Dân Nguyễn
(VNTB) – Ngày quốc khánh, đọc Bản tuyên ngôn độc lập, lại nhớ Bác Hồ. Nhớ Bác bao nhiêu, lại chán các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước bấy nhiêu.

Mùng 2 tháng 9, ngày quốc khánh lần thứ 71 của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa!…
Quốc khánh là ngày tuyên bố khai sinh một nước; Đúng ra là khai sinh một chính thể. Trong suốt chiều dài lịch sử bốn ngàn năm của mình, dân tộc Việt Nam đã bao lần tuyên bố độc lập? Đã bao lần các vì vua, khi khai sáng ra triều đại của mình, cũng là lúc lên ngôi, có khi đổi tên nước, lập nên triều đại của mình.
Chiến công của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, là chiến công chói lọi, độc đáo trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân Tộc Việt Nam. Với chiến công này, Ngô Quyền đã chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm, mở ra một thời kỳ độc lập dài lâu cho dân Tộc.
Tuy nhiên, lịch sử chỉ ghi lại 3 lần tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Lần thứ nhất, không phải từ Ngô Quyền với chiến công lẫy lừng đánh tan Quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mà là sự kiện Nhà Lý bạt Tống, với chiến công của danh tướng Lý Thường Kiệt. Một bài thơ hào khí với chỉ 4 câu do vị danh tướng sáng tác và đích thân ngâm trước ba quân, kể như lời tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân tộc Việt Nam.
Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhì được lịch sử ghi nhận, là bài phú “Bài cáo bình Ngô” của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Sau khi đánh đuổi được quân Minh, Lê Lợi lập nên triều Lê. Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết Bản tuyên ngôn độc lập.
Lần thứ ba, dân tộc ta long trọng tuyên bố trước toàn thể thế giới nền độc lập của nước Việt Nam. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, với Bản tuyên ngôn độc lập do chủ tịch HCM-một người cộng sản quốc tế đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.
Trải qua 71 năm tồn tại, với một lần đổi tên nước, ngày 2 tháng 9 năm 1945 vẫn được ghi nhận là ngày quốc khánh, cho tới giờ.
“Bản tuyên ngôn độc lập” do chủ tịch HCM đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945, có thể nói là một bản văn súc tích, hào hùng và giá trị. Mở đầu Bản tuyên ngôn, chủ tịch HCM đã trích dẫn một phần đầy khả dụng trong Bản tuyên ngôn của nước Mỹ.
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”…
Người dân Việt Nam còn ghi nhận một câu nói “khuôn vàng thước ngọc”, có thể coi như một sự cụ thể hóa, hay diễn giải thêm về ý nghĩa Bản tuyên ngôn độc lập: “Nước độc lập mà Dân không có tự do, thì nền độc lập ấy phỏng có ích gì!?”…
Bảy mươi mốt năm đã trôi qua, kể từ thời khắc lịch sử ấy, tại vườn hoa Ba Đình!
