Minh Triều
(VNTB) – Bộ Thông tin và Truyền thông ở đâu, quản lý ra sao mà để mạng xã hội Việt toàn rác độc hại?
Trong thời đại 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sự lan tràn của các video ngắn độc hại trên các nền tảng này, đặc biệt là đối với trẻ em.
Các phim ngắn độc hại thường bao gồm nội dung bạo lực, tình dục hoặc kích động, có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và tâm hồn của người xem (nhất là đối tượng trẻ em). Những nội dung này thường được lan truyền nhanh chóng thông qua các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube,…
Dạo gần đây, lướt trên các trang mạng xã hội không khó bắt gặp những nhóm làm phim ngắn cho ra đời hàng loạt các video phim ngắn với nội dung phản cảm, hình ảnh dung tục. Đáng nói, nội dung hầu như các video đều có tính gợi dục, nhạy cảm, bạo lực và không có tính giải trí hay giáo dục nào. Đặc biệt, nhìn sơ qua thì có thể thấy rất nhiều video với nội dung chẳng khác gì phim 18+, phim người lớn mang tính đồi trụy hơn là phim ngắn mang tính giáo dục.
Việc truy cập dễ dàng và không có sự kiểm duyệt nghiêm ngặt sẽ khiến cho các nội dung độc hại lan tràn mạnh mẽ, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và hành vi của người xem. Đặc biệt, trẻ em rất dễ học và làm theo những gì các em thấy trên video vì không thể suy nghĩ cặn kẽ, thấu đáo như người lớn. Nhiều chuyện đau lòng bắt nguồn từ clip độc hại trên mạng xã hội mà các em xem và tò mò, bắt chước làm theo cũng đã từng xảy ra.
Năm 2020, dư luận bàng hoàng trước thông tin một bé gái 5 tuổi (quận Tân Phú, TP.HCM) chết do làm theo video hướng dẫn trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên YouTube. Theo lời cha mẹ em, vào thời điểm xảy ra sự việc, D vừa xem xong một video hướng dẫn trò thắt cổ trên mạng. Tò mò, D đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà làm theo. Khi được người nhà phát hiện, bé D đã trong tình trạng mặt mũi tím tái, không còn hơi thở và không qua khỏi. (1)
Có thể thấy, hàng loạt các video làm ra để câu like không có tính giáo dục hay giải trí, giá trị cộng đồng nếu không nói là nhảm nhí… đang lan truyền khắp các nền tảng với hàng triệu lượt xem trên mạng. Thế nhưng, thật lạ khi không hề thấy có sự kiểm duyệt và biện pháp xử lý nào từ cơ quan chức năng.
Bộ Thông tin và Truyền thông thường là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và quản lý hoạt động truyền thông, bao gồm cả mạng xã hội. Thế nhưng, sự lơ là và thiếu kiểm soát từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông đối với hoạt động của các nền tảng mạng xã hội Việt Nam đã dẫn đến việc các video, hình ảnh và bài viết có nội dung bạo lực, tình dục và kích động tràn ngập các nền tảng mạng xã hội.
Theo Bộ thông tin và truyền thông, trong năm 2021, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn khoảng 2.000 trang web, hình ảnh, bài viết có chứa các thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội, gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ. (2) Phần lớn trong số đó là những nội dung có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của chế độ, các nội dung bị gán cho là “phản động”. Còn những video có ảnh hưởng xấu đến trẻ em chỉ bị tháo gỡ khi bị báo chí điểm mặt chỉ tên, có nghĩa là Bộ 4T đi sau dư luận mà không có một biện pháp nào để bảo vệ những người dùng dễ bị tổn thương.
Nói trắng ra thì Bộ Thông tin và Truyền thông đã thất bại trong việc áp đặt các biện pháp kiểm duyệt nghiêm ngặt để kiểm soát ngăn chặn sự lan tràn của nội dung độc hại trên mạng xã hội. Với sự yếu kém và không theo kịp thời đại 4.0 của Bộ Thông tin và Truyền thông như hiện nay thì nhà cầm quyền cần xem lại và đào thải những cán bộ bất tài không có kinh nghiệm để bắt kịp sự phát triển của xã hội.
______________
Tham khảo: