Đỗ Thành Nhân
(VNTB) – Quảng Ngãi đang xôn xao dư luận trên báo chí và mạng xã hội là Công an tỉnh điều tra, làm rõ vì sao quyết định cho thôi chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi của Bộ Chính trị đối với ông Lê Viết Chữ bị tung lên mạng xã hội, vi phạm Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người vi phạm bị xử phạt hành chính 10-20 triệu đồng (1-2 tháng thu nhập).
***
Điều 4.1 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Điều này được hiểu là: Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng chính danh, có quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội công khai.
Đảng Cộng sản Việt Nam được Hiến pháp thừa nhận, lại là lực lượng lãnh đạo đất nước thì ông (bà) nào làm Tổng bí thư Đảng là điều đảng viên, nhân dân cả nước rất quan tâm; và thông tin ai làm Tổng bí thư Đảng không phải là thông tin cá nhân bởi vì nó liên quan đến đường lối, chính sách, vận mệnh của một quốc gia, dân tộc.
Ví dụ: ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay là Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam là thông tin chung, công cộng; việc công khai trên các phương tiện thông tin là hoàn toàn hợp Hiến theo Điều 25 Hiến pháp năm 2013. Người dân kính trọng, đưa tin ông làm Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư Đảng mà không cần ông Trọng đồng ý hay không đồng ý.
Thu hẹp một chút ở cấp độ địa phương quy mô cấp tỉnh, như tỉnh Quảng Ngãi, với dân số hơn 1,2 triệu người. Việc ông Lê Viết Chữ, “thôi giữ chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015-2020 để xem xét bố trí công tác khác” không phải là thông tin cá nhân của ông Lê Viết Chữ.
Ngay cả Luật doanh nghiệp, một tổ chức nhỏ vài ba người so với một tỉnh 1,2 triệu dân, khi thay đổi người đại diện pháp luật cũng phải công khai và buộc phải đặng ký lại với Sở Kế hoạch và đầu tư.
Việc công bố ông Lê Viết Chữ “thôi giữ chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi” hay một người nào đó “thôi đại diện pháp luật Công ty …”, không cần bản thân ông Chữ hay người nào đó cho phép. Bởi vì:
– Trong quan hệ dân sự, người đại diện pháp luật Công ty liên quan tới các quan hệ giao dịch kinh doanh với khách hàng;
– Trong hệ quản lý nhà nước và xã hội, thì chức danh Bí thư Tỉnh ủy liên quan tới quản lý, “lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” của một tỉnh hơn 1,2 triệu dân.
Không riêng gì thông tin chức vụ, mà các thông tin khác liên quan tới chức vụ: như hình thức kỷ luật, các sai phạm, … của các ông khác như Đinh La Thăng, Lê Thanh Hải, … cũng công bố công khai, rộng rãi, nhưng đâu cần các ông này đồng ý. Nhưng riêng Quảng Ngãi là một ngoại lệ … !
Báo chí đưa tin Công an tỉnh Quảng Ngãi đang điều tra quyết định cho thôi chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi của Bộ Chính trị đối với ông Lê Viết Chữ bị tung lên mạng xã hội là “vi phạm khoản 3, điều 102, nghị định 15 về việc thu thập thông tin của người khác đưa lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý.” (xem các hình và link các báo kèm theo).
Ở đây cần làm rõ các nội hàm liên quan tới Điều 102.3.e), nội dung như sau:
“Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin. 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý …”
Một. Thông tin ông Bí thư Lê Viết Chữ “thôi giữ chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi” là thông tin cá nhân hay thông tin của đảng Cộng sản Việt Nam ?
Hai. Nếu “thôi giữ chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi” là thông tin cá nhân, thì ông Lê Viết Chữ đã có đơn trình bày về việc ông CÓ hay KHÔNG đồng ý đưa tin ?
Ba. Nếu “thôi giữ chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi” là thông tin cá nhân, thì các thông báo về kỷ luật ông Lê Viết Chữ có phải là thông tin cá nhân ? Và việc công bố có vi phạm pháp luật hay không ?.
Bốn. Nếu “thôi giữ chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi” là thông tin của Đảng, thì cũng chưa thấy nội dung nào ghi là thông nội bộ, bảo mật hay hạn chế công bố.
Bất kỳ quốc gia nào, một đảng lãnh đạo hợp hiến, hợp pháp, chính danh thì công khai tên người lãnh đạo, thôi lãnh đạo đảng các cấp là điều hoàn toàn bình thường. Riêng ở Việt Nam vì chỉ có một đảng lãnh đạo cho nên là nhu cầu tất yếu của “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” (theo Điều 25, Điều 28 Hiến pháp năm 2013), thông tin người lãnh đạo, thôi lãnh đạo Đảng từng địa phương không thể là thông tin mật, càng không phải là thông tin cá nhân, công bố công khai càng sớm càng tốt.
Nếu như có đảng viên, công dân, tổ chức nào đó gửi đơn: “Kính gửi: ông Lê Viết Chữ – Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi” vô hình chung chống lại quyết định của Ban Chấp hành Trung ương đã cho thôi chức trước đó !