Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chương trình tích hợp: Sở GĐĐT TP.HCM công khai vi luật để móc túi dân

Minh Tâm – Thảo Vy

Giám đốc Sở GDĐT Lê Hồng Sơn – người bị nghi ngờ ghê gớm qua “phi vụ” sách giáo khoa điện tử

(VNTB) – Nếu không gọi thẳng là “móc túi” thì cần “tích hợp” bằng tên gọi gì cho toàn bộ câu chuyện “độc quyền giáo dục” này?
Nếu căn cứ theo Luật Giáo dục và các văn bản: Nghị định 75/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giáo dục; Quyết định 72/2014/QĐ-TTg về việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác, do Thủ tướng Chính phủ ban hành, thì “Chương trình tiếng Anh tích hợp” của TP.HCM mới chỉ có thể dừng lại ở mức thử nghiệm.
Thông tin báo chí từ Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, bắt đầu từ năm học 2015-2016, Sở sẽ triển khai dạy học các môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh tích hợp Chương trình Anh và Việt Nam tại các trường công lập trên địa bàn TP.

Không có tiền là phải chịu dốt?
Luật Giáo dục, Điều 11 “Phổ cập giáo dục”, quy định: (1). Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước. (2). Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. (3). Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.
Phụ huynh có con học ở các trường thuộc TP.HCM sẽ bị hạn chế thực hiện các quyền được nêu trong nội dung Điều 11, Luật Giáo dục.
Theo thông báo của Sở GD&ĐT TP.HCM, mỗi học sinh (HS) theo học chương trình tiếng Anh tích hợp sẽ đóng mức học phí khoảng 3 – 3,5 triệu đồng/tháng (tính cả tiền tài liệu liên quan). HS sẽ được học với một chương trình tiên tiến riêng do Sở chủ trì biên soạn, 100% giáo viên bản ngữ và đủ trình độ năng lực giảng dạy.
Từ năm học 2015-2016, chương trình này thực hiện tại những trường đã đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả HS trong chỉ tiêu được giao. Trường đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, thực hành thí nghiệm cho các lớp chương trình tích hợp theo quy định của Sở GD&ĐT. Sĩ số HS không vượt quá 35 học sinh/ lớp.
Về điều kiện đăng ký học chương trình này, đối với lớp 1, phụ huynh nào có nhu cầu cho con học sẽ tự nguyện đăng ký với nhà trường, trường sẽ tổng hợp và đề xuất lên Phòng GD&ĐT để được xem xét đủ điều kiện tổ chức hay không.
Đối với lớp 6, các em theo học phải hoàn thành chương trình tiểu học theo chương trình tích hợp hoặc chương trình tiểu học của Bộ GD&ĐT có đủ năng lực tiếng Anh theo quy định trình độ đủ điều kiện theo học chương trình tích hợp cấp THCS. Nếu không, các em phải qua một đợt khảo sát của nhà trường, nếu đạt yêu cầu thì sẽ được bố trí chỗ học.
Riêng với lớp 10, HS theo học được lấy trong số HS đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường với điểm số từng kỹ năng của toàn năm lớp 9 tăng cường tiếng Anh đạt từ 6 điểm trở lên hoặc có chứng chỉ B tiếng Anh trở lên hoặc có chứng chỉ Cambridge PET đạt từ 70/100 hoặc FCE từ 45/100 điểm trở lên hoặc chứng chỉ TOEFL Junior đạt từ 785/900 điểm trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh tương đương. Đồng thời tốt nghiệp THCS loại khá, giỏi.
Như vậy với việc phân biệt vào “túi tiền”, “trí tuệ” của trẻ em ở độ tuổi phổ cập giáo dục, để có thể được học chương trình ngoại ngữ trong hệ thống trường công lập, cho thấy đã vi phạm Luật Giáo dục, Điều 86 “Quyền của người học”. Theo đó, người học được nhà trường, cơ sở giáo dục khác tôn trọng và đối xử bình đẳng, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình…

Tích hợp là tích hợp gì?
Đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến”, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện thí điểm đề án này. Một số điểm nổi bật của đề án như sau: (1) Học sinh học các môn tiếng Anh, toán và khoa học bằng tiếng Anh theo chương trình thí điểm 6 tiết/tuần, đồng thời vẫn học các môn toán và khoa học bằng tiếng Việt.
(2) Học sinh được đánh giá kết quả học tập theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT Việt Nam. Đồng thời phải hoàn thành các bài kiểm tra, thi của cơ quan khảo thí trực thuộc Bộ Giáo dục Anh (STA).
(3) Cuối các cấp học, học sinh theo học chương trình thí điểm vẫn kiểm tra, thi bằng tiếng Việt để được đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp cấp học theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT Việt Nam.
Toàn bộ chương trình “tích hợp” cũng chưa đưa ra bất cứ thông tin nào về tổ chức kiểm định cho nó cả.
“Tích hợp là tích hợp gì? Có phải lại là một cú áp phe giáo dục mới sau đổ bể của một chương trình dự kiến triển khai trong 10 năm (chương trình Cambridge) nhưng mới hơn hai năm phải ngừng, liệu người học có thể tin vào một chương trình mới chưa qua thí điểm mà tiến hành thực nghiệm luôn không?”.
Những câu hỏi nói trên, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ câu trả lời nào từ Sở GD&ĐT TP.HCM. Ở đây, việc Bộ GD&ĐT cho phép TP.HCM “đi trước”, hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện với một chương trình chưa qua thí điểm như trên, cũng là vấn đề cần phải bàn một cách nghiêm túc. Bởi nếu sau TP.HCM, mỗi địa phương lại thực hiện một chương trình của Nga, Úc, Mỹ, Anh khác nhưng không được thẩm định, chưa khẳng định được về chất lượng thì mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện sẽ đi về đâu?
Trước đó, tại họp báo ngày 23-6-2014, giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn cho hay nhằm giảm tải cho học sinh bằng cách tích hợp hai chương trình, Sở đã nghiên cứu và học tập chương trình của Bộ Giáo dục Anh, bộ phận khảo thí của Anh là STA. Từ chương trình của Anh, Sở đã bổ sung một số chương trình của Việt Nam vào để học sinh nắm bắt kiến thức đầy đủ và có đầu ra là chứng chỉ quốc tế.
Tuy nhiên vào chiều 4-7-2014, Tổng lãnh sự Anh Douglas Barnes tái khẳng định, tuyên bố của Sở GD&ĐT TP.HCM về chương trình đào tạo tiếng Anh tích hợp liên quan đến sự hợp tác giữa Sở Giáo dục/ EMG với Bộ Giáo dục Anh (DFE)/ Cơ quan khảo thí quốc gia Anh (STA), là không chính xác và đã gây hiểu nhầm.

Độc quyền giáo dục và độc tài lãnh đạo
Mặc dù có quá nhiều khuất tất, nhiều thông tin trái chiều, song khó hiểu là lãnh đạo TP.HCM lại đồng ý “tích hợp”. Trong một văn bản liên quan vấn đề này, UBND TP cho biết qua thẩm định, chương trình hội đủ các ưu điểm của chương trình CIE (Hội đồng khảo thí quốc tế Cambridge), khẳng định học sinh tham gia chương trình vừa đảm bảo được thụ hưởng một chương trình tiên tiến, mang tính quốc tế nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc; được đánh giá bằng các bài thi quốc tế và bài thi Việt Nam nhưng đảm bảo không quá tải; đáp ứng yêu cầu một chương trình nhiều chuẩn đầu ra.
Theo đó, học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở làm bài kiểm tra theo chuẩn của Cơ quan khảo thí Quốc gia Anh (STA). Học sinh trung học phổ thông có nhiều lựa chọn đầu ra theo các bài thi của các tổ chức khảo thí Anh, Mỹ, Úc… Về ngoại ngữ (tiếng Anh), học sinh có thể chọn các bài thi của TOEFL, IELTS, TOEIC… Chương trình còn tạo điều kiện để giáo viên Việt Nam tham gia giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng tính chủ động và giảm dần học phí để mở rộng đối tượng học sinh được tham gia chương trình.
Ở đây cho thấy với việc độc quyền trong giáo dục, đang gây ra các hệ lụy vô cùng tiêu cực đối với môi trường giáo dục, với những lý do sau:
Thứ nhất, do không phải cạnh tranh với các đối thủ khác, doanh nghiệp độc quyền giáo dục sẽ có xu hướng chỉ nhắm vào lợi nhuận mà không chú ý đến việc đầu tư nâng cao chất lượng. Do đó học sinh sẽ phải học tập trong một môi trường giáo dục tụt hậu và kém chất lượng với chi phí rất cao. Hậu quả là toàn bộ lực lượng lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia sẽ bị sụt giảm.
Thứ hai, việc độc quyền trong giáo dục gây ra bất bình đẳng ngay trong chính môi trường giáo dục, thể hiện qua việc sử dụng cơ sở vật chất chung (được đầu tư bằng ngân sách nhà nước) với các điều kiện ưu đãi hơn (sĩ số lớp ít hơn, trang thiết bị tốt hơn) cho các học sinh có tiền theo học chương trình hợp tác với tên gọi “chương trình tích hợp”.
Thứ ba, độc quyền giáo dục có thể biến học sinh trở thành “chuột bạch” trong những cuộc chơi “thí điểm” mà không hề có tổng kết, đánh giá.
Thứ tư, nếu không có chuyên môn cao mà chỉ chạy theo lợi nhuận, nơi được độc quyền hoàn toàn có khả năng thao túng và gây ảnh hưởng lớn về kiến thức, tinh thần và quan niệm lên các thế hệ tương lai của đất nước thông qua nội dung giáo dục về dài hạn.

Móc túi
Trở lại với cuộc họp báo ngày 23-6-2014. Khi ấy, giám đốc Lê Hồng Sơn công bố với báo chí rằng, chi phí của chương trình tích hợp dao động từ 2,2 – 4 triệu đồng/tháng, tương đương chương trình Cambridge. Cơ cấu chi phí mà học sinh phải trả, theo giám đốc Lê Hồng Sơn, bao gồm tiền cho thi lấy bằng cấp, chứng chỉ và tài liệu tích hợp.
Thực tế, nếu tham gia các kỳ thi kiểm định, chi phí mỗi kỳ thi như vậy thường không quá 92 USD/lần/học sinh cho một môn thi IGCSE của Cambridge và 50-60 USD/lần/môn học của Edexcel. Việc lấy khung chương trình trên mạng của Bộ Giáo dục Anh hoàn toàn không mất phí.
Thời điểm đó, báo chí thử đưa ra phép tính như sau: Với khoảng 4.900 học sinh, 33 trường, trung bình mỗi trường 5 lớp và mỗi lớp 30 em theo học với mức học phí trung bình 150 USD/tháng trong 10 tháng (tiền bán giáo trình khoảng 100 USD/học kỳ), thì ước tính (quy đổi tiền VND) doanh thu của EMG (công tư tư nhân ký liên kết với Sở GD&ĐT về dự án “tích hợp” này) là 148,5 tỉ đồng. Khi trừ đi các chi phí (lương giáo viên 30 USD/tiết, một tháng học 24 tiết ước tính), chi phí mua sách (50% giá bán), chi phí license (theo thông tin của CIE), chi phí cho trường (15% doanh thu), thuế, các chi phí quản lý và bán hàng khác, lợi nhuận sau thuế vẫn là một con số rất lớn: 52,12 tỉ đồng. Nếu số trường là 100, số học sinh là 15.000, lợi nhuận sẽ là 157,95 tỉ đồng (chưa tính trừ đi các khoản “lợi quả”!).
Lưu ý, việc thi đầu ra với bất cứ hội đồng khảo thí nào là quyền đương nhiên của mọi học sinh. Các em có thể tùy ý chọn thi với hội đồng khảo thí CIE, Edexcel, College Board… cũng như việc hiện giờ bất cứ học sinh nào cũng có thể đi thi TOEFL, GRE, GMAT hay SAT của tổ chức khảo thí ETS. Đó là quyền cá nhân, không ai có thể cấm được. Việc thi lấy chứng chỉ phổ thông quốc tế không phải là đặc ân của bất cứ chương trình nào, mà là điều mọi học sinh đủ năng lực đều có thể đăng ký tham dự bất kể các em học chương trình phổ thông nào, thậm chí chỉ học chương trình hoàn toàn của Việt Nam.
Như vậy, nếu không gọi thẳng rằng “móc túi”, thì cần “tích hợp” bằng tên gọi gì cho toàn bộ câu chuyện “độc quyền giáo dục” nói trên?

Quyền được học tập một cách công bằng không phân biệt giàu nghèo ở đâu trong Hiến pháp?

Xem lại:

VNTB – SGK điện tử: Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn có bị “cám dỗ”?

http://www.ijavn.org/2014/08/vntb-sgk-ien-tu-giam-oc-so-gd-t-le-hong.html

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.