VNTB- Chuyện nghề 06: Lời khích lệ và cái đầu trọc

Lân Hộ

(VNTB) –Một tuần sau, quảng cáo của công ty S chạy ầm ầm trên tờ báo. Vài tuần sau đó, ông tổng biên tập du hí tận trời Âu… 



Cách đây khoảng 20 năm về trước, công ty tiểu thủ công nghiệp và xuất nhập khẩu S là một doanh nghiệp nhà nước lớn trong ngành hàng nhập khẩu hàng hóa dân dụng. Nhiều nhà lãnh đạo và chính trị gia đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của công ty này, họ tin rằng công ty S sẽ “bay cao và bay xa”.
Anh là một phóng viên chuyên ngành kinh tế giỏi, có trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp. 

Anh không tin rằng, công ty S sẽ “bay cao bay xa” mà tin rằng công ty này sẽ “bay đi mãi mãi”. Linh cảm nghề nghiệp mách bảo anh như vậy. Và anh kiên trì và âm thầm gom góp tài liệu cho một loạt bài phóng sự điều tra, cho dù anh biết rõ rằng, anh có thể đối mặt với sự hiểm nguy, công sức của anh sẽ trở thành công cốc do các áp lực. Nhưng, là một nhà báo chân chính, anh muốn biết sự thật và muốn truyền tải sự thật.

