả hàng hoá thì tăng chóng mặt.
Chưa kể trước đây thì các đại gia Việt giàu lên nhờ bất động sản, dựa hơi Trung Quốc, gia công, lắp ráp hàng hoá cho Trung Quốc. Bây giờ Trung Quốc đang lao đao với bất động sản và chiến tranh thương mại với Mỹ. Chế độ CSVN có thể tiếp tục nương nhờ vào Trung Cộng, nhưng nền kinh tế Việt Nam thì không thể dựa vào Trung Quốc được. Nếu không chuẩn bị các phương án ứng phó với khủng hoảng mà cứ vỗ ngực tự hào tự cao thì thời gian tới sẽ vô cùng lao đao khổ sở…