Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chuyện người đầu bếp Dưỡng đường Dung Anh

Cù Mai Công 

 

(VNTB) – Mẹ tôi kể có lần bà được vinh dự đưa vô Dinh Độc Lập nấu bún bò Huế cho Ngô tổng thống ăn.

 

(Theo anh Lê Chí Hùng, con nuôi bà Lê Thị Liền. Bà Liền sanh năm 1933, quê quán: Đơn Quế, Hải Quế, Hải Lăng, Quảng Trị; đầu bếp gia đình bác sĩ Trần Đình Đệ và dưỡng đường Dung Anh từ 1957 – 1975)

“Cuối năm 1956, khi còn ở quê nhà Quảng Trị, vì bị bắt bớ nhiều lần để tra khảo tin tức về người chồng theo Cộng sản, mẹ tôi đã trốn ngược trốn xuôi rất khổ cực. Lúc đó, bà Trần Thị Duyên, con cụ đại phú Cửu Hoằng là người cùng làng Đơn Quế về thăm quê, biết tình cảnh mẹ tôi, bà nói với ông ngoại tôi đưa mẹ tôi vô Sài Gòn sống.

Vô tới Sài Gòn, bà Duyên xin cho mẹ tôi ở giúp việc nhà cho gia đình anh trai của bà tên Phú nhà ở Thủ Đức. Ông Phú có bốn con: Phong, Hạnh, Hường, Nhu.

Một thời gian sau, ông Phú giới thiệu cho mẹ tôi sang giúp việc nhà người em rể là ông Tham Thụy, kiến trúc sư, con rể của cụ Cửu Hoằng. Ông Tham Thụy quê làng Xuân Dương, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, Quảng Trị; có tám con, năm trai (tên Hồng, Thuyên, Phi, Kỳ, Tiến) và ba gái (tên Phương, Kim, Trang).

Năm 1957, có người giới thiệu, mẹ tôi xin việc ở dưỡng đường Dung Anh, số 179 Công Lý (nay là Bệnh viện Y Học cổ truyền TP.HCM, 179 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3). Mẹ tôi được nhận vào làm.

Ông bà chủ Dung Anh là giáo sư, bác sĩ, thạc sĩ y khoa Trần Đình Đệ và bà Đặng Thị Ngọc Anh. Vì mẹ tôi là người Quảng Trị, sát bên Huế nên được ông bà chủ rất thương. Bà Ngọc Anh dạy mẹ tôi nấu ăn bài bản, kể cả các món ăn Tây để thết đãi khách. Sau một thời gian, cứng tay nghề, mẹ tôi được phân công làm bếp trưởng của bệnh viện chuyên về phụ sản này. Mẹ tôi kể có lần bà được vinh dự đưa vô Dinh Độc Lập nấu bún bò Huế cho Ngô tổng thống ăn.

Được nhà chủ thương, mẹ tôi thân thiết với tất cả thành viên gia đình của hai ông bà Trần Đình Đệ. Bên gia đình ông Đệ có chị đầu Trần Thị Thanh Chanh (gọi là bà Hai), Trần Thị Thanh Trà, Trần Thị Thanh Yên, bác sĩ Trần Đình Đệ, bác sĩ Trần Đình Chương, giáo sư đại học Trần Đình Vinh (ông Bảy) và thiếu tá tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 63 thuộc Liên đoàn 24 Biệt động quân Trần Đình Đàn.

Bà Đệ người Bình Định, có anh em ruột là Đặng Hiếu Trương (theo Cộng sản), Đặng Hiếu Điển (gọi là ông Mười).

Ông bà Trần Đình Đệ có năm con, tên Trần Thị Ngọc Dung (lấy chồng Anh), Trần Đình Hoa, Trần Đình Chi, Trần Đình Huyên và Trần Đình Hy. Ông bà Đệ đều học trường Pháp, nói tiếng Pháp, nên các con ông bà đều cho học trường Pháp và nói tiếng Pháp thường xuyên trong nhà.

Bà Trần Thị Thanh Yên có chồng tên Liên, là nghị sĩ thượng viện thời Đệ nhất Cộng hòa. Bác sĩ Trần Đình Chương có ba con gái. Giáo sư Trần Đình Vinh có năm con, bốn trai một gái. Ông Đặng Hiếu Điển (ông Mười) lấy con gái bà Trần Thị Thanh Chanh (bà Hai), sanh bốn con tên: Đặng Hiếu Hưng, Đặng Minh Duyên, Đặng Ngọc Duyên, Đặng Hiếu Quang.

Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ năm 1963, hai ông Trần Đình Đệ và ông Trần Đình Chương bỏ việc chính quyền về làm bác sĩ tại dưỡng đường Dung Anh và làm bên Y tế Quốc tế (WHO).

Mẹ tôi kể rằng, suốt 18 năm làm công cho bệnh viện của ông bà Trần Đình Đệ, bà được mọi người trong nhà thương yêu, quý mến như người thân. Mẹ tôi hạnh phúc và biết ơn vô cùng, dù công việc bếp núc rất bận rộn và mệt nhọc. Bà lo việc ăn uống từ nhân viên bệnh viện đến người nhà bệnh nhân, thường chật kín các phòng khám và sanh nở, có khi hơn trăm người; ngày nào cũng như ngày nấy, rất vất vả.

Có khi chiêu đãi khách của ông chủ, món Tây món Ta, buffet các thứ; miệng nói tay làm. Mỗi khi mẹ bịnh, gia đình ông Đệ vẫn trả lương đầy đủ khi nghỉ bịnh. Rồi các con cháu ông bà Đệ, dù con cháu chủ, nhưng các em ấy đều rất lịch sự, tôn trọng người làm công và tuyệt nhiên không bao giờ phá phách những người làm. Trong giờ nghỉ ngơi, các em nhón chân đi lại rất nhẹ nhàng trong nhà, tránh gây tiếng động để không làm mất giấc ngủ của những người làm công.

Sống trong môi trường như vậy, anh chị em nhân viên ai cũng tận tình, hết lòng làm việc. Cuối năm, ông bà Đệ thưởng tết cho người làm kha khá để mua quà gửi về quê cho gia đình. Vì vậy, có người giới thiệu bà con vào làm cùng. Mẹ tôi cũng đưa một người làng và hai cháu gái của mẹ vô làm.

Mẹ tôi mỗi lần nghỉ phép về thăm quê đều mang tiền về giúp đỡ gia đình, anh em. Bà con trong làng lúc đó đi lính hay sống ở Sài Gòn gặp khó khăn cũng đến đây gặp mẹ và bà đã giúp đỡ. Cũng là nhờ mẹ có một nơi dung thân và làm việc đàng hoàng, đối đãi thân tình, thương quý.

Sáng 30-4-1975, trên đài phát thanh, Tổng thống Dương Văn Minh đọc lệnh bàn giao chính quyền và kêu gọi các binh sĩ dừng chiến đấu để tránh gây thêm đổ máu. Trên đường Công Lý, hàng dài những sĩ quan và bính lính Cộng hòa tay cầm súng chỉa mũi xuống đất. Họ đi về đơn vị và Bộ Tổng tham mưu để giao nộp vũ khí. Có người vứt luôn súng ngoài đường. Mẹ tôi đứng trên lầu dưỡng đường ngó coi tình hình. Ông Đặng Hiếu Trương cũng đến dưỡng đường để lấy những di sản gia tộc của bà Đệ để lại rồi nhã nhặn, lịch sự chào mọi người, ra đi. Ông Trần Đình Đàn cũng ghé qua lấy đồ đạc cá nhân, thăm hỏi nhân viên và nói anh chị em biết ông chuẩn bị ra trình diện chánh quyền mới.

Đó là lần cuối cùng mẹ tôi gặp hai người thân trong gia đình ông bà Đệ.

Ngày 1-5-1975, theo lệnh trước đó của ông bà Đệ là tặng lại bệnh viện cho chánh quyền mới nếu họ vô. Mẹ tôi đứng ra đại diện cho chủ nhân dưỡng đường Dung Anh, làm thủ tục bàn giao toàn bộ dưỡng đường bao gồm tài sản đã liệt kê và chìa khóa các phòng cho Ủy ban Quân quản do ông Sáu Trọng và cô Hà thư ký làm đại diện.

Ông Sáu Trọng và cô Hà nói nếu mẹ tôi ở lại họ sẽ để cho mẹ phòng 108 của dưỡng đường để ở rồi sắp xếp sau vì đó là phòng mẹ ở từ trước tới lúc đó.

Chiều 1-5-1975, hàng dài xe quân sự của bộ đội chạy dọc đường Công Lý về hướng Dinh Độc Lập, cùng phía và cách Dung Anh khoảng một cây số. Ngổn ngang trên đường là xe hơi, xe đạp, xe máy, xích lô, ba gác, áo quần, bàn ghế… Người trên đường cũng vội vã đi đâu đó không rõ. Mẹ tôi thu xếp mọi hành trang, quyết định trở về quê hương Quảng Trị. Anh chị em làm ở dưỡng đường chia tay trong nước mắt giàn giụa vì biết sẽ mất nhau. Chúng tôi từ đó bặt tin gia đình ông bà chủ Dung Anh luôn sống từ tâm và chia sẻ…

Suốt bao năm nay, đã gần nửa thế kỷ sau ngày chia tay ấy, mẹ tôi càng kể chuyện xưa nhiều hơn. Năm nay (2023) đã tròn 90 tuổi, hầu như ngày nào bà cũng nhắc về ông bà Trần Đình Đệ và anh chị em, gia đình ông bà ở dưỡng đường Dung Anh, rưng rưng nước mắt. Có lẽ đó là những ngày đẹp nhất, hạnh phúc nhất thời thanh xuân của mẹ tôi.

Tôi cũng khó cầm lòng, có những tình cảm mà con người đã cho nhau thật bao la. Có khi không phải máu mủ ruột rà, nhưng khi đã được sống cùng nhau, đã yêu thương, mến trọng nhau thì cũng là tình cảm sắt son bền chặt không thua gì ruột thịt. Để rồi người ta nhớ mong được gặp lại nhau ngày càng mãnh liệt, những bức xúc quằn quại trong lòng như khi nghĩ về người thân quyến của mình…”.


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ông Tạ – “Thủ phủ giò chả Sài Gòn – Gia Định”

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn 100 ngày COVID khốc liệt: Ai đong được hết nước mắt? Ai sao kê nổi yêu thương?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Hồi ức Phú Nhuận” của một người con Phú Nhuận 

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.