Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổng Thư ký VASEP ông Trương Đình Hòe, nói rằng doanh nghiệp Việt Nam cần những chính sách quản lý thích hợp, chứ không đòi hỏi hỗ trợ ‘tiền tươi’.
Lại là “xin” cơ chế
Sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, các kiến nghị của doanh nghiệp là “cơ chế”. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, nói, “biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế”.
“Xin cơ chế”, có lẽ với tâm lý ‘xin’ như thế nên từ mấy đời thủ tướng rồi, cứ mỗi lần có hội nghị gọi là gặp gỡ doanh nghiệp, người ta luôn thấy động từ ‘ăn mày chính sách’ như nài nỉ cầu ơn huệ từ Chính phủ ban cho giới làm ăn.
“Điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp doanh nghiệp là đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế; phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp; nới room – tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay…”, ông Lộc nói. Theo Chủ tịch VCCI, điều quan trọng nhất, doanh nghiệp kiến nghị là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ ko có tác dụng”, ông Lộc nhấn mạnh.
Các gói hỗ trợ ấy ra sao? Các gói hỗ trợ dù bằng tiền vay ngân hàng, nhưng cũng chỉ như món ăn tinh thần. Chẳng hạn, theo một lãnh đạo Công ty cổ phần May Nhà Bè, muốn vay được tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động, quy định buộc phải có từ 20% hoặc tối thiểu 30 lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị ngừng việc ít nhất một tháng; đã trả tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6/2020; người sử dụng lao động không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng; đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương, phải gửi hồ sơ yêu cầu…
Đưa ra tiêu chí phải có lao động nghỉ việc như nói trên, không lẽ doanh nghiệp đuổi lao động để đạt tiêu chí? Trong khi đó, các doanh nghiệp đang tìm mọi cách để giữ chân công nhân, chờ ngày phục hồi sản xuất.
Những yêu cầu cụ thể, và…
Đại diện những doanh nghiệp trong ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe đưa ra các yêu cầu cụ thể:
1. Chính phủ và các Bộ hỗ trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân khai thác biển để có thể thực hiện ngay từ tháng 5/2020 thả lại tôm, khai thác biển nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7-8/2020 khi doanh nghiệp có cơ hội lớn về thị trường – thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ cao trở lại trong khi một số nước sản xuất cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.
2. Ban hành và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thu hút được nguồn lao động – như hỗ trợ an sinh cho người lao động qua các gói chính sách đã có của Chính phủ; các gói cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động,…. Thiếu lao động đang là mối lo ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ thủy sản.
3. Thúc đẩy hơn nữa hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp và người dân như bãi bỏ quy định việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài tại Nghị định 74/2018; xác lập hàng “chế biến” đối với sản phẩm thuỷ sản thay vì bị áp đặt là sơ chế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; cải thiện công tác kiểm soát nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu heo nguyên tắc quản lý rủi ro; sửa đổi quy định chung chung công việc chế biến thủy sản là “nặng nhọc độc hại”; sửa đổi quy định chỉ tiêu phospho trong nước thải chế biến thủy sản đã xử lý từ 20ppm lên 50ppm…
4. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận các dự án đầu tư mới do sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, như cơ chế xây dựng kho lạnh trữ hàng, điều chỉnh mức đánh giá rủi ro tín dụng cao đối với nhóm ngành hàng thuỷ sản,…
Điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị của doanh nghiệp là, Chính phủ cần thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách; thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi.
“Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
… Hoài nghi của nói vậy mà không phải vậy!
Một ghi nhận bên lề của Hội nghị “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” hôm 9/5, là với những gì mà người ta thấy được sau phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, mà tại đó 17 thẩm phán như một, người dân và giới doanh nghiệp có quyền nghi ngờ và đặt ra các câu hỏi sau:
(1) Chủ nghĩa thân hữu hay chủ nghĩa “chấm mút” có hay không thâm nhập vào khâu lựa chọn và bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân tối cao? Nếu có thì có vùng cấm trong xử lý không, xử lý như thế nào? Và ai phải trả lời câu hỏi này trước nhân dân, trước Đảng?
(2) Có hay không cần tổ chức hội đồng thẩm phán hay hội đồng xét xử nếu các thẩm phán có tinh thần biểu quyết “muôn người như một”?
(3) Một nền tư pháp như thế này liệu có xây dựng thành công “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” (theo Hiến pháp năm 2013) không, có xây dựng được môi trường pháp lý kinh doanh lành mạnh không, và có hội nhập quốc tế tốt được không?
Có lẽ 3 thắc mắc kể trên cần được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng đàn trả lời ở Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII, vừa khai mạc sáng 11/5 tại Hà Nội.
*Trong ảnh là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bắt tay đại biểu Nguyễn Hòa Bình trước khi bước vào phiên khai mạc Hội nghị. Ông Nguyễn Hòa Bình là ‘vai chính’ trong 17 vị thẩm phán giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.