Cát Tường
(VNTB) – Một số luật sư cho rằng, ghi âm, ghi hình lén cần không được xem là cơ sở để khiếu nại, tố cáo…
Đoàn đại biểu quốc hội vừa tổ chức Hội thảo Góp ý Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi.
Nịnh… tòa?
Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) bày tỏ tán đồng khoản 3 Điều 11 dự thảo luật về việc “không điều tra, thanh tra đối với thẩm phán, hội thẩm về việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình tố tụng; chỉ điều tra khi có căn cứ xác định thẩm phán, hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong giải quyết vụ việc đó”.
“Chức danh thẩm phán là chức danh cao quý và danh dự. Do đó, phải đến một mức độ và căn cứ nào đó thì mới được thanh tra, kiểm tra để thẩm phán mạnh dạn trong việc làm của mình” – luật sư Trương Thị Hòa nhận định và giải thích rằng nhiều trường hợp sau phiên xét xử, đương sự mang bản ghi âm “lén” tức ghi âm khi không được cho phép để đi thưa kiện thẩm phán. Trong khi đó, Khoản 3 Điều 141 dự thảo quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp phải có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp…”.
“Lén” hay “công khai”?
Đồng nghiệp cùng chung Đoàn Luật sư TP.HCM với bà Trương Thị Hòa là luật sư Nguyễn Duy Bình ý kiến khác. Theo ông, thì chuyện ghi lén hay công khai, nếu nội dung đúng theo diễn biến, hành vi… thì phải được xem là cơ sở. Các quan chức cấm cản trái nguyên tắc do pháp luật quy định thì dân chúng buộc lòng phải ghi lén, bởi không ghi lén lấy đâu ra cơ sở để khiếu tố?. Suy cho cùng đó là việc thu thập hợp pháp, đảm bảo tính chính xác, khách quan, đừng lấy quy định con trái luật pháp để cho rằng thu thập lén là không hợp pháp.
Ngoài ra pháp luật không có vùng cấm, việc phát hiện, xử lý phải kịp thời, đúng hạn, vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ việc nếu phát hiện thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên, thư ký… có hành vi vi phạm thì đều phải kiểm tra, điều tra và xử lý.
Điều 86 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định về chứng cứ như sau: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Điều 87 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định về nguồn chứng cứ như sau:
“1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: a) Vật chứng; b) Lời khai, lời trình bày; c) Dữ liệu điện tử; d) Kết luận giám định, định giá tài sản; đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; g) Các tài liệu, đồ vật khác.
2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.
Còn theo quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự, thì, “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.
Tại Điều 82 Luật này cũng quy định về Nguồn chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau: 1. Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; 2. Các vật chứng; 3. Lời khai của đương sự; 4. Lời khai của người làm chứng; 5. Kết luận giám định; 6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; 7. Tập quán; 8. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; 9. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Mà băng ghi âm, ghi hình là tài liệu nghe được, coi được. Với video mà phía người dân quay được là chứng kiến sự việc trong đoạn video đó, nên người quay video cũng có thể được coi là người làm chứng.
Tức ở đây người quay video, ghi âm dùng cho mục đích chứng cứ, không xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức nào nhằm để bảo đảm sự an toàn cho bản thân, tránh bị cản trở, trả thù thì cấm đoán là cản trở thực thi quyền giám sát của người dân.
Bịt tai, che mắt dân?
Lưu ý về một thực tế là lâu nay thông qua việc bí mật điều tra để vạch trần các hành vi sai trái, mà nếu thực hiện công khai thì không thể nào thu thập được bằng chứng thuyết phục.
Ngoài ra theo ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng luật sư Nhân Chính, Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng, nếu đã xử công khai thì không nên hạn chế bất cứ thứ gì, kể cả quay phim chụp hình. Tòa án, thẩm phán cũng phải chịu sự giám sát để đảm bảo công khai, minh bạch.
“Chức danh thẩm phán là chức danh cao quý và danh dự. Do đó, phải đến một mức độ và căn cứ nào đó thì mới được thanh tra, kiểm tra để thẩm phán mạnh dạn trong việc làm của mình” như luật sư Hòa nhận định sẽ đồng nghĩa chuyện như vậy thì còn lâu mới phát hiện được tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp”, luật sư Nguyễn Văn Đồng ý kiến.