Sau nhiều tháng trời ròng rã, anh đã phát hiện ra rằng, công ty S thành công trên thương trường là do nợ đọng thuế hải quan- chiếm dụng tiền thuế nhập khẩu làm nguồn vốn kinh doanh. Nợ đọng thuế nhập khẩu của công ty S lúc nào cũng nằm ở mức thấp nhất là 300 tỉ đồng- một số tiền lớn khủng khiếp vào thời ấy.
Và anh cũng đã phát hiện ra một vấn đề động trời: công ty S rất giỏi trong việc “lập lờ đánh lận con đen” giá trị của các mặt hàng nhập khẩu để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, gây thất thu cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Tại sao công ty S có thể qua mặt dễ dàng các cơ quan chức năng để gây thiệt hại cho nhà nước và mang lợi ích về cho mình? Bà HTL, giám đốc của công ty này có mối quan hệ thân thiết với các chính trị gia hàng đầu dẫn đến việc công ty S được kinh doanh bằng quyền lực, được kinh doanh bằng các đặc quyền đặc lợi.
Anh liên hệ với công ty S để làm việc với bà giám đốc không phải về vấn đề xin quảng cáo mà về vấn đề nợ đọng thuế nhập khẩu. Anh không úp mở. Rất nhanh chóng, bà giám đốc đã cho anh một cuộc hẹn.
Họ, một nhà báo đầy bản lĩnh nghề nghiệp và một doanh nhân lọc lõi, đối diện nhau trong một căn phòng rộng thênh thang và sang trọng. Thống nhất xong nội dung và giới hạn của buổi làm việc, họ nhìn nhau căng thẳng. Anh biết anh phải hỏi những vấn đề gì và những câu hỏi nào, bà giám đốc biết sẽ trả lời câu hỏi như thế nào để có lợi cho công ty S và cho cá nhân bà.
Anh lấy máy ghi âm ra. Bà giám đốc không đồng ý ghi âm cuộc gặp gỡ này. Anh nói nhỏ nhẹ: “ Tôi là một nhà báo, tôi không thể lén lút ghi âm. Nếu chị không đồng ý cho ghi âm thì tôi đành chịu nhưng tôi sẽ viết theo những tài liệu tôi có, và phần bất lợi sẽ nghiêng về công ty S đấy. Tốt nhất, chị nên đồng ý cho ghi âm, cứ cho rằng đó là lời giải trình và giải thích của chị cho những vấn đề nhạy cảm”. Bà giám đốc vui vẻ đồng ý.
Cuộc phỏng vấn dài 55 phút đã trở thành một cuộc chất vấn. Cả hai người đều lọc lõi trong nghề nghiệp của mình, và, sự gian dối đã phơi bày.
Khi tiễn anh ra về, bà giám đốc cười nhỏ nhẹ với anh: “ Công ty chị đang có nhu cầu quảng cáo mạnh. Chị dành cho em một hợp đồng dài hạn nhé. You ok?”. Anh cũng cười nhỏ nhẹ: “Chị biết đấy, em chưa bao giờ  làm quảng cáo ”. Bà giám đốc  nói giọng lạnh tanh:” Công ty chị tiềm lực rất mạnh, em ạ”. Anh trả lời: “Em biết. Nhưng em cũng có bạn bè là hàng trăm nhà báo chân chính”.
***
Anh quyết định gặp trực tiếp tổng biên tập – một nhà báo giỏi nghề và tràn đầy kinh nghiệm trên chính trường – để trình bày các sai phạm của công ty S. Sau khi nghe anh trình bày nội dung, nghe băng ghi âm và xem xét các tài liệu, ông tổng biên tập tỏ ra rất căng thẳng. Một lát sau, ông hồ hởi nói với anh: “Đây là một đề tài quá hay cho ra đời một phóng sự điều tra rất hấp dẫn. Anh luôn luôn tôn trọng khả năng nghề nghiệp của em, công sức mà em đã bỏ ra. Anh cũng tôn trọng sự thật và tôn trọng bạn đọc. Em viết đi. Chuyện này chỉ mình anh và em biết thôi. Và em làm việc trực tiếp với anh, không phải qua ai cả. Vấn đề thật hay. Em cố gắng lên nhé”.
Quá hiểu sếp, anh phóng viên không vội hào hứng và hưng phấn. Tuy vậy, anh vẫn viết một phóng sự điều tra dài kỳ theo đúng lương tâm nghề nghiệp. Hai ngày sau, anh đem bài lên nộp trực tiếp cho tổng biên tập.
Anh vẫn đoán trước một điều rằng, sẽ có một thỏa thuận ngầm giữa tổng biên tập và bà giám đốc, và phóng sự điều tra này sẽ mãi mãi không được đăng tải. Sức mạnh của đồng tiền sẽ đứng cao hơn quyền được biết của cộng đồng và bạn đọc. Quảng cáo của công ty S sẽ tràn ngập trên tờ báo, và tổng biên tập sẽ có một chuyến du lịch dài ngày ở một phương trời xa lắc xa lơ nào đó.
Một tuần sau, tổng biên tập gọi anh lên phòng ông làm việc. Khuôn mặt ông buồn rầu rĩ. Ông nhỏ nhẹ nói với anh:
– Anh đã cân nhắc kỹ mọi điều. Bài phóng sự điều tra của em không đăng được, em ạ. Thật buồn. Em hãy hiểu cho anh. Em hiểu sự nhạy cảm của vấn đề chứ?
Anh đón nhận kết cục với sự lạnh lùng hiếm có. Anh hỏi sếp:
– Em sẽ gửi bài phóng sự điều tra này cho một báo khác nhé? Hoặc là em cung cấp tài liệu cho phóng viên báo bạn nhé?
Ông tổng biên tập nhìn thẳng vào mặt anh như đe dọa:
–  Em đừng làm thế! Gây thù chuốc oán mà làm chi! Hãy nghe lời anh!
Một tuần sau, quảng cáo của công ty S chạy ầm ầm trên tờ báo. Vài tuần sau đó, ông tổng biên tập du hí tận trời Âu. Sau chuyến du lịch, ông kêu anh lên phòng, lấy ra chai rượu tây đưa cho anh và nói:
– Rượu xịn đấy, chỉ mình em được anh tặng thôi.

Anh cười và nói với ông:
– Rượu này uống vô không say đâu, vì chỉ toàn vị cay và đắng thôi.

Quá buồn và chán, anh chạy thẳng ra tiệm hớt tóc, yêu cầu anh hớt tóc cạo trơn trụi để có được cái đầu trọc- một kiểu tóc mà thời ấy chỉ có những kẻ giang hồ cộm cán mới dám chấp nhận.

(Thông tin thêm: Vào năm 2003, bà HLT, giám đốc Cty S đã vướng vòng lao lý trong một vụ án kinh tế khác của công ty S.)
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)