Hơn hai phần ba thế kỷ! Một khoảng thời gian được coi là dài hay ngắn? Với một đời người, hay một thế hệ, đủ để bảo rằng nó quá dài, tuy rằng so với lịch sử của một dân tộc, nó chỉ như một giai đoạn chuyển tiếp… Không biết tự bao giờ, và do ai, mà bây giờ, ngày quốc khánh mùng 2 tháng 9 còn có cái tên “Ngày tết độc lập”.Vào ngày này hàng năm, người ta ngóng và bàn tán xem năm nay “Tết độc lập” được nghỉ mấy ngày. Nhiều người lên lịch từ khá lâu cho dịp lễ này sẽ đi nghỉ cùng bạn bè, hay đưa gia đình đi nghỉ ở những đâu, thưởng ngoạn những gì.. Nhưng còn một số “Nhiều” khác, nhiều gấp nhiều cái số “nhiều ở trên: Đó là những người đang ngày đêm lo kiếm tiền nuôi sống gia đình. Những đồng tiền kiếm được cách khó nhọc, còm cõi, không đủ chi tiêu, dù đã dè xẻn. Họ tranh thủ dịp nghỉ lễ của những người giàu có để làm thêm. Dịp du hý của người này, sẽ là “dịp” thức khuya dậy sớm của người kia. Anh công nhân tranh thủ mấy ngày nghỉ chạy những cuốc xe ôm, kiếm thêm “tháng lương thứ 13” cho vợ trả nợ, hay cho con đóng tiền học thêm. Những người buôn thúng bán rong từ dưới quê lên, “vui mừng khôn xiết” vì “Ngày tết độc lập” sẽ đem lại cơ hội cho họ bán chạy hàng, phục vụ những cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu, thêm thu nhập gửi về quê trang trải cho mưu sinh cả một năm trời, khi cây lúa cháy sém vì khô hạn không còn khả năng trổ bông, khi mà “Rừng đã hết và biển thì đang chết. Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa”…
Chúng ta, những người lao động cả ca ba, còn thiếu gì để chưa làm, mà sao đời cứ khốn khó? “Xuất khẩu lao động” đi bán sức mình ở xứ người, hay đổ mồ hôi, nước mắt trên chính mảnh đất quê hương, trong những công xưởng của ông chủ nước ngoài. Chúng ta, những người lao động ngày đêm, vắt kiệt sức mình để tạo nên “Những dự án và tượng đài nghìn tỷ”, chỉ để “đắp chiếu”. Chúng ta từng ngộ độc tập thể từ bữa cơm trưa, mà nhiều tháng lương vẫn còn trong két sắt của giới chủ…
“Tết độc lập” năm nay có gì vui? Muốn vui mà không vui được. Vì tham nhũng vẫn thế, vẫn là quốc nạn. Hơn thế, còn “tinh vi khó lường”. Tham nhũng cướp đi cơ hội sống hạnh phúc, nghèo khó hóa đời sống xã hội. Đó là câu chuyện dài mà ta từng được “nghe kể” đến phát nhàm.; Nhưng năm nay không chỉ có “câu chuyện dài” tham nhũng. Năm nay, để bổ sung vào kỷ lục guines của “Những chiếc bánh chưng vô cùng kỳ vĩ”, của tô phở khủng, còn có sự kiện làm chấn động lòng người- sự làm cho biển chết. Và, dường như để kỷ niệm cách mạng tháng tám, quốc khánh mùng 2 tháng 9 một cách thiết thực, năm nay các đồng chí lãnh đạo đầu tỉnh của một tỉnh còn dùng súng nói chuyện với nhau, không đúng tinh thần nghị quyết của đảng ta một tý nào….; Đó cũng lại là một nỗi buồn đáng kể cho ngày “tết độc lập” năm nay.
Ngày quốc khánh, đọc Bản tuyên ngôn độc lập, lại nhớ Bác Hồ. Nhớ Bác bao nhiêu, lại chán các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước bấy nhiêu. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức mãi, mà đảng ta, nhà nước của dân, do dân, vì dân chẳng học được gương của Người. “Nước độc lập mà nhân dân không có tự do, thì nền độc lập ấy phỏng có ích gì!?”…
Đấy là Bác nói nhé. Còn nữa: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cho dù đây là lời của Bác, hay Người chỉ trích dẫn, thì nó cũng vẫn đang hiện diện trong Bản tuyên ngôn độc lập.
Rõ ràng, bằng tất cả những chỉ số về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa hiện nay, nếu đem những tiêu chí được ghi trong Bản tuyên ngôn độc lập mùng 2 tháng 9 để đối chiếu, người ta không thể nén tiếng thở dài mà ngao ngán hỏi nhau: Chúng ta còn đợi bao lâu nữa để Bản tuyên ngôn độc lập “Đi vào cuộc sống” và trở thành hiện thực?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả