VNTB – Chuyện chỉ có sau tháng tư, 1975

VNTB – Chuyện chỉ có sau tháng tư, 1975

Quốc Chánh

 

(VNTB) – Khi thống nhất là một cái bánh vẽ. Bánh đã vẽ làm sao nuốt, hỡi kẻ thắng, bại?

 

Nguỵ và đĩ 

Khoảng 1990, tôi có gặp 3 chị em trong một quán cà phê trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1 Sài Gòn, và cả 3 đều thật đẹp.

Người chị lớn khoảng 40, đẹp một cách nhàu nát và u ám. Cả nét u ám lẫn nét nhàu nát vẫn không át hết vẻ quyến rũ trên khuôn mặt và vóc dáng của họ. Cuối cùng thì tôi cũng nghe được câu chuyện của người chị lớn.

Chồng chỉ là bộ đội lái xe Trường Sơn, lấy nhau năm 1976, có 2 con. Mỗi lần hắn ghen, ngoài đánh, hắn còn mắn: mày là con ngụy, làm đĩ cho Mỹ…

Sau này tôi được nghe một người tập kết kể, trong thời gian đánh Mỹ, tuyên giáo nhồi sọ, ở miền Nam, rất nghèo, con trai làm lính đánh thuê, con gái làm đĩ cho Mỹ.

Trên đường trở về Nam lập nghiệp, chị còn nghe văng vẳng câu truyền giáo khô máu đó. Mặc dù vô trễ, nhưng vợ chồng chị vẫn kịp xin được căn nhà ở quận 6.

Hiện thực và Chủ nghĩa 

Tôi có người chú, em kết nghĩa với ba tôi thời Việt Minh. Sau 1954, ba tôi dinh tê, chú ấy ra Bắc, 1975 trở lại giải phóng Sài Gòn.

Chú ấy là người Nam có vợ Bắc, ba tôi người Bắc có vợ Nam.

Sau 1975, anh em gặp lại, chân tay còn nguyên. Ba tôi thuộc thành phần kháng chiến cũ, có nhiều đất, còn chú ấy sĩ quan sư đoàn 304 đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Ba tôi sợ bị quy địa chủ giống miền Bắc sau 1954, chủ động hiến trước cho chính quyền cách mạng xây trường học, bệnh viện. Sau giải phóng miền Nam, chú ấy có nhà đẹp ở Sài Gòn.

Có lần tôi hỏi đùa, sao mấy chú không chia nhà cho mấy má Việt Nam anh hùng. Chú cười ha hả, nói, không đủ chia cho tụi tao, làm gì tới mấy bả, mậy.

Sau này coi phim Mùa Ổi của Đặng Nhật Minh, cô gái con cán bộ được cấp biệt thự ở thủ đô, cứ áy náy, nhà này không phải nhà mình… Giữa hiện thực sau cách mạng và nghệ thuật xã hội chủ nghĩa, cách biệt là dĩ nhiên, vì nghệ thuật xã hội chủ nghĩa không phải để phản ánh hiện thực, mà giấu nhẹm hiện thực cho chủ nghĩa lên ngôi.

Thắng chạy 

Có người dựng chuyện 30/4/1975 là ngày mất nước. Vậy mà có kẻ sướt mướt tưởng thiệt trong lúc cắt cỏ để thành Mỹ.

30/4/1975 là ngày trá hình của tiền đồn cộng sản đội lốt dân tộc chiến thắng tiền đồn tư bản mắc kẹt trong một chính thể tay sai. Bất cứ chủ nghĩa nào, so với dân tộc, đều là lâm thời, xích xiềng, chứ làm sao làm mất dân tộc.

Dân tộc chỉ mất khi bị tính khái niệm của chủ nghĩa tướt sạch cảm xúc. Mấy chục năm sống trong chủ nghĩa cộng sản, mỗi người thử sờ soạng, thịt da, lông lá của mình coi đã bị khái niệm hóa hết chưa.

Mỗi người có thể kiểm tra, cảm xúc dân tộc của mình còn bao nhiêu phần trăm.

Khi không còn cảm xúc dân tộc, thắng cũng là bại, và thua, càng thảm hơn. Nhưng có một thực tế hơn cả thắng, thua, là bỏ chạy. Thắng chạy bằng tiền. Thua thì vắt chân lên cổ chạy. Khi đã chạy, là trượt vỏ sầu riêng. Khi mất cảm xúc dân tộc, chỉ còn một điểm tựa duy nhất, là chủ nghĩa.

Và khi chủ nghĩa tự do bị tư bản kiểm soát, dân chủ trở thành bù nhìn của tài phiệt, và tài phiệt, trục lợi từ tư bản nhà nước Tàu, và, Tàu Nối Vòng Tay Lớn với tài phiệt toàn cầu, thành Chủ Nghĩa Hả Họng. Số phận của những kẻ chạy, làm sao thoát khỏi nắng?!

Trưa hè ăn bánh vẽ

Ban tuyên giáo là cơ quan cầm trịch phát hành cách nhìn của đảng về lịch sử và dĩ nhiên về chính trị.

Trong sự kiện 30/4/1975 đặt ra nhiều cách nhìn, không có cách nhìn nào có thể thống nhất những cách nhìn khác một cách dễ dàng. Ngay trong hàng chóp bu của đảng, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Linh, cùng một địa bàn hoạt động, nhưng ông Kiệt còn thấy, 1975, nửa người này vui thì nửa người kia buồn, nhưng ông Linh chỉ có thể thấy, toàn thắng ắt về ta.

Trong phe thắng, họ đã không thống nhất nổi cách nhìn của nhau về lịch sử, thử hỏi thống nhất là thống nhất cái gì?

Chỉ mỗi thống nhất ai cũng phải thừa nhận, là sự cai trị tuyệt đối của đảng. Trớ trêu là, khi quyền lực mà tuyệt đối thì lòng người cũng theo đó chia rẽ một cách tuyệt đối. Do đó thống nhất là một cái bánh vẽ. Bánh đã vẽ làm sao nuốt, hỡi kẻ thắng, bại?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)