VNTB – Có một Tuyên giáo đầy ngạo mạn

VNTB – Có một Tuyên giáo đầy ngạo mạn

Thuý An

 

(VNTB) – Lịch sử ở Việt Nam được viết bằng phán xét của Tuyên giáo Đảng.

 

Trong một văn bản ký ngày 5-1-2022 tại Hà Nội bởi phó trưởng ban tuyên giáo Phan Xuân Thuỷ, liên quan đến hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký thì không xem xét lấy tên hai nhân vật này đặt tên cho đường, phố, công trình công cộng: chỉ đặt tên “danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.

Một văn bản đầy chất hỗn xược. Cụ Phan và cụ Trương, chưa biết rõ công tội như thế nào, nhưng, Tuyên giáo Trung Ương có chắc nắm rõ về cuộc đời cũng như tất cả hành động của hai cụ và những cái ẩn khuất trong lịch sử hay không mà lại ký một văn bản như thế? Chẳng khác nào nói hai cụ không có công trạng gì? Nếu xét như văn bản đã được ký, đối chiếu với lịch sử, cụ Phan có công đối với tỉnh Vĩnh Long thời điểm đó.

Theo một tư liệu lịch sử, Hiệp ước mà cụ Phan ký với Pháp gồm 12 khoản, theo đó, ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Luân được nhượng cho Pháp (Khoản 3 Hiệp ước); trào đình phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha một khoản bồi hường chiến phí là 4 triệu piastre trong 10 năm, mỗi năm 400.000 đồng (quy ra bạc là 288 ngàn lượng) (Khoản 8 Hiệp ước). Đổi lại, người Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho trào đình Huế, nhưng kèm theo điều kiện là trào đình phải có biện pháp chấm dứt các cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp ở các tỉnh (Khoản 11 Hiệp ước).

Cụ Phan Thanh Giản làm quan trong thời đại của nhà Nguyễn, có thể nói, ít nhiều cũng ảnh hưởng những triết lý Nho giáo để lại. “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” cũng là một trong những triết lý Nho giáo đó.

Thử nghĩ mà xem, nếu như không có sự đồng ý của vua chúa nhà Nguyễn, liệu rằng một Phan Thanh Giản có dám tự ý dâng ba tỉnh cho Pháp hay không?

Nói về nhân vật mang tên Trương Vĩnh Ký, theo học giả Vương Hồng Sển thì: “Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người xứng danh học trò cửa Khổng” (Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa).

Nhà văn Sơn Nam trong Cá tính miền Nam thì: “Ông Trương Vĩnh Ký từ khi đỗ đạt cho đến khi mất vẫn tỏ ra thân Pháp. Tuy nhiên, người ở miền Nam không bao giờ khinh rẻ ông. Ông không gia nhập Pháp tịch; trước khi mất, ông biết thân phận của người học giả sống trong thời kỳ khó khăn…

Ông này khi sanh tiền tuy là nhà nước tin cậy mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lang sa biết phong tục lễ nghĩa của con nhà An Nam, cho khỏi chỗ mích lòng nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày lo đặt sách này dịch sách kia cho kẻ hậu sinh dễ học. Thiệt là quan thầy của cả và Nam Kỳ…

Ngoài những tác phẩm biên khảo mang tính cách bác học, ông Trương Vĩnh Ký còn chú ý đến độc giả bình dân, lời văn theo lời ăn tiếng nói thông dụng lúc bây giờ. “Chuyện đời xưa” của ông cùng là “Chuyện giải buồn” của Huỳnh Tịnh Của hãy còn được nhắc nhở…”

Một giảng viên đã từng nói: “Lịch sử thuộc về phe chiến thắng”. Ừ thì thắng làm vua, thua làm giặc, muốn nói gì thì nói. Song, thiết nghĩ, dù có thế nào đi chăng nữa, lịch sử vẫn mãi mãi là lịch sử.

Giữa một người không sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, làm sao có thể hiểu rõ hết tính cách, lối sống, nề nếp, văn hoá của vùng đất?

Và nếu như đem so sánh những đóng góp của hai ông với không chỉ địa phương mà còn với Tổ quốc, quá rõ ràng, là phù hợp với “có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật” cũng như được nhân dân suy tôn và công nhận. Vậy há chi mà không được đặt tên đường, phố, công trình công cộng là tên hai ông?

Cũng giống như cụ Nguyễn Trãi hay Tổng trấn Gia Định thành ông Lê Văn Duyệt, sự thật rồi cũng sẽ được phơi bày. Dù đúng hay sai, khi chưa rõ cụ thể, mà dám lên tiếng phê phán, phê bình rồi tự ý ghép tội tiền nhân, nói theo kiểu dân gian, đó là một hành động đầy hỗn hào…

Nói thêm, đâu chỉ là hỗn xược mà người soạn cái văn bản này xem chừng chữ nghĩa cỡ học trò lớp Một, bởi nếu không phải vậy thì thử hỏi Ban Tuyên giáo trung ương là nơi đứng đầu cả nước về tuyên giáo, nơi mẫu mực về văn bản, văn phong…

Ở đây rất nhiều giáo sư tiến sĩ, bằng cấp đầy người mà các bác làm cái văn bản cứ như trình độ học sinh tiểu học. Thật vậy, có câu họ làm một mạch trên 120 từ, rối tung, rối mù…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)